Tiểu Sát Tinh
Chương 10: Kể rõ sự thể
Tỵ Trần đạo nhân đón Nguỵ bang chủ, trả lời: - Vâng, chính Thẩm thiếu hiệp đấy, nhưng Nguỵ lão tiền bối tới chậm một chút, thiếu hiệp vừa đi khỏi. Nghe nói Nguyên Thông chưa chết, Nguỵ Tấn vui mừng khôn xiết bèn hỏi phương hướng chàng ta vừa đi, và quay về phía đó đuổi theo. Tích Tố đuổi theo, ngăn lão ăn mày lại và nói: - Tiểu bối thừa lệnh Từ Hàn Ngọc Nữ, Thẩm lão tiền bối có lời muốn thưa cùng lão tiền bối. Nguỵ Tấn chưa gặp Tích Tố bao giờ, thấy nàng nói như vậy bèn ngừng bước lại hỏi: - Cô nương là ai? Tam đệ muội lão dặn bảo lão điều gì thế? Tích Tố đưa cành hoa khảm ngọc châu của Từ Hàn Ngọc Nữ cho lão ăn mày rồi nói tiếp: - Lão tiền bối hãy xem qua cành hoa khảm ngọc châu trước để khỏi nghi ngờ lời nói của tiểu bối. Nói xong, nàng nhìn thẳng vào mặt Dị Cái. Lão ăn mày rầu rĩ ứa nước mắt nói: - Phải, cành hoa này vốn dĩ là vật của gia mẫu, trước kia đã tặng cho Thẩm tam đệ trong khi chú ấy kết hôn, cô nương có lời gì cứ nói, lão không nghi ngờ đâu. - Tiểu bối là La Tích Tố. Dị Cái nhìn nàng với vẻ mặt kinh ngạc hỏi: - Cô nương có phải là cô bé ở nhà Lý lão nhị và rất tương đắc với Nguyên Thông đấy không? Tỵ Trần đạo nhân nghe Dị Cái hỏi như vậy mới hết thắc mắc vì hồi nãy y nghe thấy nàng gọi Nguyên Thông là Nguyên đại ca. Y không hiểu tại sao nàng lại gọi Nguyên Thông một cách thân mật như thế. Tích Tố nghe nói, hổ thẹn vô cùng thưa: - Người ám hại Thẩm bá bá không phải là gia tổ. Lão ăn mày đã có lời hứa từ trước là không được nghi ngờ lời nói của nàng. Bây giờ tuy nàng nói như vậy, lão hiệp bắt (mất chữ tr. 110) Tích Tố phải nói rõ nguyên nhân cho mình hay. Tích Tố liền kể cho lão nghe từ lúc mình với Lý sư tỷ và Lý bá bá lên Lư Sơn như thế nào, kể hết đoạn nàng vừa nói mà Nguyên Thông đã được nghe lỏm rồi. Dị Cái nghe tới đó cau mày lại nói: - Việc này không thể trách Nguyên Thông nóng nảy, ngay cả lão già này nếu không hứa trước với cô nương thì cũng sẽ hiểu lầm như y thôi. Tích Tố nói tiếp: - Tối hôm đó, tiểu bối nghe thấy Mai Sơn nhị hữu nói như vậy cũng giật mình kinh hãi, nhưng sau tiểu bối phát giác một nghi vấn, liền giải huyệt cho Lý sư tỷ rồi cùng tiến đến trước mặt Thẩm bá mẫu. Thẩm bá mẫu thấy chị em chúng tôi tự giải huyệt được liền lên tiếng khen ngợi: - Không ngờ nội công của hai cô nương lại cao siêu đến như vậy. Lý sư tỷ liền ngã vào Thẩm bá mẫu và gọi: - Thím ba, cháu nhớ thím lắm! Thẩm bá mẫu tỏ vẻ thắc mắc, ngắm nhìn Lý sư tỷ một hồi lâu rồi ôm chặt chị ấy vào lòng và hỏi: - Cháu là Hoa Nhi? Nước mắt của bà đã giàn giụa ra rồi. Lúc ấy, tiểu bối cảm thấy hai dòng lệ của Thẩm bá mẫu chảy nhiều hơn mức độ mừng rỡ. Sau mới hay vì bà thấy người mà nhớ đến việc nên mới khóc như thế. Thẩm bá mẫu nức nở khóc một hồi rồi mới gạt nước mắt hỏi Lý sư tỷ rằng: - Có phải các cháu vì việc của tam thúc mà đến đây thăm thúc đấy không? Lý sư tỷ đáp: - Cháu theo cha cháu tới đây kiếm tam thúc. Thẩm bá mẫu gượng cười hỏi lại: - Vừa rồi người rú lên một tiếng thực lớn chắc là cha cháu có phải không? Hiện giờ cha cháu đang ở đâu? Lý sư tỷ nhìn lên đỉnh núi, bỗng mừng rỡ đáp: - Cha cháu đã xuống kia. Lý bá bá trông thấy chúng tôi ở đằng xa, lớn tiếng hỏi: - Có phải tam đệ muội đấy không? Thẩm bá mẫu trả lời một cách nhạt nhẽo: - Nhị bá! Lúc ấy, tiểu bối không khỏi thấy làm lạ là sao THẩm bá mẫu đối với người lạnh lùng đến thế? Lý bá bá hình như cũng cảm thấy như vậy, nhưng vẫn vui vẻ hỏi: - Tam đệ có nhà không? Thẩm bá mẫu ứa nước mắt ra, nhưng không trả lời, dẫn chúng tôi đến ngồi trong một hang động. Hang động rộng lớn lắm, và bày biện khá đầy đủ. Có lẽ đó là chỗ ở của m Dương Song Sát. Lý bá bá nóng lòng vội hỏi: - Đệ muội có biết chuyện không? Từ khi Nguyên nhi hạ sơn đến giờ đã gây nên rất nhiều tai hoạ. Thẩm bá mẫu không có vẻ gì kinh dị cả, trái lại còn có vẻ khiển trách mà hỏi lại rằng: - Nhị bá và các ngươi đến đây có phải là vì việc của Nguyên nhi đấy không? Hình như Lý bá bá chưa hiểu câu hỏi của Thẩm bá mẫu, chỉ tôi mà rằng: - Tôi đem cháu gái của La lão tiền bối tới đây yết kiến tam đệ. Tôi nghe nói liền tiến lên một bước vái chào, Thẩm bá mẫu lại còn tỏ vẻ lãnh đạm thêm. Lúc ấy tôi cứ tưởng bà không ưa tôi. Thẩm bá mẫu bỗng nhiên đứng dậy nói với Dương Sát rằng: - Lý đại ca, phiền đại ca dẫn Lý nhị bá đi gặp tam đệ của ông ấy. Thấy thái độ và nghe lời nói của Thẩm bá mẫu nghe có vẻ lạ kỳ, tiểu bối đã cảm thấy hình như gặp một việc gì không may rồi. Dương Sát dẫn chúng tôi đến một hang động khác. Thẩm bá mẫu không đi theo. Lý bá bá dùng giọng mũi kêu hừ một tiếng, rồi bước sải vào trong. Tôi vì có tâm sự nên đi sau cùng. Ngờ đâu, tôi chưa vào đến trong động đã nghe thấy Lý bá bá ở bên trong rống lớn một tiếng và kêu gọi: - Tam đệ! Dị Cái nghe đến đó nước mắt giàn giụa, vội nói: - Cái chết thảm thương của tam đệ đó, lão đã bảo Nguyên Thông đừng nói cho lão nhị hay. Chắc quan tài của tam đệ để ở trong động đó. Lý lão nhị là người giàu tình cảm lắm và cũng nóng tính như lão vậy, tất nhiên y trông thấy quan tài của tam đệ thể nào cũng đau lòng chết đi được. Tấn tuồng bi đát đó lão cũng không muốn nghe thêm, cô nương đừng nói đến đoạn đó nữa. Tới khi Lý bá bá nghe tới