Tình Người Duyên Ma

Chương 5: Tình Người Duyên Ma



Trong một thị trấn xinh đẹp nằm bên khu rừng già sầm uất đầy những cây đại cổ thụ. Có gia đình ông Bảy Thu, một thương gia giàu có và cũng là người hạnh phúc nhất nơi đây.

Người vợ đã sinh cho ông luôn một lúc ba cô con gái đều đẹp tựa Hằng Nga, Tây Thi giáng thế. Cả ba chị em đến khi khôn lớn đều hoàn hảo, gợi cảm đến mức hấp dẫn dưới con mắt bọn đàn ông con trai mỗi khi họ được ngắm nhìn!

Người ta nói nếu sinh ba cô con gái ra một dọc, nhà như gặp hạn "tam nương". Nhưng gia đình ông Bảy Thu thì trái hẳn, mỗi ngày càng giàu thêm, người đến nhà giao thiệp mỗi lúc thêm đông. Một phần để nhìn ba cô con gái của ông nhằm kén dâu hay nhăm nhe đến hỏi cưới.

Điều này làm ông Bảy Thu càng yêu quý ba cô con gái hơn, định bụng khi các con ông đã đến tuổi cặp kê sẽ kén chọn mỗi đứa một người chồng có địa vị, danh vọng và môn đăng hộ đối, biết quý nhan sắc con gái ông và tạo dựng một mái ấm hạnh phúc cho đến răng long đầu bạc.

Vì thế mà ông thường nói với vợ:

- Ba đứa Hạnh Xuân, Hạnh Thu và Hạnh Đông đều đến tuổi dậy thì cả rồi. Người ta nói có con gái trong nhà như treo hủ mắm, lúc bể vỡ trở nên thối um, làm tôi ăn ngủ không yên. Cho nên hai vợ chồng mình phải tìm chồng cho chúng nó, để chúng có hạnh phúc mà mình cũng mãn nguyện bớt phần âu lo.

Bà Bảy Thu sau khi nghe chồng bàn về việc tìm chồng cho ba cô con gái, bà cũng góp ý:

- Hạnh phúc trong hôn nhân không chỉ tùy thuộc vào địa vị, hay môn đăng hộ đối. Mà còn do duyên trời định, do sự xếp đặt của ông tơ bà nguyệt. Tốt nhất mình cứ để cho số phận định đoạt, chúng hên nhờ rủi chịu, chứ không lại "già kén kẹn hom" phải khổ vì cha mẹ ép duyên, áp đặt.

Ông Bảy Thu nghe vợ nói cũng có lý, nhưng vì thương ba cô con gái nên ông nói thêm:

- Bà nói vậy tôi không ép các con lấy chồng theo ý mình nữa. Miễn sao bọn mai mối tìm chồng cho chúng, con gái mình gật đầu ưng chịu là tôi gả không cần phải giàu có hay sang hèn gì hết.

Bởi vậy bọn mai mối từ thị trấn đi ra các tỉnh, đến các nơi phồn hoa đô hội tìm kiếm những chàng trai cho xứng với Hạnh Xuân, Hạnh Thu và Hạnh Đông đưa đến nhà giới thiệu.

Các chàng thanh niên đến nhà ông bà Bảy Thu ra mắt đều sống trong những gia đình quyền quý hay giàu có kể cả vóc dáng mà bất cứ cô thiếu nữ nào mới nhìn qua cũng đâm đắm say.

Lần lượt hai cô chị lớn đều lên xe hoa về nhà chồng sống trong hạnh phúc.

Chỉ còn Hạnh Đông cô con gái út của ông bà Bảy Thu, đám mai mối nào đưa người đến ra mắt đều bị nàng lắc đầu từ chối. Đều này khiến ông bà Bảy Thi tỏ ra giận dữ nói với con gái:

- Hạnh Đông con ơi, hai chị con đã đi lấy chồng không đứa nào lắc đầu mãi như con, khiến ba má đâm buồn lòng. Hay con nói ra tâm trạng cho ba má được nghe đi...

° ° °

Hạnh Đông cô con gái út của ông bà Bảy Thu, đẹp người hơn hai chị Hạnh Xuân, Hạnh Thu nhưng tính tình nàng thì trái hẳn.

Hạnh Đông hiền hậu, nhu mì, có tấm lòng bác ái nhân từ, và có cuộc sống trầm lặng, nội tâm.

Chính vì vậy mà Hạnh Đông không dám nói với ba má nàng về một câu chuyện tình lãng mạn giữa nàng và một hồn ma. Nàng chưa dám tâm sự những bí ẩn thầm kín trong cuộc đời, kể từ khi...

Thời gian đó đã trên nửa năm, hàng đêm Hạnh Đông thường bắt gặp một giấc mộng lạ lùng hiện về trong ảo giác. Mỗi khi nàng vừa chợp mắt là thấy một chàng trai thật khôi ngô tuấn tú xuất hiện, là chàng đẹp tựa như Phan Anh, Tống Ngọc trong một truyện Trung Hoa mà Hạnh Đông đã đọc, in đậm hình ảnh đó vào trong tâm não. Bây giờ chàng trai đó đã trở thành hiện thực, cũng chỉ trạc độ tuổi là với nàng nhưng lại là một người tật nguyền!

Thật ra trong buổi đầu tiên mà Hạnh Đông gặp gỡ được chàng, lúc đó nàng đang ngồi tắm trong một con suối vắng người nằm tận trong rừng. Và vì con suối vắng, cho nên Hạnh Đông mới khỏa thân trầm mình ngụp lặn trong làn nước trong xanh, còn áo quần treo lơ lửng trên cành cây lá thắp.

Chợt nhiên có chàng trai xa lạ đến đây từ lúc nào khi Hạnh Đông đang tắm mà không hay, chàng cứ đứng ngắm nàng tắm, cầm tấm vải yếm màu hồng che ngực nàng ở trên tay, rồi chàng cứ đưa lên mũi ngửi lại mùi hương da thịt Hạnh Đông còn vấn vương trên tấm vải yếm đó.

