Trò Mèo Cuối Cấp

Chương 3



Cậu ấy tên Khanh, học lớp 12A12 – một lớp khối chiều ban A trong khi tôi tên Trang, học lớp 12D6 – một lớp khối chiều ban D. Đôi khi, cũng có một sự phân biệt đối xử nhẹ giữa các lớp ban A và ban D nhưng tóm lại, nhờ là cùng học chung khối chiều, tôi có cơ hội gặp cậu ấy nhiều hơn.

Tình yêu đơn phương sét đánh của tôi cũng như bao người khác. Nó hoàn toàn nhẹ nhàng và điên loạn.

Trong cái sân trường rộng bằng cái lỗ mũi của những sân trường khác, nơi thường xuyên có mặt của tôi nhất chính là căn tin. Tại căn tin, mọi thông tin về mọi thành phần trong trường, không phân biệt già, trẻ, lớn, bé, mập, ốm, sáng, chiều đều sẽ vô cùng tình cờ chảy vào tai người nào nhiều chuyện. Nhờ có căn tin, tôi biết về cậu ấy nhiều hơn.

Cậu ấy chơi đá banh khá giỏi và là một trong những thằng bạn chí cốt với đám con trai của lớp tôi. Thành tích thể thao của cậu ấy hoàn toàn tỉ lệ nghịch với số lượng tế bào nơ rông trong não của cậu ấy. Nói một cách ít sinh học à, văn vẻ hơn, cậu ấy học hành không được tốt lắm.

Không sao.

Không hề sao.

Đối với tôi, học hành hay thể thao, cái nào tốt, cái nào dở cũng vậy cả thôi.

Vì tôi thích cậu ấy.

Đôi khi, tôi cũng cảm thấy mình thật dở hơi quá.

Lúc nào cũng cố gắng xuất hiện trong tầm mắt của cậu ấy. Lúc nào cũng cố khiến cậu ấy chú ý đến mình. Lúc nào cũng cố hóng tai lên nghe những sì-căng-đan trong trường liên qua đến cậu ấy. Lúc nào cũng tìm cơ hội được la liếm sang lớp học của cậu ấy. Nói tóm lại, lúc nào tôi cũng nghĩ đến cậu ấy.

Thiết nghĩ, đó chính là nguyên nhân khiến các bậc phụ huynh, cha chú lo sợ khi biết tin con cháu mình lỡ chân nhào đầu vào ba chuyện tình cảm xàm xí học đường.

Nói vậy thôi chứ cái gì càng cấm càng ngấm, những gì khiến tôi không thể với tới cậu ấy dường như lại khiến tôi có động lực hơn rất nhiều. Vậy nên, có thể nói, cái quãng đường ba năm cấp ba của tôi chẳng khác gì công cuộc chứng minh cho sự tồn tại của một con người làm nghề điệp viên trá hình học sinh là tôi vậy. Haizzz… yêu một ít là máu mũi mất đi một lít. Để bù lại cho quãng thời gian mà tôi dành cho việc đi la liếm mọi thứ về cậu ấy, về nhà, tôi phải tích cực bỏ ra thời gian nhiều hơn để on facebook nói chuyện với bạn bè, bỏ ra nhiều thời gian hơn để coi phim tình cảm Hờn Ghét, v.v… À quên, còn phải bỏ ra thời gian nhiều hơn để chuyên tâm vào việc học nữa chứ.

Nói sao nhỉ, năm chưa kịp trôi qua, tháng chưa kịp tuột mất, kì thi học kì đã lén lút, lò mò xuất hiện trong thời khóa biểu chính thức của chúng tôi. Và cứ như vậy, cả tôi và lũ bạn của tôi đều tích cực bỏ nhiều thời gian hơn vào việc học hành và ăn chơi. Tuy nhiên, việc học hành chưa đi được đến đâu, gia đình và bạn bè tôi đã nhận được một hung tin: Tôi bị gãy tay. Quả thật ông trời rất biết chiều chuộng con người. Ngay vào cái giây phút mà tôi tưởng chừng như mình sắp bị một thằng khốn đầu to mang tên “ thi HK” đè chết, ông Trời đã giúp đỡ tôi, làm tôi vấp ngã ngay trên con đường về nhà của mình với một nguyên nhân vô cùng mơ hồ, huyễn hoặc. Thật ra, mọi người cứ thích xé chuyện bé thành chuyện to, tôi chỉ bị gãy độc nhất có ngón tay út của bàn tay phải, thế mà ông bác sĩ đã phấn khởi đến mức bó bột luôn cả cánh tay tôi. Ngày tôi vác cánh tay ấy vào lớp, lũ bạn đã nháo nhào bu vào đòi... kí tên và vẽ bậy lên đó. Tôi thấy trò đó cũng vui nhưng sao mất vệ sinh quá. Thiết nghĩ, nếu bọn nó thích vẽ lên mấy cục bột như vậy, sao không về nhà đập gãy chân mình, đi bó bột rồi vẽ lên đó luôn cho tiện, đỡ mất công tranh giành đất vẽ với người khác. Ngoài việc ấy ra, lũ bạn tôi còn quan tâm đến một vấn đề khác quan trọng hơn. Đó là nguyên nhân vì sao tôi té xe. Như các bạn đã biết đấy, con Trâu của tôi thực chất là một chiếc xe đạp điện hiệu Yamaha vừa cũ vừa cùn nhưng được cái nhìn có vẻ giống xe đạp, dễ ăn gian tiền gửi xe. Suốt khoảng thời gian tôi gửi xe ở trường, chưa bao giờ tôi thật sự phải trả tiền gửi xe theo đúng cái giá của xe đạp điện cả, toàn là ăn theo mệnh giá của xe đạp thường không thôi. Tôi đã hỏi kĩ nhưng các anh giữ xe cứ nằng nặc đòi lấy giá đấy thì tôi biết phải làm sao bây giờ? Thây kệ, cứ làm tới cho các anh vui lòng. Đến cuối năm, vào một ngày đẹp trời, các anh ấy cũng phát hiện ra con trâu của tôi thực chất là một con trâu điện với trâu lực lên đến vài chục km/h. Tiếc thì tiếc thật nhưng tiền đã trót trao, trâu đã trót gửi, các anh biết phải làm thế nào. Thây kệ, cứ vượt qua nỗi đau ấy mà sống cho vui đời thôi. Bởi vậy mới nói, không phải bí mật gì sau khi ta khám phá ra cũng khiến ta thỏa mãn, vui lòng đâu, ngược lại là đằng khác ấy chứ. Lại quay về với vấn đề của tôi, chuyện tôi té xe quả thật là một chuyện cũng tương tự như trên ít nhiều. Trong lớp tôi, không ít giả thiết, suy đoán đã được vạch ra bởi những bộ óc tinh anh đến không thể mụ mị hơn của mấy đứa nhóc sắp bị ba chữ “Thi học kì” làm cho tê liệt thần kinh hết rồi.

Có đứa suy đoán rằng ngày hôm ấy, tôi đang đi trên đường thì bỗng nhiên cảm thấy khát nước. Đúng lúc đó, một anh bán nước dạo chạy xe máy ngang qua tôi. Ngay lập tức, thú tính của tôi trỗi dậy, phóng điện chạy tới tấp theo chiếc xe ấy hòng giải thoát bản thân khỏi cơn khát trần tục đang ám ảnh mình. Kết quả, tôi bị chính cái trần tục ấy làm đục mờ con mắt, không nhìn thấy tình hình giao thông hỗn loạn hiện tại. Tôi đâm đại vào một cái xe nào đó rồi ngã lăn xuống đường, ngón út bé bỏng đập vào chân người đi bộ nên bị gãy. Đối với giả thiết ấy, tôi chỉ có thể quát lên được một câu duy nhất với người nói: “Mày thần kinh à?!?”.