người giết Thẩm bá bá là gia tổ phụ, ông ta phẫn nộ hết sức, gân và bắp thịt ở trên mặt cứ rung động hoài. Sau đó, ông mới thở dài và lên tiếng lạnh lùng bảo tôi rằng: - La tiểu thư có muốn biết lão muốn đối phó với tiểu thư như thế nào không? Lý bá bá bỗng gọi tôi là tiểu thư mà không gọi là cháu nữa. Còn tôi thì cứ đứng yên, trong lòng đang nghĩ cách đối phó với tình cảnh đó. Tỵ Trần đạo nhân lên tiếng hỏi một cách lo ngại: - Thế Lý đại hiệp có đánh hay mắng chửi cô không? Lão ăn mày trợn tròn mắt nói ngay: - Đạo sĩ kia đừng có xen lời vào, nhị đệ của lão phu có phải là người hẹp lượng như thế đâu. Tích Tố lắc đầu nói: - Lý bá bá không đánh đập và cũng không mắng chửi mà chỉ nghiêm nghị nói với tôi rằng La tiểu thư từ giờ trở đi tình giao hảo giữa nhà tôi với nhà tiểu thư đã gián đoạn. Nếu tôi mà ác độc như lệnh tôn thì ngày hôm nay tôi phải giữ tiểu thư ở đây không cho tiểu thư về nữa, nhưng vì nhà họ Thẩm vốn có tiếng khoan nhân hào hiệp, mấy chục năm rồi. Tôi không muốn phá hoại tiếng tăm đẹp đẽ ấy. Tiểu thư đi thôi, bây giờ nơi đây không cần một vị khách như tiểu thư nữa. Lần sau có gặp gỡ mong tiểu thư hãy lánh mặt tôi đi là hơn. Lúc ấy tôi muốn phân trần nhưng không biết nói sao cho phải, nên chỉ đưa mắt nhìn Lý sư tỷ thôi, chứ tôi không hề nhích bước. Lý sư tỷ đến bên Lý bá bá, lớn tiếng hỏi: - Thưa cha, đêm hôm khuya khoắt thế này, cha bảo Tố muội đi đâu bây giờ. Lý sư bá lòng cứng rắn như sắt đá, đẩy Lý sư tỷ ra và đáp: - Cả con nữa sau này không được về núi Võ Đang nghe chưa? Nói tới đó ông ta quay lại hỏi tôi rằng: - La tiểu thư, tiểu thư còn ở lại đây không thấy ngượng sao? Bấy giờ, tuy tôi muốn nhịn nhục để gỡ oan cho gia tổ, nhưng không còn mặt mũi nào nên đành giậm chân một cái quay mình đi luôn. Lý sư tỷ vừa đuổi theo, vừa khóc vừa gọi: - Sư muội!… Tôi không dám quay đầu lại nhìn chị ấy, cứ khóc thầm mà đi thật nhanh. Tôi chỉ muốn đâm đầu vào tảng đá mà chết quách đi cho rảnh. Tỵ Trần nghe nói kinh hãi vội la lớn: - Sư muội! Dị Cái thấy Tỵ Trần đạo nhân lo sợ, vội nói: - Sư muội của ngươi đã chết đâu mà sợ. Tích Tố kể tiếp: - Tôi đi rất nhanh, suýt tý nữa thì đụng Thẩm bá mẫu đang đứng ở cửa động, tôi chợt tỉnh cơn phiền não, bụng bảo dạ “suýt tý nữa thì ta bỏ lỡ dịp may để phân trần”. Nghĩ như vậy, tôi liền lớn tiếng gọi: - Bốc lão tiền bối! Thì ra Thẩm bá mẫu đến cửa động đã lâu và đã biết Lý bá bá không hề biết tin Thẩm bá bá đã bị giết hại nên bà ta mới nguôi cơn giận. Bà nắm chặt tay tôi rồi nói: - Cháu, việc này không liên can gì đến cháu, nhà họ Thẩm chỉ có một kẻ thù thôi. Tôi cảm động