Totto Chan – Cô Bé Bên Cửa Sổ

Chương 06



Quần áo xoàng xĩnh nhất

Thầy hiệu trưởng thường đề nghị các bậc cha mẹ cho con em mặc quần áo xoàng xĩnh nhất khi đến trường Tô-mô-e. Ông muốn các em mặc quần áo xoàng xĩnh nhất để khi có bẩn, có rách cũng không sao. Ông cho rằng, trẻ em không dám chơi đùa vì sợ bẩn hoặc rách rách quần áo rồi bị mắng, thì thật đáng hổ thẹn. Có những trường tiểu học gần Tô-mô-e, học sinh nữ mặc đồng phục lính thủy, học sinh nam mặc áo vét cao cổ và quần soóc. Các học sinh Tô-mô-e đi học mặc quần áo thường và các em được phép của các thầy cô giáo chơi đùa thả cửa, không cần chú ý gì đến quần áo của mình. Thời đó, quần không được bền như quần bò bây giờ, do đó cậu nào cũng mặc quần vá và các học sinh nữ mặc váy hay áo liền váy làm bằng loại vải bền nhất.

Những lúc rỗi, Tôt-tô-chan thích chui dưới hàng rào vườn và các mảnh đất bỏ không của những người khác, nên không phải bận tâm đến quần áo là rất hợp với em. Thời ấy có rất nhiều hàng rào dây thép gai, lắm khi sát đến tận mặt đất. Để chui dưới một hàng rào như vậy, bạn phải đào đào bới bới như một con chó. Dù cẩn thận đến mấy, quần áo của em bao giờ cũng mắc vào dây thép gai và rách. Một lần, em mặc cái áo váy bằng vải mút-xơ-lin đã cũ, xơ cả ra, cả cái áo bị rách toạc từ trên xuống dưới. Mặc dù áo đã cũ, em biết, mẹ rất quý cái áo đó. Vì thế, em phải vắt óc nghĩ xem nên nói như thế nào. Em không đủ can đảm nói với mẹ là áo rách vì vướng dây thép gai. Em nghĩ tốt hơn hết là bịa ra một câu chuyện không thể nào tránh làm rách áo được. Cuối cùng em nghĩ được câu chuyện thế này:

- Khi con đang đi trên đường, - em nói dối khi về đến nhà,- nhiều trẻ con lạ đến ném những con dao vào lưng con. Vì thế áo của con rách ra như vậy.

Nhưng trong khi nói, em tự nghĩ cách trả lời các câu hỏi thêm của mẹ. Cũng may, mẹ chi nói :

- Thật ghê gớm quá nhỉ.

Tôt-tô-chan thở phào nhẹ nhõm. rõ ràng mẹ thấy rằng trong hoàn cảnh như vậy, em khó giữ được toàn vẹn bộ áo váy mà mẹ ưa thích.

Lẽ dĩ nhiên, mẹ không tin câu chuyện em kể. Nếu dao ném vào lưng, thì không những áo bị rách mà em cũng phải bi thương. Vậy mà em lại hình như không sợ một chút nào. Mẹ biết ngay đây là câu chuyện bịa.

Tuy nhiên, việc bịa một cớ như vậy không phải là điều Tôt-tô-chan quen làm. Mẹ nhận thấy em đã phải rất khổ tâm về cái áo và điều đó khiến bà bằng lòng. Nhưng có một điều bấy lâu nay mẹ vẫn muốn biết, và đây là một dịp tốt. Mẹ nói:

- Mẹ có thể hiểu được, áo con bị dao làm rách, nhưng tại sao mà ngày nào quần con cũng bị rách?

Mẹ không thể hiểu nổi cái quần có viền đăng-ten của Tôt-tô-chan hôm nào cũng bị rách đít. Bà có thể hiểu quần bị lấm bùn, mòn đũng, nhưng làm sao hiểu được quần nào cũng rách bươm ra như thế.

Tôt-tô-chan nghĩ một lúc rồi nói:

- Mẹ biết đấy, khi bới dưới hàng rào, khó mà giữ cho váy không mắc vào đấy và khi chui qua chui lại khó mà giữ đươc quần khỏi móc. Vả lại, còn phải làm trò: "Xin lỗi, cho phép tôi vào chứ" và "Thôi, xin chào tạm biệt" từ đầu hàng rào này sang đầu kia, cho nên quần áo rách là phải.

Mẹ thật sự không hiểu nhưng nghe rất vui. Mẹ hỏi:

- Có vui không?

Ngạc nhiên về câu hỏi của mẹ, Tôt-tô-chan nói:

- Sao mẹ không thử xem. Rất vui, và thế nào quần áo của mẹ cũng rách!

Trò chơi Tôt-tô-chan rất thích và thấy rất lý thú diễn ra như thế này:

Trước hết, bạn phải tìm một khoảng đất trống rộng, xung quanh có hàng rào dây thép gai. Trò "Xin lỗi, cho phép tôi vào chứ" đòi hỏi bạn phải nhấc chỗ dây thép có gai, đào một cái hố, chui xuống dưới, rồi lại đào một cái hố nữa, lần này bạn lùi ra và nói: "Thôi xin chào tạm biệt". Như thế, mẹ thấy rất rõ là váy Tôt-tô-chan được xắn lên khi em lùi ra, do đó quần mắc vào dây thép gai. Việc làm này cứ phải làm đi làm lại nhiều lần - đào đào, bới bới, dưới dây thép gai với trò: "Xin lỗi, tôi vào được chứ?", rồi lùi ra qua một cái hố mới với trò: "Thôi xin chào tạm biệt" và cứ mỗi lần như thế, quần áo, váy xống lại bị rách. Tôt-tô-chan đi đi lại lại ngoằn ngoèo chữ chi rất tài tình, đào đào bới bới dưới rào dây thép gai từ đầu nọ đến đầu kia. Thảo nào, quần của em rách hết cả.

Một trò chơi như vậy, chỉ làm cho người lớn mệt và chẳng có gì là lý thú cả, lại lý thú đến thế đối với trẻ em, thật là kỳ lạ! Nhìn Tôt-tô-chan, tóc, tai, móng tay đầy đất cát, mẹ không thể không cảm thấy muốn đuợc như thế. Và cũng không thể không thán phục thầy hiệu trưởng. Việc ông đề nghị để các em mặc quần áo mà các em tha hồ làm bẩn là một ví dụ nữa chứng tỏ ông hiểu các em như thế nào.

Takahasi

Một buổi sáng, khi các em đang chạy trong sân trường, thầy hiệu trưởng bảo:

- Này, các em, đây là một bạn mới của các em. Tên bạn là Ta-ka-ha-si. Em sẽ học ở toa tàu lớp một.

Các học sinh, kể cả Tôt-tô-chan, đều nhìn Ta-ka-ha-si. Cậu ta ngả mũ cúi chào và nói một cách thẹn thùng:

- Xin chào các bạn.

Tôt-tô-chan và các bạn của em còn thấp bé, vì mới chỉ học lớp một, nhưng Ta-ka-ha-si là con trai, mà lại còn thấp bé hơn, chân tay bạn đều ngắn cũn. Tay cậu ta cầm mũ, cũng rất nhỏ, nhưng đựơc cái, cậu ta có đôi vai rộng. Cậu ta đứng trông thật đáng thương.

Tôt-tô-chan nói với Mi-y-ô-chan và Sac-kô-chan:

- Chúng ta ra nói chuyện với cậu ấy đi.

Các em đi ra chỗ Ta-ka-ha-si. Khi các em lại gần, cậu ta cười rất niềm nở và các em cũng cười. Cậu ta có đôi mắt to, tròn và hình như muốn nói điều gì. Tôt-tô-chan gợi ý:

Các em đi ra chỗ Ta-ka-ha-si. Khi các em lại gần, cậu ta cười rất niềm nở và các em cũng cười. Cậu ta có đôi mắt to, tròn và hình như muốn nói điều gì. Tôt-tô-chan gợi ý:

- Bạn có muốn xem lớp học ở trong tàu không?

- Ừ, Ta-ka-ha-si trả lời rồi đội mũ lên đầu. Tôt-tô-chan vội vàng chỉ cho bạn lớp học và vừa nhảy lên tàu vừa gọi cậu ta ở cửa:

- Nhanh lên.

Ta-ka-ha-si đi trông có vẻ nhanh, nhưng vẫn bị bỏ rơi một đoạn xa.

- Mình đến đây,- cậu ta nói trong khi tập tễnh đi về phiá trước, cố chạy.

Tôt-tô-chan nhận ra rằng Ta-ka-ha-si không kéo lê chân vì bị bại liệt như Y-a-su-a-ki-chan nhưng cậu ta cũng phải mất ngần ấy thời giờ mới đi đến chỗ tàu. Em lặng lẽ đứng đợi bạn. Ta-ka-ha-si đang cố chạy rất vội. Chân cậu ta ngắn, lại vòng kiềng. Các thầy giáo và người lớn đều biết là cậu không thể lớn được hơn nữa. Khi biết Tôt-tô-chan đang nhìn mình, cậu ta gắng chạy nhanh hơn, vung cả hai tay. Khi đến cửa, cậu nói:

- Bạn chạy nhanh thật,- rồi tiếp-, Mình người ở Ô-sa-ka.

- Bạn ở Ô-sa-ka à?

Tôt-tô-chan reo lên thích thú. Ô-sa-ka là thành phố em hằng mơ ước nhưng chưa được nhìn thấy bao giờ. Em ruột mẹ, cậu của em, là sinh viên đại học và mỗi khi về nhà, cậu thường đưa hai tay ôm đầu em nhấc bổng lên thật cao và nói: " Cậu sẽ giúp cho cháu nhìn thấy Ô-sa-ka. Nào đã thấy Ô-sa-ka chưa?"

Đấy chỉ là một trò chơi mà người lớn thường đùa với trẻ con, nhưng Tôt-tô-chan rất tin cậu. Mỗi lần được cậu nhấc lên như vậy, da mặt em căng ra, mắt trông lạ hẳn đi và tai rất đau nhưng em vẫn cố ngước nhìn về tận phía xa để xem có thấy Ô-sa-ka không. Nhưng chẳng trông thấy gì cả. Tuy vậy, em luôn tin tưởng rằng một ngày nào đó, em sẽ nhìn thấy thành phố ấy. Vì thế mỗi lần cậu đến, em thường nhắc: " Cậu giúp cháu nhìn thấy Ô-sa-ka đi". Thế là Ô-sa-ka đã trở thành thành phố của ước mơ. Và Ta-ka-ha-si là người của thành phố ấy!

Em nói với Ta-ka-ha-si:

- Bạn kể cho tôi nghe về Ô-sa-ka đi!

- Về Ô-sa-ka hả?- Ta-ka-ha-si hỏi lại, mỉm cười sung sướng. Giọng nói của cậu ta rõ ràng và chín chắn. Đúng lúc đó chuông reo vào tiết một.

- Tiếc quá!- Tôt-tô-chan nói.

Ta-ka-ha-si đi vào lớp vui vẻ, đu đưa cái thân hình nhỏ bé hầu như bị cái cặp che mất và ngồi vào bàn đầu. Tôt-tô-chan vội vàng ngồi xuống cạnh cậu ta. Em thích nhất là có thể ngồi đâu cũng được. Em không muốn xa cậu ta. Thế là Ta-ka-ha-si trở thành một người bạn của em.

Cẩn thận trước khi nhảy

Một hôm, trên đường từ trường về, sắp đến nhà, Tôt-tô-chan phát hiện thấy một đống cát to rất hấp dẫn bên lề đường. Xa biển thế này mà lại có cát mới kỳ lạ chứ. Hay là em mơ chăng? Tôt-tô-chan thích thú lắm! Sau khi nhảy nhảy mấy cái để lấy đà, em chạy thật nhanh và nhảy vọt lên đỉnh đống cát. Nhưng hóa ra không phải cát! Bên trong là một đống vữa màu xám đã trộn sẵn. Em nhảy vào đó đánh "ũm" một cái, cả người em đã lún ngập trong vữa đến tận ngực, cả cặp, cả túi giày đều dính nhớp nháp những vữa là vữa và em đứng sững như một pho tượng. Càng cố gắng thoát ra em càng bị lún sâu xuống. Giày hình như tuột hết cả và em phải cẩn thận để khỏi bị lún ngập thêm trong vữa. Em đành phải đứng im như vậy, tay trái mắc kẹt trong đống vữa nhớp nháp để nắm chặt cái túi giày. Một, hai người đàn bà không quen biết đi ngang qua, em khẽ gọi họ:

- ... Bà ơi...

Nhưng tưởng em đang chơi nghịch nên họ chỉ mỉm cười và tiếp tục đi.

Chiều xuống và đêm tối. Mẹ chạy đi tìm em và rất ngạc nhiên thấy đầu Tôt-tô-chan đang nhô lên bên trên đống vữa. Bà tìm một cái gậy, bảo Tôt-tô-chan cầm một đầu rồi kéo em ra. Thoạt tiên bà dùng tay để kéo, nhưng chân bà cứ bị dính chặt trong vữa không làm sao kéo được.

Khắp người Tôt-tô-chan toàn vữa là vữa, y hệt một bức tượng. Mẹ nói:

- Mẹ nhớ là đã bảo con một lần trước đây rồi. Khi trông thấy cái gì ngồ ngộ, hay hay, chớ có nhảy vào ngay. Trước khi nhảy phải nhìn cái đã!

Mẹ nói "lần trước đây" là có ý nhắc lại chuyện đã xảy ra vào một bữa ăn cơm trưa ở trường. Hôm ấy Tôt-tô-chan đang đi chơi dọc con đường nhỏ sau phòng học, em thấy có một tờ giấy báo ở giữa đường. Em nghĩ thử nhảy vào giữa tờ giấy được không, thế là, em lùi lùi lại vài bước, nhảy nhảy để lấy đà và rồi mở hết tốc lực chạy, nhằm đúng giữa tờ giấy mà nhảy. Nhưng đấy chính là tờ giấy báo mà người bảo vệ dùng để đậy tạm miệng cái hố phân đã nói ở phần trên. Anh đã đi làm một việc gì ở đâu đó nên đã đậy miếng giấy báo cho đỡ hôi vì cái nắp bê tông phải mang đi chữa. Tôt-tô-chan ngã đúng vào hố phân đánh "bụp" một cái. Thật là kinh khủng. Nhưng cũng may, người ta lại tắm rửa cho em thật sạch sẽ. Mẹ nói lần trước đây chính là lần ấy!

Tôt-tô-chan lặng lẽ nói:

- Từ nay, con sẽ không nhảy vào bất cứ một thứ gì nữa!

Mẹ thấy nhẹ nhõm cả người. Nhưng câu Tôt-tô-chan nói tiếp liền sau đó lại làm mẹ nghĩ rằng mẹ mừng hơi sớm:

- Con sẽ không bao giờ nhảy vào một tờ giấy hay một đống cát nữa. Như thế có nghĩa là Tôt-tô-chan có thể lại nhảy vào một cái gì khác. Ngày ngắn dần và đến khi hai mẹ con về đến nhà thì trời đã tối hẳn.

Và rồi ờ...ờ

Và rồi ờ...ờ

Giờ ăn trưa ở Tô-mô-e bao giờ cũng rất vui và gần đây lại có thêm một điều lý thú.

Thầy hiệu trưởng vẫn kiểm tra hộp cơm của tất cả năm mươi học sinh để xem các em có thức ăn của biển và thức ăn của đất không, bà vợ của ông luôn mang theo sẵn hai cái xoong để cho thêm các em nào còn thiếu - sau đó, tất cả các em thường hát: "Nhai, nhai, nhai cho kỹ", theo sau là điệp khúc: "Tôi cùng chia sẻ một cách biết ơn". Nhưng từ nay trở đi sau điệp khúc: " Tôi cùng chia sẻ một cách biết ơn", thì phải có một ai đó đứng lên kể chuyện.

Một hôm, thầy hiệu trưởng bảo:

- Thầy nghĩ tất cả chúng ta nên học nói cho tốt hơn. Các em nghĩ thế nào? Từ nay, trong khi chúng ta ăn cơm trưa, một em sẽ đứng giữa vòng tròn và kể một câu chuyện gì đấy. Ý kiến các em thế nào?

Một vài em cho rằng mình nói không giỏi, nhưng được nghe người khác kể chuyện thì là điều thú vị. Một vài em khác nghĩ rằng tuyệt hơn cả là kể cho mọi người những điều mình biết. Tôt-tô-chan chưa hiểu em sẽ nói gì nhưng em sẵn sàng thử tài. Hầu hết học sinh đều đồng ý với thầy hiệu trưởng và quyết định bắt đầu các cuộc kể chuyện vào ngày hôm sau.

Thường thường người ta giáo dục trẻ em Nhật Bản không nói chuyện khi ăn cơm. Nhưng theo kinh nghiệm tiếp thu được ở nước ngoài, thầy hiệu trưởng thường động viên các em tranh thủ nói chuyện trong bữa cơm.

Ngoài ra, ông nghĩ cần phải tập cho các em quen đứng lên phát biểu ý kiến trước mặt mọi người một cách rõ ràng, thoải mái, không lúng túng, do đó ông cho là đã đến lúc cần thực hiện thuyết này.

Được các em đồng tình, thầy hiệu trưởng liền nói, và Tôt-tô-chan nghe rất chăm chú:

- Các em không nên quá lo lắng về chuyện mình kể phải thật hay, các em có thể nói về bất cứ điều gì mà các em thích, cả về những điều mà các em muốn làm. Bất cứ điều gì! Dù sao thì chúng ta hãy cứ thử xem!

Danh sách những người kể chuyện đã được sắp xếp lên lịch. Và mọi người ai đến phiên kể chuyện thì hôm đó sau khi hát phải ăn cơm nhanh.

Các em nhận ngay ra rằng: không giống như khi nói với hai, ba bạn trong giờ ăn cơm, đứng lên nói trước toàn trường thì khó và cần phải can đảm. Nhiều em lúc đầu thẹn quá cứ cười rúc rích. Một bạn trai rất cố gắng chuẩn bị câu chuyện, nhưng lúc đứng lên thì lại quên sạch. Cậu ta cứ nhắc đi nhắc lại mãi cái đầu đề nghe rất hay:

- Tại sao ếch lại nhảy ngang, - sau đó nói luôn: - Khi trời mưa, - nhưng đến đó thì không nói thêm được tí nào nữa. Cuối cùng, cậu ta đành bảo - Thế là hết, - rồi cúi chào và đi về chỗ.

Vẫn chưa đến lượt Tôt-tô-chan, nhưng em định bụng rằng đến lượt mình em sẽ kể chuyện em thích nhất "hoàng tử và công chúa". Ai cũng biết chuyện ấy cả rồi, và mỗi lần em muốn kể lại nó trong giờ nghỉ, các bạn đều nói: "Bọn tớ chán chuyện đó lắm rồi". Mặc dù vậy, em vẫn quyết định làm theo đúng ý mình.

Việc kể chuyện bắt đầu đi vào nền nếp, thì một hôm, một em trong lớp đến phiên mình kể chuyện kiên quyết từ chối. Cậu ta tuyên bố:

- Tôi chẳng có chuyện gì để kể cả.

Tôt-tô-chan ngạc nhiên nghĩ rằng tại sao lại không có chuyện gì để kể nhỉ. Nhưng cậu này đúng là không có chuyện gì để kể thật. Thầy hiệu trưởng đi đến bàn cậu ta, trên mặt bàn có hộp cơm đã ăn hết.

- Thế em không có gì để nói cả à? - Ông hỏi.

- Dạ không.

Cậu ta không cố làm ra vẻ thông minh, hay đại loại như vậy. Đúng là cậu ta không nghĩ được chuyện gì để kể thật rồi!

Thầy hiệu trưởng bỗng ngửa đầu ra đằng sau mà cười, không chú ý gì đến những chỗ răng khuyết của mình.

- Nào chúng ta hãy gắng tìm cho bạn ấy một điều gì để kể đi!

- Tìm một điều gì cho em à? - cậu bé ra vẻ rất sửng sốt.

Thầy hiệu trưởng bảo cậu ta cứ đứng ra giữa vòng tròn còn thầy thì ngồi vào bàn của cậu. Thầy hỏi:

- Em hãy cố nhớ xem. Sáng nay em làm gì sau khi ngủ dậy và trước khi đi học, em đã làm việc gì đầu tiên?

- À, à - cậu bé ấp úng nói và giơ tay gãi đầu.

- Hay lắm, - thầy hiệu trưởng nói - em vừa nói "à, à". Sau khi "à, à", em làm gì?

- Ờ, ờ, ừ... em dậy, - cậu ta lại vừa nói vừa gãi đầu.

Tôt-tô-chan và các bạn khác thích lắm, chăm chú nghe. Cậu ta tiếp tục:

Tôt-tô-chan và các bạn khác thích lắm, chăm chú nghe. Cậu ta tiếp tục:

- Rồi thì, ừ, ờ... - cậu ta lại gãi đầu. Thầy hiệu trưởng ngồi kiên nhẫn, nhìn cậu ta, vẫn mỉm cười, hai bàn tay để trên bàn vẫn đan vào nhau. Rồi ông nói:

- Thật là tuyệt. Thế được rồi. Em đã dậy. Em đã làm được mọi người cười mới là người nói giỏi. Điều quan trọng là em nói em không có gì để kể và em đã tìm được một điều gì đó để kể rồi!

Nhưng cậu ta không ngồi xuống. Cậu ta nói rất to:

- Và rồi... ừ... ừ...

Tất cả cùng chồm người ra phía trước để đợi nghe cậu ta nói tiếp. Cậu bé hít một hơi dài nói:

- Và rồi... ờ... ờ, mẹ em, ờ... ờ... bảo "đi đánh răng đi" ờ.. ờ... và em đi đánh răng...

Thầy hiệu trưởng vỗ tay. Mọi người khác đều vỗ tay. Ngay khi ấy cậu bé lại nói tiếp, giọng to hơn trước:

- Và rồi... ờ... ờ...

Các học sinh thôi không vỗ tay nữa, nín thở nghe, chồm người ra phía trước.

Cuối cùng, cậu ta nói một cách đắc thắng:

- Và rồi... ờ... ờ... em đi học...

Một cậu học sinh lớn tuổi chồm quá đà, mất thăng bằng, đập cả mặt mình vào hộp cơm. Nhưng mọi người đều rất vui vì cậu học sinh kia đã tìm thấy một điều gì đó để kể.

Thầy hiệu trưởng vỗ tay thật to, Tôt-tô-chan và các em khác cũng làm như vậy. Thậm chí cái cậu " và rồi, ờ, ờ..." đang đứng giữa, cũng vỗ tay. Cả phòng vang lên tiếng vỗ tay.

Thậm chí sau này khi đã là người lớn, chắc chắn cậu ta không bao giờ quên được tiếng vỗ tay ấy.

Chúng con chỉ đùa thôi

Tôt-tô-chan gặp một chuyện không may, khủng khiếp. Việc xảy ra sau khi em ở trường về, lúc em và con chó Rốc-ky đang cùng chơi trò "chó sói" trong phòng em, trước giờ ăn cơm tối.

Cả hai đã cùng lăn gần nhau từ hai phía đối diện của phòng, và khi chạm nhau thì vật lộn đánh đấm nhau một tẹo rồi thôi. Cả hai đã chơi trò này nhiều lần rồi, và bây giờ quyết định chơi một trò khác hơi phức tạp hơn - và Tôt-tô-chan, đương nhiên là người quyết định. Cái mới bây giờ là khi gặp nhau ở giữa phòng sau khi lăn lại gần nhau, ai chiếu tướng với bộ mặt chó sói dữ hơn thì người ấy thắng cuộc. Rốc-ky là chó chăn cừu Đức, nên đối với nó làm điệu bộ chó sói thật không khó gì. Nó chỉ cần vểnh tai, há mõm và nhe răng là xong. Nó cũng có thể làm cho mắt long lên sòng sọc, dữ tợn ghê gớm. Đối với Tôt-tô-chan thì hơi khó hơn. Em thường đặt hai tay lên hai bên đầu giả làm tai, há mồm và trợn mắt thật to, lại gầm gừ và giả vờ cắn con Rốc-ky. Lúc đầu, con Rốc-ky chơi rất vui. Nhưng nó là con chó con, nó quên mất đấy là đùa nên bất thình lình cắn Tôt-tô-chan thật sự.

Mặc dù là chó con, nhưng nó cũng lớn gần gấp hai Tôt-tô-chan, răng nó nhọn và sắc, nên trước khi hiểu ra được thì tai phải em đã rách toạc và máu túa ra.

Nghe tiếng kêu của em, mẹ chạy vội từ bếp lên và thấy em ở trong góc phòng với Rốc-ky, hai tay ôm lấy tai phải, áo váy lấm tấm máu. Đang kéo vi-ô-lông trong phòng khách, bố cũng chạy vào. Hình như con Rốc-ky đã nhận ra là nó đã phạm một điều khủng khiếp. Đuôi nó cụp giữa hai chân và nhìn Tôt-tô-chan một cách buồn rầu.

Tôt-tô-chan chỉ nghĩ là mình sẽ phải làm gì nếu bố mẹ bực mình với Rốc-ky rồi đem vứt nó đi hoặc cho ai. Đấy là điều buồn nhất, khổ nhất đối với em. Em nằm phục bên cạnh Rốc-ky, ôm tai và vừa khóc vừa van xin:

- Đừng mắng con Rốc-ky! Đừng mắng con Rốc-ky!

Bố mẹ vội vàng xem tai em có việc gì không và cố kéo hai tay em ra. Tôt-tô-chan nhất định không rời tay và gào lên:

- Con không đau. Đừng giận con Rốc-ky! Đừng giận con Rốc-ky!

Thật thà mà nói, lúc ấy Tôt-tô-chan không cảm thấy đau. Em chỉ nghĩ đến con Rốc-ky mà thôi.

Máu cứ rỉ xuống và cuối cùng bố, mẹ hiểu rằng con Rốc-ky hẳn đã cắn Tôt-tô-chan. Nhưng mẹ cam đoan với em rằng họ sẽ không bực mình với con chó. Và cuối cùng, em bỏ tay ra. Khi trông thấy tai em rách toạc, mẹ kêu thét lên. Bố vội vàng bế em tới phòng khám của bác sĩ, mẹ chạy dẫn đường. May thay, vết thương được điều trị kịp thời và bác sĩ có thể làm tai em liền lại như trước, khiến bố mẹ em thấy nhẹ nhõm cả người. Nhưng điều duy nhất Tôt-tô-chan quan tâm là không hiểu bố mẹ có giữ lời hứa không, có mắng con Rốc-ky không.

Tôt-tô-chan về nhà, băng bó từ đầu đến tận cằm, trông như một con thỏ trắng vậy. Mặc dù đã hứa không mắng con Rốc-ky, nhưng bố vẫn muốn phạt con chó bằng một cách nào đấy. Nhưng mẹ đã nhìn ông với vẻ như muốn nói: "Xin anh hãy giữ lời hứa" và bố đã miễn cưỡng giữ lời hứa.
Chương trước Chương tiếp
Loading...