Trọng Sinh Thích Làm Xấu Nữ

Chương 10



Trở lại phòng của mình, Thiên Tuyết vẫn chưa thể nào bình ổn lại được tâm trạng của mình, có lẽ là do gặp lại quá nhiều “ người quen” của kiếp trước. Kể từ khi gặp lại Ngạo Tử Kiên, nàng vẫn luôn cảm thấy có thứ gì đó đang dần thay đổi. Lần đầu tiên tỉnh dậy, nàng vẫn luôn tự an ủi mình sẽ có thời gian một năm để sắp xếp lại kế hoạch của mình. Nàng muốn bỏ trốn cùng nương, nàng không muốn sống ở chiếc lồng son ngột ngạt đầy tranh đấu này nữa.

Kiếp trước nàng gặp Ngạo Tử Kiên năm 14 tuổi thế nhưng hiện tại thì sao? Nàng lại có thể gặp lại hắn sớm hơn một năm so với trong kiếp trước. Hiện tại lòng nàng đang rối bời và không suy nghĩ được gì cả. Cố gắng lấy lại bình tĩnh, Thiên Tuyết tự nhủ lòng phải cố gắng mạnh mẽ hơn nữa, bởi lẽ tương lai của nàng và nương sau này đều phụ thuộc vào từng hành động của nàng ngày hôm nay. Có lẽ nàng nên sắp xếp kế hoạch bỏ trốn từ ngày hôm nay thôi.

Kiếp trước sở dĩ nàng bị đại tỉ, biểu tỉ và thứ muội hãm hại một phần cũng là do dung mạo của mình luôn xuất sắc hơn chúng tỉ muội. Vậy có lẽ việc đầu tiên nàng nên làm có lẽ là biến mình trở thành một “xấu nữ”, có như vậy mục tiêu ganh đua của các nàng sẽ không còn là “nàng” nữa ( “nàng” là chỉ Thiên Tuyết). Như vậy nàng có thể sống yên ổn được một thời gian để sắp xếp kế hoạch của mình. Sau khi đã suy nghĩ chu đáo, lúc này Thiên Tuyết mới nhận ra trời đã tối đen từ lúc nào, canh giờ cũng đã không còn sớm nữa, có lẽ đã qua giờ cơm chiều từ lâu.

Kiếp trước và kiếp này nàng luôn chỉ có một nha hoàn thân cận nhất là Linh nhi, trong căn viên nhỏ hẹp của nàng có lẽ cũng chỉ có vài ba nha hoàn hạ đẳng và bà tử thô sử lo việc bếp núc, giặt giũ, bởi lẽ nàng vốn là một thứ nữ không được phụ thân ưa thích. Đến ngay cả những nha hoàn của đại nương và đại tỉ cũng có thể khi dễ nàng. Giờ thì nàng mới nhận ra, trong gia đình giàu sang quyền quý này, nàng cũng chỉ luôn đơn độc một mình, thân phận thứ nữ như nàng lại không sánh bằng một nha hoàn rửa chân cho đại nương. Càng nghĩ đến nàng lại càng không muốn sống ở đây nữa chút nào, nha hoàn Linh nhi kia có lẽ lại giận dỗi nàng nên không biết lại chạy đi đâu mất, một nha đầu vô phép tắc như vậy mà kiếp trước nàng lại xem như tỉ muội tốt. Quả thật là có mắt không tròng. Thôi thôi chuyện đã qua rồi, có lẽ nàng nên tìm cơ hội đuổi Linh nhi ra khỏi viện của mình càng sớm càng tốt, nàng cũng có thể yên tâm về tương lai sau này một chút. Quyết định xong xuôi, Thiên Tuyết đứng lên ra khỏi phòng và đi về hướng viện Tam di nương.

Trên đường đi, Thiên Tuyết không ngừng nhớ đến những kỉ niệm ngày xưa của nàng và nương. Mặc dù đó đa phần là những kỉ niệm buồn, nhưng những mảnh kí ức rất nhỏ ấy luôn được nàng trân trọng và khảm sâu trong lòng. Nương nàng là con gái cả dòng chính nữ của một gia đình thương nhân giàu có. Tuy vậy nhưng nương cũng giống nàng, không được phụ thân quan tâm, mẫu thân của nương thì đã mất ngay từ khi nương cất tiếng khóc chào đời. Chính vì vậy, nương nàng mới bị ngoại công xem như một món hàng hóa để trao đổi điều kiện với phụ thân nàng. Trước đây khi ông đã là Thừa tướng đương triều, có biết bao nhiêu gia đình quyền quý muốn kết thông gia với ông nhưng đều bị ông uyển chuyển từ chối cự tuyệt. Nàng không phủ nhận một điều rằng có lẽ ngày xưa phụ thân đại nhân cũng có chút ái mộ mẫu thân nàng.