vô cùng, nhưng lo âu hộ ông tôi. Tôi lẳng lặng theo Thẩm bá mẫu đi trở vào trong động. Lý bá bá thấy tôi, giận dữ đưa mắt lườm tôi và từ từ nói với Thẩm bá mẫu rằng: - Đệ muội, ngu huynh rất lấy làm hổ thẹn. Hình như ông ta dùng lời nói đó mới đè nén được lửa giận. Thẩm bá mẫu lại đưa chúng tôi trở về hang động hồi nãy. Mọi người chỉ ngồi yên lặng, không khí đau đớn đó rất nặng nề, không ai biết nói ra như thế nào là phải. Tôi nhận thấy lúc này là dịp may để cho mình lên tiếng. Tỵ Trần đạo nhân nóng lòng xen lời hỏi: - Lúc ấy sư muội nói những gì? Dị Cái đưa mắt lườm Tỵ Trần đạo nhân. Tích Tố nói: - Tôi liền xin phép Thẩm bá mẫu trước và nói rằng: “Tiểu bối có mấy lời thỉnh giáo Mai Sơn nhị vị đại hiệp.” Thẩm bá mẫu gượng cười đáp: - La cô nương cứ tự tiện. Tôi liền hỏi Mai Sơn nhị hữu rằng: - Xin hai vị đại hiệp hãy cho biết tình hình lúc gặp mặt gia tổ như thế nào? Mai Sơn nhị hữu cũng là người nhanh nhảu, Ất Không liền lên tiếng nói: - Hôm đó là mùng sáu tháng giêng, hai anh em chúng tôi trọ ở khách sạn nhỏ gần núi Thê Hà. Tối hôm đó, cơm nước xong, lúc ấy trời còn sớm lắm mọi nhà còn chưa thắp đèn, chúng tôi ngồi không rất buồn nên liền cùng nhau lên chùa Thê Hà chơi. Ngờ đâu đang đi thì gặp một ông già vạm vỡ cao lớn. Ông ta mặc cái áo bào xanh, đầu to như cái đấu, mặt hồng hào tóc đỏ bước đi nhanh nhẹn, trông không có vẻ gì già nua hết. Ông ấy đi sát qua người chúng tôi rồi đi thẳng luôn. Khi về đến khách điếm, chúng tôi đã thấy ông già ấy đang ngồi ăn, trên bàn bày la liệt những bát đĩa và bát đĩa nào cũng ăn sạch cũng đủ thấy ông ta ăn khoẻ như thế nào. Lúc bấy giờ ông ta bỗng lớn tiếng cười, rồi mới nói rằng: - Khoái thực, khoái thực! Không ngờ ở một tiểu điếm trong thôn quê này lại có thức ăn và rượu ngon đến như vậy, thực là ba mươi năm nay lão phu mới được một bữa ngon miệng và no say. Anh em tiểu bối đã nhận ra ông già này tất phải là tiền bối dị nhân, nhưng nhất thời không nghĩ ra là ai. Trong lúc anh em chúng tôi đang nghi ngờ thì ông ta đã vẫy tay gọi: - Hai chú em chắc cũng là người trong võ lâm có phải không? Tứ hải giai huynh đệ, hai chú lại đây ngồi nhậu nhẹt và chuyện trò với lão phu cho vui. Sự thực, anh em chúng tôi tuổi ngoài bốn mươi, mà bị người ta gọi mình là chú em tất nhiên trong lòng không vui, lão nhị đã lộ vẻ giận ra mặt, còn tôi thì vì lòng hiếu kỳ thúc đẩy nên vội đáp lễ và thỉnh giáo ông già nọ. Nhưng ông không thèm trả lời câu hỏi của chúng tôi mà chỉ hỏi lai lịch, sư môn và tên họ của anh em tiểu bối thôi. Anh em tiểu bối bôn ba ở trên giang hồ bấy lâu nay, chưa từng làm một việc gì trái với lương tâm cả, nên không cần giấu diếm mà cứ theo đúng sự thực trả lời. Ông già ấy nghe tên họ của gia sư xong, liền cười khanh khách lên và nói: - Thằng nhỏ Lục Phồn Tảo đã có đồ đệ rồi, như vậy các ngươi cũng không phải người ngoài. Đáng lẽ các ngươi phải biết ta là ai chứ: Ông ta vừa nói vừa lắc lư cái đầu, tóc đỏ ở trên đầu ông xoã ra như một đám mây đỏ, và có tiếng gió kêu veo veo. Lúc ấy anh em tiểu bối mới nghĩ ra một người, liền giật mình kinh hãi thất thanh hỏi: - Lão tiền bối có phải là La… Ông già ấy không để cho anh em tiểu bối nói dứt liền đỡ lời: - Đã biết ta là ai rồi, các ngươi cứ để bụng, khỏi cần phải nói ra ngoài miệng làm chi. Thế rồi ông bảo anh em tiểu bối ngồi xuống cạnh đó. Anh em tiểu bối tiếp chuyện ông đến nửa đêm. Hôm đó anh em tiểu bối được học hỏi về võ công rất nhiều, thực là một sự kỳ ngộ lớn nhất trong đời. Ngày hôm sau trước khi từ biệt, ông mới sai anh em tiểu bối đến đây chuyển lời như vừa rồi. Tất nhiên anh em tiểu bối không tiện cự tuyệt và cũng không dám hỏi rõ nội tình ra sao. Mai Sơn nhị hữu kể xong, mặt tỏ vẻ e sợ. Nghe lời nói của Mai Sơn nhị hữu, tôi nhận thấy có hai điểm khả nghi. Tôi hỏi luôn: - Hai vị có thấy tóc của gia tổ đỏ như lửa không? Thẩm bá mẫu thấy tôi hỏi như vậy nhìn tôi mỉm cười và nói: - Tóc của lệnh tổ đỏ như lửa, điều này ai ai cũng biết hết, hai mươi năm trước tôi đã được gặp lệnh tổ mấy lần, Mai Sơn nhị vị đại hiệp nói không sai chút nào. Mai Sơn nhị hữu gật đầu tỏ vẻ đồng ý. Thấy vậy tôi càng yếu thế. Dị Cái ngạc nhiên hỏi: - Mai Sơn nhị hữu tả La lão tiền bối như truyền thần vậy chẳng hay cô nương nhận thấy điểm nào khả nghi mà dám quả quyết người đó không phải lệnh tổ? - Tiểu bối nghĩ ngợi giây lát, nhưng không tiện nói ra ngay những điểm hoài nghi, đồng thời tiểu bối lại muốn làm cho mọi người đừng có oán hận gia tổ, nên tiểu bối mới nói tiếp: - Tiểu bối xa cách gia tổ hơn một năm nay. Ngày thường, gia tổ rất ngưỡng mộ ngôn ngữ và hành vi hiệp nghĩa của Thẩm tiền bối, gia tổ thường căn dặn tiểu bối sau này ra đời hành đạo nên theo gương Thẩm tiền bối như vậy đủ thấy gia tổ rất kính phục Thẩm lão tiền bối. Nói tới đó, tiểu bối liếc mắt nhìn thấy Thẩm bá mẫu đang lắng tai nghe, nên tiểu bối mới dám nói tiếp: - Trước khi gia tổ phụ quy ẩn, đã hẹn ngầm với Thẩm lão tiền bối lên đỉnh núi Thái Sơn ấn chứng võ công một phen. Nghe gia tổ nói thì lần so tài ấy, gia tổ dùng Nam Minh Lý Hoa kiếm còn Thẩm lão tiền bối thì chỉ dùng tay không thôi, thế mà đấu hơn nghìn hiệp, gia tổ phụ cũng không thắng thế chút nào. Sau cùng đôi bên bất phân thắng bại. Gia tổ phụ biết Thẩm lão tiền bối đã nương tay cho nên vì vậy về tới nhà, lúc nào gia tổ cũng khen ngợi Thẩm lão tiền bối mà không cảm thấy hổ thẹn chút nào. Quý vị thử nghĩ xem, gia tổ phụ là người có danh vọng, địa vị như thế nếu không kính phục Thẩm lão tiền bối quá mức thì khi nào lại gặp ai cũng khen ngợi Thẩm lão tiền bối luôn mồm. Không những thế, gia tổ phụ còn nói thêm rằng: - Sau trận đánh đó, nếu gia tổ phụ không nói ra câu chuyện này cho mọi người hay, có lẽ thiên hạ võ lâm chỉ có hai người biết có trận đấu ấy thôi. Nói tới đó, tôi lại nhìn mặt Thẩm bá mẫu để mong bà ấy chứng thực cho lời nói ấy của tôi. Quả nhiên Thẩm bá mẫu nói ngay: - Thật đấy, gia ông chưa hề nhắc nhở đến chuyện này bao giờ. Tôi lại càng tin tưởng thêm và nói tiếp: - Gia tổ đã kính mến Thẩm lão tiền bối như vậy, có khi nào ra tay mưu hại Thẩm đại hiệp? Còn Ly Hoả lệnh, tiểu bối không nói ra chắc các vị cũng biết rồi, lệnh đó có tất cả là ba cái, hai cái hiện đang ở trong người tiểu bối đây. Tôi vừa nói vừa lấy Ly Hoả lệnh ra cho mọi người xem rồi tiếp: - Còn một cái khi gia tổ phụ đi Thái Sơn có tặng cho một võ sư họ Tăng ở dọc đường, để ông ta giữ làm bùa hộ mạng cho gia đình vì bấy giờ gia đình họ Tăng đang bị một kẻ thù đuổi theo định giết hại. Sau trận đấu ở Thái Sơn ấy, gia tổ phụ cũng như Thẩm lão tiền bối không ra ngoài giang hồ hành hiệp nữa, nên cũng không thâu hồi chiếc Ly Hoả lệnh ấy. Sau, nhiều người dò xét xem võ sư họ Tăng ấy ở đâu, nhưng người đi dò xét về trả lời là không sao kiếm ra được chỗ ở của Tăng võ sư. Lúc ấy, liền có tin của Thẩm đại hiệp bị mưu sát và trong người của Thẩm đại hiệp lại có Ly Hoả lệnh, tức là chiếc thẻ mà gia tổ phụ cho người đi thu hồi không được. Còn ông già tóc đỏ mà Mai Sơn nhị hiệp gặp gỡ đó, tiểu bối quả quyết không phải là gia tổ, vì Ly Hoả thần công với Lục Dương Cương chỉ của gia tổ phụ nghiên cứu và luyện tập trong ba mươi năm liên tiếp đã luyện tới mức tối cao, cũng vì vậy bộ tóc đỏ của gia tổ phụ mà mọi người đều biết là đỏ đã biến thành xanh. Việc này nếu không do tiểu bối nói ra thì người trên giang hồ không một ai hay biết hết, còn người hoá trang vu oan giá hoạ kia mới chính thật là hung thủ giết người, nhưng y đã để lộ hình tích, vì y không biết tóc của gia tổ phụ đã biến thành xanh rồi.Chỉ có một điểm này mà tiểu bối không sao giải thích được là vết thương chí tử trên người Thẩm đại hiệp lại đúng là bị Lục Dương Cương chỉ đả thương. Lời của tôi nói có chứng cứ hẳn hoi, có nặng có nhẹ. Tuy Thẩm bá bá và Lý bá bá chưa hoàn toàn tin hẳn, nhưng hai vị đã bắt đầu hoài nghi. Sau đó, chúng tôi cùng nghiên cứu, bàn luận, ai cũng phải công nhận ngoài điểm nghi vấn đó ra, lời nói của tôi là đúng. Sau mấy vị cùng hẹn với tôi chia nhau làm mấy ngả đi điều tra, định đến rằm tháng bảy sẽ gặp nhau trong bang của Nguỵ lão tiền bối trao đổi những kết quả đã thu lượm được, rồi đến mười lăm tháng tám sẽ cùng nhau đi lên đỉnh núi Tỷ Kim của dãy Hoàng Sơn để gặp kẻ đã hẹn ước ấy. Tiểu bối phụ trách việc dò la chiếc thẻ Ly Hoả lệnh đã trao cho Tăng võ sư xem hiện giờ chiếc thẻ đó còn ở trong tay ông ta nữa không và đồng thời chuyển báo nhân quả của việc này cho gia tổ hay. Tiểu bối còn một nhiệm vụ nữa là Thẩm bá mẫu nhờ Nguỵ lão tiền bối ngấm ngầm bảo vệ Thẩm thiếu hiệp đừng cho kẻ thù ám hại như Thẩm đại hiệp vậy. Còn việc tiểu hiệp kiếm gia tổ phụ tầm thù, thì bề ngoài cứ để mặc cho tiểu hiệp tự do hành động, như vậy mới làm sai lạc được tai mắt của kẻ gian, với công lực của Thẩm tiểu hiệp bây giờ không thể nào đả thương được gia tổ phụ đâu, và gia tổ phụ cũng không khi nào ra tay đả thương hay chém giết Thẩm tiểu hiệp, nhưng lúc nào thuận tiện, Nguỵ lão tiền bối cũng nên giải thích cho tiểu hiệp hay, để tiểu hiệp đừng coi gia tổ phụ với phái Võ Đang là kẻ thù như bây giờ. Kể xong câu chuyện đó, Tích Tố đã bớt rầu rĩ, mặt hồng hào, hai mắt lóng lánh nhìn thẳng vào mặt Dị Cái. Long Hổ Dị Cái suy nghĩ hồi lâu, giơ tay lên vò tóc một hồi, rồi thở dài một tiếng mới trả lời: - Thôi được, bây giờ tôi hoàn toàn tin hết lời nói của cô nương, chúng ta hãy tạm chia tay, người nào đi làm phận sự của người ấy. Nói xong lão ăn mày định quay người đi, nhưng Tích Tố mặt đỏ bừng nói tiếp: - Thưa lão tiền bối việc của tiểu bối có đi chậm một ngày cũng không sao, vậy ngày mai cũng giờ này, mời lão tiền bối quay trở lại đây cho tiểu bối biết rõ chuyện của Thẩm tiểu hiệp, như vậy tiểu bối mới yên dạ. Dị Cái cười ha hả đáp: - Nếu thời gian cho phép, ăn mày già này cũng không làm cho cô nương thất vọng đâu. Nói xong, y tung mình nhảy lên trên cao ba trượng, bỗng ném trở lại một vật gì có ánh sáng xanh vào người Tích Tố và nói tiếp: - Cô cẩn thận giữ gìn cành hoa ngọc có khảm trân châu này. Chưa nói dứt lời, ông ta đã quay người đi về phía Nguyên Thông vừa đi khỏi rồi mất dạng ngay. Tích Tố chờ Dị Cái đi khỏi rồi mới cùng Tỵ Trần đạo nhân đi vào trong một hang động. Nơi đó trở lại yên tĩnh như xưa, bỗng sau tảng đá có tiếng cười khiến ai nghe thấy cũng rùng mình. Tiếng cười đó vừa dứt, có một bóng người phi lên nhanh như chim cắt đuổi theo lão ăn mày.
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương