Truyền Thuyết Giếng Thanh Ti
Chương 13: Trường Hận - Thượng
Đôi tim của hai người ấy đã bay xa rồi, những kẻ trong sân mới bắt đầu hồi phục thể lực. Khi mọi người đã đề tụ được chân khí, trông thấy đôi tình nhân vẫn còn đang ngồi bên miệng giếng. Khoát Lạc đại sư niệm lên một câu "A di đà Phật!" Trật tự của trần thế đã được tái lập nơi khoảnh sân nhỏ bé này. Bọn họ không còn ý định giết chết đôi tình lữ nhưng vẫn muốn chia rẽ hai người. Trương Hiểu Kí nhẹ nhàng nói với thê tử: "Bán Nhi, nàng ở bên ta đã đủ chưa?" Lô Bán Nhi say đắm lắc đầu: "Không đủ, làm sao mà đủ được. Một ngàn năm vẫn chưa đủ." Trương Hiểu Kí nói: "Tốt lắm. Đợi ta nhé!" Lời hắn vừa dứt, có tiếng khóc của một thiếu nữ vọng tới: "Ông ơi, buông tha cho họ đi. Họ, họ đáng thương quá." Đó là tiếng của Cổ Song Hoàn. Trương Hiểu Kí khóe môi chợt cười, thầm nhủ: "Cô em tốt." Khoát Lạc đại sư, Hồng Bạch nhị trưởng lão, Cổ Bất Hóa, Ngô Hạ, Cảnh Ngọc Quang đều đã vây kín hai người. Trương Hiểu Kí ngước đầu lên nhìn họ, rồi ngắm sang vầng trăng sáng trên cao. Nguyệt lão nếu có linh thiêng, hãy giúp con một tay - hắn thầm khấn. Mắt thấy địch nhân đã bước vào phạm vi cách thân bảy thước, Trương Hiểu Kí đột nhiên nhún một chân nhảy lên, nhanh chóng đâm tới, miệng thét lên lanh lảnh: "Chung Nam Tuyệt Kiếm." Chung Nam Tuyệt Kiếm chính là: "Thu phong xuy Vị thủy, lạc diệp mãn Trường An" (Gió thu lướt sông Vị, lá rụng khắp Trường An). Chẳng ai ngờ Trương Hiểu Kí học được tuyệt kỹ đã thất truyền trăm năm này, cũng chẳng ai ngờ thời khắc này Hiểu Ký còn có thể xuất thủ. Giữa lúc kinh ngạc ấy, Trương Hiểu Ký một kiếm đã chế trụ được Khoát Lạc đại sư. Mái tóc dài của hắn xõa tung, vẫn kết chặt với lọn tóc của Lô Bán Nhi. Mọi người đều ngưng lại, họ không dám xem nhẹ tính mệnh của thủ tọa Thiếu Lâm Đạt Ma đường. Khoát Lạc vừa muốn nói, Trương Hiểu Ký đã ngăn ông lại. Hắn cất giọng: "Đại sư, ta cũng không quá hi vọng các người sẽ dung tha cho chúng ta, nhưng ta lấy tính mệnh của đại sư để đổi lấy một đêm phu thê bên nhau, có được không? Chỉ một đêm thôi, sáng hôm sau thế nào, ta để mặc các người xử trí." Nói rồi hắn khẽ than: "Phu phụ chúng ta bái đường thành thân, cho tới lúc này vẫn chưa được một ngày." Khoát Lạc đại sư không trả lời, ông nhìn qua Hồng Bạch nhị lão và Cổ Bất Hóa, ba người đó đều gật đầu. Lúc này Khoát Lạc mới gật đầu theo, rồi lại hỏi: "Nhưng ta làm sao tin được thí chủ, ngày mai nếu phải tái chiến, muốn bắt giữ ngươi thật quá khó khăn." Trương Hiểu Kí thở dài đáp: "Đại sư có thể dùng Già Diệp chỉ phong trụ Đốc mạch của ta." Đốc mạch bị phong bế, bách khí khó lòng hội tụ. Khoát Lạc đại sư liền đồng ý, đây có thể coi như một phương cách hay để chiến thắng mà không cần đổ máu. Trương Hiểu Kí thấy ông gật đầu, tay liền lỏng ra, bảo kiếm rơi xuống đất. Khoát Lạc vươn tay xuất chỉ, trên dưới điểm mười mấy cái phong bế Đốc mạch của hắn, tiếp đó nói với mọi người: "Các vị sư huynh, lão nạp hổ thẹn không cẩn trọng nên thất thủ. Chúng ta hãy cho Trương thí chủ được một đêm tương tụ đi." Mọi người đều thuận theo. Ngay lúc bọn họ dợm đi, Hồng Bạch nhị lão bất chợt ra tay như điện, dùng các thủ pháp khác nhau phong trụ thêm vài đường kinh mạch của Trương Hiểu Kí, đoạn cười nói: "Như vậy ta mới yên tâm. Tốt rồi, mọi người đi thôi." Xem ra bọn họ quả cực kỳ sợ hãi năng lực của Trương Hiểu Kí. Cảnh Ngọc Quang dần dà lưu lại muốn tiếp tục trừng phạt Trương Hiểu Kí. Khoát Lạc đại sư sợ gã tức giận mà ngầm ra tay tàn độc, bèn dừng bước ngăn trở. Trương Hiểu Ký nhìn theo mọi người đang quay lưng rời khỏi, thấy họ bỏ sót một người, liền chỉ Toàn Bảng Đức đang nằm trên mặt đất nói: "Đưa người này đi luôn đi." Cảnh Ngọc Quang quay lại nhấc Toàn đại lão gia lên, cười hắc hắc: "Cũng phải, sao lại để Toàn lão gia quấy nhiễu tới hứng thú đêm động phòng hoa chúc của Trương huynh chứ, chuyện này ngay cả 'Toàn Bang Đắc' cũng không giúp được rồi." (Chơi chữ đồng âm Toàn Bảng Đức - toàn bang đắc = giúp đỡ tận tình) Ngô Hạ nghe thế cười lên một tiếng quái dị - bọn chúng đánh không lại Trương Hiểu Kí thì phải lấn lướt bằng mồm miệng thôi. Trương Hiểu Kí thở dài, lúc này mà bọn họ còn mở miệng nói những câu thô bỉ nhỏ mọn như vậy. Lời của tiểu nhân không cần để tâm tới, cứ để chúng đi đi. Trương Hiểu Kí và Lô Bán Nhi ngồi lại bên miệng giếng. Lô Bán Nhi lấy từ trong người ra một chiếc lược, khẽ khàng chải tóc Trương Hiểu Kí. Nàng mỉm cười: "Nhìn xem chàng kìa, đầu đầy mồ hôi." Trương Hiểu Kí cũng cười ngây ngô. Dù họ chỉ còn thời gian một ngày nhưng hắn bình thường không phải là người nhiều lời, lúc này chẳng biết nói gì cho tốt. Lô Bán Nhi than: "Chàng biết tại sao họ nhất định không cho hai chúng ta thành thân không?" Trương Hiểu Ký cũng thấy kỳ quái, bèn hỏi: "Ta không biết, nàng biết à?" Lô Bán Nhi mỉm cười: "Thiếp đương nhiên biết." Nàng giơ chiếc lược trong tay lên: "Chính là vì cái này." Kế đó, chỉ nghe nàng thì thầm kể lại một đại bí mật đau thương của võ lâm: "Chàng chắc đã rõ trăm năm trước, giữa Võ lâm ngũ phái, Cái bang và Ma giáo từng xảy ra một trận tranh đấu cực lớn. Thực ra chuyện đó thị phi thế nào sau này khó luận, điều duy nhất có thể nói chính là khi ấy lớp lớp kiêu hùng xuất thế, máu chảy thành sông. Mỗi người đều muốn dùng cách thức của mình để chỉnh đốn võ lâm, khiến toàn thiên hạ phải phục tùng mình. Người bình thường không kể, thấy bóng đại kỳ là liền theo sau, nhưng những kẻ kiêu hùng cùng thế hệ sao chịu hợp tác được? Lúc đầu còn tranh đấu cho đạo nghĩa, sau này thì toàn là vì quyền lợi. Tất cả đều cho là đạt được quyền lực tối cao mới có thể thi hành 'Đạo' riêng của mình. Nhưng không ai nghĩ được rằng phải trả bao nhiêu mạng người. Vậy 'Đạo' ấy dù cao minh cách mấy chăng nữa liệu có đáng không?" Ngây người một lúc, Lô Bán Nhi lại kể tiếp: "Bấy giờ, cuối cùng có một vị tiền bối thấy sự tình quá sức tồi tệ, sinh lòng cảm khái mà nhập thế. Người mất bảy năm, dùng một thanh trường kiếm đánh bại hết từ thủ lĩnh của Võ lâm ngũ phái, Cái bang cho đến cả Ma giáo. Nhưng những kẻ đó đâu dễ dàng nhận thua như vậy? Lại qua ba năm nữa, bọn họ mới tâm phục khẩu phục. Theo lời đề nghị của vị tiền bối này, các thủ lĩnh tụ họp lại, cùng đồng ý ký kết một hiệp định. Sau đó, Ma giáo rút vào bóng tối, Ngũ phái hiện diện công khai, Mỗi phe thực hiện 'Đạo' của riêng mình, nước sông không phạm nước giếng, lại còn lập khế ước Tam minh cùng giúp đỡ nhau. Không ngờ đúng ngày minh ước hoàn thành, vào thời khắc cuối cùng, thủ lĩnh các phái lại trù trừ không muốn ký kết. Vị tiền bối đó liền hỏi: 'Lần này là vì sao?' Ngũ phái với Ma giáo thế tuy đối lập nhưng lúc này lại đứng về một phe, cùng lên tiếng rằng: 'Bởi vì hiệp ước tuy hay, nhưng còn có một nhân tố không ổn định trong đó cần xem xét.' Vị tiền bối đó hỏi: 'Điều gì?' Chưởng môn Thiếu Lâm đáp: 'Chẳng cần khách khí nữa, nhân tố không ổn định đó chính là - tiền bối. Nhân phẩm của tiền bối, chúng tôi tâm phục, võ công càng phục hơn, nhưng tiền bối sao có thể đảm bảo sau này nhân phẩm đệ tử của người cũng khiến chúng tôi tâm phục? Nếu như chúng tôi chính tà hai phe ký vào hiệp ước, sau này không khuếch trương thế lực, mà không may đệ tử của tiền bối có dã tâm, chẳng phải có thể độc bá giang hồ sao? Một thân võ công của người sẽ trở thành mối họa lớn nhất cho thiên hạ, bất kỳ ai được thừa hưởng võ học của người cũng có thể nhiễu loạn giang hồ.' Vị tiền bối ấy trầm ngâm hồi lâu, thiếp đoán trong lòng ông hẳn đã cân nhắc. Đúng vậy, ông tuân theo lý tưởng dùng một thanh kiếm để mở ra con đường hòa hợp cho võ lâm vạn thế, trực tiếp chỉnh đốn lại sự rối loạn giữa các môn phái, áp chế những náo động chốn giang hồ. Nhưng ở thế gian này, kiếm pháp tuyệt thế cùng lý tưởng tuyệt thế không thể nào thực sự thích hợp để truyền bá rộng rãi nơi nhân thế. Giang hồ chỉnh đốn lại rồi, vốn nên dựa theo tục lệ để vận hành. Những người sống trong thời thanh bình, những người già cả, cái hạnh phúc mà họ thực sự mong cầu chỉ là ăn uống và những chuyện tầm thường khác. Tuyệt thế lý tưởng và tuyệt thế kiếm pháp trong hoàn cảnh đó chẳng có chỗ dụng võ nữa. Nếu không chẳng phải giang hồ lại xáo động, quần hùng lại tranh đấu nữa sao? Những đại anh hùng đại hào kiệt thông thường muốn tạo lập công trạng tuyệt thế đều quên mất một điểm hết sức quan trọng: Sau khi đạt đến thành công tuyệt thế thì cũng là lúc làm cuộc ra đi tuyệt thế khỏi vòng thế tục (chơi chữ đa nghĩa: 'Tuyệt thế' vừa có nghĩa là 'có một không hai', vừa có nghĩa 'chấm dứt cuộc sống') . Vị tiền bối ấy nghĩ thông điểm này bèn nói: 'Được rồi'. Ông chia một thân võ học của mình thành hai phần, một nửa là Loạn Phi Phong kiếm pháp, truyền cho Vân Phù thế gia, nửa kia là một món vật thần bí truyền cho Ma giáo, sau đó lập tức tự tán công lực, từ giã cõi đời!" Trương Hiểu Kí nghe tới mức ngẩn ngơ, Lô Bán Nhi kể tiếp: "Một trăm năm lại đây giữa Ngũ phái và Ma giáo không có chuyện gì xảy ra. Mọi người đều dựa theo lề luật định sẵn để tiến hành xử, xem ra cũng ổn. Thực ra những quy củ mà chúng ta vốn coi thường có thể chính là lòng quan hoài tốt đẹp nhất cho trăm họ thương sinh, còn lý tưởng chân chính lại có khả năng khiến cả thế giới này vĩnh viễn không có đươc ngày tháng an lành. Đường lối bảo thủ vẫn tồn tại lâu bền. Vì vậy các phái bảo thủ ngày càng chiếm thượng phong. Điều họ lo ngại nhất chính là thế hệ sau của Vân Phù thế gia, đương nhiên họ không thể để Vân Phù thế gia lấy được di bảo mà vị cao nhân kia truyền cho Ma giáo, kết hợp hai thành một. Bọn họ đinh ninh rằng: Thời khắc hợp nhất đó chính là lúc chủ nghĩa lý tưởng sống dậy, chính là lúc giang hồ có nguy cơ nổi sóng. Do đó, bọn họ hạn định người trong Vân Phù thế gia mỗi đời chỉ được sinh một trai, lại còn phải làm môn hạ một trong Ngũ phái. Chính vì chuyện này, họ luôn luôn nghĩ tới việc hủy diệt sự tồn tại của Loạn Phi Phong kiếm pháp, nếu như không phải vì đối kháng với Ma giáo, họ đã hạ thủ với gia tộc của chàng rồi." Trương Hiểu Kí hỏi: "Chuyện này thì liên quan gì tới hôn sự của chúng ta?"
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương