Tình Sử Angélique
Chương 01
- U ơi, tại sao lão Gyơ đờ Rét giết nhiều trẻ con thế hở u? - Angiêlic hỏi. - Để làm vừa lòng quỷ dữ, con gái của ta ạ. Lão Gyơ đờ Rét, con yêu tinh vùng Masơcun, muốn mình là nhà quý tộc uy quyền nhất thời đó. Lâu đài lão ta những bình cất rượu, chai lọ và xoong chảo đầy ắp nước sốt đỏ au bốc hơi khủng khiếp. Quỷ dữ đòi lấy trái tim trẻ nhỏ dâng cúng cho nó. Chính vì vậy mà lão ta dấn sâu vào tội ác. Rất nhiều bà mẹ sợ hết hồn khi chỉ những ngọn tháp đen ngòm của lâu đài Masơcun, hàng đàn quạ suốt ngày bay lượn vòng quanh những tòa tháp chứa đầy xác trẻ con vô tội. - Thế lão ta có ăn thịt tất cả bọn trẻ con ấy không ạ? Mađơlông, em nhỏ của Angiêlic hỏi bằng giọng run run. - Không phải tất cả, sức đâu mà ăn! - u già đáp. Cúi xuống nồi thịt mỡ ninh với bắp cải đang sôi, bà lặng lẽ khuấy nước xúp. Ooctăngxơ, Angiêlic và Mađơlông, ba cô con gái của nam tước Xăngxê đờ Môngtơlu, hồi hộp chờ nghe nốt câu chuyện, những chiếc thìa giơ lên lơ lửng cạnh mấy cái bát. U già kể tiếp giọng gay gắt: - Lão ta độc ác hơn thế kia. Trước tiên, lão cho người bắt một đứa con nít đáng thương, nó la khóc thảm thiết đòi mẹ, lão quý tộc tỏ ra rất thích thú khi thấy thằng bé sợ chết khiếp. Rồi lão cho treo thằng bé lên tường bằng một sợi dây thòng lọng thít chặt vào ngực và cổ khiến nó gần như ngạt thở.Thằng bé vừa giãy giụa như con gà bị trói vừa kêu ú ớ, đôi mắt lồi ra, cho đến khi người nó tái xanh tái xám, khắp gian phòng rộng ầm ĩ tiếng cười của bọn người độc ác át cả những tiếng rên khóc của đứa trẻ bị hành hạ. Rồi lão Gyơ đờ Rét cho hạ thằng bé xuống, đặt nó ngồi vào lòng, đầu dựa vào ngực lão, và nói chuyện dịu dàng khiến nó bớt sợ lão ta giảng giải rằng việc vừa xảy ra không phải là thật, chỉ đùa thôi. Bây giờ đùa xong rồi. Và lão hứa sẽ cho thằng bé ăn kẹo, nằm giường trải đệm lông mềm, mặc bộ quần áo xa-tanh giống một em nhỏ theo hầu ông bà quý tộc. Thằng bé tin là lão nói thật, khuôn mặt đẫm nước mắt lộ vẻ vui mừng. Thế rồi đột nhiên, lão rút dao găm đâm phập vào cổ họng thằng bé. Nhưng khủng khiếp hơn - u già nói tiếp - là tình cảnh những đứa em gái nhỏ bị lão bắt cóc. - Họ bị lão ta làm gì cơ? - Ooctăngxơ hỏi. Ngay lúc đó ông lão Guyôm đang ngồi cạnh bếp lửa trong góc nhà, miệng nhấm thuốc lá cuốn sâu kèn, nói xen vào bằng thứ giọng gấm gẳn qua chòm râu vàng hoe: - Im cái mồm, mụ già rồ dại! Ta đã nếm trải bao nhiêu cảnh chinh chiến loạn ly, vậy mà những chuyện của mụ còn làm ta thấy lợm giọng. Bác Phrăngtin phục phị giận dữ quay lại, trừng mắt nhìn ông lão Guyôm. - Ngớ ngẩn à? Hiển nhiên là thế, vì bác không sinh ra ở xứ Poatu này mà ở tận đẩu tận đâu, bác Guyôm ạ. Chỉ cần đi lên phía bắc theo hướng thành phố Năngtờ là chẳng mấy chốc bác đã trông thấy cái lâu đài Masơcun đáng nguyền rủa ấy. Tội ác bọn chúng gây ra đã cách đây hai thế kỷ, nhưng đến tận bây giờ người ta vẫn phải làm dấu thánh khi qua lại gần đó. Nhưng thôi, bác đâu phải quê quán vùng này, làm sao bác biết được điều gì về những bậc tiền bối của đất này. - Những tiền bối quý hóa thật nếu tất cả đều giống lão Gyơ đờ Rét! - Lão ta tác oai tác quái tới mức không một vùng nào khác ngoài Poatu có thể khoe về một tên tội phạm ghê gớm đến thế. Vậy mà lúc lão ta phải đền tội, bị tòa án xét xử và kết án tử hình ở Năngtơ sau khi thú nhận tội lỗi và cầu xin Thượng đế tha thứ, thì tất cả các bà mẹ có con nhỏ từng bị y hành hạ và ăn thịt lại sụt sịt thương khóc. - Thật là quá quắt! - Ông lão Guyôm kêu lên. - Thật là quá quắt! - Ông lão Guyôm kêu lên. - Ấy người dân Poatu chúng tôi là thế đấy. Có những tên tội phạm đầu sỏ, lại có những người rộng lượng hết mực. U già lặng lẽ đặt cái đĩa xúp lên bàn rồi âu yếm ôm chặt bé Đơni vào lòng. - Phải rồi, tôi đâu có được học hành gì nhiều - bà nói tiếp, nhưng tôi cũng biết phân biệt đâu là những chuyện kể bên bếp lửa, đâu là những chuyện thật thời xưa. Đúng, Gyơ đờ Rét là người có thật. Có lẽ vong hồn lão xưa nay vẫn còn lang thang quanh vùng Masơcun, trong khi xác lão đã rữa tan vào đất từ lâu rồi. Chính vì vậy ta chớ có nên bông đùa về lão ta, cũng như về những thần thánh yêu ma thường vẫn dạo chơi quanh các khối đá lớn dựng lên giữa cánh đồng… - Mụ già ơi, đầu óc mụ còn gớm ghiếc hơn đống xương tàn người chết - ông lão Guyôm lại phản đối. Dù cho mụ có coi lão quý tộc Gyơ đờ Rét như một ông lớn đáng tự hào và gọi lão là người đồng hương của mình sau những hai thế kỉ, tôi vẫn cho rằng nếu đưa chuyện ra dọa các cô bé xinh xắn này phát khiếp quênăn thì thật là độc ác! - Hừ hừ! Đừng có ra vẻ thanh nhã nhé, tên võ biền thô tục, tên đao phủ quỷ sứ kia! Thế hồi lão đi đánh thuê cho Hoàng đế nước Áo trên các cánh đồng nước Đức, ở Andát và Picácđi thì ngọn giáo của lão đã đâm thủng bụng bao nhiêu con người xinh đẹp như thế này rồi? Lão đã thiêu cháy bao nhiêu nhà tranh với những gia đình nhốt kín trong đó rồi? Thế lão chẳng bao giờ treo cổ những người dân nghèo ư? Và lão chẳng hãm hiếp phụ nữ và con gái khiến họ phải chết vì nhục nhã sao? - Tôi thì có khác gì bọn lính hở bà già? Lính tráng và chiến tranh mà. Thế nhưng với các cô bé này bây giờ, chỉ nên có trò chơi và chuyện thần tiên vui vẻ thôi. U già mở cái nắp đậy cái đĩa to tướng đựng đầy patê thỏ, bắt đầu phết bơ vào những lát Bánh mì và dè xẻn chia đều cho mấy đứa bé. - Nghe này, các em