Trước Ngày Em Đến - Me Before You

Chương 10



Họ tỏ vẻ hơi ngạc nhiên. Thật ra đó là một câu nói giảm. Bà Traynor trông choáng váng, rồi hơi lúng túng, rồi cả gương mặt bà tối sầm lại. Cô con gái đang nằm co người trên sofa cạnh bà thì mặt mũi hằm hằm - mẹ thường cảnh cáo tôi là lúc nào cũng mang bộ mặt kiểu đó khi trời chuyển gió. Đó rõ ràng không phải là phản ứng đầy khích lệ mà tôi đã kỳ vọng.

"Nhưng thật ra cô muốn làm gì?"

"Tôi vẫn chưa biết. Em gái tôi rất giỏi tìm kiếm mọi thứ. Nó đang cố tìm ra những thứ khả dĩ cho người bị liệt tứ chi. Nhưng trước tiên tôi muốn biết liệu ông bà có sẵn sàng với kế hoạch đó không đã."

Chúng tôi đang ngồi trong phòng khách nhà họ. Đây chính là căn phòng tôi từng tới phỏng vấn, chỉ khác là lần này bà Traynor và con gái đang ngồi trên sofa, chú chó già ngồi giữa họ. Ông Traynor đang đứng bên lò sưởi. Tôi mặc chiếc áo khoác vải bông màu chàm quê mùa kiểu Pháp và chiếc váy ngắn, đi đôi bốt kiểu nhà binh. Giờ tôi mới sực nhận ra đáng lẽ tôi nên mặc một bộ đồng phục trông chuyên nghiệp hơn để trình bày phác thảo kế hoạch của mình.

"Để tôi nói rõ ra nhé," bà Traynor vươn người tới trước. Cô muốn đưa Will rời khỏi nhà.

"Vâng."

"Và đưa nó tham gia một loạt chuyến phiêu lưu." Bà nói về điều đó cứ như thể tôi đang đề nghị được biểu diễn màn phẫu thuật nội soi nghiệp dư trên cơ thể anh vậy.

"Đúng thế. Như tôi đã nói, tôi chưa biết có thể làm những gì. Nhưng kế hoạch này là nhằm đưa anh ấy đi ra ngoài đổi gió, mở rộng chân trời trước mắt anh ấy. Có thể trước tiên chúng tôi sẽ thực hiện vài chuyến phiêu lưu ở ngay trong vùng, sau đó hy vọng không bao lâu sẽ tới một nơi nào đó xa ra bên ngoài."

"Ý cô là đi nước ngoài ấy hả?"

"Nước ngoài...?" Tôi chớp mắt. "Tôi đang nghĩ có lẽ sẽ đưa anh ấy tới quán rượu thì đúng hơn. Hoặc đi xem ca nhạc, khởi đầu là thế."

"Hai năm qua Will hầu như không đi đâu khỏi nhà, trừ những cuộc hẹn khám ở bệnh viện."

"À, phải... Tôi đã nghĩ tôi sẽ cố thuyết phục anh ấy."

"Và tất nhiên cô sẽ đi cùng anh ấy trong mọi chuyến phiêu lưu đó," Georgina Traynor nói.

"Nghe này. Không có gì to tát đâu. Thật ra tôi chỉ nói tới chuyện đưa anh ấy ra khỏi nhà, ban đầu là thế. Một chuyến dạo bộ quanh lâu đài, hoặc vào chơi quán rượu một lát. Nếu cuối cùng chúng tôi đi chơi cùng cá heo ở Florida thì cũng hay lắm. Nhưng thực tình tôi chỉ muốn đưa anh ấy ra khỏi nhà để được nghĩ về những điều khác đi." Tôi không nói thêm rằng chỉ nghĩ tới chuyện một mình lái xe chở Will tới bệnh viện thôi vẫn đủ khiến tôi toát mồ hôi lạnh. Thì ý nghĩ đưa anh ra nước ngoài nghe thật chẳng khác gì chuyện tôi chạy marathon.

"Tôi nghĩ đó là một ý rất hay," ông Traynor nói. "Tôi cho rằng đưa được Will đi đổi gió thì quá tuyệt vời. Rõ ràng là không hề tốt khi cứ để nó nhìn bốn bức tường ngày này qua ngày khác."

"Bọn em đã cố gắng đưa con ra ngoài, Steven," bà Traynor nói. "Đâu có phải bọn em để mặc nó ở đó cho tới mục ruỗng. Em đã thử không biết bao nhiêu lần rồi."

"Anh biết điều đó, em yêu, nhưng chúng ta có thành công gì đáng kể đâu, phải không? Nếu cô Louisa đây có thể nghĩ ra những thứ mà Will sẵn sàng thử thì tốt quá đi chứ còn gì nữa nhỉ?"

"À, phải, sẵn sàng thử quả là cụm từ thực tế."

"Đó chỉ là một ý kiến thôi," tôi nói. Bỗng nhiên tôi thấy bực mình. Tôi hiểu những gì bà ta đang nghĩ. "Nếu bà không muốn tôi làm việc đó thì..."

"... thì cô sẽ bỏ việc?" Bà nhìn thẳng vào mắt tôi.

Tôi không quay đi. Bà ta không khiến tôi sợ được nữa. Vì giờ tôi biết bà ta không tử tế hơn tôi. Bà ta là kiểu đàn bà có thể ngồi khoanh tay nhìn con trai chết ngay trước mắt mình.

"Phải, có lẽ là thế."

"Thế ra đây là một vụ tống tiền." "Georgina!"

"Ôi, cứ nói toạc móng heo ra thôi bố ơi."

Tôi ngồi thẳng người lên một chút. "Không. Không phải là tống tiền đâu. Mà là một việc tôi đã sẵn sàng tham dự. Tôi không thể cứ ngồi yên, lặng lẽ chờ thời gian trôi qua cho tới khi... Will... ừm..." Giọng tôi nhỏ dần.

Tất cả chúng tôi đều nhìn trân trân xuống tách trà.

"Như tôi đã nói," ông Traynor quả quyết. "Tôi nghĩ đó là một ý kiến rất hay. Nếu có thể làm Will đồng tình với chuyện này thì tôi thấy chẳng có gì phương hại cả. Tôi rất thích ý tưởng đưa nó đi nghỉ. Chỉ cần... chỉ cần cho chúng tôi biết cô muốn chúng tôi làm gì."

"Mẹ có một ý này." Bà Traynor đặt một tay lên vai cô con gái. "Có lẽ con nên đi nghỉ cùng họ, Georgina."

"Với tôi thì tốt thôi," tôi nói. Đúng là thế thật. Vì cơ hội đưa Will đi nghỉ của tôi cũng sánh bằng khả năng chiến thắng trong trò Mastermind - thử thách trí thông minh.

Georgina Traynor nhúc nhích ngại ngùng trên ghế. "Con không thể. Mẹ biết hai tuần nữa con bắt đầu công việc mới rồi mà. Một khi đã nhận việc thì trong một thời gian con sẽ không thể về lại Anh được."

"Con sắp trở lại Úc à?"

"Đừng tỏ ra ngạc nhiên thế. Con đã nói với mẹ con chỉ về thăm nhà thôi rồi còn gì."

"Mẹ chỉ nghĩ rằng... vì... vì những chuyện gần đây, có khi con muốn ở nhà lâu hơn." Camilla Traynor nhìn chằm chằm cô con gái với ánh mắt bà chưa bao giờ chiếu vào Will, dù anh có thô lỗ với bà tới đâu.

"Việc đó tốt lắm mẹ ạ. Con đã phấn đấu vì công việc ấy suốt hai năm nay." Cô ta liếc nhìn sang ông bố. "Con không thể ngưng trệ cả cuộc đời mình chỉ vì tình trạng tâm thần của Will."

Một khoảng im lặng kéo thật dài.

Một khoảng im lặng kéo thật dài.

"Như thế thật bất công. Nếu con ngồi xe lăn, mẹ có yêu cầu Will gác mọi kế hoạch của anh ấy qua một bên không?"

Bà Traynor không nhìn con gái nữa. Tôi liếc xuống bản danh sách, đọc đi đọc lại khổ đầu tiên.

"Con còn có cuộc đời, bố mẹ biết mà." Câu nói đó thốt ra như một lời biện hộ.

"Chúng ta sẽ thảo luận chuyện này vào lúc khác." Ông Traynor đặt tay lên vai con gái rồi bóp nhẹ.

"Vâng, cứ thế đi." Bà Traynor bắt đầu lật giở những trang giấy trước mặt mình. "Thế thôi, được rồi. Tôi nghĩ chúng ta sẽ làm thế này. Tôi muốn biết mọi điều cô đang ấp ủ," bà nói, ngước nhìn tôi. "Tôi muốn lên dự toán chi phí, và nếu có thể, tôi muốn một lịch trình để tôi có thể sắp xếp nghỉ một số buổi để đi cùng hai người. Tôi còn mấy ngày phép chưa dùng nên tôi có thể..."

"Không."

Tất cả chúng tôi quay sang nhìn ông Traynor. Ông đang xoa đầu chú chó, vẻ mặt ông rất dịu dàng nhưng giọng thì cương quyết. "Không đâu. Anh nghĩ em không nên đi, Camilla. Will được phép tự mình làm việc này."

"Will không thể tự mình làm nó, Steven. Có cực kỳ nhiều thứ cần được tính toán khi Will đi đâu. Phức tạp lắm. Em không nghĩ chúng ta cứ thế để nó cho..."

"Không, em yêu," ông nhắc lại. "Nathan có thể giúp, và Louisa sẽ sắp xếp ổn cả thôi." "Nhưng..."

"Will cần được phép cảm thấy như một người đàn ông. Chuyện đó sẽ là không thể nếu mẹ nó - hay em gái nó cũng thế - lúc nào cũng khư khư bên cạnh."

Lúc đó tôi thoáng thấy thương cho bà Traynor. Bà vẫn giữ vẻ mặt kiêu hãnh như thường lệ, nhưng tôi có thể thấy dưới vẻ mặt ấy, bà dường như hơi lạc lối, như thể bà không hiểu nổi chồng bà đang làm gì. Tay bà lướt lên cổ.

"Tôi sẽ đảm bảo an toàn cho anh ấy," tôi nói. "Và tôi sẽ cho bà biết mọi chuyện chúng tôi định làm sớm nhất có thể."

Quai hàm bà siết chặt tới nỗi một đường cơ nhỏ hằn lên ngay dưới gò má.

Tôi tự hỏi có phải lúc này bà thực sự căm ghét tôi. "Tôi cũng muốn Will thấy muốn sống," tôi chốt lại.

"Chúng tôi rất hiểu điều đó," ông Traynor nói. "Và chúng tôi đánh giá rất cao quyết tâm của cô. Và cả óc suy xét." Tôi tự hỏi phải chăng từ cuối cùng đó là ám chỉ Will, hoặc một điều gì hoàn toàn khác, thế rồi ông đứng dậy và tôi nhận ra đó là dấu hiệu tiễn tôi. Georgina và bà mẹ vẫn ngồi trên sofa, chẳng nói chẳng rằng. Tôi có cảm giác khi tôi rời khỏi phòng sẽ có một cuộc trao đổi toàn diện hơn ở đây.

"Vâng, được rồi," tôi nói. "Tôi sẽ trình giấy tờ cụ thể ngay khi tôi lên kế hoạch xong xuôi trong đầu. Sẽ sớm thôi ạ. Chúng ta không có nhiều..."

Ông Traynor vỗ vai tôi.

"Tôi hiểu. Chỉ cần cho chúng tôi biết cô định làm gì là được," ông nói.

Treena đang thổi phù phù hai bàn tay, đôi chân thì di chuyển lên xuống một cách vô thức như đang chạy nâng cao gối. Nó đội chiếc mũ bê-rê màu xanh sẫm của tôi, thật bực mình là cái mũ đó ở trên đầu nó trông đẹp hơn rất nhiều so với khi ở trên đầu tôi. Nó vươn người đưa bản danh sách vừa rút từ trong túi áo ra đưa cho tôi.

"Có lẽ chị sẽ phải gạch mục số ba đi, không thì ít nhất cũng phải đợi khi trời ấm hơn mới thực hiện nó được."

Tôi kiểm tra bản danh sách. "Bóng rổ cho người liệt tứ chi? Chị còn không dám chắc anh ta có thích bóng rổ không."

"Chuyện đó đâu có quan trọng. Ôi trời ơi, ở trên này sao mà lạnh thế." Nó kéo mũ bê-rê xuống chụp lấy hai tai. "Vấn đề là nó sẽ cho anh ấy một cơ hội xem coi mình làm được gì. Anh ấy có thể thấy rằng có những người ở trong tình trạng tệ không kém gì anh ấy vẫn chơi được thể thao và làm nhiều thứ khác."

"Chị không chắc nữa. Anh ta thậm chí không nâng nổi cái ly. Chị nghĩ chắc những người đó chỉ bị liệt hai chân thôi. Chị chẳng hiểu nổi làm sao không dùng tay mà người ta ném bóng được."

