Trước Vòng Chung Kết

Chương 07



Chương 7

Chưa tới ba giờ chiều, trời còn nắng chang chang, các cầu thủ của hai đội "Mũi tên vàng" và "Sư tử" đã tới ngồi chầu rìa cạnh sân bóng phường 2, chờ tới lượt mình.

Thời gian gần dây nhờ sự can thiệp của anh Long, các cầu thủ hè phố này đã được xếp lịch tập dượt tại sân bóng "người lớn" từ ba đến năm giờ chiều trong các ngày thứ hai và thứ sáu mỗi tuần. Còn chiều thứ năm thì tùy theo tình hình sân bãi, các chú nhóc có thể được sắp xếp đá "ké" vào giữa hai cữ dượt của các đội bóng thanh niên. Những nạn nhân đau khổ cư ngụ hai bên cửa hàng bách hóa thoạt đầu không hiểu sự tình làm sao mà "lũ tiểu yêu" biến mất đột ngột như vậy và sau đó dĩ nhiên là họ rất thích thú khi biết Đoàn thanh niên phường đã giải quyết được tụ điểm sinh hoạt cho các chú bé hiếu động.

Trong khi đó thì "lũ tiểu yêu" đã dời địa bàn hoạt động của mình về sân bóng của phường, cũng với một sự thích thú không kém. Thực ra, cái sân bóng này chỉ mới được thành lập cách nay khoảng ba tháng. Đoàn viên thanh niên trong phường được huy động, với cuốc xẻng trên tay, san phẳng một bãi đất trống vốn trước đây là một trại nuôi gà công nghiệp bị bỏ hoang làm sân vận động. Trong vòng một tuần, cái miếng đất lớn đó đã được cải tạo thành một sân bóng đàng hoàng.

Vừa ra đời xong, sân bóng đã chứng minh ngay sự đóng góp của mình. Các đội bóng lão tướng, và sau đó nữa là các đội bóng thiếu nhi đã lần lượt được phân giờ giấc tập luyện ở đó. Từ sớm tinh mơ đến sâm sẩm tối, sân bóng nhộn nhịp kẻ ra người vào.

Các cầu thủ của hai đội "Mũi tên vàng" và "Sư tử" đặc biệt yêu mến sân bóng "của mình". Ở đây, trên mảnh đất thân thương này, chúng có thể đá thẳng giò thẳng cẳng mà không phải thấp thỏm nhìn theo trái bóng vô kỷ luật đang lao đầu vô cánh cửa kiếng của một chiếc xe hơi chạy ngang bằng đôi mắt sợ hãi. Ôi, ai mà chẳng sung sướng khi được đuổi theo trái bóng thỏa thích mà không phải lo lắng chuẩn bị quơ giầy dép, quần áo chạy tóe khói nếu chẳng may trái bóng lỡ chui vô một khung cửa nào đó bên đường.

Giã từ cửa hàng bách hóa, giã từ vỉa hè, các cầu thủ chúng ta ngồi túm tụm lại với nhau cạnh sân bóng, chờ hai đội thiếu nhi khu phố 3 và khu phố 4 kết thúc trận đấu.

Ở trong sân, các chú nhóc vừa hì hục đuổi theo bóng vừa cãi nhau rần trời. Thậm chí thời gian cãi cọ còn nhiều gấp mấy lần thời gian đá bóng. Điều đó cũng chẳng lạ gì. Trận đấu nào không có trọng tài mà chẳng vậy. Mỗi cầu thủ đều ình là người phân xử công bằng nhất trên sân và khi hai mươi hai người đều là những người công minh hết thì không khí trận đấu trở nên cực kỳ hỗn loạn.

Trong đám nhằng nhịt các cầu thủ hai bên, một chú nhóc của khu phố 4 moi được bóng ra và dẫn bóng chạy về hướng khung thành đối phương, bên cánh trái. Lập tức hai hậu vệ đội khu phố 3 tách ra khỏi đám đông, hốt hoảng đuổi theo. Khi hai hậu vệ này đuổi theo kịp thì đối phương đã xuống sát lằn biên cuối sân và tạt mạnh bóng vô giữa. Một tiền đạo khác của đội khu phố 4 trờ tới rất đúng lúc. Nhưng cầu thủ này chận bóng không dính, trái bóng nẩy haị, ba lần một cách ngỗ ngược, nhất quyết không chịu tuân phục đôi chân kém kỹ thuật kia. Nhưng cuối cùng thì tiền đạo này cũng khống chế được bóng và tiếp tục dẫn vô vùng cấm địa đối phương, chuẩn bị sút. Trong diễn biến tích tắc đó, ngay đến tinh mắt như tác giả cũng không nhận ra được là khi trái bóng nẩy tưng tưng, nó đã chạm vô phần nào của thân thể người tiền đạo khu phố 4. Nhưng một hậu vệ khu phố 3 đã la lên một cách quả quyết:

- Me rồi! Bóng nẩy trúng tay thằng Đạo rồi!

Thằng Đạo, tức kẻ bị tố cáo, chân vẫn không ngừng dẫn bóng, còn miệng cũng la lên, thậm chí còn la to hơn đối thủ: - Không có me! Không có me! Bóng trúng đùi mà!

Hậu vệ khu phố 3 vẫn khăng khăng:

- Ăn gian! Bóng trúng cùi chỏ rõ ràng!

Cả đội khu phố 3 cũng đồng thanh:

- Me rồi! Để xuống đá phạt đi!

Đội khu phố 4 không chịu thua, đồng lòng đáp lại:

- Không me! Đồ ăn gian!

Trong tư thế cực kỳ thuận lợi ngay trước khung thành đối phương, Đạo không muốn nói qua nói lại dây dưa, nó co chân định sút. Nhưng ngay lúc đó, một hậu vệ khu phố 3 vọt tới lượm trái bóng kẹp vô nách, hô to:

- Me rồi! Để trái bóng lại chỗ khi nãy, đá lên!

Bị giựt mất bóng trong chân, Đạo tức tối chạy lại: - Mày me thì có! Đang đá mà mày cầm bóng lên, chơi vậy đó hả?

Một đứa bên khu phố 4 phụ họa:

- Bên mày bị phạt đền rồi! Ai biểu chạm tay trong vùng cấm địa!

- Phạt đền cái con khỉ! - Bên khu phố 3 cãi lại - Bên mày me trước chưa phạt là may!

- Dẹp! Thôi nghỉ! Tụi tao không thèm đá nữa!

- Nghỉ thì nghỉ! Tao cũng cóc thèm chơi với tụi ăn gian!

Những tiếng nói gay gắt thốt lên. Không khí vô cùng căng thẳng. Nhưng miệng thì nói vậy chớ không đứa nào muốn nghỉ. Cuối cùng, thằng Sinh, đội trưởng đội khu phố 4 đành phải nhượng bộ để duy trì trận đấu:

- Thôi, tụi mày trả bóng về gôn đi, coi như bỏ trái phạt vừa rồi.

Chỉ đợi có vậy, bọn nhóc lập tức tản ra, bố trí lại đội hình. Trước khi thủ môn đối phương đá bóng lên, Sinh còn dặn lại:

- Tao giao hẹn trước à nghe! Không được cầm bóng lên khi chưa có tiếng còi của...

Đang nói tới đó, Sinh sực nhớ là trận đấu không có trọng tài. Nó ngắc ngứ trong cổ họng rồi im bặt.

Chợt nó nhìn thấy thằng Tân và Hùng bụi đang ngồi bên ngoài, liền kêu lớn:p>

- Ê, đứa nào vô làm trọng tài giùm chút, tụi bây!

Tình ngó Quân:

- Trúng nghề rồi đó mày! Ra sân đi!

Bị chọc quê, Quân gầm lên:

- Tao không có giỡn với mày à nghe!

Tình cười hì hì:

- Tao nói thiệt chớ giỡn hồi nào!

Dương khều Hùng bụi:

- Mày làm trọng tài giùm tụi nó đi!

Hùng bụi rùn vai:

- Thôi, tao ớn làm trọng tài lắm.

Dương nháy mắt:

Dương nháy mắt:

- Trọng tài là cha mẹ mà! Khoái thấy mồ!

Hùng bụi hất hàm:

- Vậy sao mày không làm đi?

Dương le lưỡi:

- Thôi, tao xin bái! Ngó vậy chớ làm trọng tài đâu có dễ mày!

- Dễ ợt chớ khó gì đâu!

Tân đột ngột lên tiếng. Và nó đứng lên.

Tụi bạn vỗ tay rầm rầm, khoan hô ầm ĩ:

- A ha, trọng tài quốc tế mới ra lò!

- Ê hê, thổi còi chứ không phải thổi lửa đâu nha!

- Bắt đàng hoàng chớ không bị đánh u đầu đó nghe, trọng tài!

Phớt lờ những lời chế giễu của đồng bọn, Tân hùng dũng bước ra sân.

Tụi nhóc khu phố 3 và khu phố 4 quá rành thằng Tân. Nhưng trước giờ tụi nó chỉ thấy thằng này đá bóng chớ chưa chứng kiến nó làm trọng tài bao giờ. Dù sao tụi nó cũng hy vọng là một cầu thủ hay thì trở thành một trọng tài giỏi không khó.

Như mọi vị trọng tài có đẳng cấp trên thế giới, công việc đầu tiên của thằng Tân là ngoắt đội trưởng của hai phe lại, dặn dò. Thấy cung cách nghiêm túc của vị trọng tài, mặc dù chưa biết "ổng" làm ăn ra sao, hai đội trưởng vội vàng bước lại với vẻ mặt hết sức cung kính và cúi đầu lắng nghe những lời vàng ngọc. Tân đằng hắng một tiếng rồi phán y như quan tòa:

- Tuyệt đối phải nghe lời trọng tài, tao giao trước rồi đó nha! Đứa nào cãi là tao đuổi ra khỏi sân đừng trách!

Sau khi áp đặt quyền uy của mình xong, Tân đưa tay lên miệng "huýt" một cái giả làm tiếng còi, báo hiệu trận đấu bắt đầu.

Hai đội xông vô giành bóng. Cầu thủ chạy tới chạy lui loạn xạ. Tân chạy kè kè bên trái bóng, cặp mắt căng ra, khẩn trương theo dõi. Lúc này, ưu thế trận đấu nghiêng về đội khu phố 3. Một cú chuyền bổng từ ngoài biên rót bóng vô vùng cấm địa khu phố 4. Một hậu vệ phá mạnh bóng lên. Bóng trúng ngay tay một tiền đạo khu phố 3 đang đứng xớ rớ trước khung thành. Tân nhác thấy, liền đưa tay lên miệng:

- Huýt! H... u... ý... t!

Quyết định của trọng tài được cầu thủ hai đội tuân theo răm rắp, không một tiếng phàn nàn. Tân rất đắc chí trước sự tinh tường sáng suốt của mình. Nó vừa đuổi theo bóng vừa liếc nhìn tụi bạn đang ngồi ngoài ra ý khoe khoang.

Trái bóng bây giờ đang luẩn quẩn trước khung thành đội khu phố 3. Đội khu phố 4 đã lật nguợc thế cờ, gây rối loạn hàng phòng ngự đối phương. Các tiền đạo đội khu phố 4 sút liên tục nhưng bóng không lọt qua được cả một rừng chân đang chen chúc trong vùng cấm địa. Trái bóng như một người mất trí đang giãy giụa một cách điên cuồng giữa cái hàng rào rậm rịt đó. Rồi dường như không thể chịu đựng nổi tình trạng lộn xộn đó lâu hơn, bất thần nó chui tọt qua các kẽ chân, bắn ra ngoài vòng vây trước sự nghơ ngác của các cầu thủ. Một chú nhóc đội khu phố 4, tỉnh táo hơn đồng đội, đã nhanh chân rượt theo trái bóng, chận lại và dẫn nó về phía khung gỗ dối phương. Nhưng tay này chưa kịp thực hiện những động tác tiếp theo thì bị một hậu vệ khu phố 3 ngáng ngã "bịch" xuống sân.

- Huýt! H... u... ý... t!

Tiếng còi trọng tài vang lên rất kịp thời. Quả phạt được thực hiện nhanh chóng. Trọng tài lại được dịp cũng cố uy tín của mình. Các cầu thủ trên sân tuy không nói gì, nhưng qua thái độ vui vẻ tuân lệnh tiếng còi, đã biểu hiện sự tin cậy và nể phục đối với người điều khiển trận đấu. Bản thân thằng Tân cũng đâm ra khâm phục mình ghê gớm. Chà, mình cầm còi đâu có thua ai. Có khi còn hơn mấy ông trọng tài thứ thiệt nữa không chừng. Làm nghề này có quái gì mà khó. Chỉ có mấy cha "gà mờ" mới "me" mà không thấy chớ cặp mắt mình thì cứ y như máy ra-đa. Càng suy nghĩ Tân càng không hiểu nổi tại sao các trọng tài điều khiển những trận đấu giải A1 toàn quốc lại lắm khi bỏ sót nhiều lỗi rất dễ nhận ra. Hừ, mấy ổng bị khán giả la ó cũng đáng đời! Phải chi khán giả sân Thống Nhất được chứng kiến mình làm trọng tài, hẳn họ sẽ...

- Me rồi! Me rồi!

Tiếng la toáng của một cầu thủ khu phố 4 cắt ngang những ý nghĩ đẹp đẽ của trọng tài.

- Me rồi sao trọng tài không thổi?

Một giọng gay gắt thốt lên. Quả thực, vừa rồi thằng Tân mải đuổi theo những ý nghĩ của mình hơn là đuổi theo bóng nên nó không xác định được trái bóng có chạm vào tay ai không. Nó lưỡng lự không biết có nên thổi phạt hay không. Cuối cùng, nó quyết định bỏ qua và khoát tay ra hiệu cho đôi bên tiếp tục đá, "không có gì mà ầm ĩ", nó hy vọng rằng cú "me" mà cầu thủ khu phố 4 tố giác chỉ là một sự bịa đặt nhằm du khống đối phương và lừa bịp trọng tài.

- Trọng tài đui!

Lại một tiếng nói hằng học chọc vào tai thằng Tân. Nhưng nó phớt lờ, coi như mình nghe lầm và co giò đuổi theo bóng để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của người cầm cân nẩy mực trên sân cỏ.

Đội khu phố 3 đang khống chế được bóng ở bên cánh phải. Các cầu thủ của đội này đang "bật tường" một cách khéo léo xuyên qua hàng phòng ngự đội khu phố 4 và đem bóng xuống sát khu mười sáu mét năm mươi. Một cầu thủ khu phố 3 đang tính đột phá sâu vô vùng cấm địa nhưng mới lừa qua một hậu vệ đối phương thì trượt chân té.

Lần này, trọng tài nhanh chóng chứng tỏ sự tinh mắt của mình để bù lại thiếu sót khi nãy:

- H... u.... ý.... t!

Cầu thủ khu phố 3 lập tức đặc bóng chuẩn bị đá phạt trong khi hàng hậu vệ khu phố 4 ngơ ngác:

- Phạt gì kỳ vậy? Ai làm gì mà phạt?

Lần thứ hai bị phản đối, trọng tài cảm thấy nóng mặt liền nghiêm khắc nhắc nhở:

- Không có cãi trọng tài! Lạng quạng tao đuổi ra sân à nghe!

- Đuổi thì đuổi tao đếch sợ! Tự nhiên đi phạt người ta mà cũng đòi làm trọng tài!

Tân tức sôi gan, nó đã muốn đuổi ra sân tên cầu thủ cứng đầu kia lắm rồi, nhưng một phần do nó chưa quyết tâm lắm trong việc áp dụng biện pháp khắt khe đó, phần khác - quan trọng hơn - là nó sợ nếu đuổi mà tên kia không chịu ra thì ắt là nó phải... ra thôi. Do đó nó tìm cách ôn hòa chỉ cho tên kia thấy lỗi lầm của mình để tên kia hết đường chối cãi và không còn làm mất mặt trọng tài nữa, nó hạ giọng nói, và thay vì gọi kẻ đối diện là "mày" theo thói quen thì nó gọi là bạn để cho có vẻ nghiêm chỉnh:

- Bạn hãy thành thực nhận lỗi đi! Chính bạn khều chân đối phương té lăn quay dưới đất mà còn chối nữa hả?

Hậu vệ khu phố 4 - tên cứng đầu - vẫn tiếp tục cứng đầu cự nự:

- Nói bậy! Tao mà đụng vô giò nó là tao chết liền tại chỗ!

Thấy đối thủ không chịu bỏ thói gian dối, Tân không còn giữ được ý định đẹp đẽ ban đầu, nó tức tối quát lên:

- Đồ nói xạo! Mày không chơi xấu sao người ta té? Bộ gió thổi nó té hả?

- Đồ nói xạo! Mày không chơi xấu sao người ta té? Bộ gió thổi nó té hả?

Thấy trọng tài nổi nóng, cầu thủ cũng nổi nóng theo, quát lại trọng tài: - Tao không cần biết tại sao nhưng tao không có khều chân nó! Không tin mày hỏi nó coi!

Tân hơi chột dạ khi nghe đối thủ nói có vẻ quả quyết quá. Nó hoang mang nhìn tên tiền đạo khu phố 3 bị té khi nãy, hỏi:

- Khi nãy nó có ngáng giò mày không?

Bị chất vấn, cầu thủ tiền đạo này tỏ ra lúng túng, nửa muốn nói có nửa muốn nói không. Thấy vậy, Tân biết ngay là tên này gấp té bởi một nguyên nhân lãng xẹt nào đó chớ không phải tại ai đốn hết. Đồng thời, nó cũng cảm thấy tình trạng nguy kịch của mình trong giây phút đó. Nhưng, nó nghĩ đã là trọng tài - dù là trọng tài "dỏm" - cũng không thể nào hủy bỏ quyết định của mình được, dẫu quyết định đó có sai một trăm phần trăm đi nữa. Không để cho ai làm áp lực, Tân một lần nữa kiên quyết chỉ tay vô điểm đá phạt, bất chấp sự khiếu nại của cầu thủ đội khu phố 4.

Nhưng tên hậu vệ khu phố 4 vẫn ngoan cố không để cho quả phạt được thực hiện. Nó đứng chắn trước trái bóng, tiếp tục phản đối:

- Tao không chịu! Trọng tài bắt tầm bậy!

Vừa giận mình bắt sai vừa giận tên cầu thủ hổn láo, Tân tức quá liền vung tay:

- Dẹp! Tao không thèm bắt nữa!

- Không thèm bắt nữa thì thôi! Tao cũng cóc cần thứ trọng tài như mày!

Lời nói tàn nhẫn của đối thủ như ngọn roi quất vô lưng thằng Tân khiến nó quay lưng đi thẳng ra ngoài sân, không thèm nói nữa câu. Thấy trận đấu có nguy cơ bị hỗn loạn vì thiếu trọng tài, đội trưởng hai đội vội vàng chạy lại níu tay Tân rối rít xin lỗi:

- Thôi, còn có mấy phút nữa, mày ráng bắt giùm cho hết trận đi!

- Bỏ qua đi, chấp nhứt chi thằng đó!

Tân mặt hầm hầm:

- Nó còn kêu tao là thứ này thứ nọ...

Để lấy lòng vị trọng tài khả kính, thằng Sinh quay lại phía hậu vệ đội nhà, hét bằng giọng giận dữ: - Đá bóng mà cãi trọng tài hả? Tao thay đứa khác vô bây giờ!

Tên hậu vệ kia tính ngoác miệng cãi lại đội trưởng thì bỗng thấy đội trưởng nháy mắt với mình. Nó biết ngay là người đội trưởng thân yêu của nó chỉ la giả vờ thôi, vì vậy nó cũng giả vờ im lặng như biết lỗi.

Tự ái được xoa dịu, thằng Tân hủy bỏ quyết định cứng rắn vừa rồi và đồng ý ở lại giúp đỡ hai đội đến mãn cuộc. Để sự ở lại của mình có giá trị, nó làm bộ miễn cưỡng:

- Thiệt, tao nể tụi mày lắm...

Lần này, trọng tài không còn hào hứng và tự tin vô tài năng của mình như trước. Trọng tài vẫn chạy theo bóng, vẫn tích cực bám sát trận đấu nhưng cảm thấy đôi mắt mình bất lực trước những cú sút nhanh hay trước những pha xô xát đông người, không còn nhận ra lỗi nào của cầu thủ nào nữa. Càng về cuối, trận đấu càng quyết liệt, trọng tài càng quay cuồng theo cơn lốc trên sân. Bây giờ Tân mới thực sự hiểu ra làm trọng tài không phải dễ nếu không muốn nói là cực kỳ khó. Khi ngồi ngoài sân với tư cách khá giả, không có một trách nhiệm trực tiếp nào trên sân, nó cảm thấy đôi mắt nó sao mà tinh tường đến thế: nó có thể trông rõ mồn một mọi diễn biến của trận đấu, trong khi đó trọng tài nhiều khi tỏ ra rất "gà mờ", không phát hiện nổi một cú "me" đơn giản nhất. Tất nhiên điều này chỉ xảy ra với một số trọng tài và ngay cả họ không phải lúc nào cũng mắc những thiếu sót như vậy. Nhưng những khi tiếu sót đó xảy ra, thằng Tân, cũng như đa số khán giả khác, cảm thấy dường như không thể chấp nhận được, dường như rằng đó là những sai sót hết sức sơ đẳng, ấu trĩ mà một trọng tài không được phép phạm phải trên sân. Trọng tài, trong suy nghĩ tự nhiên của nó, là người phải luôn luôn tỏ ra mình là... trọng tài, nghĩa là người cực kỳ công bằng, cực kỳ chính xác, cực kỳ tinh tường và khi nào "ông ta" vì một lý do nào đó mà đánh mất những đức tính đó của mình thì "ông ta" đáng được cho về nhà thổi lửa cho vợ, như khán giả thường la hét đối với những trọng tài không may tỏ ra yêu kém. Ôi, đó là yêu cầu chính đáng đồng thời cũng là đòi hỏi khắc nghiệt của khán giả đối với trọng tài.

Có một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng khiến khán giả thường không tiếc những lời nặng nề dành cho trọng tài. Đó là có nhiều khán giả nghĩ rằng mình ngồi cách xa trận đấu mà vẫn có thể thấy rõ mọi lỗi nhỏ của cả hai đội trong khi trọng tài chạy kè kè bên trái bóng lại bỏ sót lỗi, không thổi phạt thì dứt khoát đó là những sai phạm không thể nào tha thứ. Và họ cứ tưởng rằng nếu họ được làm trọng tài, họ sẽ bắt tốt hơn. Thằng Tân là một trong những khán giả như vậy và nó luôn luôn sẵn sàng cùng mọi người hoa tay múa chân, hò hét đả đảo trọng tài.

Phải đợi đến hôm nay, khi mà chính bản thân nó được ở vào cái vai trò "dễ dàng" đó, thì nó mới hiểu ra rằng trọng tài dù sao cũng là người chớ không phải thần thánh và chỉ có hai mắt như ai chớ không phảI tám mắt như trước nay nó vẫn tưởng. Khi mà mỗi quyết định của mình có ảnh hưởng nhất định đến kết quả trận đấu và có thể gây ra phản ứng từ phía khán giả cũng như cầu thủ thì trọng tài quả thực là một nghề không dễ làm. "Ông ta" một mình giám sát trận đấu, tất nhiên là có sự giúp đỡ hạn chế của hai giám biên, trong khi ngược lại, hai mươi hai cầu thủ và hàng chục nghìn khán giả giám sát ngược lại ông. Trong tình huống một chọi tất cả như vậy, chỉ với một sai lầm nhỏ, trọng tài lập tức trở thành mục tiêu công kích ngay giữa trận đấu, mà với những người có thần kinh thông thường, không ai có thể chịu đựng nổi. Trong vài chục phút cầm còi (đúng ra là còi...miệng), thằng Tân rút ra một kết luận là trọng tài có thể sai sót và được quyền sai sót bởi dù sao trọng tài cũng là người. Dĩ nhiên, nhiệm vụ của trọng tài là phấn đấu cho sự sai sót giảm đi càng nhiều càng tốt, nhưng điều đó không có nghĩa là trọng tài phải luôn luôn đúng, như nó chiều nay chẳng hạn...

- Huýt! H... u... ý... t!

Thằng Tân thổi loạn cào cào. Trúng có, trật có. Quá mệt mỏi vì những tiếng còi lung tung kia, các cầu thủ không thèm và không đủ sức để phản đối nữa, chúng tuân theo răm rắp.

Phải đợi đến khi xảy ra sự kiện sau đây thì trọng tài mới bị truất phế thẳng cánh.

Sau hàng loạt động tác giả khéo léo, một cầu thủ đội khu phố 4 đột phá sâu xuống cánh trái và lăm le xâm nhập vùng cấm địa. Thấy có nguy cơ bị thủng lưới, hai hậu vệ khu phố 3 chạy ra truy cản và như vậy, bị rơi vào ý đồ của đối phương. Hàng phòng ngự đội khu phố 3, vì hai hậu vệ bị hút ra biên, trở nên mỏng manh và để lộ nhiều sơ hở. Chỉ đợi có vậy, cả hàng tiền đạo lẫn tiền vệ của đội khu phố 4 dâng lên áp sát khung thành đối phương. Cầu thủ cánh trái đội khu phố 4 sau khi "dụ khị" hai hậu vệ của đối phương chạy theo mình và thấy hàng tiến công đội nhà đã dâng lên chực sẵn trong vùng cấm địa, liền bấm bổng bóng vào trước khung thành đội khu phố 3. Lập tức, hàng chục cầu thủ hai bên nhảy lên nhưng không cái đầu nào đón trúng bóng vì cú tạt quá mạnh. Lúc này, trọng tài Tân đang đứng ở bên phải khung thành, cách các cầu thủ một quãng, lom lom theo dõi trận đấu.

Khi trái bóng từ cánh trái bấm vào, bay vồng qua những cái đầu "dỏm" kia rồi rớt ngay trước mặt trọng tài thì trọng tài cảm thấy cặp chân đâm ra ngứa ngáy quá chừng. Nhất là thủ môn đội khu phố 3 lúc này đang di chuyển về bên trái để "khép góc", nên một nửa khung thành bên mặt trống huơ trông hoắc. Thế là máu cầu thủ liền lấn át máu trọng tài, Tân không dằn lòng được nữa, co chân sút mạnh vô trái bóng.

Trước sự bàng hoàng của thủ môn và của cả hàng phòng ngự đội khu phố 3, trái bóng quái ác bắn vô gôn như tên xẹt.

Trong cơn hỗn độn, lại dày đặc cầu thủ hai bên, không ai trên sân phát hiện ra cú sút chớp nhoáng vừa rồi xuất phát từ trọng tài. Vả lại, cũng không ai tưởng tượng nổi việc trọng tài dám đi quá chức năng quyền hạn của mình như vậy.

Thủ môn đội khu phố 3 lượm bóng đá mạnh lên giữa sân và cằn nhằn các hậu vệ: - Tụi mày không chịu kèm người gì hết! Cứ để tụi nó tung hoành như chỗ không người.

Các hậu vệ thì trút cơn phẫn nộ lên đầu các tiền vệ:

- Tụi nó ào hết xuống mà tụi mày không chịu rút về, cứ cà nhỏng ở trên đó làm cái quái gì! Thiệt, đá với đấm chẳng ra làm sao!

Ngược lại với không khí ảm đạm của đối phương, các cầu thủ đội khu phố 4 nhảy lên vì sung sướng. chúng bá cổ nhau và khen nhau rối rít:

- Trời, một pha dàn xếp tuyệt vời!

- Không thua gì những bàn thắng đẹp nhứt ở Es-pa-nha!

- Thằng Luận lừa banh ở cánh trái qua bốn năm đứa y như Minh nhí đội Hải quan.

- Ừa, còn trái sút vô cũng thiệt độc, y như điện chớp làm thằng gôn hết thấy đường.

- Ủa, mà khi nãy đứa nào đá vô vậy cà? Thằng Sinh hả?

- Không phải tao! - Sinh lắc đầu.

- Vậy chắc thằng Vĩnh?

- Không phải tao đâu! - Vĩnh lên tiếng - Chắc thằng Đạo đó!

Nhưng thằng Đạo cũng kêu không phải nó.

Cả đội khu phố 4 ngạc nhiên khi không đứa nào trong đội nhận là tác giả bàn thắng vừa rồi, kể cả các hậu vệ.

Cả đội khu phố 4 ngạc nhiên khi không đứa nào trong đội nhận là tác giả bàn thắng vừa rồi, kể cả các hậu vệ.

Nỗi ngạc nhiên lấn át mọi suy nghĩ khác, thằng Sinh liền hỏi đối phương:

- Bàn thắng khi nãy là do tụi mày đá vô lưới nhà hả?

Tưởng thằng này chọc quê, tụi khu phố 3 mặt mày sa sầm:

- Tụi mày dẹp cái giọng đó đi!p>

- Tụi tao hỏi thiệt mà! Bên tao không có đứa nào đá trái đó hết.

Thấy vẻ mặt thành thật của thằng Sinh, tụi khu phố 3 biết là nó nói thiệt chớ không phải xỏ xiên, tụi nó liền quay ra hỏi nhau, tìm coi ai là thủ phạm cú sút "phản phe" vừa rồi. Nhưng cũng như đội khu phố 4, không đứa nào trong đội khu phố 3 nhận là tác giả của trái sút tuyệt vời đó. Đúng lúc cầu thủ hai đội dang nghi ngờ nhìn nhau không hiểu đối phương tính giở trò gì và định nhờ trọng tài xác định ai đã sút trái thắng đó thì ngoài sân nổi lên những tràng cười hô hố.

Tụi "Mũi tên vàng" và "Sư tử" nãy giờ cố nín cười coi các cầu thủ trong sân giải quyết bàn thắng đó làm sao, nhưng rồi thấy chẳng đứa nào phát hiện ra "tội lỗi" của trọng tài mà còn quay sang cãi nhau loạn xạ, tụi nó không thể nào nhịn được nữa, ôm bụng cười ngặt nghẽo.

Sơn cao cười to nhất, nó vừa cười vừa hét toáng lên:

- Trời đất, vậy mà cũng không biết!

Thằng Tình chỉ bâng quơ vô sân:

- Đó, thằng đó đá vô đó, vậy mà không thấy hả?

Hùng bụi cũng hùa theo: - Thằng đó nó đứng sờ sờ trước mặt tụi mày kìa!

Các cầu thủ trong sân ngơ ngác không biết đích xác tụi này chỉ ai. Chỉ có trọng tài là hiểu rõ điều bí mật đó và vì vậy, trọng tài quay lại phía đồng bọn, trợn mắt "suỵt" khẽ.

Cử chỉ ám muội của trọng tài không lọt khỏi mắt thằng Sinh. Nó liền tới gần trọng tài:

- Ê, ê, mày đá vô phải không?

- Bậy, tao đâu có đá!

- Mày không đá chớ ai vô đây? Còn chối hả?

- Tao sợ cóc gì mày mà chối! Tao đá đó, rồi sao?

Trong thoáng mắt, hai mươi hai cầu thủ trên sân vây kín lấy trọng tài.

- Sao cái gì? Trọng tài gì kỳ vậy? Tân đâm bướng:

- Bộ trọng tài không được đá bóng hả?

- Ơ, ơ... thôi, dẹp mày đi! Tụi tao chơi cóc cần trọng tài.p>

Các cầu thủ đứng chung quanh cũng phụ họa theo:

- Đả đảo trọng tài! Trọng tài vườm!

- Dẹp trọng tài đi!

Tân vung tay, trả đủa:

- Dẹp tụi mày thì có! Hết giờ của tụi mày rồi, giờ tới phiên tụi tao đá!

Quả thực, lúc đó đã ba giờ lố năm phút. Các cầu thủ hai đội "Mũi tên vàng" và "Sư tử" đã tiến vô sân, khởi động. Các chú nhóc hai đội khu phố 3 và khu phố 4 đành phải rút lui khỏi sân bóng và không tiếc lời xỉ vả trọng tài.

Nhưng Tân vẫn tỉnh bơ, nó cười toe toét với Hùng bụi:

- Đúng ra, trái đó vẫn xử vô đó nha mày.

- Vô cái con khỉ! Trọng tài đá mà ai cho vô!

- Mày cóc biết gì hết. Trong luật bóng đá, bóng trúng chân trọng tài văng vô gôn vẫn tính là một bàn thắng như thường.

- Xạo! Tao không tin!

- Thiệt mà.

- Trọng tài sút bóng vô gôn người ta cả chục trái cũng được hả?

- Chớ sao! Mày không tin thì bữa nào tao đem cuốn luật bóng đá ày coi. Trong đó có ghi rõ ràng.

Hùng bụi vội vã xua tay:

- Thôi khỏi, mày đã nói vậy thì tao tin.

Thấy Hùng bụi tin mình, Tân cười thầm trong bụng. Thực ra, luật bóng đá có nói nếu bóng vô tình trúng phải chân trọng tài văng vô gôn thì bàn thắng đó vẫn được công nhận. Chớ có luật nào cho phép trọng tài cố tình đá bóng vô khung thành. Điều này là do thằng Tân bịa ra để lòe Hùng bụi thôi. "Vậy mà nó cũng tin!" - Thằng Tân nghĩ.

Nhưng Hùng bụi đâu có tin. Nó nghĩ chuyện này là do thằng Tân đặt điều ra chớ làm gì có cái luật nào kỳ cục như vậy. Nó đang tính phản đối đến cùng thì nghe Tân nói sẽ đem cuốn luật bóng đá tới để đối chất, nó ỉu xìu ngay. Thực ra, nó cũng nghi là thằng Tân "hù" nó chớ chưa chắc trong cuốn luật bóng đá có ghi những chuyện vô lý đó, nhưng nếu quả thực như vậy thì nó cũng không thể nào cãi lại thằng Tân được vì nó không biết... đọc. Đã lâu rồi, từ ngày rời bỏ mái trường, nó đã không còn nhớ lấy một mặt chữ nào.

Vì cái nguyên nhân khó nói đó mà nó phải làm bộ tin những lời phịa đặt của thằng Tân. Và cũng vì nỗi ray rứt đó, suốt trận đấu, Hùng bụi đuổi theo trái bóng không được háo hức bằng mọi bữa, khiến đội "Sư tử" bị gác 1-3.
Chương trước Chương tiếp
Loading...