nhỏ, nghe u Phăngtin nhé. Ooctăngxơ, Angiêlic và Mađơlông đã tranh thủ lúc hai người tranh luận vét sạch bát của mình, rồi lại nghếch mũi lên nghe. Và thằng anh lên mười Gôngtơrăng cũng rời cái góc tối, nơi nó đang hờn dỗi, xán đến gần các em. - Bác Guyôm này, chắc bác có biết thằng con trai tôi, nó đánh xe ngựa cho ông chủ - ngài Bá tước Xăngxê đờ Môngtơlu của chúng ta, ở ngay lâu đài này? - Có, tôi biết cháu. Nó thật là một gã đẹp trai. - Có, tôi biết cháu. Nó thật là một gã đẹp trai. - Đấy, về người bố của cháu thì tôi chỉ có thể nói với bác rằng ông ấy trước kia ở trong quân đội của Đức giáo chủ Risơliơ khi Người kéo quân xuống đánh thành La Rôscu để tàn sát những người Tin lành. Riêng tôi thì chưa bao giờ theo Tin lành, và tôi luôn luôn cầu nguyện Đức bà Đồng trinh ban phước cho tôi được trong trắng cho đến ngày lấy chồng. Thế nhưng đến thời kỳ quân lính của Đức vua rất sùng đạo Luy 13 kéo qua vùng quê tôi, thì tôi đành phải nói thật là mình không còn trinh trắng nữa. Và tôi đã đặt tên con trai là thằng Giăng-áo giáp, để nhắc đến bọn quỷ dữ, trong đó có bố cháu, mà áo giáp của họ thì đầy đinh nhọn đến nỗi cái váy tốt độc nhất của tôi thời đó đã bị xé rách tan tành. Còn về bọn cướp bóc, côn đồ vì đói ăn mà đổ ra hoành hành trên các nẻo đường thì bác ơi có lẽ bác phải thức cả đêm mới nghe tôi kể hết là bọn chúng đã làm gì tôi trên đống rơm ở các chuồng bò, trong khi bọn lâu la thui cháy bàn chân chồng tôi trên lửa, bắt ông ấy phun ra chỗ cất giấu tiền để dành, thậm chí mùi thui chân cháy khét khiến tôi ngỡ chúng thui chân giò lợn! Nói đến đó bà lão Phăngtin phì cười, rồi tự khao mình một cốc đầy rượu táo cho đỡ khô cổ họng vì đã nói thao thao không dứt. Trong máu người u già có pha một chút máu người Morờ do những đoàn quân viễn chinh Ả rập này đã từng tràn đến tận cửa ngõ xứ Poatu hồi thế kỷ 11. Angiêlic đã bú sữa của bà Phăngtin nên thừa hưởng cái tính say mê và nét thơ mộng đã hòa vào tính cách cổ truyền của vùng quê này, vùng đất của những rừng cây dương. Muốn hay không, Angiêlic đã tắm mình trong một thế giới đầy bi kịch và truyện thần tiên, nó lôi cuốn cô bé đến mức gần như khiến cô miễn dịch đối với sợ hãi. Cô đưa mắt thương hại nhìn em bé Mađơlông run rẩy và cả cô chị Ooctăngxơ đang ngồi im như nghẹn thở, mặt giữ vẻ nghiêm trang nhưng thèm đến chết được hỏi u già xem bọn cướp đã làm gì u ở đống rơm. Cô bé tám tuổi Angiêlic khá tinh ranh đoán được điều gì đã diễn ra trong chuồng bò hồi đó. Đã biết bao lần cô dẫn bò cái đến với bò mộng hoặc dê cái đến với dê đực. Và bạn cô, chú bé chăn bò Nicôla, cũng từng giải thích cho cô rằng muốn sinh ra trẻ con, đàn ông và đàn bà cũng phải làm điều đó. Và chính vì vậy mà u Phăngtin đã sinh ra anh Giăng-áo giáp. Nhưng điều làm Angiêlic ngỡ ngàng là khi u già kể những chuyện đó, giọng xen lẫn vẻ say sưa đờ đẫn và kinh hãi thật sự. Tuy vậy, cô không cố tìm hiểu ý nghĩ cùng những quãng ngập ngừng im bặt và những cơn giận dữ của u. Còn muốn gì hơn nữa khi u Phăngtin có đó, phục phịch và đôi cánh tay vững chắc luôn bận rộn và đặt trên lòng một thúng đồ khâu để cho mình có thể vùi đầu vào núp như một con chim nhỏ, được nghe u hát một bài hát ru hay kể chuyện lão Gyơ đờ Rét. So với u Phăngtin thì bác già Guyôm Lutđen mộc mạc hơn nhiều. Bác nói năng chậm rãi, giọng lơ lớ. Người ta nói bác vốn là người Thụy Sĩ hay Đức. Gần mười lăm năm đã trôi qua kể từ ngày bác đến đây, chân không giày, bước đi khập khiễng trên con đường do người La Mã mở trước kia chạy từ Angiê đến Xanh Giăng Đănggiêli. Bác đã lê chân tới lâu đài Môngtơlu xin một bát sữa, rồi được giữ lại để làm những việc thượng vàng hạ cám: sửa chữa đồ đạc, hàn xoong chảo, nặn bát, nặn lọ. Nam tước Xăngxê còn phái bác đưa thư cho bạn hữu láng giềng, hoặc người đến thu thuế. Già Guyôm thường kiên nhẫn lắng nghe nhân viên thu thuế trình bày, rồi đáp lại bằng tiếng thổ dân của mình, tiếng Thụy Sĩ hoặc tiếng Tirôn, làm cho người đốc thuế nản lòng phải b đi. Trên gác xép, nơi bác hiện giờ vẫn ngủ, những tia nắng còn lóng lánh trên tấm áo giáp và mũ sắt của bác; đôi khi bác vẫn dùng chiếc mũ sắt ấy để uống rượu hâm nóng với chất cay hay thậm chí còn dùng để đựng xúp. Còn ngọn giáo khổng lồ của bác, cao gấp ba người, thì được dùng để khều hạt dẻ khi đến mùa. Dụng cụ của bác mà Angiêlic thèm muốn nhất là miếng đồi mồi khảm gỗ dùng để cào sợi thuốc hút. Các cửa ở khu nhà bếp rộng thênh thang của lâu đài mở ra, đóng lại suốt buổi tối. Lần lượt đi vào rồi lại đi ra hết đầy tớ trai lại đến cô hầu gái và anh đánh xe Giăng-áo giáp, da cũng nâu như bà mẹ, người lúc ra cũng cuốn theo mùi thức ăn thơm ngậy. Và đến lũ chó săn cũng lách vào, hai con chó cái săn thỏ: Mách và Magiơlen và những con chân lùn dính đầy bùn đến tận mắt. Từ lâu đài cô gái Nanet ẩy cửa bước vào: cô đang được dạy dỗ làm gái hầu phòng, cô thầm mơ ước học được đủ cung cách lịch sự rồi sẽ từ giã ông bà chủ túng bấn của mình để đến hầu hạ nhà Hầu tước Plexi-Belie ở cách Môngtơlu vài dặm. Qua lại còn có hai cậu đầy tớ nhỏ, lông ngựa vương trên mí mắt, đi khiêng củi sưởi cho phòng lớn, và khiêng nước cho các phòng ngủ. Rồi bà Nam tước xuất hiện. Bà có khuôn mặt xinh đẹp đã phôi pha vì nắng gió đồng quê và vì sinh nở quá dày. Bà mặc áo vải xéc màu xám và mang khăn choàng đầu bằng lụa đen, vì bà ngồi ở phòng lớn bên ông bố chồng và các bà cô, không khí ẩm hơn trong bếp. Bà đến hỏi ấm trà giải cảm cho nam tước sắp đun xong chưa, và liệu cô út ăn sữa có quấy nhiễu gì không. Bà vuốt má Angiêlic khi qua chỗ con. Cô bé đang tựa vào bàn ngủ gà ngủ gật, mớ tóc dài vàng óng xoã xuống mặt bàn lóng lánh dưới ánh lửa. - Đến giờ đi ngủ rồi đấy, các con gái của mẹ ạ. Cô Puynsêri sẽ đưa các con lên gác - bà nói. Rồi cô Puynsêri, bà cô lớn tuổi xuất hiện với dáng điệu dễ bảo quen thuộc. Vì không có chút tiền hồi môn nào để kiếm được tấm chồng hoặc vào nhà tu kín, bà cô quyết định đảm nhận vai trò trông coi các cháu gái. Và chính vì bà chịu khó giúp ích họ hàng chứ không muốn rỗi rãi rên rỉ hoặc thêu đan suốt ngày nên bà lại có phần hơi bị coi thường và không được nề vì như bà cô thứ hai - Gian to béo. Cô Puynsêri tập hợp các cháu gái lại để bà vú đưa về phòng ngủ. Còn cậu con trai Gôngtơrăng vì không có ai giám sát nên khi buồn ngủ tự rút về giường lót rơm trên gác xép. Bước theo u già, ba cô bé Ooctăngxơ, Angiêlic và Mađơlông đi vào phòng lớn, ở đây lửa trong lò sưởi cùng ba cây nến không đủ sáng để xua hết bóng tối tựa như đã tích tụ qua nhiều thế kỉ dưới mái vòm thời trung cổ. Các cô bé nhún chân cúi chào ông nội mặc áo choàng rộng màu đen cổ lông thú đã tàn đang ngồi trước lò sưởi. Hai bàn tay trắng của cụ đặt trên chiếc gậy chống, nom rất đường hoàng. Cụ đội mũ dạ đen to tướng, bộ râu xén tỉa vuông vắn theo kiểu vua Angri đệ tứ và chiếc khăn quấn cổ nhỏ, cô bé Ooctăngxơ thì thầm: dáng dấp trông “cổ quá”! Sau lần nhún chân cúi chào lần thứ hai dành cho bà cô Gian đang bĩu môi chẳng buồn hé cười đáp lại, ba cô gái bước lên mấy bậc đá ẩm thấp như đường vào hang. Buồng ngủ của các cô về mùa đông lạnh giá, nhưng mát mẻ vào mùa hè. Chiếc giường lớn dành cho ba cô sừng sững trong góc của gian phòng trơ trọi, vì tất cả đồ đạc đã lần lượt bị đem bán dần qua các thế hệ trước. Nhà lợp đá, đã phủ thêm rơm rạ vào mùa đông, nhưng vẫn vỡ thủng lỗ chỗ. Chiếc thang gỗ nhỏ ba bậc giúp mấy cô leo lên giường. Sau khi mặc áo ngủ và đội mũ vải giữ tóc, quỳ xuống đọc kinh cầu Chúa ban phước lành, ba tiểu thư Xăngxê đờ Môngtơlu lên giường trải đệm lông ấm, lách mình vào những tấm chăn có khá nhiều lỗ thủng. Angiêlic nhanh nhẹn lựa tìm chỗ chăn thủng vừa đủ để thò chân hổng ra ngoài, ngọ nguậy ngón chân trêu cho Mađơlông phì cười. Do những chuyện u già mới kể, cô bé này đâm ra nhút nhát quá thỏ con. Ooctăngxơ cũng vậy vì là chị cả nên không nói ra. Còn Angiêlic lại thấy sờ sợ pha lẫn thích thú lạ lùng. Đối với cô, cuộc đời như toàn những bí mật và những khám phá mới. Cô nghe thấy tiếng chuột gặm gỗ, tiếng cú và dơi