Cả một khắc trôi qua bấy giờ Hạnh Đông mới phát hiện, có người đang nhìn trộm nàng trong lúc tắm. Ôi thôi! Nàng còn gì là sự trong trắng, nhất là người nhìn trộm lại là một chàng trai. Tập quán người Á đông cho hiện tượng này nàng đã thất tiết bởi câu "nam nữ thụ thụ bất tương thân".

Mặc dù chàng trai chưa va chạm vào người nàng một giây phút nào, nhưng chàng đã thấy hết phần thân thể mà tạo hóa đã ban cho nàng! Bốn chữ công dung ngôn hạnh. Hạnh Đông đã vô tình đánh mất đi một chữ hạnh rồi còn đâu!

Thấy Hạnh Đông hoảng hốt sau khi phát hiện ra anh đang nhìn lén nàng tắm, chàng trai hình như cũng xấu hổ mắc cỡ trước sự bất minh của mình, vội vã trốn chạy nhưng anh đã quên trả lại cho Hạnh Đông tấm vải yếm màu hồng còn cầm trên tay.

Ôi đây có phải là định mệnh cho cuộc đời của Hạnh Đông hay không? Tấm vải yếm của người con gái không thể trao cho bất cứ một chàng trai xa lạ nào, bởi chỉ có người chồng mới được cởi nó ra trong đêm động phòng hoa chúc mà thôi.

Vì vậy mà Hạnh Đông chạy vội lên khỏi con suối, mặc nhanh lại áo quần, đoạn nàng dõi mắt tìm chàng trai để xin lại tấm vải yếm. Tuy nó không giá trị nhưng là vật chứng minh cho sự trong trắng của nàng. Hạnh Đông chẳng thấy chàng trai đâu.

Nhưng dấu chân của chàng trai đã dẫm lên cây cỏ đã để lại dấu tích trên đường. Cho nên Hạnh Đông cứ đi theo dấu vết đó để tìm.

Hạnh Đông đi đến chân một quả đồi nằm gần bờ một con sông, ở đó để lộ ra một con đường dốc thoai thoải. Nàng theo con đường ấy đi sâu vào bên trong.

Càng đi vào trong nàng càng thấy lạ lùng, vì nó lại dẫn đến một con đường hầm tăm tối.

Tuy có sợ sệt nhưng Hạnh Đông cứ phải đi, chẳng mấy chốc nàng đi đến một căn phòng thật to lớn, thật xa hoa lộng lẫy, mọi vật trong phòng bày biện đều rất hài hòa, có mùi hương thơm phảng phất. Rồi nàng thấy chàng trai đang ngồi trên chiếc ghế tràng kỷ được dát toàn bằng vàng, tay còn cầm tấm vải yếm che ngực nàng mà ngửi không chịu rời xa.

Bấy giờ Hạnh Đông mới dám lên tiếng:

- Xin chàng hãy trả lại cho em tấm vải yếm màu hồng kia! Nó là vật che thân của em, còn thêu tên em trên đó, nếu mất nó đi còn gì sự trong trắng đời em!

Giọng Hạnh Đông tỏ ra nhún nhường, cầu khẩn. Còn chàng trai đã liếc mắt tình tứ để nhìn nàng, đoạn anh ta đến bên cầm lấy tay nàng rồi âu yếm nói:

- Âu đây là định mệnh mà ông trời đã sắp đặt cho hai ta gặp lại nhau. Nàng biết không, kiếp trước chúng ta đã thành vợ chồng từng sống bên nhau. Và cũng vì định mệnh mà hai ta phải chia ly, nàng qua đời sau một cơn bạo bệnh làm ta phải đêm nhớ ngày thương. Như Trương Chi tương tư hình bóng của Mỵ Nương, còn ta tương tư hình ảnh người vợ vừa quá cố, rồi sau đó ta quyên sinh cốt để hồn ra khỏi xác, du hồn xuống cõi âm ty đi tìm nàng, nhưng từ đó đến nay vẫn bặt bóng hình. Cho đến hôm nay ta tình cờ mới gặp lại nàng, nên hai ta đâu phải người xa lạ nhau!

Hạnh Đông vừa thoáng nghe chàng trai nói, ký ức xưa chợt hiện về, đã nhận ra chàng trai là người chồng từ kiếp trước của nàng, nên mừng rỡ reo to:

- Lang quân của thiếp đây mà, chàng là Trọng Nghĩa đây mà, còn thiếp là...

Không để Hạnh Đông nói dứt câu, Trọng Nghĩa đã ôm lấy nàng vào trong vòng tay rồi nói tiếp lời:

- Còn nàng tên là Đông Xuân phải không?

Trong giấc mơ tiên Hạnh Đông sung sướng khi nghe Trọng Nghĩa gọi lại tên nàng từ kiếp trước, làm nàng cứ run rẩy vui mừng trong vòng tay của chồng. Và để diễn tả nỗi niềm thương nhớ đức lang quân, nàng đưa môi lên hôn say đắm người chồng từng tử biệt sinh ly, rồi bắt đầu nhắm mắt tận hưởng lạc thú mà bao ngày còn dang dở sau buổi chia ly.

Hai người từng là vợ chồng thì nàng còn gì phải giữ gìn, mà thật ra lúc đó Hạnh Đông đã quên mất tên của nàng trong hiện tại, chỉ biết nàng là Đông Xuân gái đã có chồng, còn chồng nàng tên Trọng Nghĩa đang ôm ấp nàng trong vòng tay. Có lẽ căn kiếp đã trở về trong trí não của nàng rồi.

Đến khi hai người rời tay nhau, Hạnh Đông mới đem tâm sự ba má đang bắt ép nàng phải đi lấy chồng như hai người chị lớn:

- Anh ơi! Ba má đang ép em phải lấy chồng, đã có bao chàng trai đến nhà giạm hỏi nhưng em đều lắc đầu từ chối, phải chăng ông trời sắp đặt cho chúng ta được tái duyên.Vậy anh hãy cho người đến nhà để hỏi cưới em, cho chúng ta trở lại duyên tiền định!

Nghe Hạnh Đông tâm sự lúc đó đôi mắt Trọng Nghĩa trở nên buồn, anh mới ôm lấy nàng vào trong lòng rồi lên tiếng trả lời:

- Em ơi, hiện giờ chúng ta vẫn còn phải xa cách vì kẻ âm người dương, anh chưa thoát được kiếp ma để đầu thai thành người, bởi khi xưa đã quyên sinh nên giờ đây vẫn còn là một oan hồn uổng tử!

Hạnh Đông đã hiểu Trọng Nghĩa bây giờ chỉ là hình bóng của một con ma, người âm sao lấy được người sống trên chốn dương trần. Làm nàng đã nức nở khóc lên:

- Vậy tại sao anh nói ông trời cho chúng ta lại được tái duyên cùng nhau?!

Trọng Nghĩa đã lắc đầu trả lời lại câu hỏi của Hạnh Đông:

- Cũng không phải hai ta sẽ không được sum họp trở lại, bởi anh biết định mệnh cho hai ta gặp lại nhau thì sẽ lại cho sống bên nhau. Nhưng...

Trọng Nghĩa đã im bặt nhìn vào người vợ xưa như để thăm dò thái độ của Hạnh Đông, nhưng nàng vẫn nhìn anh và đang lắng tai nghe anh nói tiếp:

- …Anh phải mượn xác hoàn hồn, lúc đó hai ta mới có thể cùng kề vai sát má như hiện giờ. Mà xác người hợp vía đâu phải dễ tìm, nên khi em bắt gặp ai đó cầm tấm vải yếm hồng này người đó chính là anh. Và em nên chấp nhận mối tình của người đó, tuy xác người nhưng lại mang chính linh hồn của người chồng của em tên Trọng Nghĩa này!

Đó là đêm đầu tiên Hạnh Đông gặp lại người chồng từ kiếp trước trong cơn mộng lạ. Và nàng cũng đã giật bắn người khi phát hiện, tấm vải yếm màu hồng nàng đã để trong rương đã không cánh mà bay mất tự bao giờ. Nàng mới cho đó mộng như thật.

Rồi vào mỗi đêm Trọng Nghĩa lại hiện về trong giấc mơ, đưa nàng đến căn phòng xa hoa lộng lẫy cùng nàng ân ái, có lẽ anh muốn tận hưởng lại những gì đã dang dở từ kiếp trước, thời gian mà hai người từng sống âm dương cách biệt.

Bẵng đi một thời gian hồn ma Trọng Nghĩa không còn xuất hiện, khiến Hạnh Đông đâm thương nhớ đi tìm chàng, nhưng con đường dưới chân đồi bên dòng sông dẫn đến căn phòng xa hoa lộng lẫy hai người từng ôm ấp bên nhau, giờ không thấy đâu nữa.

Cho đến một ngày nọ Hạnh Đông có dịp đi ra phố chợ định mua ít hàng hóa mang về để thêu thùa. Trên đường nàng bắt gặp một thanh niên đang chống đôi nạng gỗ cứ đứng nhìn nàng chăm chăm.

Chàng thanh niên cũng trạc độ tuổi với nàng, cũng đẹp mã không kém gì Trọng Nghĩa, nhưng chỉ phải tội anh ta thân thể tật nguyền, đôi chân hình như bị liệt. Vì thế mà Hạnh Đông không dám ngước nhìn để đáp trả, bởi nàng hiểu dù có thương anh ta thì ba má, hai chị nàng sẽ không chấp nhận, mặc dù ba má nàng từng nói: "Hạnh phúc trong hôn nhân còn do duyên trời định, do sự xếp đặt của ông tơ bà nguyệt. Tốt nhất, cứ để cho số phận định đoạt, chúng hên nhờ rủi chịu".

Nhưng chàng thanh niên đã khẽ thốt tiếng kêu lên để gọi tên nàng:

- Đông Xuân em không nhận ra anh sao?

Tiếng gọi giống như tiếng nói của Trọng Nghĩa và gọi đúng cả tên nàng kiếp trước. Vậy đúng chồng nàng đã hiện thân, bởi anh đã từng nói với nàng: "Khi bắt gặp ai đó cầm tấm vải yếm hồng của em, người đó chính là anh. Và em nên chấp nhận mối tình này, tuy thể xác của người khác nhưng lại mang chính linh hồn người chồng tên Trọng Nghĩa của em".

Bấy giờ Hạnh Đông mới quay người nhìn, quả thật người thanh niên đang cầm trên tay tấm vải yếm màu hồng của nàng, rồi anh ta lại nói tiếp:

- Đông Xuân không nhớ Trọng Nghĩa là chồng của em sao?

Tên người và vật chứng đã đầy đủ làm sao Hạnh Đông có thể làm ngơ, nhất là khi Trọng Nghĩa còn nói "Mượn xác người hợp vía đâu phải dễ tìm…" Nghĩ như thế Hạnh Đông mới đến bên người thanh niên, nàng kéo anh ta ra xa chỗ đông người, đoạn áp đầu vào vai chồng mà khóc nức nở, nàng nói:

- Bấy lâu nay trong giấc mơ, đưa linh hồn em đi tìm anh mà không sao gặp được lối xưa, những tưởng anh đã quên mất em rồi!

Xác người hồn ma mới vui mừng hớn hở nói:

- Anh xa em chỉ cốt đi tìm người hợp vía, đủ môn đăng hộ đối để đến nhà hỏi cưới em. Trên chốn dương gian giờ đây anh không còn tên Trọng Nghĩa, vậy em hãy gọi đúng tên của người trần mà anh mượn xác là Tuấn Ngọc con của ông bà bá hộ Dương ở làng bên.

Nhưng vừa nói xong trên khuôn mặt Trọng Nghĩa bỗng trở nên u uất, khiến Hạnh Đông không hiểu tại sao anh vừa mới vui mừng giờ đã sầu muộn héo hắt, nàng mới cất tiếng lên hỏi:

- Anh mới vui đây vì sao đã trở nên buồn bã?

Bấy giờ qua thể xác Tuấn Ngọc, hồn ma Trọng Nghĩa mới giải thích:

- Anh đi tìm một chàng trai hoàn chỉnh theo như ý của ba nàng nhưng khó khăn quá, đã bao ngày mới gặp được Tuấn Ngọc đây, nhưng anh ta lại bị bại liệt mất đôi chân, không biết đám cưới hai đứa mình tái duyên có thành sự thật hay không?!

Hạnh Đông đã hiểu ra điều sầu muộn của người chồng kiếp trước, và chính nàng cũng từng nghĩ đến điều này. Nhưng duyên trời đã định làm sao con người lại dám cãi lại số trời, cho nên nàng đáp:

- Số trời định kiếp này em gặp lại anh qua thân thể tật nguyền của Tuấn Ngọc, em đành chấp nhận. Và khi em đã ưng chịu dù ba má không bằng lòng em cũng sẽ đến sống cùng anh cho đến răng long đầu bạc.

Bởi thế khi ông bà Bảy Thu hỏi đến tâm trạng của Hạnh Đông, nàng mới thật tình thưa bẩm:

- Con sẽ không lấy ai ngoài anh Tuấn Ngọc, con ông bá hộ Dương ở làng bên, xin ba má đừng ép buộc phải lấy người khác mà con không yêu.

Nghe nói đến Tuấn Ngọc cả nhà ông bà Bảy Thu ai cũng biết, anh ta là một chàng trai có khuôn mặt đẹp tựa Phan Anh nhưng thân thể lại tật nguyền, lúc đi đứng bằng đôi nạng gỗ còn không muốn vững.

Ông Bảy Thu đã điên tiết kêu lên:

- Không! Ba thà để con ở già còn hơn trông thấy con lấy một người tàn phế, nó không thể cho con có mái ấm hạnh phúc như Hạnh Xuân, Hạnh Thu!

Hạnh Đông thấy ba nàng giận dữ, bèn khóc lên rưng rức, rồi thổn thức đáp:

- Số con là như thế, sao ba lại ngăn cấm duyên con? Người ta ai cũng phải đeo số phận vào người từ trời đất rồi. Nếu số con phải lấy anh Tuấn Ngọc thì sao ba lại không để con làm vợ của anh ấy chứ?

Hai người chị Hạnh Xuân và Hạnh Thu thường ghen tức với cô em gái út, vì nàng trẻ hơn và đẹp hơn, nên cũng nói chen vào, không phải để bênh vực cho Hạnh Đông mà muốn nàng làm vợ của kẻ tật nguyền:

- Má nói với ba rồi, hạnh phúc trong hôn nhân là do trời định, cứ để con Hạnh Đông lấy thằng Tuấn Ngọc. Nó hên nhờ rủi chịu, sau này có đau khổ đừng oán trách ba má và tụi con đã không ngăn cản.

Ba cô con gái và cả bà Bảy Thu cứ kêu hoài nói mãi, cuối cùng ông Bảy Thu cũng phải chấp nhận cho cuộc hôn nhân mà trong lòng không mong mỏi được diễn ra, bởi ông thương xót cho đứa con gái út của mình không được sống trong hạnh phúc của nghĩa vợ chồng như mọi người bình thường khác.

Và lễ cưới được tổ chức long trọng theo đúng mọi nghi lễ thông thường, bởi gia đình hai bên đều môn đăng hộ đối, chỉ có đôi chân chú rể phải đi bằng đôi nạng gỗ hoặc bằng chiếc xe lăn tay. Hai gia đình đều tổ chức tiệc tùng, ca hát thâu đêm suốt sáng mà chưa dứt, làm mọi người đều hân hoan...

Theo tục lệ thì bà Bảy Thu không đưa con gái về nhà chồng, nhưng ông Bảy Thu không yên tâm không biết cô con gái út có được hạnh phúc bên người chồng tàn tật trong đêm động phòng hoa chúc hay không.

Ai nhận thấy thân thể Tuấn Ngọc từ bụng trở xuống đến chân đều teo túm, sẽ phải băn khoăn với một Hạnh Đông cô gái mới lớn còn trinh nguyên, anh ta không thể làm tròn được nghĩa vụ làm chồng.

Bởi vậy ông Bảy Thu là đàn ông nên không tiện sang nhà trai để thăm dò như đàn bà, như má Hạnh Đông, bà Bảy Thu đã qua nhà trai trong cái cớ dạy con gái nghĩa vụ về làm vợ, điều này được ông bà bá hộ Dương hoan hỉ chấp nhận.

Có người còn cười nói mỉa mai về Hạnh Đông:

- Thật tình mà nói, con Hạnh Đông có tâm hồn cao thượng quá, đi lấy thằng què không biết nó có thể làm chồng được không, đi còn không vững nữa là...

Lúc Hạnh Đông nghe qua, nàng chỉ đáp:

- Làm sao tôi tránh được số trời bởi duyên tiền định. Nếu số tôi phải làm vợ người mất khả năng làm chồng như anh Tuấn Ngọc thì đành chịu vậy.

Trong đêm tân hôn, Tuấn Ngọc đưa người vợ mới cưới đi về phòng hoa chúc. Hạnh Đông biết anh là Trọng Nghĩa người chồng của nàng từ kiếp trước, nên nàng không còn e dè mắc cỡ. Mà mắc cỡ sao được khi những đêm mộng mị nàng và anh từng đã ân ái bên nhau suốt bao đêm.

Hạnh Đông lẹ làng lên giường nằm để làm tròn nghĩa vụ một cô dâu mới trước chồng. Nhưng tâm tư nàng cũng đâm băn khoăn như bao người, không biết Tuấn Ngọc có thể hành xử như mọi người chồng bình thường khác được hay không.

Nhưng kỳ lạ thay, khi cửa phòng vừa khép kín, Tuấn Ngọc đã vất ngay đôi nạng gỗ vào một góc nhà rồi anh đứng vững trên đôi chân tàn tật. Khi áo quần không còn trên thân thể anh ta, làm Hạnh Đông quá đổi thảng thốt phải kêu lên:

- Anh không phải là con người tàn tật như em đã từng trông thấy từ bao lâu nay hay sao?

Tuấn Ngọc đã biến thành một chàng thanh niên trẻ đẹp như Trọng Nghĩa.

Anh ta giao mi, vào cằm, vào cổ nàng rồi nói:

- Người vợ yêu quý của anh, xin cám ơn em đã một lòng chung thủy với linh hồn người đã chết nhưng chưa được thoát kiếp từ cõi âm ty, chấp nhận lấy một người tàn phế như Tuấn Ngọc…

Rồi hồn ma Trọng Nghĩa vẫn âu yếm với người vợ sắp đầu gối tay ấp trong đêm tân hôn, anh tiếp tục giải bày hết nỗi niềm:

- Khi anh quyên sinh linh hồn đi xuống cõi âm ty tìm em khắp chốn nhưng không gặp, anh may mắn gặp được một đạo sĩ truyền cho ma thuật biết thay hình đổi dạng. Vì thế mà bây giờ anh mới thay đổi được hình dạng như thế này để được ân ái cùng em. Cho em không còn buồn khổ như tiếng đời mỉa mai dị nghị. Nhưng anh chỉ cần em hứa một điều...

Hạnh Đông thấy chồng còn úp mở nên đã đáp:

- Em phải hứa điều gì xin anh cứ nói, vì tình em đối với anh sẽ thực hiện cho được dù khó đến đâu?!

Hồn ma Trọng Nghĩa bấy giờ mới nói:

- Anh chỉ xin em hứa giản dị như thế này thôi: là không cho ai biết anh có thể đổi hình dạng thoát kiếp tàn phế vào mỗi đêm như ý muốn. Nếu có ai đó nghi ngờ anh là hồn ma hiện về không phải linh hồn thực của Tuấn Ngọc, thì lập tức anh sẽ trở lại cõi âm ty mãi mãi, em không còn thấy bóng anh trong cõi dương trần này nữa!

Hạnh Đông quá chung tình với người chồng kiếp trước, nàng nào có thể quên lời Trọng Nghĩa dặn nên đã hứa chắc chắn và còn nói thêm:

- Chẳng thà em chết còn hơn mất một người chồng đẹp đẽ như anh.

Không còn nghi ngờ gì nhau nữa, cả hai thương yêu nhau theo lẽ tự nhiên của đôi vợ chồng trẻ trong đêm tân hôn. Cho đến gần sáng, Trọng Nghĩa trở thành một Tuấn Ngọc tàn phế cả đôi chân, nách mang đôi nạng gỗ. Và tất cả những chuyện trong đêm tân hôn xảy ra chỉ còn lại những giọt máu hồng thấm trên tấm khăn danh dự.

Theo lệ thường khi sáng đến, bà bá hộ Dương tới thăm để dò xét đức hạnh con dâu, đi theo còn có bà Bảy Thu má ruột của nàng. Lúc đó bằng chính mắt mình, hai bà sui nhìn vào tấm khăn danh dự. Bà Bảy Thu lấy làm kinh ngạc khi thấy danh dự cô con gái út của bà còn sờ sờ trên tấm khăn, còn bà bá hộ Dương vui mừng không kém vì cưới được con dâu hiền còn đủ "công dung ngôn hạnh" vì đã quá rõ ràng.

Hai bà lại thấy Hạnh Đông tươi tỉnh cả người, nàng đang sung sướng vui vẻ bên chồng!

Thấy thế bà Bảy Thu liền chạy vội về nhà tìm chồng để hối hả báo tin:

- Ông ơi, thằng Tuấn Ngọc coi vậy mà vẫn làm tròn nghĩa vụ với con gái út nhà mình. Buổi sáng nay con bé rất tươi tỉnh còn ra điều sung sướng với chồng. Chắc hai đứa được hạnh phúc như hai con chị rồi!

Ông Bảy Thu cũng ngạc nhiên chẳng kém vợ, ông mới lên tiếng hỏi:

- Con gái út của tôi quả thật đã được thằng tàn tật Tuấn Ngọc ăn nằm rồi chăng?

- Tôi cùng bà bá hộ Dương thấy rõ ràng những giọt máu đào còn thấm trên tấm khăn danh dự mà!

Bởi vậy đến ngày nhà trai mang lễ "lại mặt" đến nhà ông bà Bảy Thu, ông nhìn chàng rể Tuấn Ngọc đang chống đôi nạng tươi cười hớn hở đi bên cô vợ trẻ mới cưới. Nhìn dâu rể đều rất hạnh phúc bên nhau.

Chờ cho chàng rể vừa đi ra ngoài, ông Bảy Thu liền buộc miệng hỏi ngay cô con gái cưng của ông:

- Thế thằng Tuấn Ngọc vẫn là một người đàn ông hoàn toàn sao con gái?

Hạnh Đông vẫn còn sung sướng trong nỗi niềm hạnh phúc vô biên, liền đáp lại lời ba nàng:

- Ba ơi? Chồng con quả thật vẫn là một người chồng hoàn chỉnh, anh ấy còn tỏ ra ân cần và chăm chút chiều chuộng đến con cũng không ngờ.

Bà Bảy Thu hỏi tiếp:

- Thế con không có gì để phàn nàn thằng Tuấn Ngọc không như mọi người chồng khác hay sao?

Hạnh Đông vẫn liếng thoắng trả lời:

- Con không có gì phải phàn nàn về anh ấy. Chín tháng nữa ba má sẽ có cháu ngoại để bồng bế cho coi.

Bấy giờ ông Bảy Thu mới khẽ thở ra rồi nói:

- Con Hạnh Đông không có gì để phàn nàn về thằng Tuấn Ngọc, như thế có nghĩa nó được hạnh phúc với chồng. Đó là tất cả những gì chúng ta mong ước cho con gái út của chúng ta.

Từ đó mọi người không còn bàn tán việc Hạnh Đông "ngu muội", vì với sắc đẹp và tính tình hiền hậu của nàng từng được bao chàng trai tài hoa con nhà quyền quý đến hỏi cưới, mà nàng cứ lắc đầu để đi lấy một chàng trai tàn tật thật không xứng đôi vừa lứa.

Nhưng nào ai biết về tiền căn hậu kiếp của hai người. Kiếp trước khi Trọng Nghĩa chết đi, anh đã xuất hồn tìm vợ đã gần hai mươi năm bây giờ mới gặp lại, mà anh cũng chẳng thể xuất kiếp oan hồn được giải thoát đầu thai, nay phải mượn qua ma thuật, mượn đến thể xác người trần để được gần Đông Xuân.

° ° °

Ở đời ai học được chữ ngờ, cuộc đời đôi khi "ba chìm bảy nổi chín lênh đênh" hoặc "lên voi xuống chó" cũng là lẽ thường tình.

Gia đình ông Bảy Thu giàu có trong thị trấn bỗng chốc trở nên trắng tay.

Một trận hỏa hoạn lớn đã xảy đến nhà ông, khiến ông Bảy Thu chỉ qua một đêm đã mất trắng hết.

Người ta nói tại ông sinh ra hạn "tam nương", bây giờ phân trả giá. Có người lại cho rằng ba cô con gái của ông đều được gả vào nhà giàu có quyền quý, thấy cha mẹ trắng tay sẽ đến báo đáp công ơn nuôi dưỡng trong nay mai.

Nhưng trong thực tế chỉ có chàng rể tật nguyền Tuấn Ngọc chồng Hạnh Đông là biết lo lắng. Thấy cơ ngơi của ông bà Bảy Thu không còn lại gì, nên Tuấn Ngọc ngày đêm hối thúc thợ đến xây dựng cho nhanh một ngôi nhà nhằm che mưa cho ba má vợ.

Còn hai chàng rể lấy Hạnh Xuân và Hạnh Thu tuy giàu có, trước đây còn xúi vợ về bòn rút của cải đưa về nhà, giờ cứ im lặng thoái thác.

Hạnh Đông không buồn vì tình đời thay trắng đổi đen của gia đình hai người chị lớn, nàng vốn mang bản tính hiền hậu nhân từ không lấy đó buồn lòng.

Một phần qua thân xác Tuấn Ngọc, tâm hồn Trọng Nghĩa chồng nàng thường nói:

- Ở đời "đức năng thắng số", ba má em khi xưa ăn ở không bất nhân bất nghĩa với ai, trời đất sẽ phù hộ cho ông bà sớm dựng lại cơ nghiệp như xưa. Em yêu quý xin em đừng buồn, tuy anh chỉ là một oan hồn uổng tử nhưng bao năm đi tìm em anh biết được một kho vàng, nên anh có nhiều của cải còn cất giấu, anh sẽ giúp ba em có vốn để kinh doanh trở lại...

Mà quả thật ông bà Bảy Thu như gặp song hỷ lâm môn, mới trắng tay đó mà không ngờ chuyến hàng kinh doanh đưa đến kinh thành lại đem về một mối lãi lớn kếch xù, hơn thế nữa như Hạnh Đông đã nói: "Chín tháng nữa ba má sẽ có cháu ngoại để bồng bế cho coi".

Và Hạnh Đông đã hạ sinh ra một bé trai kháu khỉnh, làm cả nhà ông bà bá hộ Dương càng thương yêu nàng hơn bất cứ nàng dâu nào khác. Đến giờ ông Bảy Thu mới thấy cô con gái út mới thật hạnh phúc hơn hai người chị lớn mà trước đây ông trong tâm nguyện, tìm tấm chồng tốt cho các con có một mái ấm gia đình hạnh phúc là ông rất mãn nguyện.

Chồng Hạnh Xuân và Hạnh Thu thấy cha vợ đã trở lại giàu có như xưa, lại xúi bậy vợ về nhà xum xoe nịnh hót cha mẹ để vơ vét của cải đưa về.

Ông Bảy Thu là một thương gia có nhiều kinh nghiệm trong trường đời, nên đâu phải ông không biết người tốt và kẻ xấu, người cơ hội như hai chàng rể lớn trong nhà. Ông liền chỉ vào mặt Hạnh Xuân và Hạnh Thu mà mắng:

- Hai con được tiếng lấy chồng đẹp trai giàu có, nhưng ba má thấy hai con ăn ở không được trong sáng chỉ biết về nhà bòn rút tiền đưa cho bên chồng, nên giờ này đã sinh được đứa cháu ngoại nào cho ba má bồng bế đâu. Hai con hãy nhìn lại Tuấn Ngọc một thằng rể tật nguyền, trước đây ai cũng mỉa mai nó không đủ chức năng làm chồng làm cha, giờ đây trái lại khi ba má trắng tay nó đều đến lo liệu nhà cửa, gíúp vốn cho ba tái lập lại cơ nghiệp như hôm nay. Nó còn cho ba má có cháu ngoại để bồng. Hai con có thấy gia đình Hạnh Đông là hạnh phúc nhất không?

Xưa nay Hạnh Xuân và Hạnh Thu đã sẵn tính ganh tỵ với Hạnh Đông, giờ nghe ông bảy Thu mắng mỏ thì sự ganh ghét ấy càng tăng cao, cả hai chỉ chờ cơ hội để trả thù vợ chồng người em gái út. Lý Hải - chồng Hạnh Xuân mới bàn với Phi Quân - chồng của Hạnh Thu:

- Sắp đến ngày Kim Khánh ba vợ tròn 60 tuổi, hay chúng ta tổ chức vào rừng săn bắn tìm thịt rừng đem về làm quà mừng, hôm đó mời luôn thằng Tuấn Ngọc cùng tham gia, trước làm trò cười cho thiên hạ sau dùng mũi tên lạc để đưa nó về chầu nơi chín suối, anh mới hả được cơn giận hôm nay.

Hồn ma Trọng Nghĩa biết được dã tâm của hai ông anh rể, muốn Tuấn Ngọc với thân thể tật nguyền sẽ làm trò cười cho thiên hạ, nhưng vì lễ lục tuần Kim Khánh của ba vợ, anh không thể chối từ lời mời đến tham gia cuộc đi săn.

Cuộc săn thú bắt đầu, Lý Hải và Phi Quân hai chàng rể lớn đều trên mình ngựa phi như bay, còn Tuấn Ngọc ngồi trên chiếc xe lăn bánh gỗ ì ạch chạy chậm chạp vào rừng.

Hai chàng rể lớn nổi bật hẳn được người xem cổ võ vang trời, còn Tuấn Ngọc trái lại bị chế giễu, cười cợt mỉa mai không ngớt. Nhưng sau khi Tuấn Ngọc mất hút trong rừng sâu, bỗng nhiên Lý Hải và Phi Quân thấy một thanh niên có khuôn mặt cực đẹp đang ra roi phi ngựa phóng thật nhanh, chẳng mấy chốc đã qua mặt hai người. Phong độ chàng thanh niên làm cả hai kinh ngạc, Phi Quân phải thốt nói:

- Không lẽ hắn là Tuấn Ngọc hay sao? Không thể có người giống người như hai giọt nước?!

Lúc này Lý Hải mới lên tiếng bàn luận:

- Hay thằng Tuấn Ngọc là ma? Mà nó chính là ma thật rồi Phi Quân ơi, bởi vậy mới làm con Hạnh Đông mê mệt vì sự biến hóa như thế này, mới có khả năng làm chồng làm cha được chứ?!

Mặc dù còn hồ nghi Tuấn Ngọc là ma hiện hình, nhưng vì sự ganh ghét có sẵn trong lòng, Lý Hải dùng mưu lược để nói tiếp:

- Để mọi người tin thằng tuấn Ngọc là ma, anh em mình phải hạ sát hay làm nó bị thương, bấy giờ mới có chứng cớ rõ ràng nói với mọi người.

Nói là làm, cả hai cùng thực hiện một mũi tên nhắm vào chàng thanh niên giống y như Tuấn Ngọc đang phi ngựa nhanh về phía trước. Mũi tên tuy không hạ thủ được chàng thanh niên nhưng cũng đã làm cho anh ta mang thương tích trên vai.

Nhìn thấy mưu lược đã thành công, nên cả hai đã quày quả quay về thị trấn trong bộ dạng hớt hơ hớt hãi nói ngay với ông bà Bảy Thu:

- Ba má ơi, chồng con Hạnh Đông là ma quỷ hiện hình, nó biến thành chàng trai còn khỏe mạnh hơn cả hai con.

Ông Bảy Thu nghe con rể nói đến Tuấn Ngọc là ma quỷ hiện hình, ông không tin bèn hỏi:

- Hai con thấy thằng Tuấn Ngọc ra sao mà nói nó là ma quỷ hiện hình?

Lý Hải bèn thưa:

- Tuấn Ngọc đi vào rừng bằng chiếc xe lăn tay, nhưng khi nào rừng sâu hóa thành một thanh niên hoàn chỉnh không còn tật nguyền, phi ngựa không thua kém ai. Con muốn có bằng chứng về thưa với ba má và mọi người, nên bắn mũi tên trúng vào bên vai phải của hắn.

Ông Bảy Thu nghe chàng rể lớn kể lại rành mạch còn bán tín bán nghi, nhưng khi thấy Tuấn Ngọc mệt nhọc lăn chiếc xe lăn trở về, đúng bên vai phải đang rướm máu.

Thấy thế ông Bảy Thu nổi giận và cơn điên ganh ghét của Hạnh Xuân, Hạnh Thu không kìm được nữa đã nổ tung ra. Đôi mắt ông đỏ ngầu, tay rung lên, mũi phập phồng, muốn giết ngay chàng rể út:

- Ôi! Thằng kia mày là thứ ma quỷ hiện hình không thể sống với loài người, tao sẽ giết chết mày!

Nói xong ông Bảy Thu toan quật đầu Tuấn Ngọc xuống đất đá. Thấy cái chết của Tuấn Ngọc ở ngay trước mắt vì anh ta chỉ có cái xác nhưng không hồn, còn phần linh hồn đã do hồn ma Trọng Nghĩa giữ.

Hồn ma thì không thể chết nhưng còn thể xác con người lại không thể tránh khỏi.

Bấy giờ Hạnh Đông mới quỳ trước ba má, nàng vội kêu lên:

- Con xin nói thật! Xin ba má đừng giết oan một mạng người vô tội!

Rồi không kịp thở, Hạnh Đông liền kể cho ba má và các chị nghe về chuyện tiền căn hậu kiếp giữa nàng với Trọng Nghĩa, và tại sao hồn ma phải đội lốt Tuấn Ngọc. Chuyện Tuấn Ngọc chỉ là chàng trai trẻ tật nguyền vô tội sống như mọi người, còn hồn ma Trọng Nghĩa đã thoát xác trở về cõi âm ty.

Hạnh Đông đã biết hết câu chuyện xảy ra trong rừng, bởi lúc nàng ngồi chờ chồng mang thú rừng trở về dâng cho ba má mừng lễ lục tuần. Hạnh Đông nghe văng vẳng bên tai tiếng nói của hồn ma Trọng Nghĩa chồng nàng:

- Trong đêm tân hôn anh có nói với em, nếu có ai đó nghi ngờ anh là hồn ma không phải linh hồn thực của Tuấn Ngọc, thì anh lập tức trở về cõi âm ty mãi mãi. Hôm nay không phải do em mà tại anh háo thắng muốn tìm quà đưa về dâng cho ba má nhân ngày Kim Khánh, nên đã quên đi mất người của Tuấn Ngọc trở thành Trọng Nghĩa của em. Hai ông anh rể đã phát hiện ra anh là hồn ma mượn xác người, nên buộc lòng anh phải xa em mãi mãi...

Hồn ma như đang suy nghĩ thêm điều gì, một lúc sau Hạnh Đông lại nghe tiếng chồng nói tiếp:

- Để chuộc lại lỗi lầm, anh có ghi tấm bản đồ kho vàng đang cất giấu để ở bên giường. Và từ nay Tuấn Ngọc mới là người chồng thực thụ của em, với số vàng ấy em có thể đưa anh ta qua Pháp trị bệnh để phục hồi lại chức năng thành một người đàn ông hoàn toàn như anh từng mượn xác anh ta hơn một năm nay.

Hạnh Đông quá chung tình với người chồng kiếp trước, bây giờ vì một chút nông nổi của Trọng Nghĩa mà hai người phải sống trong nỗi đau ly biệt. Cũng như Hạnh Đông cảm thấy có trách nhiệm với Tuấn Ngọc, người nàng sống trong danh nghĩa vợ chồng.

Ông bà Bảy Thu và hai chị gái rất ngạc nhiên, sau khi nghe Hạnh Đông thuật lại hết câu chuyện nàng đã lấy ma làm chồng, sao nó rùng rợn đến nổi da gà, lông tay phải dựng đứng.

Bấy giờ ông Bảy Thu nhận thấy Tuấn Ngọc rất khác trước đây, mới chợt hiểu cô con gái út đã thành thật kể cho nghe một câu chuyện quá huyền bí hoang đường, nhưng lại có thật trong một xã hội đang trên đường hội nhập với nền văn minh Tây phương. Ông cũng biết rằng hồn ma của Trọng Nghĩa đã thoát khỏi xác Tuấn Ngọc trở về cõi âm ty.

Ông Bảy Thu mới nói với mọi người:

- Hồn ma Trọng Nghĩa đã vĩnh viễn về lại cõi âm ty, trả lại xác và linh hồn thật cho Tuấn Ngọc, thằng rể này đâu phải là ma mà ba má cần phải giết. Bây giờ thân thể nó tàn phế nhưng cũng đã cho ba má có đứa cháu ngoại, ba rất lấy làm hài lòng...

° ° °

Tuy con ma tình Trọng Nghĩa trở về cõi âm ty theo như lời nguyền. Nói là vậy nhưng hồn ma còn vấn vương nhiều mối nơi dương trần nên chưa thể siêu thoát.

Hồn ma còn vấn vương người vợ từ kiếp trước nay được hóa sinh thành Hạnh Đông, còn vấn vương đứa con tuy không mang dòng máu của anh nhưng hình hài lại do chính anh tạo dựng, và còn một thứ âu lo nữa là lòng ghanh ghét của đôi vợ chồng Hạnh Xuân, Hạnh Thu đối với Hạnh Đông.

Đã là ma nên Trọng Nghĩa có linh cảm hai ông anh rể Lý Hải và Phi Quân cùng vợ, đang ngày đêm sẽ dèm pha Hạnh Đông trước ông bà Bảy Thu:

- Ba má thấy con Hạnh Đông có hạnh phúc à? Giờ đây nó héo hắt u sầu vì sống thiếu bóng ma, nó làm sao sung sướng và hạnh phúc bằng hai con.

Ông Bảy Thu vẫn bênh vực cho cô con gái út, ông mới gằn giọng nói với chúng:

- Hai con có hạnh phúc ư? Hay ma quỷ đã xâm nhập vào lòng nên hai con tỏ ra ganh ghét Hạnh Đông? Nhưng hôm nay ba có thể nói dù Hạnh Đông yêu một linh hồn ma như Trọng Nghĩa, nó lại là người đang hạnh phúc, được hồn ma cho cả một kho vàng!

Vợ chồng Lý Hải và Phi Quân nghe ông Bảy Thu tiết lộ, Hạnh Đông được hồn ma Trọng Nghĩa cho cả một kho vàng, làm cả hai càng ganh ghét nàng hơn.

Cả hai không ngờ một cô gái sống bằng nội tâm, nhu mì hiền hậu ít tranh đua, lại được trời đất chiếu cố ban thưởng cho nhiều thứ như vậy.

Từ ganh ghét chuyển sang ganh tỵ, Lý Hải và Phi Quân muốn chiếm đoạt kho vàng mà người chồng kiếp trước của Hạnh Đông đã để lại, cho nên bọn chúng không từ bỏ thủ đoạn nào. Tổ chức bắt cóc đứa con nhỏ của Hạnh Đông để trao đổi tấm bản đồ.

Người mẹ nào mà không thương con, tình mẫu tử xa lìa làm Hạnh Đông khóc đến hết nước mắt, cuối cùng nàng ưng thuận trao đổi tấm bản đồ kho vàng để nhận lại con trai, dù biết nếu không có số vàng này nàng không thể đưa Tuấn Ngọc sang Pháp phục hồi lại chức năng như Trọng Nghĩa từng dặn dò.

Tuấn Ngọc bây giờ đã tỉnh trí, ba hồn bảy vía của anh đã hội tụ về đầy đủ trong tâm thức, và biết rằng đứa con trai bị bắt cóc là giọt máu của chính anh chứ không phải của hồn ma Trọng Nghĩa.

Ma đưa lối quỷ đưa đường, điểm hẹn trao đổi lại nằm trên một sườn vách đá.

Ở đây Lý Hải và Phi Quân phải giấu mặt, ăn mặc toàn màu đen còn khuôn mặt bao trùm thứ mặt nạ chỉ chừa lại đôi mắt.

Hạnh Đông đang quá thương con, nàng giơ tấm bản đồ kho vàng lên khỏi đầu cho chúng thấy, rồi nói:

- Đây là tấm bản đồ kho vàng, các anh trả con cho tôi rồi đến lấy nó.

Nói xong Hạnh Đông để lại tấm bản đồ ở ven sườn núi, còn nàng đi chậm bước đến nơi hai tên gian hùng Lý Hải Và Phi Quân để thằng bé đang nằm khóc thét vì thiếu sữa.

Lý Hải và Phi Quân tưởng rằng mưu kế chiếm đoạt kho vàng của Hạnh Đông đã thành công, bọn chúng vội lao nhanh người đến định chụp lấy tấm bản đồ, nhưng không ngờ một bóng người ngồi từ trên chiếc xe lăn đã lao đến, tung thẳng hai ngọn cước vào người hai tên gian ác...

Đó là Tuấn Ngọc, bấy giờ anh ta lại được hồn ma Trọng Nghĩa nhập vào mượn xác, hồn ma nhất quyết trừ diệt hai tên gian hùng để Hạnh Đông được sống yên ổn bên chồng con khi hồn ma trở lại cõi âm ty.

Tuấn Ngọc bấy giờ trở nên khỏe mạnh như một Trọng Nghĩa trước đây khi ân ái cùng người vợ cũ, đôi chân anh ta không còn bại liệt nên đã đạp hai tên Lý Hải và Phi Vân lao thẳng xuống vực sâu.

Trước khi đập đầu vào đá chết tươi, cả hai còn đang lơ lửng trong không gian đã thấy rõ bóng ma của Trọng Nghĩa đang réo gọi chúng:

- Kẻ nào gieo nhân ác sẽ hái được quả báo như ngày hôm nay. Bây giờ Hạnh Đông đã được sống yên ổn rồi, ta sẽ đưa hai mi về cõi âm ty để cùng chịu tội!

Vợ chồng Hạnh Đông vì quá kinh khiếp về hai cái chết thê thảm còn đang giấu mặt nằm dưới vực sâu, đã bồng con về nhà không dám ngó đến. Sau mới biết đó là Lý Hải Và Phi Quân mang lòng tham không đáy đã chết để đền lại tội ác mà chúng đã gây ra.
Chương trước
Loading...