Nhưng như vậy thì đã sao nào? Lí do lớn nhất cũng là vì mượn sức tài chính từ nhà ngoại của nàng mà thôi. Ngay cả ngoại công của nàng cũng vậy, vì để kết thông gia với Thừa tướng đương triều, có thế lực nhà rể đảm bảo việc làm ăn của ông có thể thuận buồm xuôi gió hơn, ông đã không ngừng ngại gả đi trưởng nữ của mình cho người ta làm thiếp, chịu nhiều tủi nhục và uất ức. Phụ thân của nàng mặc dù vừa có thể lấy được một người thiếp tài sắc vẹn toàn, ôn nhu thục đức, lại vừa có thêm nguồn tài vật phong phú từ ngoại công, tội gì mà không thuận theo. Chỉ khổ cho mẫu thân nàng, khi còn ở nhà chịu đủ mọi loại chèn ép của thứ muội và di nương, khi lớn lên lại bị ép gả cho người ta làm thiếp, phải tự tay đoạn tuyệt đoạn lương duyên tươi đẹp của nàng với người bạn thanh mai trúc mã từ nhỏ, đến nhà chồng lại phải chịu biết bao đau thương chồng chất.

Chính vì vậy mà nàng rất hiếm khi thấy nương cười, từ khi nàng chào đời đến nay đã 13 năm. Trong 13 năm nay chỉ có hai lần nàng được nhìn thấy nụ cười vui vẻ phát ra từ nội tâm của nương. Lần thứ nhất là khi nàng và ca ca lén xuống bếp làm món bánh nướng để tặng nương trong ngày sinh thần của người. Nàng còn nhớ rất rõ khi đó nàng chỉ mới năm tuổi cùng ca ca năm đó cũng chỉ mới sáu tuổi cùng nhau hì hục dưới bếp nhồi bột để làm bánh. Khi đó cả hai huynh muội là lần đầu tiên làm bánh dựa theo những gì được chỉ dẫn trong sách. Tuy cái bánh nhìn không được đẹp mắt lại có mùi kì lạ nhưng nương vẫn ăn rất vui vẻ, vừa ăn vừa cổ vũ bọn họ có khiểu nấu ăn rất ngon, thế là ba mẫu tử cùng ăn bánh rất hạnh phúc.

Lần thứ hai là khi nàng và ca ca cùng nhau hợp tác vẽ một bức tranh chân dung để tặng nương. Bức vẽ được phác họa bởi những nét vẽ hết sức non nớt của nàng và những dòng thơ xiêu vẹo do chính tay ca ca đề lên đã làm cho nương cảm động đến suýt nữa chảy nước mắt. Nàng còn nhớ rõ ánh mắt hạnh phúc của nương lúc đó, ánh mắt ươn ướt hợp với nụ cười không thường trực trên gương mặt xinh đẹp của nương càng làm cho người thêm phần yếu đuối, nhu nhược, đáng thương.

Khi đó nàng vẫn không hiểu chuyện nên vẫn chỉ cho là do nương quá cao hứng, quá vui vẻ nên mới cười chảy cả nước mắt. Thật nực cười làm sao, giờ nghĩ lại nàng đã hiểu tại sao lúc đó ca ca lại vừa khóc vừa ôm nương và nàng thật chặt bằng đôi tay bé nhỏ, gầy yếu của mình. Đó là vì ca có thể hiểu hành động của nương khi đó, có thể hiểu nỗi khổ của nương lúc này, đó là hành động an ủi mà một nhi tử muốn dành cho mẫu thân, đó là cái ôm ấm áp, đầy che chở của người ca ca dành cho tiểu muội thân yêu của mình.

Thế nhưng thật không ngờ đó cũng lại là lần cuối cùng nàng còn có thể được nhìn thấy nụ cười của nương và... được sự che chở ấm áp của ca ca. Bởi vì sau ngày hôm đó, ca ca đột nhiên bị rớt xuống hồ nước trong vườn. Nàng chỉ kịp nhìn thấy gương mặt tái nhợt không còn huyết sắc của ca ca khi được vớt lên từ dưới hồ thì đã nghe phụ thân và đại nương phân phó làm tang lễ rồi tiến hành chôn cất nhanh chóng. Nàng buồn, nàng hận, nàng bi thương nhưng bản thân nàng còn quá nhỏ nên chẳng làm được gì, lại cũng chẳng có ai quan tâm hay để ý đến nàng.

Kể từ ngày ca ca mất, nương sống như một người vô hồn, cứ mãi ngơ ngác, làm việc gì cũng không để tâm, ai nói gì cũng không đáp trả. Ngay cả nàng là nữ nhi thân thiết cũng chỉ gật đầu hay lắc đầu vài cái, rồi lại tiếp tục ngồi ngơ ngẩn nhìn về phương xa. Sau khi phụ thân biết chuyện, không thèm nói một lời đã đem mẫu thân đến tiểu viện nhỏ rách nát tồi tàn sống một mình tự sinh tự diệt ở đó. Ông cho rằng để mẫu thân ở lại sẽ làm mất mặt ông, mất mặt gia tộc. Do đó cấm nàng không được tiếp xúc quá nhiều với nương để tránh ông bị bẽ mặt. Đúng là một suy nghĩ vô cùng tức cười. Nếu không phải nhờ dì Lương – vú nuôi từ nhỏ của mẫu thân tình nguyện ở lại chăm sóc thì không biết giờ mẫu thân đã bị ngược đãi như thế nào. Càng nghĩ, Thiên Tuyết càng không ngừng gia tăng cước bộ của nàng về hướng tiểu viện. " Nương à, Tuyết nhi đang đến thăm người đây".
Chương trước Chương tiếp
Loading...