vừa đập cánh vừa rít lên the thé. Chó săn gừ gừ ở dưới sân, và một chú la cọ da sồn sột vào chân tường. Và đôi khi, giữa những đêm lạnh tuyết rơi, vang lên tiếng chó sói hú trong những khu rừng sâu của vùng Môngtơlu lởn vởn đến gần lâu đài. Hoặc giả, bắt đầu từ những đêm xuân đầu tiên trở đi, tiếng hát của đám nông dân nhảy múa vui đùa dưới ánh trăng vọng tới lâu đài. Một mặt tường thành lâu đài Môngtơlu quay về đầm lầy. Đây là phần cổ xưa nhất, được xây dựng dưới thời ngài quý tộc Riđuê Xăngxê, bạn chiến đấu của hiệp sĩ Đuy Guetxdanh hồi thế kỉ 12. Bức tường thành được xây kèm với hai ngọn tháp đồ sộ nối với nhau bằng một lối đi lát gỗ trên bờ tường. Khi Angiêlic leo lên tường thành cùng với anh Gôngtơrăng và em Đơni, cả ba thích nghịch trò nhổ bọt qua các lỗ châu mai, mà đám lính thời xưa thường dùng để phóng những xô dầu châm lửa cháy đùng đùng xuống đầu bọn xâm lược. Tường thành được xây trên nền đá vôi, kế tiếp là vùng đầm lầy trải rộng ra xa. Thời xa xăm trước kia, đấy là một vùng biển nhỏ: sau này nước biển rút đi, để lại chằng chịt sông ngòi, hồ ao, bây giờ ở đây lau sậy và dương liễu mọc xanh tốt đã tạo thành một vương quốc của các loài lươn, trạch, ếch, nhái. Ở vùng này người nông dân chỉ có thể dùng thuyền qua lại. Xóm làng nhà tranh đã được dựng lên trên các hòn đảo nhỏ của vù biển xưa kia. Khu rừng gần nhất là rừng Niôn, thuộc quyền sở hữu của nhà quí tộc Plexi. Người dân Môngtơlu thường để cho lợn của họ đến bới rễ cây ở đây, vì thế Môlin tham lam - viên quản lý của hầu tước Plexi luôn đâm đơn kiện cáo. Sống trong rừng này chỉ có mấy người thợ đẽo guốc và thợ đốt than củi, cùng với mụ phù thủy già tên gọi Mêludin. Từ trong rừng mụ thỉnh thoảng hiện ra, vào mùa đông, đến ngưỡng cửa lâu đài xin sữa uống, đổi lấy những cây thuốc. Bắt chước mụ Angiêlic cũng đi nhặt rễ cây và hoa lá, đem phơi khô hoặc xay nghiền, rồi nhét đầy các bị nhỏ cất ở nơi bí mật, chỉ có một mình lão Guyôm biết. Bà cô Puynsêri dù có gọi đến hàng giờ cũng không thấy cô ló mặt ra. Khi nghĩ đến Angiêlic, đôi lúc bà Puynsêri phát khóc. Đối với bà, cô bé này không những chỉ rõ sự thất bại của cái gọi là nền giáo dục cổ truyền, sự sa sút của dòng họ quí tộc này, mà còn sớm mất đi phẩm cách do nghèo khó, túng thiếu. Rạng đông vừa mới bừng lên cô gái tức thì chạy phóng vào rừng, làn tóc bay tung trước gió, quần áo phong phanh không hơn gì đứa trẻ nông dân: một áo lót, áo cánh và chiếc váy bạc màu. Hai bàn chân nhỏ xinh như chân công chúa nhưng cứng cáp như có gót sừng, vì cô đã quen lia ngay đôi giầy đang đi vào bụi rậm đầu tiên ở bên đường để chạy nhảy cho khỏi vướng. Nếu có người gọi về, cô mới miễn