Trăng Khuyết

Chương 7



Đang dạo bước phía những quầy hàng bán băng, đĩa, Cang chợt nhíu mày khi nghe giọng phụ nữ vang lên vừa chua ngoa vừa đanh đá.

Lại xảy ra chuyện giữa khách hàng và nhân viên rồi. Thật là khó chịu khi phải giải quyết những vụ việc như vậy. Ở cương vị giám đốc, Cang ít khi trực tiếp đứng ra xin lỗi khách, nhưng mỗi lần nghe báo cáo ở bộ phận nhân sự việc kỷ luật nhân viên vi phạm tác phong đối xử với khách hàng, Cang rất bực bội. Vốn là người cầu toàn, anh không muốn có sơ xuất nào làm thiệt hại cho công ty.

Thời buổi này, siêu thị mọc lên như nấm, chỉ cần một bài báo phản ánh sẽ mất khách như chơi. Là nhân viên của công ty, phải rõ điều đó hơn ai hết. Ấy vậy mà...

Cang dằn gót quay về phòng của mình. Anh đốt thuốc, mới rít được vài ba hơi thì đã nghe gõ cửa.

Cang cộc lốc :

- Mời vào.

Một nhân viên bảo vệ bước vào, giọng ngập ngừng :

- Thưa... cô Trúc Quỳnh yêu cầu mời giám đốc ra giải quyết chuyện một nhân viên bán hàng vi phạm kỷ luật ạ.

Cang trừng mắt nhìn anh ta :

- Nói với cô Quỳnh có gì không hài lòng hãy phản ánh trực tiếp tới trưởng phòng điều hành, họ sẽ phân xử.

- Thưa... đã nói rồi, nhưng cô ấy không chịu và đang làm rùm beng lên ngoài kia.

Cang gắt :

- Nhưng là chuyện gì ?

Người bảo vệ nói nhanh :

- Cô Quỳnh nói nhân viên ở quầy bán điện thoại gian tham đã ăn cắp tiền của cô.

Cang buột miệng :

- Có chuyện này thật sao ?

Người bảo vệ nhăn nhó :

- Dạ. Em không rành. Nhân viên này làm việc bán thời gian, mới được nhận vào chưa đầy một tháng.

Cang phẩy tay :

- Nếu có bằng chứng hẳn hoi thì giải quyết nghỉ việc. Cứ bảo anh Cứ như thế. Bảo anh ấy lựa lời mà xin lỗi cô Trúc Quỳnh.

- Vâng ạ.

Rít thêm một hơi thuốc nữa, Cang bực bội dụi đầu lọc vào cái gạt tàn. Tuyển phải một nhân viên tham lam, xảo trá đúng là rước họa vào công ty. Mà làm sao cô nàng Trúc Quỳnh lanh lợi, chua ngoa, sắc sảo kia lại bị ăn cắp tiền chứ ? Cang vừa ngạc nhiên vừa thắc mắc trước những điều vừa nghe. Anh chả lạ gì chị Hai của Quân. Đó là một bà cô đanh hành, ngoa ngắt. Nhân viên bán hàng của công ty bị Quỳnh mắng vốn không dưới chục người, nhưng thường họ bị phản ánh về cung cách phục vụ chớ chưa ai bị Quỳnh ghép vào tội ăn cắp. Nếu đúng nhân viên ấy phạm tội ăn cắp, chắc phải xử lý nặng chớ không chỉ giải quyết nghỉ việc đơn giản được.

Lại có tiếng gõ cửa, Cang lại mời vào. Lần này là Trúc Quỳnh.

Cô lu loa :

- Tôi yêu cầu mời công an tới còng đầu con nhỏ ấy cho tôi.

Cang từ tốn :

- Chị đừng nóng, chuyện đâu còn có đó mà. Nào, mời chị ngồi.

Trúc Quỳnh hất mặt :

- Tôi vào đây không phải để ngồi nghe cậu nói vuốt. Nếu cậu không mời công an, tôi sẽ tới chỗ ông Khả để cho ổng biết thái độ, cung cách phục vụ khách hàng của nhân viên của cậu.

Nghe nhắc tới ông Khả tự nhiên Cang thấy máu nóng bốc lên. Anh cố kiềm chế :

- Sao phải làm phiền tới ông Khả, nếu nhân viên vi phạm kỷ luật tôi sẽ đuổi ngay chớ nhất định không bao che, bênh vực.

- Kỷ luật không chưa đủ, tôi muốn con nhỏ đó phải ở tù. Cậu không thể nương tay với nó.

- Tôi không nương tay đâu. Chỉ mong chị nghĩ lại, chị và gia đình là cổ đông lớn của công ty, xé to chuyện này ra đâu có lợi.

Mặt Trúc Quỳnh đanh lại :

- Làm trong sạch nội bộ công ty mà bất lợi à ? Vô lý.

Cang nhẹ nhàng :

- Đem chuyện nhỏ nhặt ra pháp luật là dịp để báo chí, các công ty khác để mắt đến công ty chúng ta. Hệ thống siêu thị của mình có mặt từ Nam ra Bắc. Không thể "Vạch áo cho người xem lưng"

Trúc Quỳnh làm thinh. Một lát sau mới nói :

- Vậy cậu xử con nhỏ đó cho tôi xem.

Cang nhũn nhặn :

- Vâng. Nhưng tôi phải tìm hiểu nội tình đã.

Quỳnh xẵng giọng :

- Nó ăn cắp rành rành ra đó, còn xem xét gì nữa.

Cang mỉm cười nhưng trong bụng sôi lên vì cách nói vênh váo của Trúc Quỳnh.

- Tôi làm việc gì dù bé tẹo cũng phải xem xét kỹ lưỡng, cụ thể. Chị thông cảm, tôi sẽ mời chị tới để phân xử theo yêu cầu của chị sau.

Trúc Quỳnh đứng dậy :

- Hừ ! Làm việc quan liêu quyền hành. Tự tôi sẽ làm ra lẽ chuyện này chớ không chờ cậu đâu.

Dứt lời, Trúc Quỳnh dằn gót bước đi. Cang bực dọc nhấn điện thoại :

- Gọi ông Cứ lên tôi bảo.

Không phải đợi lâu, anh đã nghe tiếng gõ cửa rồi Cứ, trưởng phòng điều hành nhân viên bước vào.

Cang lầm lì :

- Nhân viên của anh lại có người ăn cắp à ? Hay thật đấy !

Cứ xoa hai tay vào nhau.

- Chắc chắn có sự ngộ nhận hay hiểu lầm từ phía cô Trúc Quỳnh. Chớ nhân viên của tôi nhất định không tham lam.

Cang cười khẩy :

- Không có lửa sao lại có khói. Coi chừng anh phạm khuyết điểm bênh vực nhân viên dưới quyền đó.

Cứ nghiêm mặt :

- Vừa rồi tôi dùng từ ngộ nhận, hay hiểu lầm là vì muốn giữ thể diện cho cô Quỳnh, chớ đúng ra Trúc Quỳnh đặt điều, vu khống cho nhân viên của tôi vì hiềm khích cá nhân.

- Căn cứ vào đâu anh dám nói thế ? Nên nhớ gia đình cô ta là cổ đông lớn của công ty, ba cô ta lại có chân trong Hội đồng quản trị.

Cứ kể :

- Cách đây mấy hôm, cô Quỳnh đã có tới siêu thị của chúng ta để mua cái bao điện thoại di động thì phải. Trúc Quỳnh lựa chọn đủ thứ rồi cuối cùng không mua món nào hết với lý do không thích cô nhân viên đứng bán hàng tên là Nhã Ca. Cô Quỳnh còn lớn tiếng cho mọi người nghe rằng :"Nhã Ca nên xin nghỉ việc, thì sẽ hay hơn nếu bị đuổi". Thái độ của cô ấy hôm đó làm nhiều nhân viên lẫn khách hàng thấy khó chịu. Tưởng cô Quỳnh chỉ hăm he suông thôi. Ai ngờ.

Cang thắc mắc :

- Nếu con bé Nhã Ca gì đó không cầm nhầm của Trúc Quỳnh món đồ nào làm sao cô ta dám vu lên là bị ăn cắp ?

Cứ chép miệng :

- Ông lạ gì thái độ vừa ăn cướp vừa la làng của phụ nữ. Trúc Quỳnh dùng một tiểu xảo rất nhỏ nhưng vì Nhã Ca thiếu kinh nghiệm nên mới mắc bẫy.

Cang nhíu mày :

- Tiểu xảo gì ?

Cứ nói :

- Trúc Quỳnh vờ làm rơi cái ví nhỏ đựng tiền vào phía trong quầy, Nhã Ca khờ khạo nhặt giúp, thế là... dính.

- Nhưng có đúng như vậy không, hay là ông bênh vực cho con bé đó rồi nói thế ?

Cứ nhếch mép :

- Ngay quầy đó có camera theo dõi, xui cho cô Trúc Quỳnh là hình ảnh đấy đã được ghi vào máy mà cô ta không hay.

Cang buột miệng :

- Đúng là quá tệ. Mà tại sao cô ta lại ghét Nhã Ca dữ vậy kìa !

- Có điều thú vị ông nên biết là Nhã Ca do ông Quân gởi vào làm. Chính ông Quân dặn tôi quan tâm tới con bé. Điều đó chứng tỏ chuyện Trúc Quỳnh làm giặc nãy giờ là có nguyên do sâu xa của nó, chớ không phải vô duyên cớ đâu.

Cang khá ngạc nhiên trước những gì vừa nghe. Anh tò mò :

- Chắc cô nàng Nhã Ca ấy rất xinh đẹp ?

Cứ bật cười :

- Vâng, xinh đẹp. Có lẽ bà Trúc Quỳnh ganh ghét sự trẻ trung, xinh xắn của Nhã Ca. Tôi cho rằng hai người biết nhau từ trước rồi.

Cang im lặng. Một lúc sau anh bảo :

- Tôi sẽ làm rõ vụ này. Anh tiếp tục công việc của mình đi.

Cứ hỏi :

- Nhã Ca thì sao ? Chắc ông không kỷ luật con bé chứ ?

- Trúc Quỳnh là con gái ông Thiệp thật, nhưng cô ta sai chớ đâu phải nhân viên của chúng ta. Anh nên động viên Nhã Ca làm việc cho tốt.

- Vâng.

Cang ngả người ra ghế tựa khi Cứ đóng cửa phòng lại. Anh thật sự tò mò muốn biết mối quan hệ giữa Nhã Ca và Quân, cũng như lý do vì sao Trúc Quỳnh lại ghét con bé đến mức mất khôn như vậy.

Điện thoại reo, Cang chậm chạp nhấc máy. Anh nghe giọng Thục Trinh vang lên :

- Hết tuần này em mới về. Báo cho anh biết để đừng gọi điện thoại càu nhàu em. Quê lắm !

Cang lạnh lùng :

- Em không phải lo quê. Hết tháng em chưa về, anh cũng chả gọi điện tìm. Cứ chơi thoải mái như hồi chưa có chồng để anh cảm thấy tự do.

Rồi không đợi Thục Trinh nói thêm câu nào, Cang gác máy thật mạnh . Như còn chưa hả giận, anh đập mạnh vào cái bàn khiến cái ghế có bánh xe đẩy anh dội ngược vào tường. Cang giận cũng đúng, vì Thục Trinh đã ở Đà Lạt hơn một tuần, giờ lại thêm một tuần nữa. Rõ ràng cô ta không hề quan tâm tới chồng. Có một cô vợ như Thục Trinh đúng là vô phúc. Cang từng nghe bà Mười ca cẩm như thế rất nhiều lần, hôm nay anh chợt thấm thía từng chút lời ca cẩm đó.

Có tiếng gõ cửa rồi Cứ ló đầu vào mà không đợi Cang mời.

Anh ta hấp tấp đặt xuống bàn một tờ giấy.

- Con bé Nhã Ca xin thôi việc.

Giọng Ca dửng dưng :

- Thì giải quyết cho nghỉ.

Cứ ngập ngừng :

- Biết ăn nói thế nào với ông Quân đây.

Cang nhún vai :

- Mình đâu có kỷ luật, tự con nhỏ xin nghỉ mà.

Cứ nhăn nhó :

- Đành là vậy, nhưng tôi thấy ngại.

Cang phẩy tay :

- Gọi con nhỏ vào gặp tôi. Hừ ! Chắc nó ỷ vào ông Quân nên viết đơn xin nghỉ để làm nư đây mà. Tôi rất ghét những người như thế. Ông để tôi trị nó.

Cứ gật đầu bước ra. Cang đốt thuốc và nhận ra dường như mình đang háo hức chờ con bé tên Nhã Ca ấy xem nó xinh đẹp cỡ nào mà khiến cho Quân và Trúc Quỳnh lại có thái độ đối xử với nó trái ngược như vậy.

Cang hút gần hết điếu thuốc mới nghe có tiếng gõ cửa dầu dè dặt.

Ang hắng giọng giám đốc :

- Vào đi !

Cánh cửa được mở ra cũng một cách dè dặt, rồi một gương mặt thanh tú với mái tóc dài đen nhánh và đôi mắt to tròn xuất hiện. Gương mặt sáng bừng ấy bỗng làm tim Cang nhói lên một cái bất ngờ đến mức anh sững sờ ngồi nhìn cô gái chớ không nói được lời nào.

Nhã Ca. Một cái tên lạ mà Cang chưa gặp bao giờ, nhưng sao trông cô bé lại rất quen thế này.

Khi Cang còn đang bần thần với thắc mắc của mình thì Nhã Ca như rụng rời tay chân khi đã nhận ra giám đốc là ai.

Cô ấp úng kêu lên :

- Là ..là chú à ? Thật kinh khủng.

Câu "Thật kinh khủng" của Nhã Ca làm Cang khó chịu.

Anh đanh giọng sau khi định thần lại :

- Sao tôi lại kinh khủng ? Hừ ! Cô học cách nói chuyện với cấp trên như thế từ đâu vậy ? Tại sao tôi lại kinh khủng hả ?

Nhã Ca cắn môi. Không ngờ gã Chí Phèo này lại là sếp của cô lâu nay . Có lẽ gã chả nhớ chút gì về cuộc hội ngộ đêm đó nên mới hỏi thế. Cũng chả nên trách làm chi một người say, cho dù Ca là nạn nhân của cơn say của giám đốc Cang.

Cô nhỏ nhẹ lảng câu trả lời bằng một câu hỏi :

- Thưa giám đốc gọi... cháu có chuyện gì ạ ?

Cang đẩy lá đơn trên bàn về phía Ca :

- Tôi yêu cầu cô lấy lại lá đơn và tiếp tục làm việc. Trong chuyện vừa rồi, cô không có lỗi gì hết, tội tình gì phải xin nghỉ.

Nhã Ca đan những ngón tay vào nhau. Cô biết mình khó lòng làm việc tiếp vì Trúc Quỳnh chắc chắn sẽ không để cô yên. Ca không thể chịu nổi nếu thỉnh thoảng Trúc Quỳnh lại cùng đám bạn nhà giàu hợm hĩnh tới quầy cô bán để mua hàng rồi giở trò hòng hạ nhục cô như vừa rồi. Ca phải nghỉ việc thôi, nhưng cô không thể nói thật lý do mình xin nghỉ việc.

Bối rối , Ca chớp mi vì ánh mắt sắc lạnh của Cang. Giám đốc Cang nổi tiếng hắc ám, nghiêm khắc đến vô cảm. Ông ta đã phán quyết điều gì thường nhân viên phải răm rắp nghe theo. Có lẽ họ bị khuất phục vì cái nhìn lạnh lẽo này chăng ? Bỗng dưng Nhã Ca nhớ lại buổi tối hôm đó. Nếu so với bây giờ thì giám đốc Cang là một người hoàn toàn khác. Đêm đó, ông ta lôi thôi lếch thếch trông thật tàn tệ, bệ rạc chớ đâu đường bệ, đường hoàng như bây giờ.

Thanh Du bảo anh Quân nói "Bạn anh không phải dân ghiền rượu, ông ta thỉnh thoảng mới mượn rượu giải sầu". Hừ ! Có thể sự thật là như vậy, nhưng Nhã Ca không thể nào quên được những gì giám đốc Cang đã gây ra cho cô. Tốt hơn hết, Ca nên rời khỏi đây để không bị Trúc Quỳnh quấy rối cũng như bị giám đốc Cang ám ảnh.

Nhã Ca nhỏ nhẹ :

- Cháu xin nghỉ vì lý do riêng chứ không phải vì chuyện vừa xảy ra.

Cang hất hàm :

- Lý do riêng gì vậy ?

Nhã Ca trầm giọng :

- Lý do này không liên quan đến công ty, cháu không muốn nói, thưa giám đốc.

Cang thấy vừa buồn cười vừa khó chịu khi Nhã Ca một hai xưng cháu với anh. Xem ra con bé này cũng bướng lắm đây. Nhân viên công ty, chưa ai dám trả lời như thế với giám đốc Cang. Anh chợt vui vui khi lâu lắm rồi mới nghe kiểu nói ngang ngang ấy từ cấp dưới.

Cang nghiêm nghị :

- Giải quyết cho cô nghỉ thì quá dễ, nhưng cô thôi việc bất ngờ như vậy, người ở đâu ra để thế cô. Dầu thế nào cô cũng phải làm hết tháng.

Nhã Ca chép miệng :

- Chỉ sợ từ giờ tới hết tháng, lại có người tới quầy của cháu gây rối thì ảnh hưởng tới siêu thị.

Cang xoa cằm :

- Cô đã gây nên lỗi gì khiến người ta ghét dữ vậy ? Tôi nghe nói đây là lần thứ hai cô Trúc Quỳnh có thái độ như vậy với cô.

Nhã Ca lại chớp mi :

- Cháu có thể không trả lời câu này chớ, thưa giám đốc ?

Cang nhún vai :

- Tôi đâu có ép. Nhưng cô không phải lo, tôi không để chuyện như vừa rồi xảy ra trong siêu thị thuộc quyền quản lý của tôi lần nữa đâu. Cứ thoải mái làm việc tiếp đến bao giờ tuyển được người mới.

Nhã Ca ngắt lời anh :

- Cháu chỉ xin làm tới hết tháng thôi.

Cang hơi khựng lại :

- À... Ờ .. Tới hết tháng. Mà này, tôi và ..tay Quân bằng tuổi nhau. Sao cô cứ xưng cháu khó nghe thế ?

Nghe anh nhắc tới Quân, Nhã Ca sững người lên, cô đứng bật dậy :

- Xin phép giám đốc cháu ..à .. tôi ra ngoài ạ.

Cang cau mày :

- Làm gì vội vàng dữ vậy ? Tôi đã hỏi chuyện cô xong đâu.

- Giám đốc muốn hỏi chuyện gì hãy để lúc khác, giờ này đang cao điểm, một mình chị Tường coi quầy không xuể.

Dứt lời, Nhã Ca gật đầu chào anh rồi vội vã bước đi nhanh như chạy trốn. Rõ ràng con nhỏ trốn câu hỏi của Cang. Nó không muốn anh biết nó và Quân quen biết ra sao, Nhã Ca quên rằng anh có thể tìm hiểu từ Quân . Con bé đúng là trẻ người non dạ.

Bất giác Cang mỉm cười. Ý nghĩ sẽ giữ Nhã Ca lại làm việc cho siêu thị chợt bùng lên mà anh không hiểu tại sao.

Vỗ nhẹ vào trán, Cang cố lục lọi trong trí nhớ xem đã gặp Nhã Ca ở đâu, nhưng anh không thể nhớ ra. Cuối cùng anh tự nhủ : Có lẽ mình từng thấy Nhã Ca đi chơi với Quân. Anh chàng đó quan hệ rộng, có nhiều bạn gái. Cứ mỗi lần dự tiệc tùng là Quân cặp tay một cô mới toanh. Chắc Nhã Ca là một trong những cô nàng đó rồi. Qua cách kêu lên đầy kinh ngạc khi vừa mới gặp của cô nàng, rõ ràng Nhã Ca từng gặp Cang. Mà thôi đi ! Sao anh lại quan tâm đến một nhân viên quèn, làm việc bán thời gian như Nhã Ca thế. Chả lẽ vì cô ta quen với Quân, và được anh ta gởi gắm Cứ chăm nom à ?

Cang nhún vai, anh đốt một điếu thuốc và thấy cổ mình khô khốc. Nỗi cô đơn lại choáng ngập làm anh bứt rứt khó chịu với ý nghĩ : "Mình là người thành công trên thương trường nhưng bất hạnh trong hôn nhân". Thục Trinh không thuộc mẫu người vợ đảm đang như anh ao ước. Hơn bao giờ hết vào lúc này, Cang thèm có một đứa con, một mái ấm thật sự. Chỉ có con mới họa may cứu vãn được hạnh phúc khá mong manh ấy nhưng điều đó xem ra xa vời lắm, xa vời lắm.

Nuốt tiếng thở dài, Cang dụi điếu thuốc hút dở rồi mở máy tính lên. Với anh hiện giờ làm việc là cách tìm quên để sống.
Chương trước Chương tiếp
Loading...