Trên Hành Tinh Khỉ

Chương 30



Côi suy nghĩ. Giả sử rằng trong quá khứ loài người, mà hậu duệ hiện nay đang bị loài khỉ săn bắt, làm chủ hành tinh này. Lại giả sử rằng, hơn mười nghìn năm trước đây, nền văn minh của loài người này, rất giống với nền văn minh của chúng ta, nẩy nở trên hành tinh Soror...

Xét cho kỹ, một giả thiết như vậy không có gì là điên rồ, trái lại là đằng khác. Khi nghĩ ra hướng giải quyết như vậy, tôi cảm thấy rất hứng khởi như tìm ra được con đường mòn duy nhất dẫn tới đích trong số hàng nghìn con đường chẳng dẫn tới đâu cả. Theo hướng này sẽ tìm ra lời giải cho bài toán từ bao lâu nay làm đau đầu loài khỉ. Tôi chợt nhận ra sự vô ý thức của mình luôn luôn hướng tới cách giải thích như vậy.

Tôi đang ở trên máy bay quay lại thủ đô. Đi theo tôi là con thư ký của con Cornelius, một con vượn ít lời. Tôi tỏ ra không muốn nói chuyện với nó. Chuyến bay này là cơ hội tốt nhất để sắp xếp lại những ý tưởng và căn phòng khách trên máy bay lúc nào cũng thuận lợi cho sự suy tư.

Tôi tiếp tục suy nghĩ. Giả sử từ rất xa xưa trên hành tinh Soror có một nền văn minh tương tự nền văn minh trên Trái Đất. Nếu như vậy, thì liệu một sinh vật không biết suy nghĩ nào đó có thể lưu truyền lại nền văn minh đó chỉ bằng cách bắt chước không? Đặt câu hỏi xong, tôi thấy lúng túng, không biết giải đáp như thế nào. Căng óc ra suy nghĩ, tôi lại thấy xuất hiện nhiều lập luận mới từng bước từng bước đánh đổ tính phi lý của quá trình. Tôi nhớ lại, trên Trái Đất, đã có ý kiến cho rằng một ngày nào đó các máy móc hoàn hảo sẽ thay thế chúng ta. Ý kiến đó không chỉ là ý kiến của giới thơ văn mà là ý kiến chung của các tầng lớp xã hội. Có thể do truyền bá quá rộng rãi và do xuất hiện ngẫu nhiên từ giới bình dân nên những ý tưởng này đã làm đầu óc giới cao cấp bực tức. Có thể đó cũng là lý do che giấu một phần sự thực. Tuy nhiên, che giấu hay không che giấu thì vẫn có sự thực này: máy luôn luôn là máy, người máy hoàn hảo tới đâu cũng vẫn chỉ là người máy. Tôi không chịu và nghĩ tiếp: nếu không phải người máy mà là những sinh vật sống có một trình độ tâm lý nào đó, như khỉ chẳng hạn, thì sao? Mà vừa khéo loài khỉ là loài rất có năng khiếu bắt chước...

Nhắm mắt thiu thiu trong tiếng rung nhẹ đều đều của động cơ, tôi tự đối thoại để chứng minh luận thuyết của mình.

Điểm gì đặc trưng cho một nền văn minh? Phải chăng đó là thiên tài kiệt xuất? Không, là tất cả những gì của cuộc sống diễn ra hàng ngày... Nào, hãy xem xét phần tinh túy nhất của tinh thần! Ta hãy tạm xét nghệ thuật trước, trong đó xét văn chương trước. Giả sử thừa nhận rằng loài khỉ có khả năng lắp ghép từ thì liệu văn chương có nằm ngoài tầm lĩnh hội của giống khỉ cao cấp ở chỗ chúng ta không? Văn chương của chúng ta được tạo ra từ cái gì? Phải chăng từ các tác phẩm lớn? Hoàn toàn không. Thực vậy, khi một cuốn sách được viết chưa tới một hay hai thế kỷ thì các văn nhân đã bắt chước, tức là xào xáo lại y nguyên một nội dung để xuất bản ra hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm với các tựa đề ang áng như nhau và câu chữ đảo đi đảo lại chút ít. Với bản chất bắt chước, những việc như thế loài khỉ thừa sức làm nếu chúng sử dụng được ngôn ngữ.

Tới đây, có thể nói rằng chỉ còn ngôn ngữ là cái chìa khóa duy nhất quyết định giả thuyết của tôi. Tuy nhiên, hãy chú ý rằng khi viết ra hàng nghìn cuốn sách từ một quyển ban đầu, bọn khỉ không nhất thiết phải hiểu những gì chúng chép lại. Rõ ràng là chúng không cần điều đó như chúng ta. Giống như chúng ta, chúng chỉ cần nhắc lại những câu đã nghe là đủ. Phần còn lại của quá trình tạo ra văn chương là một quá trình thuần túy cơ học. Chính ở điểm này, một số nhà sinh học đã có lý khi cho rằng trong cấu tạo cơ thể của loài khỉ không có gì cản trở chúng sử dụng tiếng nói. Hoàn toàn không, trừ trường hợp chúng không muốn nói. Có thể cho rằng ý chí muốn nói một ngày nào đó sẽ đến với chúng sau một sự thay thế bất ngờ nào đó.

Như vậy, việc lưu truyền một loại văn chương tương tự văn chương của chúng ta bởi một loài khỉ biết nói không có gì quá ngạc nhiên đối với bất kỳ một người có lý trí nào. Sau đó, có thể có một số khỉ thơ văn vươn hẳn lên về mặt tri thức. Đúng như anh bạn vượn Cornelius nói: sự suy nghĩ thể hiện trong động tác. ở đây, sự suy nghĩ được thể hiện trong cơ chế của ngôn ngữ và một số ý tưởng độc đáo có thể xuất hiện trong xã hội mới, xã hội khỉ, theo nhịp điệu từng thế kỷ một.

Để đầu óc đi theo dòng suy nghĩ một cách vui hoạt như vậy, tôi nhanh chóng đi tới kết luận là những loài vật được dạy dỗ tốt có thể thực hiện được những bức tranh hay tượng, và tổng quát hơn, có thể thành thạo trong tất cả các lĩnh vực nghệ thuật của loài người, kể cả nghệ thuật điện ảnh.

Từ những suy nghĩ về hoạt động cao cấp nhất của tư duy, tôi dễ dàng phát triển luận thuyết của mình sang các xí nghiệp. Thế là nền công nghiệp của chúng ta sụp đố dưới sự phân tích của tôi. Tôi thấy nền công nghiệp đó không cần tới một sáng kiến nào để phát triển. Ở cấp cơ sở, nó chỉ cần những thao tác lặp đi lặp lại, nếu thay khỉ vào cũng chẳng xảy ra sự cố gì. Ở cấp cao hơn, người phụ trách cùng lắm là tổng hợp các báo cáo và nói vài ba câu chỉ dẫn tùy trường hợp. Tất cả những thứ đó, phản xạ có điều kiện giải quyết được hết. Ở cấp cao hơn nữa, tức là cấp quản trị hành chính công nghiệp, tính chất khỉ lại càng rõ. Vì thế để tiếp tục duy trì sự hoạt động của nền công nghiệp đó, loài khỉ chỉ cần bắt chước một số điệu bộ và phát triển một số bài diễn văn can chép lại theo mẫu.

Cứ suy luận như vậy, tự nhiên tôi như có một cái lăng kính làm hiện ra, một bên là các hoạt động do loài người thực hiện ở Trái Đất, một bên là các hoạt động đó do loài khỉ thực hiện.

Tôi thấy hơi vững tâm với lối suy luận oái oăm này, thứ suy luận chẳng cần một mảy may dằn vặt của tri thức.Thế là tôi xem xét lại nhiều cuộc họp chính trị tôi đã tham dự trước đây với tư cách phóng viên. Tôi nhớ lại các chủ đề cũ mèm do các nhân vật được tôi phỏng vấn bảo vệ. Tôi nhớ lại một phiên tòa nổi tiếng tôi theo dõi mấy năm trước đây.

Người bào chữa là một trong những luật sư nổi tiếng của luật sư đoàn. Giờ đây, không hiểu sao tôi thấy người luật sư đó có dáng dấp một con khỉ đột hãnh tiến, chẳng có vẻ gì là một luật sư tên tuổi? Chẳng lẽ cái kiểu vừa nói vừa làm điệu bộ chẳng qua chỉ là phản xạ có điều kiện do luyện tập lâu dài mà có? Chẳng lẽ ông chánh án cũng chỉ như một con tinh tinh trịnh trọng đang dẫn ra những câu học thuộc lòng, mỗi câu mỗi chữ làm những người dự phiên tòa thì thầm hoặc buộc người làm chứng bật ra một câu nào đó?

Tôi cứ miên man suy luận, bám chặt vào khái niệm đồng hóa. Khi nghĩ tới giới tài chính và kinh doanh ở Trái Đất, trong đầu tôi hiện lên một cảnh của xã hội loài khỉ tôi mới được chứng kiến gần đây. Cảnh diễn ra trong một phiên giao dịch ở thị trường chứng khoán. Tôi tới đó do một con bạn của con Cornelius đưa tới với lý do đó là một nơi đáng xem nhất của thủ đô. Dưới đây là những gì tôi đã thấy, một cảnh thật sự kỳ quái in mãi trong trí nhớ tôi.

Sở giao dịch chứng khoán là một ngôi nhà lớn, bên ngoài bị bao trùm bởi tiếng ồn ào kỳ lạ. Càng lại gần, những tiếng ồn ào càng to dần cho tới khi trở thành những tiếng la hét đinh tai nhức óc. Chúng tôi bước vào và ngay lập tức lọt thỏm vào giữa những tiếng ồn ào. Tôi vốn đã quen với khỉ, thế mà lần đó tôi phát hoảng khi thấy mình bị vây quanh bởi toàn khỉ là khỉ. Cảnh tượng diễn ra tệ hại hơn nhiều cảnh tượng hôm hội đồng khoa học tiến hành cái đại hội nhớ đời. Hãy tưởng tượng có một căn phòng rộng mênh mông đầy nghẹt khỉ. Chúng hò hét, hoa chân múa tay, như phát điên phát cuồng. Tất cả diễn ra trong cảnh hoàn toàn hỗn độn. Chúng không chỉ chạy ngang chạy dọc trên sàn và va vào nhau mà còn leo lên nhung nhúc tới tận trần nhà ở độ cao chóng mặt. Chúng di chuyển nhờ thang, khung và dây dợ bố trí trong phòng. Gian phòng như một cái lồng khổng lồ trưng bầy hàng ngàn con thú bốn tay.

Trong không gian đó, bọn khỉ bay đi bay lại, bao giờ cũng bám vào được một sợi thừng nào đó đúng lúc tưởng như sẽ rơi xuống. Tất cả diễn ra trong sự la hét ầm ĩ của những tiếng hò hét không hiểu là hoan hô hay phản đối, tiếng chất vấn nhau, thậm chí những tiếng không thể gọi là ngôn ngữ văn minh. Có thể nói là có những con khỉ sủa. Hoàn toàn có thể nói như vậy: chúng sủa chẳng vì lý do gì cả trong khi chạy lung tung trong phòng hoặc treo mình trên một sợi dây.

Con vượn đi theo tôi hỏi tôi với vẻ hãnh diện :

- Chắc anh chưa bao giờ thấy cảnh như thế này?

Tôi vui vẻ gật đầu. Tôi phải lục hết những kiến thức trước đây về loài khỉ để xem chúng có phải là sinh vật có lý trí không. Vào cái rạp xiếc khổng lồ này, bất cứ một sinh vật biết phải trái nào cũng phải kết luận là đang xem cảnh vui đùa của những con vật đang động ngộ. Không một chút thông minh nào biểu lộ trong các ánh mắt. Ở đó, tất cả như nhau hết, không sao phân biệt được con này với con khác. Tất cả ăn mặc giống nhau, cùng mang một bộ mặt. Đó là bộ mặt của sự điên rồ.

Ngược với hiện tượng con người Trái Đất trong các cảnh đời cứ y như tinh tinh hay khỉ đột, ở đây điều làm tôi lúng túng nhất là việc thấy các thành viên của cái đám phi lý này lại có vẻ như người. Tôi thấy chúng là những con người đang gào, hú, sủa, đu mình trên các sợi dây để leo lên đích nhanh nhất. Cơn sốt làm tôi nhớ thêm một sọ chi tiết nữa của cảnh tượng. Sau nhiều lần quan sát, tôi nhận ra rằng bất cứ một tổ chức văn minh nào cũng có những chuyện ầm ĩ hỗn độn, có những câu nói đôi khi như cuốc vào mặt người nghe hay như tiếng gầm thét của thú vật. Ngồi cheo leo trên bộ dàn ở độ cao chóng mặt, một con khỉ đột không ngừng hoa chân múa tay loạn lên, chân cầm chặt một viên phấn thỉnh thoảng lại viết lên bảng những ký hiệu, cả con khỉ đột này tôi cũng thấy có những nét rất người.

Dần dần, tôi bám chặt vào ý tưởng manh nha ban đầu về nguồn gốc văn minh của loài khỉ và càng lúc càng tìm ra những lập luận củng cố cho ý tưởng nảy ra về giới tài chính.

Máy bay hạ cánh. Con Zira chờ tôi ở sân bay. Từ xa tôi đã nhìn thấy chiếc mũ sinh viên trùm kín đôi tai nó và cảm thấy vui vui. Sau những thủ tục hải quan, tôi phải kìm mình để không ôm nó.
Chương trước Chương tiếp
Loading...