"Chị không hiểu vấn đề rồi. Anh ấy không buộc phải làm thật cái gì cả, mà đây là để mở rộng tầm nhìn của anh ấy thôi, phải không? Chúng ta đang cho anh ấy thấy người tàn tật làm được gì."

"Cứ cho là vậy đi."

Đám đông bỗng rì rầm xôn xao. Những tay chạy đua xuất hiện trong tầm mắt, phía xa xa. Nếu bật lên đứng nhón chân, tôi có thể chỉ rõ chỗ bọn họ lúc này, có lẽ cách chừng ba cây số về dưới thung lũng, một cụm nhỏ những đốm trắng lắc lư kéo mình đi trong giá lạnh dọc con đường ướt át xám xịt. Tôi liếc đồng hồ. Tôi đã đứng trên đỉnh ngọn đồi tên là Đồi Gió Lộng này gần bốn mươi phút rồi, hai chân tê cóng không còn cảm giác gì nữa.

"Em đã tìm kiếm những hoạt động trong vùng, nếu chị không muốn lái xe quá xa thì vài tuần nữa có một trận đấu ở trung tâm thể thao đấy. Anh ta còn có thể cá cược kết quả nữa cơ."

"Cá cược hả?"

"Như thế anh ta có thể tham gia trận đấu một chút mà không hề phải chơi. Ô nhìn xem, bọn họ kìa. Chị nghĩ mất bao lâu thì họ tới chỗ bọn mình?"

Chúng tôi đứng bên vạch đích. Trên đầu chúng tôi là tấm banner bằng vải bạt đề "Vạch Đích Kỳ Thi Ba Môn Phối Hợp Mùa Xuân" bay phần phật trong gió lộng.

"Ai mà biết. Hai mươi phút à? Hay lâu hơn? Chị có một thanh kẹo Mars cứu đói nếu em muốn chia sẻ."

Tôi thò tay vào túi. Chỉ giữ bản danh sách bằng một tay nên tôi không thể ngăn nó bay phần phật. "Thế em còn nghĩ ra cái gì nữa?"

"Chị bảo chị muốn đi xa ra bên ngoài phải không?" Nó chỉ vào tay tôi. "Chị lấy phần to hơn kìa."

"Chị bảo chị muốn đi xa ra bên ngoài phải không?" Nó chỉ vào tay tôi. "Chị lấy phần to hơn kìa."

"Thì ăn phần này đi. Chị nghĩ nhà đó cho là chị đang hôi của."

"Cái gì, chỉ vì chị muốn đưa anh ấy đi chơi lăng quăng vài ngày thôi hả? Chúa ơi. Lẽ ra họ phải thấy biết ơn vì có người nỗ lực làm điều đó chứ. Khác hẳn bọn họ."

Treena lấy nửa kia thanh Mars. "Thôi kệ họ đi. Số năm, em nghĩ nó được đấy. Có một khóa học vi tính anh ấy có thể tham dự. Người ta đặt một thứ có gắn một cái que lên đầu người bị liệt để họ gật đầu là chạm được vào bàn phím. Có rất nhiều nhóm người liệt tứ chi trên mạng. Anh ấy có thể kết vô khối bạn mới bằng cách đó. Điều đó có nghĩa anh ta không phải thường xuyên ra khỏi nhà. Em thậm chí còn nói chuyện với vài người trong chat-room. Họ có vẻ dễ chịu. Khá..." nó nhún vai "... bình thường."

Chúng tôi im lặng ăn thanh Mars, quan sát nhóm người chạy đua bơ phờ tiến lại mỗi lúc một gần. Tôi chẳng phát hiện ra Patrick. Tôi chưa bao giờ làm được thế. Anh có kiểu mặt rất dễ lẫn trong đám đông.

Treena chỉ vào mẩu giấy.

"Thôi nào, tới phần văn hóa đi. Có một buổi hòa nhạc đặc biệt dành cho những người tàn tật đây này. Chị bảo anh ta đam mê văn hóa phải không? À, anh ta chỉ cần ngồi đó thăng hoa cùng âm nhạc. Thế gọi là đưa tâm hồn thoát khỏi thể xác phải không nhỉ? Ông Derek có bộ ria mép ở chỗ làm bảo với em thế đấy. Ông ta nói buổi hòa nhạc có thể hơi ồn ào vì những người tàn phế hay rên i ỉ, nhưng em chắc anh ấy vẫn sẽ thích nó."

Tôi nhăn mũi. "Chị không biết nữa, Treen..."

"Chị lo sợ vì em nói tới từ văn hóa chứ gì. Chị chỉ phải ngồi đó với anh ấy thôi. Và đừng có ăn bim bim xào xạo. Mà nếu chị thích thứ gì đó vui nhộn hơn một chút thì..." Nó cười nhăn nhở với tôi. "Có một câu lạc bộ múa cột. Chị có thể đưa anh ấy tới London xem trò đó."

"Đưa ông chủ của chị đi xem múa cột ấy hả?"

"Ồ, chị nói chị làm mọi thứ khác cho anh ta - nào là lau dọn, cho ăn, đủ thứ. Thế thì sao chị không thể ngồi bên cạnh trong khi anh ta cương cứng chứ nhỉ." "Treena!"

"Ôi, chắc anh ấy nhớ chuyện đó lắm. Thậm chí chị còn có thể mua cho anh ấy một màn múa khiêu dâm."

Vài người trong đám đông quanh chúng tôi quay đầu lại. Em gái tôi đang cười to. Nó có thể nói về tình dục như thế đấy. Như thể đó là một kiểu giải trí. Như thể tình dục là chuyện nhỏ.

"Rồi mặt khác còn có những chuyến đi hoành tráng hơn. Chẳng biết bọn chị thích gì, nhưng bọn chị có thể đi nếm rượu ở Loire... khởi đầu như thế cũng không quá đáng lắm đâu."

"Người bị liệt tứ chi có được say không?" "Em đâu biết. Hỏi anh ấy xem."

Tôi cau mày khi xem bản danh sách. "Thế... chị sẽ trở lại nói với nhà Traynor rằng chị định chuốc say cậu con trai bị liệt tứ chi mang ý đồ tự vẫn của họ, dùng tiền nhà họ vào trò múa cột và múa khiêu dâm, sau đó đẩy anh ta tới Paralympics..."

Treena giật bản danh sách khỏi tay tôi. "Ôi, em nghĩ chị chẳng thể nghĩ ra trò gì gợi cảm hứng hơn được đâu."

"Chị chỉ nghĩ... chị không biết nữa." Tôi xoa mũi. "Chị chỉ cảm thấy hơi nản, thật đấy. Thuyết phục được anh ấy ra vườn thôi cũng khó lắm rồi."

"Đó đâu phải chuyện thái độ, đúng không? Ồ, nhìn kìa. Họ tới rồi. Chúng ta nên mỉm cười."

Chúng tôi chen lên phía trước đám đông và bắt đầu cổ vũ. Chẳng dễ gì hò reo giòn giã được khi mà đôi môi đã cứng đờ vì lạnh.

Rồi tôi thấy Patrick, đầu anh nhấp nhô giữa biển những tấm thân đang căng ra, gương mặt anh bóng nhẫy mồ hôi, từng thớ gân cổ căng lên và gương mặt khắc khổ như thể anh đang phải chịu đựng một kiểu tra tấn nào đó. Cũng gương mặt đó sẽ bừng sáng ngay khi anh băng qua vạch đích, như thể chỉ khi đo lường được tâm tư cá nhân sâu xa nào đó, anh mới đạt được kết quả cao. Anh không nhìn thấy tôi.

"Tiến lên, Patrick!" tôi kêu lên, yếu ớt.

Rồi anh lướt qua, băng về vạch đích.

Hai ngày sau hôm tôi không thể hiện được mức nhiệt tình cần thiết với bản danh sách "Phải Làm" của Treena, nó không thèm nói chuyện với tôi. Bố mẹ tôi không để ý thấy chuyện đó; họ còn mải vui sướng như điên khi nghe nói tôi quyết định không bỏ việc. Ban quản lý xưởng đồ gỗ gia dụng đã triệu tập một loạt cuộc gặp vào cuối tuần đó, và bố tôi tin rằng ông sẽ nằm trong số bị buộc phải thôi việc. Chưa một ai quá tuổi bốn mươi mà trụ lại được sau cuộc sát hạch.

"Bố mẹ rất biết ơn về công việc giúp việc của con, con yêu," mẹ tôi nói, thường xuyên tới mức khiến tôi cảm thấy hơi mất thoải mái.

Đó là một tuần kỳ khôi. Treena bắt đầu đống đồ đi học, thế nên ngày nào tôi cũng phải lẻn lên tầng xem hết lượt những túi đồ nó đóng sẵn để xem thứ đồ dùng nào của tôi mà nó dự định mang đi. Đa số quần áo của tôi được an toàn, nhưng theo những gì mới phát hiện ra thì tôi sắp mất một chiếc máy sấy, cặp kính Prada dởm, và cái túi đựng đồ trang điểm có in hình trái chanh ưa thích. Nếu tôi có hạch sách nó về món nào trong số đó, nó sẽ nhún vai rồi nói, "Ôi, chị có khi nào dùng nó đâu," như thể toàn bộ vấn đề chỉ có vậy.

Đó quả tình là con người củaTreena. Nó luôn coi bản thân là số một. Dù đã có Thomas, nó chưa bao giờ mất hẳn cảm giác mình là bé cưng trong nhà - cái cảm giác ăn sâu bám rễ rằng cả thế giới thực sự vận hành quanh nó. Khi chúng tôi còn nhỏ, mỗi lần nó nổi cơn điên vì thích một thứ đồ của tôi, mẹ lại ra năn nỉ tôi "thôi cho em thứ đó đi", ít nhất cũng để nhà cửa yên bình một chút. Gần hai mươi năm sau, chẳng có gì thật sự thay đổi. Chúng tôi phải trông Thomas để Treena vẫn được đi chơi, cho thằng bé ăn để nó không phải lo lắng, mua cho nó những món quà Giáng sinh và sinh nhật thật giá trị "vì có Thomas rồi con bé thường không có những món đồ đó khi đi ra dường". Ồ, nó có thể đi mà không có cái túi đựng đồ trang điểm in hình trái chanh của tôi quá đi chứ. Tôi dán một mẩu giấy trên cửa đề: "Đồ của chị là ĐỒ CỦA CHỊ. BIẾN ĐI." Treena giật phăng nó đi rồi bảo với mẹ tôi là đứa trẻ to đầu nhất nó từng thấy, Thomas bé xíu là vậy mà còn người lớn hơn tôi.

Nhưng tôi vẫn phải nghĩ ngợi. Một tối, khi Treena đã tới lớp học ban đêm, tôi ngồi trong bếp trong khi mẹ sắp xếp những chiếc áo sơ-mi cần là của bố.

"Mẹ này..." "Sao con."

"Mẹ nghĩ xem khi nào Treena đi rồi con chuyển vào phòng nó được không?"

Mẹ ngừng tay, chiếc áo xếp dở ấn trên ngực mẹ. "Mẹ không biết nữa. Mẹ chưa nghĩ tới chuyện đó."

"Ý con là, nếu nó và Thomas không còn ở đây, thì con phải được phép ở trong phòng ngủ có diện tích hợp lý mới công bằng. Thật vô lý khi để căn phòng trống không khi hai mẹ con nó đi học."

Mẹ gật đầu, rồi cẩn thận đặt chiếc áo vào giỏ đồ là ủi. "Mẹ nghĩ con nói đúng."

"Và nói cho đúng, cái phòng đó phải là của con, vì con là chị. Chỉ vì nó có Thomas nên nó mới được cái phòng đó."

Mẹ thấy tôi nói có lý. "Đúng thế. Mẹ sẽ nói với Treena về chuyện này," bà nói.

Mẹ thấy tôi nói có lý. "Đúng thế. Mẹ sẽ nói với Treena về chuyện này," bà nói.

Mãi sau tôi mới hiểu câu đó có nghĩa tốt nhất mẹ nên đề cập chuyện này với em gái tôi trước.

Ba tiếng sau, nó lao vào phòng khách với vẻ mặt hầm hầm. "Sao chị nhảy vào mồ em nhanh thế?"

Ông ngoại giật bắn mình trên ghế, tay ông ôm chặt lấy ngực theo phản xạ.

Tôi ngước mắt lên khỏi ti-vi. "Em đang nói gì thế?"

"Em và Thomas phải đi đâu vào dịp cuối tuần? Bọn em không thể chui cả hai vào cái phòng gác lửng ấy. Trong đó còn không đủ chỗ cho hai cái giường."

"Rõ là thế. Vậy mà chị đã phải gắn với nó năm năm trời đấy." Biết mình hầu như chẳng sai chút nào nên giọng tôi nghe cáu bẳn hơn dự định.

"Chị không thể lấy phòng em được. Như thế thật bất công." "Sắp tới em thậm chí còn không ở đó!"

"Nhưng em cần nó! Em và Thomas chẳng thể nào ngủ vừa trong phòng gác lửng được. Bố, nói với chị ấy đi!"

Cằm bố tôi thụt sâu vào đâu đó trong cổ áo, hai tay khoanh lại trước ngực. Ông ghét thấy những lúc chúng tôi cãi nhau và thường để mặc cho mẹ tôi giải quyết. "Bình tĩnh chút đi, hai đứa," ông nói.

Ông ngoại lắc đầu, như thể chúng tôi hoàn toàn khó hiểu đối với ông. Dạo này ông tôi hay lắc đầu tới kỳ cục.

"Thật không tin nổi chị. Chẳng trách gì chị hào hứng giúp em đi học thế." "Cái gì? Thế ra chuyện em xin xỏ chị giữ việc để có thể hỗ trợ tiền bạc cho em giờ đây lại thành một phần kế hoạch nham hiểm của chị đấy hả?"

"Chị quá tráo trở."

"Katrina, bình tĩnh." Mẹ xuất hiện ở ngưỡng cửa, đôi găng tay cao su nhỏ nước xà phòng xuống thảm phòng khách. "Chúng ta có thể bình tĩnh nói về chuyện này. Mẹ không muốn các con làm ông ngoại quá căng thẳng."

Mặt Katrina đỏ rần lên, hồi nhỏ mặt nó thường bị thế mỗi khi nó không có được thứ nó muốn. "Thật ra chị ấy muốn con đi. Chuyện rõ rành rành là thế. Chị ấy nóng lòng muốn con đi, vì chị ấy ghen tị khi thấy con đang làm một việc có ý nghĩa với đời mình. Chị ấy chỉ muốn cản trở con quay về nhà."

"Chẳng có gì đảm bảo em sẽ về nhà vào cuối tuần cả," tôi hét lên tức tối. "Chị cần phòng ngủ, không phải một cái tủ ly, mà bấy nay em luôn có phòng ngủ tốt nhất rồi, chỉ vì em quá ngu ngốc đến nỗi phải dính bầu."

"Louisa!" mẹ ré lên.

"Ôi, phải rồi, nếu chị không trì độn tới vậy thì sao chị không thể kiếm nổi một việc tử tế, chừng đó chị có thể có một chỗ chết giẫm cho riêng mình. Chị đủ già rồi đấy. Hay có vấn đề gì à? Cuối cùng chị cũng hiểu ra Patrick sẽ chẳng bao giờ hỏi cưới chị?"

"Thôi đi!" Tiếng hét của bố khiến mọi người im bặt. "Bố nghe đủ rồi! Treena, đi vào bếp. Lou, ngồi xuống và im miệng lại. Không nghe hai đứa xỉ vả lẫn nhau thì bố cũng có đủ chuyện căng thẳng trong đời rồi."

"Nếu chị nghĩ giờ đây em đang giúp chị với bản danh sách ngu xuẩn đó thì chị phải nghĩ khác đi rồi," Treena rít lên với tôi khi mẹ lôi mạnh nó ra khỏi cửa.

"Tốt thôi. Dù sao chị cũng chẳng cần em giúp, đồ ăn bám," tôi nói, rồi cúi đầu xuống né khi bố ném tờ Radio Times vào đầu tôi.

Sáng thứ Bảy, tôi đi tới thư viện. Có lẽ từ thời đi học tới giờ tôi chưa từng trở lại đó - chắc vì quá sợ họ sẽ nhớ ra cuốn sách của Judy Blume tôi đã đánh mất năm lớp Bảy, sợ rằng khi tôi đi qua cánh cửa giữa những hàng cột kiểu Victoria thì một bàn tay công chức lạnh ẩm sẽ tóm lấy để đòi 3.853 bảng tiền phạt.

Thư viện không giống như trong trí nhớ của tôi. Nửa số sách dường như đã được thế chỗ bởi CD và DVD, những giá sách khổng lồ đầy nhóc audiobook, rồi còn có cả những kệ để thiệp. Thư viện không yên tĩnh. Tiếng hát và tiếng vỗ tay lan ra từ góc đọc sách của trẻ em, nơi một nhóm mẹ và bé đang đùa vui hết cỡ. Mọi người đọc báo và chuyện trò khe khẽ. Góc phòng nơi các cụ ông thường ngủ vùi trên đống báo miễn phí đã biến mất, thay vào đó là cái bàn ovan lớn với hàng loạt máy tính đặt vòng quanh. Tôi rón rén ngồi xuống bên một chiếc máy tính, hy vọng không ai để ý tới mình. Máy tính, cũng giống sách, là sở trường của em gái tôi. May là có vẻ như người ta đã lường trước được nỗi lo sợ của những kẻ như tôi. Một cô thủ thư dừng lại bên bàn, đưa cho tôi một tấm thẻ và một tờ bìa cứng có in các chỉ dẫn. Cô không đứng sau lưng quan sát tôi, chỉ nói khẽ rằng cô luôn ở bên bàn thủ thư nếu tôi cần giúp đỡ gì thêm, thế rồi chỉ còn lại tôi với chiếc ghế với cái màn hình trống trơn.

Chiếc máy tính duy nhất tôi từng dùng chút đỉnh trong suốt những năm qua là máy tính của Patrick. Anh chỉ dùng nó để download các kế hoạch tập thể hình, hoặc để đặt mua sách hướng dẫn kỹ thuật các môn thể thao trên Amazon. Nếu anh có làm trò gì khác trên đó thì tôi cũng chẳng muốn biết. Nhưng tôi làm theo hướng dẫn của cô thủ thư, kiểm tra kỹ từng chặng để hoàn thành. Và thật ngạc nhiên, máy tính hoạt động. Không chỉ hoạt động, mà còn thao tác rất dễ.

Bốn tiếng sau, tôi đã có những dòng đầu bản danh sách.

Chẳng ai đề cập tới cuốn sách của Judy Blume cả. Nghe này, có lẽ đó là vì tôi đã dùng thẻ thư viện của cô em gái.

Trên đường về nhà, tôi chui vào tiệm văn phòng phẩm và mua một tờ lịch. Nó không phải kiểu lịch mỗi tháng một trang, kiểu lịch mà cứ giở lên lại lộ ra một tấm ảnh mới của Justin Timberlake hoặc đàn ngựa núi. Nó là lịch tường - kiểu lịch hay thấy trong công sở, trên đó ngày nghỉ phép của nhân viên được đánh dấu bằng bút bi. Tôi mua nó với năng suất mau chóng của một người chẳng thích gì hơn là đẩy bản thân vào những nhiệm vụ hành chính.

Trong căn phòng riêng nhỏ xíu ở nhà, tôi bóc tấm lịch ra, cẩn thận treo nó lên phía sau cửa ra vào rồi đánh dấu ngày tôi bắt đầu làm việc ở nhà Traynor, trở lại đầu tháng Hai. Sau đó tôi đếm tiến, đánh dấu ngày đó - ngày 12 tháng Tám - giờ chỉ còn chưa đầy bốn tháng trước mắt. Tôi lùi lại một bước, nhìn tấm lịch hồi lâu, cố bắt cái vòng tròn đen bé nhỏ ấy chịu đựng một phần sức nặng của những gì nó báo hiệu trước. Khi nhìn chằm chằm như thế, tôi bắt đầu ngộ ra trọng trách mình đang đảm nhận.

Tôi sẽ phải lấp đầy những ô chữ nhật màu trắng nhỏ bé đó bằng đủ thứ hoạt động có thể mang lại hạnh phúc, niềm vui, mãn nguyện hoặc sự hài lòng. Tôi sẽ phải lấp đầy chúng bằng mọi trải nghiệm đẹp đẽ mà tôi có thể gợi ra cho một người đàn ông tay chân vô dụng, tức là anh ta không thể tự mình làm nên những trải nghiệm đó nữa. Tôi chỉ có chưa đầy bốn tháng của những ô chữ nhật in trên tấm lịch đó để làm nên những ngày dạo mát ngoài trời, những chuyến đi chơi xa, những buổi tiếp đón khách khứa, hẹn hò ăn trưa và đi nghe nhạc. Tôi phải nghĩ ra mọi phương thức thực tế để khiến chúng diễn ra, phải nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo chúng không thất bại.

Sau đó tôi phải thuyết phục Will thực hiện chúng.

Tôi nhìn chăm chú tấm lịch, cây bút vẫn ở trên tay. Tấm bìa cứng nhỏ bé này bỗng nặng nề biết bao nhiêu nhiệm vụ.

Tôi có một trăm mười bảy ngày để thuyết phục Will Traynor rằng anh có một lý do để sống.
Chương trước Chương tiếp
Loading...