Giả thiết tiếp theo, tôi vốn là một đứa con gái với phần máu thú nhiều hơn máu người. Mỗi lần ngồi lên xe, ác tính của tôi lại xuất hiện mạnh mẽ, lấn át phần người thánh thiện bên trong tâm hồn và lí trí bé bỏng của tôi. Nói các khác dễ hiểu hơn, cứ mỗi lần chạy xe là tôi lại nổi hứng đua xe. Ôi thật là... xe đạp điện mà đi đua với xe máy thì thật không có gì... ngu bằng. Cảm nhận được cái nguy cơ thua cuộc quá lớn, tôi bỗng nảy ra một ý tưởng ác lạ. Đó là thúc vào xe người cùng đua với mình cho nó té chơi. Kết quả, gậy ông đập lưng ông, tôi bị chính cái xe của mình nổi dậy khởi nghĩa, lật mông tôi xuống đất. Người đi đường thấy tôi tội nghiệp quá bèn nhào tới hỏi thăm, không cẩn thận đạp luôn vào ngón út bé bỏng của tôi. Và nó bị gãy. Giả thiết này cũng hay, tôi nghe xong liền không cầm được thú tính mà giơ chân đạp người đã nghĩ ra nó mấy phát. Vừa đạp tôi vừa chửi “Bà lội mày chứ cái đồ hoang tưởng nặng”.

Sau khi hàng loạt giả thiết khác được đưa ra, tôi liền không cam chịu mà kể cho tụi nó sự thật: “Tao đang chạy tự nhiên té, lăn vài vòng, gãy mợ nó cái tay”.

Kết quả quả nhiên ngoài mong đợi của lũ bạn tôi, chúng nó đều cùng không hẹn mà thở dài, nhìn tôi thông cảm rồi quay về chỗ ngồi của mình mà học hành đàng hoàng tiếp. Con bạn ngồi cùng bàn tôi khẽ nói “Từ nay về sau, chắc tao phải cẩn thận hơn khi đi đường quá. Ít ra khi té, tao còn biết tại sao mình té”.Tôi gật đầu tán thành, trong lòng còn vạn lần tán thành hơn. Thật hay, chết mà biết lí do vẫn hơn chết mà không hay mình chết vì cái gì chứ nhỉ. Nhìn cái tay bị giam cầm bởi một cục bột cứng đầu với những hình vẽ, chữ kí lằng ngoằng, gớm ghiếc trên đó, tôi bỗng thấy đời mình sao bỏ qua quá nhiều triết lý lạ thường. Nhìn cục bột ấy, thầy dạy Lý của tôi rất tức. Thầy nói: “Sao tụi bây không để lại chỗ cho tao ký tên???”. Nhưng đấy chưa là gì so với cơn giận của thầy dạy Anh Văn. Thầy hỏi tôi tại sao tôi té, tôi thành thật kể lại câu chuyện mà mình đã kể cho tụi bạn cho thầy nghe. Nghe xong, thầy rầu rĩ quát: “Không muốn kể thì thôi, chế ra chi vậy? Thời buổi này còn đứa nào chạy xe ngu mà khoái thể hiện vậy đâu”.

Dạ thưa thầy, thật ra, còn có em ạ.

Sau vụ ấy, tôi và đám bạn quyết định lấy giả thiết đầu tiên làm nguyên nhân đi cho nó có vẻ... thật. Cũng hay, sự thật ít người tin mà chuyện tào lao thiên địa bịa cỡ nào người ta cũng tin sái cổ.

Gãy tay rồi, chuyện đi học đối với tôi trở nên khó khăn hơn biết nhường nào. Ngày nào cũng phải đi học đầy đủ, ngủ lúc nào cũng phải cẩn thận, dè dặt, mắt lúc nào cũng phải nhìn sang, liếc lại coi lũ bạn có đang chép bài cho mình không. Có nhiều lúc, tôi buồn ngủ quá, ngáp một phát muốn sái cơ hàm, nước mắt tuôn ra như nước mưa vào những ngày nhiều nắng, gặp ngay khi cô giáo quay sang nhìn mình hỏi “Hiểu bài không em?”, thế là tôi đành phải tùy cơ ứng biến “Dạ hiểu. Cô với các bạn tốt với em quá”. Cô cười, tôi cũng cười, bạn tôi cũng cười, tuy nhiên, bọn họ là đang cười khinh tôi. Cô nói “Buồn ngủ quá hả con, không cần giả vờ chi đâu. Ra cửa lớp đứng đi cho nó tỉnh”. Tôi lại cười. Sao chả bao giờ tôi cười được giống như cô với các bạn cười mình thế nhỉ. Thật quá bất công mà.

Trải qua cái cảm giác tay bị gãy, chân muốn què, tôi bỗng cảm thấy nhớ da diết cái chuỗi ngày ít được mọi người quan tâm kia biết bao. Ngày hôm ấy, lớp tôi học môn địa. Từ đó suy ra, đứa nào cũng phải mang Alat theo để phơi ra cho có trước mặt cô chủ nhiệm. Tôi đứng như bất động ngay cửa lớp, lòng thầm oán hận thay cho lũ bạn vì cô giáo đã chiếm dụng 5 phút trực thuộc quản lý của đơn vị thời gian ra chơi của mình. Ngay lúc bản thân mình chán nản đến khôn cùng, tôi liền quay mặt ra khỏi lớp và bắt gặp một gương mặt quen thuộc đến không thể quen thuộc hơn. Tim tôi như nẫng lên một nhịp. Nói theo cách mà tivi từng nói, một lão tiều phu đê tiện nào đó đang ném búa lia lịa vào tim tôi. Khốn nạn! Ông lão khốn nạn!

Bạn Khanh của tôi đang đứng ngoài cửa lớp nhìn tôi kìa!!!

Vâng, nhìn tôi đấy. Ngại ghê á, tại sao trong cả rừng cái lớp D6 với vài thằng bê đê chiến hữu của mình, bạn ấy lại nhìn tôi? Vừa nhìn vừa cười mới ghê chứ. Ôi mẹ ơi, ông già tiều phu giờ chuyển từ quăng búa sang quăng luôn cây vào tim tôi rồi.

...

...

Thế nào gọi là lý trí? Thế nào gọi là tình cảm? Thế nào gọi là tình cảm trong lý trí? Thế nào gọi là lý trí trong tình cảm?

Tôi thuộc dạng người suy nghĩ theo cách nào trong bốn cách bí ẩn trên? Theo những gì khoa học đã chứng minh, mọi người thường có xu hướng nghĩ rằng cách suy nghĩ của mình là đặc biệt hơn so với người khác trong khi thực tế thì cách suy nghĩ đó lại đang rất thịnh hành trong lối suy nghĩ của mọi người, nhất là giới nữ hiện giờ. Cũng có lý phết, một người đặc biệt, hai người đặc biệt mới gọi là đặc biệt; tất cả mọi người đặc biệt thì không phải là đặc biệt, là bình thường mới đúng. Ha ha, bởi vậy nên, dẫu cho tôi có nói tôi thuộc dạng người suy nghĩ thế nào đi chăng nữa, nó cũng giống như những cách suy nghĩ còn lại mà thôi. Tôi thì làm thế quái nào mà biết được mình suy nghĩ theo dạng nào cơ chứ! Chỉ là suy đoán thôi nhưng có lẽ là lý trí trong tình cảm chăng?

*******************************

E hèm, nói thế nào nhỉ? Đây là câu chuyện thật mà như không thật về năm cuối cấp của mình ở ngôi trường cấp 3 thân mà không thương của mình. Nếu đã như vậy, đây có lẽ sẽ chỉ được xem như câu chuyện mà mình chia sẻ cho các bạn mà thôi, chẳng giống như một câu chuyện tí nào. Truyện mà không phải là truyện thì là gì nhỉ?

Chính vì nguyên nhân đó, mình sẽ sử dụng những từ ngữ thân thuộc nhất mà mình vẫn hay sử dụng trong cuộc sống hằng ngày dù nhạy cảm thế nào theo một cách hạn chế nhất định.

Vậy thôi, cám ơn mọi người đã theo dõi. *ôm hun tới tấp*

HCMC, 15/04/2014
Chương trước Chương tiếp
Loading...