cưỡng quay khuôn mặt tròn rám nắng lại, long lanh đôi mắt xanh biếc màu ngọc thạch, đồng màu với loài hoa thơm vùng đầm lầy mang tên gọi giống như tên cô. - Con bé này phải cho đi học nội trú ở trường Nhà dòng - bà Puynsêri thở dài nói. - Con bé này phải cho đi học nội trú ở trường Nhà dòng - bà Puynsêri thở dài nói. Nhưng Nam tước Xăngxê, ngưòi ít nói và bị nhiều lo nghĩ dày vò, chỉ nhún vai. Làm sao ông có thể cho con gái thứ hai đi học nội trú, khi mà chẳng có sức cho con gái đầu đến đó? Thu nhập hàng năm của ông vẻn vẹn không tới bốn nghìn livrơ, vậy mà đã phải trích ra bốn trăm đồng trả cho hai con trai đầu lòng theo học các thầy dòng ở thành phố Poachiê. Tại vùng đầm lầy, Angiêlic có một cậu bạn là Valăngtin, con trai người chủ nhà cối xay bột mì. Và ở rừng cô kết bạn với Nicôla, một trong bảy đứa con của người tá điền, được thuê làm người chăn cừu cho ngài Xăngxê. Cùng với Valăngtin, Angiêlic ưa dùng thuyền dạo chơi trên các đầm lạch hai bên bờ chi chít hoa thơm, cỏ dại. Valăngtin hay tìm hái cây Angiêlic thơm ngát. Sau đó cậu ta thường đem bán cho các tu sĩ ở tòa linh mục Niôn để họ dùng rễ và hoa sắc thuốc, còn thân cành thì tẩm đường làm mứt. Bố Valăngtin không ưa con làm như thế: việc gì mà con trai ông phải buôn bán kiểu đó, vì sau này nó sẽ thừa hưởng gia sản của bố, nghiễm nhiên trở thành chủ ngôi nhà cối xay bột bề thế dựng bên bờ nước cơ mà! Nhưng Valăngtin là đứa trẻ tính nết khó hiểu. Với nước da hồng thẫm và vóc người vạm vỡ như lực sĩ mặc dù ở tuổi mười hai, anh chàng thường câm như hến và có cái nhìn lơ đãng, khiến những kẻ ghen tị ông chủ nhà cối xay bột dèm pha cậu ta đần độn. Chàng Nicôla, người chăn cừu bẻm mép và huênh hoang, thường dẫn Angiêlic đi hái nấm, dâu tây, lượm hạt dẻ. Hai anh chàng gầm ghè muốn chém giết nhau vì tranh giành những “đặc ân” của Angiêlic. Cô bé xinh đẹp đến nỗi nông dân trong vùng coi nàng như hiện thân sinh động của các thiên thần được tôn thờ ở các miếu đá dựng sừng sững trên cánh đồng hoang. Chính Angiêlic cũng thích những điều vĩ đại cao cả. Cô bé thản nhiên tuyên bố với bất cứ ai ở chung quanh: - Tôi là một nữ Hầu tước - Thật ư? Sao lại thế được. - Thế chứ. Bởi vì tôi đã cưới một hầu tước. Ông hầu tước đây khi là Valăngtin, khi là Nicôla, hoặc là một trong những cậu nhóc khác, cậu nào cũng hồn nhiên, tựa một bầy chim bị cuốn hút theo cô bé từ cánh đồng này sang khu rừng kia. Cô cũng ưa khẳng định với vẻ mặt ngộ nghĩnh: - Tôi là Angiêlic, tôi đang dẫn đội thiên thần nhỏ của tôi đi chiến đấu. Từ đó cô bé được mang biệt hiệu là ”Nữ hầu tước nhỏ của những thiên thần”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương