Trần Chân

Chương 24: Nùng Trí Cao thứ hai?



Tôi mỏi chân nên kiếm chỗ ngồi xuống – vẫn giữ một khoảng cách nhất định với kẻ lạ mặt kia. Tôi nhìn chằm chằm vào hắn, không biết hắn có cảm nhận được hay không mà sau một lúc mấy đầu ngón tay hắn khẽ nhúc nhích.

Tôi tự nghĩ hắn nằm úp xuống lâu như vậy, không chết vì bị thương cũng sẽ chết vì ngợp thở mất nên tiến lại gần, cố gắng dùng sức để lật ngược hắn lại.

Những thứ bày ra trước mắt tôi – khủng khiếp đến rợn người!

Trên người hắn đầy các vết thương. Vậy thôi thì cũng không có gì quá đáng, đằng này trên mặt hắn có một vết thương lớn, chạy dài từ trán bên trái xẹt ngang đến cằm bên phải, sâu đến mức thấy cả huyết tương và mỡ bên trong. Những vùng khác của mặt cũng bị những viên sỏi cứa vào mà bị thương lởm chởm. Máu trên người hắn sắp khô lại, bện thành từng vết vương vãi khắp nơi, mùi tanh xộc lên khiếp đảm. Tôi trông hắn như thế, dù bây giờ có cứu chắc cũng không sống nổi. Mà dù có sống nổi thì chắc mặt mày cũng không thể nào nguyên vẹn như lúc đầu được.

Nhìn kĩ hắn một lần nữa, tôi chợt nhớ đến một người – Nùng Trí Cao. Nhớ năm trước tên họ Nùng ấy cũng bị thương, chạy trốn đến Diễn Châu và được Tú Bình cứu mạng. Chẳng phải bây giờ lại tiếp tục âm mưu tạo phản tại Quảng Nguyên hay sao. Tên này, biết đâu được cũng là loạn đảng, bị binh lính đánh đến thừa sống thiếu chết nơi ấy. Nếu bây giờ tôi cứu hắn, lại một lần nữa tôi gián tiếp tiếp tay cho địch, tội này mà phát hiện e cả nhà tôi không toàn mạng sống. Nghĩ đến đó tôi cảm thấy vô cùng sợ hãi. Tôi đã một lần tiếp tay cho giặc, giờ nếu hắn cũng là giặc thì tôi có ba cái đầu cũng khó tránh khỏi tội danh này.

Không được – thà tôi bỏ tiền xây bảy ngôi chùa chứ không thể cứu lầm phản tặc. Nếu hắn thật sự là người xấu, xem như tôi không mang lỗi với trời đất, với quốc gia này. Còn bằng ngược lại, hắn là người tốt, xem như về sau mùng một ngày rằm tôi sẽ ăn chay niệm Phật, cầu cho hắn mau chóng siêu thoát để được đầu thai làm người trở lại. Tôi định bụng đứng dậy, chạy theo Xuân Mai. Nhưng chưa đi được bước nào thì chân đã bị một bàn tay giữ chặt khiến tôi ngã nhào xuống. Tên ấy bị thương như vậy mà vẫn cố lấy sức, thì thào: “Không được đi!”

Ông tổ của con ơi, ông như gần đất xa trời rồi mà sao sức lực còn khỏe như thế. Tôi cố giật giật chân nhưng không thể nào thoát được. Hắn cố chấp hơn cả tôi được sao. Tôi liền ngồi xuống, dùng hai tay cố gắng gỡ tay hắn ra khỏi chân tôi. Chân tôi vừa được cứu thì cổ tay lại bị hắn giữ lấy, siết chặt đến mức tôi đau đến rụng rời xương cốt. Miệng hắn vẫn lẩm bẩm những từ khi nãy, đứt đoạn hơn: “Không-được-đi”

Rồi, tôi chấp nhận tôi thua hắn. Tôi không kháng cự thêm nữa, ngồi yên cho hắn giữ lấy tay và chờ đợi cho đến khi Xuân Mai quay lại. Xem như lần này tôi tiết kiệm phần tiền xây bảy ngôi chùa kia, cố gắng giúp hắn giữ mạng. Nếu thương tích hắn nặng đến mức không thể cứu chữa được thì tôi cũng không phải áy náy tâm can. Còn bằng như hắn không chết nhưng lại là Nùng Trí Cao thứ hai, tôi nhất định sẽ trình lên quan, đến lúc đó cũng không thể trách tôi vô tình.

Xuân Mai kêu thêm hai người nữa cùng khiêng tên lạ mặt đi đến tìm thầy lang. Thầy lang trông thấy, lắc đầu: “Nhìn hắn thế này e là thập tử nhất sinh.”

Tôi đưa cho lão ấy một nén bạc: “Một phần sống cũng cứu hắn đi. Hắn giữ được mạng ông còn được nhiều tiền hơn thế nữa.”

Tôi ngồi lại chỗ hiệu thuốc ấy gần hai canh giờ để chờ đợi kết quả. Cuối cùng thầy lang cũng đi ra, chép miệng: “Tôi dùng nén bạc của cô để mua chuộc Hắc Bạch Vô Thường, đã đón được hắn quay về từ cửa Diêm Vương.”

Tôi và Xuân Mai vội vã chạy vào, nhìn thấy hắn toàn thân băng bó trắng xóa không khác gì một xác ướp, chỉ còn lại đôi mắt là vẫn còn chừa ra. Nhìn hắn mê man không có vẻ gì là đã tỉnh, tôi hỏi thầy lang: “Sao ông nói cứu được rồi.”

Ông ta nhìn tôi một cách khinh bỉ: “Tôi nói cứu được chứ có nói hắn đã tỉnh đâu.”

Xuân Mai hỏi tiếp: “Vậy khi nào hắn mới tỉnh vậy thầy?”

Đối với Xuân Mai ông ấy có vẻ dịu dàng hơn: “Chuyện đó vẫn còn tùy. Nếu hắn muốn sống thì vài ngày sẽ tỉnh. Còn nếu hắn không muốn sống nữa thì hết đêm nay sẽ chết.”

Tôi gật đầu: “Vậy là chết hay sống thì sáng mai sẽ biết có đúng không. Vậy bây giờ tôi về đây, mai tôi quay lại.”

Thầy lang nắm lấy cổ áo tôi từ phía sau: “Cô bé à, cô nghĩ đơn giản nhỉ. Cô quăng hắn lại đây cho tôi rồi bỏ đi. Hắn sống thì tốt rồi. Còn rủi hắn chết tại đây thì chẳng phải tôi chuốt vạ vào thân à?”

Tôi đứng lại, thắc mắc với ông ta: “Nhưng ông xem hắn như vậy làm sao tôi đưa đi được.”

Ông ta nhún vai: “Phải có người ở lại để trông chừng hắn.”

Tôi và Xuân Mai nhìn nhau. Dĩ nhiên tôi không thể một đêm không về nhà. Vậy thì chỉ còn cách để Xuân Mai ở lại. Nhưng như vậy thì cũng không ổn. Nếu tối nay Cát không thấy Xuân Mai thì tôi biết ăn nói sao. Xuân Mai tiến đến tôi: “Em ở đây cũng không sao đâu mợ. Nếu cậu có hỏi thì mợ nói em có người nhà đến thăm nên đêm nay sẽ ở lại nhà trọ với họ. Mà cậu cũng sẽ không để ý lắm đâu, mợ cứ yên tâm về đi.”

Tôi không muốn ngồi kiệu nên chậm rãi cuốc bộ về nhà. Những chiếc lá thu bị gió thổi rơi xuống vai tôi, tôi cầm chiếc lá lên, không hiểu tại sao những chuyện không đâu cứ xảy đến với tôi. Giờ đây chỉ cầu mong sao hắn ta chỉ là một người bình thường, đừng có giao du cấu kết gì với bọn phản tặc.

Hôm đó tôi về nhà cũng không gặp Cát, xem như yên ổn được một đêm.

Ngọc Tố nhanh chóng chuẩn bị thức ăn và nước ấm cho tôi. Tôi định vắt khăn lau mặt thì mới phát hiện bàn tay tôi bị tên kia siết quá chặt đến bây giờ vẫn còn đau. Đúng là cứu người nhưng chỉ hại thân.

Sáng hôm sau tỉnh dậy, Ngọc Tố đến thông báo với tôi Cát có việc phải đi vào Phú Lương. Tâm tư tôi cảm thấy nhẹ nhõm bội phần, ăn qua quýt vài miếng cơm rồi cũng lập tức đi đến y quán với Xuân Mai.

Xuân Mai lắc đầu khi tôi hỏi về hắn: “Vẫn chưa tỉnh thưa mợ.”

Tôi nhìn hắn mà cũng thấy thương tâm: “Uống thuốc rồi cũng không chịu tỉnh là sao?”

“Thưa mợ thuốc bón vào bao nhiêu cũng ói ra hết.”

Tôi nhìn hai mắt Xuân Mai thâm quầng mà xót trong lòng: “Chị về nhà ăn uống rồi ngủ một giấc đi. Tôi canh chừng ở đây cho.”

Xuân Mai dùng dằng nhưng tôi nghiêm túc nhìn chị nên chị ấy cũng sợ mà quay về nhà. Tên thầy lang dường như có thù với tôi, thấy tôi đến đã đâm lời trêu chọc: “Chắc hắn chờ cô tới mới chịu uống thuốc. Cô thử bón thuốc cho hắn đi.”

Tôi đón chén thuốc từ trên tay ông thầy lang, tiến lại gần giường lay lay tên kia dậy: “Này, anh gì ơi, dậy uống thuốc đi rồi ngủ tiếp”

Ông thầy kia nhìn tôi như nhìn một sinh vật lạ. Sau đó ông ta dùng cán cân thuốc gõ vào đầu tôi một cái: “Cô có bệnh gì không? Hắn đã tỉnh dậy đâu mà ngồi dậy uống thuốc. Cô bón từng muỗng đi.”

Tôi nghe lời lão thầy lang ngồi xuống cạnh anh ta, múc từng muỗng thuốc đưa lên miệng. Nhưng anh ấy cứ mím chặt môi, thuốc đút vào bao nhiêu thì tràn lại ra bấy nhiêu. Tôi xem tình hình thế này thì làm sao qua khỏi đây.

Lão thầy lang cũng không có thời gian và kiên nhẫn ngồi lại với tôi nên chưa đầy năm phút đã bỏ ra ngoài. Tôi vật vã trong này, nhìn chén thuốc vơi đi một nửa mà tên ấy vẫn không chịu nuốt một giọt nào, buồn bã nói với anh ta: “Anh này, lúc tôi cứu anh anh thê thảm lắm có biết không. Trên người thì bị thương không biết bao nhiêu vết, mặt mày thì cũng không còn lành lặn để nhận dạng. Vậy mà anh vẫn nắm chặt tay tôi, giống như một lời cầu cứu. Thậm chí cả khi thầy thuốc nói anh không thể sống thì anh vẫn qua khỏi đấy thôi. Giờ đây, sao chỉ có vài muỗng thuốc anh lại không chịu uống. Chẳng lẽ anh chịu đầu hàng hay sao?”

Tôi nhìn anh ta vẫn không có vẻ gì là nghe những gì tôi nói, cũng tốt, dù gì tôi ngồi ở đây cũng buồn nên nói tiếp: “Tôi tên Trần Chân. Anh tên là gì?

Nói thật, lúc quyết định cứu anh tôi sợ lắm. Nhưng dù anh có là phản tặc hay cướp của giết người gì đi nữa cũng tỉnh dậy đã. Tôi đã phải dằng xé tâm can mình rất nhiều để giữ lại mạng cho anh. Anh bây giờ chỉ còn mỗi việc mở mắt ra mà không làm được thì đúng là tệ hại.

Anh là người Châu Lạng, hay người từ vùng khác đến?

Tôi thì người Diễn Châu, sau đó gả về Hải Đông. Giờ thì cùng chồng ra Châu Lạng này để canh tác bông. Nếu anh không phải người xấu, khi tỉnh lại tôi sẽ dắt anh đi ra ruộng bông.

Mà anh làm gì lại khiến bản thân bị thương đến như thế. Kẻ xuống tay với anh thập phần hiểm độc, hầu như nhát nào cũng muốn lấy mạng anh. Nếu vì cứu anh mà sau này tôi bị liên lụy, tôi chắc chắn sẽ nguyền rủa anh cả đời.”

Tôi vừa lảm nhảm vừa tiếp tục đút từng muỗng thuốc đến miệng anh ta nhưng cũng thành ra vô vọng. Chắc anh ta sợ tôi quá nên không dám uống thuốc, tôi đành phải thử dỗ dành như khi cho Thiên Quý bú sữa: “Thôi thôi tôi không hờn không trách gì anh đâu. Làm ơn uống thuốc dùm tôi đi, chỉ cần anh chịu mở mắt ra thì sao cũng được.”

Tôi tiếp tục đút anh ta những mọi thứ cũng chẳng khả quan hơn. Chén thuốc sắp cạn mà bao nhiêu thuốc cứ đổ hết ra chiếc khăn lót nơi cổ anh. Tôi uể oải đứng dậy đi sắc thêm một chén thuốc khác. Tình hình thế này không biết anh ta có qua khỏi không.

Tôi sắc xong thuốc thì Xuân Mai cũng đến. Có lẽ chị ấy sợ tôi mệt nên vội vã quay lại đây. Tôi cũng không buồn tranh giành nhiệm vụ khó khăn này với Xuân Mai nên quyết định để chị ấy ở lại, một mình đi đến nhà thăm Nhược Lan. Dĩ nhiên tôi không hé nửa lời về việc tôi cứu người kia để Nhược Lan lo lắng.

Chiều về tôi ghé ngang hiệu thuốc một chốc để cho Xuân Mai về nhà nghỉ ngơi. Anh ta vẫn không có dấu hiệu khởi sắc. Tôi thật chẳng biết làm sao.

*

*  *

Tôi thấy Xuân Mai đi đi về về như vậy hoài thì cực quá nên sáng hôm sau tôi chuẩn bị ít thức ăn và cả quần áo đến y quán cho chị ấy luôn. Lúc tôi đến y quán thì mặt trời đã lên cao, vừa thấy tôi Xuân Mai đã tỏ vẻ hối hả: “Mợ ơi anh ta tỉnh rồi.”

Tôi vội vã chạy vào xem, người nằm trên giường đúng thật là đã mở mắt ra rồi.

“Anh ta tỉnh khi nào vậy?” Tôi hỏi.

“Dạ thưa mợ đêm qua em bón thuốc anh ta uống được vài muỗng. Sáng nay khi em tỉnh dậy thì thấy anh ta cứ nằm yên, mở mắt như thế. Nhưng hỏi gì cũng không chịu trả lời.”

Tôi ngồi xuống cạnh anh ta, lay nhẹ tay: “Anh thấy trong người thế nào rồi?”

Không hiểu sao vừa nghe giọng tôi, anh ấy lập tức đảo cặp mắt sang nhìn tôi, nhưng miệng vẫn chung thủy ngậm chặt. Tôi hỏi thầy lang: “Có khi nào anh ấy bị câm không?”

Thầy lang lắc đầu: “Câm thì không, nhưng chắc hắn ta không thích cô nên không chịu nói chuyện.”

“Thế nãy giờ anh ta nói với ông những gì rồi?”

“Không gì cả.”

“Vậy sao ông khẳng định anh ta không thích tôi? Còn ông thì sao?”

“Cũng vậy. Có lẽ hắn hận luôn cuộc đời này không chừng.”

Tôi nghe lão thầy lang trả lời mà không khỏi tức tối. Không biết anh ta có không thích tôi hay không nhưng tôi dám chắc lão này có thù với tôi từ kiếp trước. Tôi kêu Xuân Mai đi ăn phần thức ăn tôi chuẩn bị, còn lão ấy thì tôi nhờ khám lại một lần nữa cho người bị thương. Lão ta khám xong liền khẳng định vấn đề của người này hiện nay chỉ là dưỡng thương cho thật tốt là được, rồi nhanh chóng chạy đi ăn cùng Xuân Mai.

Tôi quay sang định hỏi người đàn ông có muốn ăn uống gì không thì thấy anh ta đã nhắm mắt lại, hơi thở đều đều. Có lẽ anh ấy cần nghỉ ngơi nhiều hơn để lấy lại sức. Tôi bàn với Xuân Mai nếu anh ta đã tỉnh thì cũng nên về nhà nghỉ ngơi, đến giờ cần bón thuốc hay cho ăn thì hãy quay lại. Xuân Mai nghe lời tôi, thu xếp mọi thứ cho vào giỏ rồi rời khỏi đó trong ánh mắt tiếc nuối của lão thầy lang.
Chương trước Chương tiếp
Loading...