Tự Truyện Tâm Linh - Nghiệp Âm
Quyển 2 - Chương 15: Binh Biến Trần Triều
Thầy Hữu vội vã đánh thức anh Thuận, ba người chúng tôi khó lắm mới bắt kịp được sự di chuyển của âm hồn. Chỉ ngoài trăm bước chân, ánh trăng dường như đã không còn soi rọi tỏ tưởng trên đỉnh đầu, bốn bề lúc này u tịch đến lạ thường. Có lẽ, đây mới chính là cái màn đêm đặc trưng của núi rừng, nó mang lại cho ta thứ cảm giác cô liêu, quạnh vắng, hệt như đang lạc vào thế giới của một màu đen huyễn hoặc. Anh Thuận nhanh trí thắp sáng hai chiếc đèn pin, một cầm tay, một đưa cho thầy Hữu. Chỉ trong vòng tích tắc, hình ảnh một người con gái đương ngồi trên mỏm đá vô tình lọt vào tầm mắt của tôi. Cả kinh, tôi liền đánh động cho thầy Hữu và anh Thuận biết. Chần chừ một lúc, thầy Hữu nói, -Đi về đằng ấy xem sao.Ba người chúng tôi nhanh chóng tiến về phía mỏm đá. Nơi này hình như địa thế hơi có phần khác biệt. Trước mặt, một dải đất cao, rộng, trải dài đến quá tầm mắt, nó sừng sững tựa hồ như bức bình phong cực đại được đặt giữa núi rừng. Ấy là cái suy nghĩ và nhìn nhận hạn hẹp của tôi về đất đai, địa thế. Còn đối với anh Thuận, người đã vào nam ra bắc đến mấy bận, anh ta gọi đây là sườn núi, nơi mà chúng tôi chỉ cần vượt qua là sẽ lên được đến tầng núi cao hơn. Đoạn anh Thuận sờ tay vào lớp đất đá trước mặt rồi từ từ di chuyển sang phía mé trái. Giống như bị thôi miên, tôi cũng theo sát từng bước chân của anh mà không cần biết lý do. Độ chục mét, anh Thuận khựng lại rồi lớn tiếng gọi thầy Hữu, -Thầy Hữu, tới đây mà xem này.Thầy Hữu bấy giờ vẫn đang quanh quẩn ở chỗ mỏm đá, thấy anh Thuận gọi gấp thì liền chạy lại, khuôn mặt thực hết sức hồ nghi. Thầy Hữu nói, -Không biết có đúng là chỗ này không nữa, ta đã xem xét rất kỹ mà không phát hiện ra được điều gì. Thuận thấy gì lạ không? Anh Thuận cầm tay thầy Hữu đặt vào vách đá, đoạn phân giải một cách kỹ lưỡng về hành động của mình vừa rồi, -Năm xưa cháu cùng cha vào rừng tìm gỗ có gặp một trận mưa lớn, lúc ấy đang đêm, cha cháu ven theo vách núi mà tìm được một hang động. Sau này, cha cháu có dậy lại rất kỹ, phàm là khi gặp sự hung hiểm nơi núi rừng, muốn tìm chỗ ẩn thân thì phải đến gần các vách núi mà dò xét. Nếu như thấy nhiệt độ trên lớp đất đá giảm dần về một hướng, nhất định phải men theo đó, kiểu gì cũng sẽ thấy được hang động. Thầy xem, vách đá này càng về bên trái thì càng lạnh buốt, nội trong vòng vài mét nữa, chắc chắn chúng ta sẽ tìm được miệng hang.Không ngờ rằng anh Thuận lại có hiểu biết sâu rộng về nơi rừng núi như vậy. Con người này quả thực không tầm thường, tài trí của anh ta trừ việc xem tướng bắt quỷ khéo khi còn hơn cả thầy Hữu. Đoạn chúng tôi từ từ tiến sang mé trái, đúng như những gì mà anh Thuận nói, phía trước là một cửa hang động chỉ cao ngang đầu người, nó bị che phủ đi quá nửa bởi lớp cây cỏ dầy đặc. Nếu như không phải do ánh đèn pin vô tình tuật vào sâu trong hang thì chúng tôi cũng khó lòng mà nhận biết được. Thầy Hữu như mở cờ trong bụng khi thấy được thứ cần tìm, hai chân nhanh nhẹn tiến ngay đến cửa hang để xem xét. Bất giác, thầy Hữu khựng lại, toàn thân bất định không rõ lý do, khuôn mặt căng thẳng đến tột độ. Anh Thuận ra dấu cho tôi đứng yên rồi rọi đèn pin xuống đất. Bấy giờ, trên nền cỏ cao thấp lẫn lộn, chễm chệ là một con rắn hổ đang cuộn tròn thân mình như muốn ẩn nấp rình mồi. Đặc biệt, trên đỉnh đầu của nó, một chiếc mào nhỏ nhô lên trông rất dị hoặc, nếu như quan sát không kỹ thì khó lòng mà phát hiện được chi tiết này. Anh Thuận thấy thế thì giật mình, đoạn quỳ rạp xuống đất mà vái lấy vái để. Như có một thế lực vô hình, ngay khi anh ta thực hiện xong nghi lễ tam bái, con rắn liền quay đầu mà bò vào trong hang trước khi sự kinh ngạc của tôi và thầy Hữu. -Không ngờ ở nơi thâm sâu cùng cốc thế này cũng có loại rắn hổ mào. Ta cả đời mới chỉ gặp qua được hai lần. Tương truyền, đây là hiện thân của các vị nhân thánh, những người có công với xã tắc sau khi thác hóa muốn hiện hữu ở dương gian sẽ phải gửi mình vào thân xác của rắn mào. Loài này ít cắn người, muốn đuổi đi cũng phải có cách riêng, đã gọi là hiện thân của tâm linh thì ắt sẽ không bình thường như những loài khác. Chí ít, phải là người hợp vía, có sự thành tâm, khấn vái cầu đảo thì mới may sao thoát được nạn hổ xà. Thuận chỉ cần đến tam vái mà có thể mời được hổ xà vào hang thì chứng tỏ nơi này rất hợp với cậu ta. Để Thuận đi trước đốt đèn, ta và Quang sẽ theo sau.Thầy Hữu sau khi chứng kiến toàn bộ hành động của anh Thuận thì liền đưa ra đề nghị. Không chần chừ, anh Thuận xách đèn pin đi lên phía trước một cách mạnh bạo, con người này xem ra quả thực là can trường. Vì miệng hang nhỏ hẹp, lại bị cản trở bởi lớp cây cỏ đan xen, phải khéo léo lắm chúng tôi mới vượt qua được để vào bên trong. Nơi này quả thật kỳ lạ, không khí lạnh ngắt, khác hẳn so với bên ngoài, càng vào sâu thì hang động lại càng lớn, vách đá trên hang lởm trởm là những hình khối nhấp nhô bất định trông rất cổ quái. Chợt, hình như có thứ gì đó vướng víu dưới chân, nó tròn tròn, kích cỡ không to lắm. Tôi đưa mắt xuống nhìn thì kinh hãi, cả một đoạn xương dài ngoẵng, trắng ởn, xen lẫn là sỏi đá đang nằm ngay sát bên cổ chân mình. Tá hỏa, tôi hét lên gọi thầy Hữu, anh Thuận đi trước thấy động thì cũng lập tức quay lại, ba người chúng tôi nhìn nhau thất sắc. Đoạn thầy Hữu nói, -Đây chắc chắn là xương người, không lẽ trong hang động đã từng có..Không để thầy Hữu nói hết, anh Thuận nhanh chóng cướp lời, -Đâm lao thì phải theo lao, thầy Hữu và Quang cứ thụt lại hẳn ở phía sau, cháu đi trước dò đường, nếu như gặp vấn đề gì thì sẽ đánh tiếng cho hai người được biết. Thầy Hữu suy nghĩ một hồi, đối sách của anh Thuận có vẻ như không hợp lý lắm, -Thuận đi sau coi chừng Quang, để ta lên trước xem liệu trong này có thứ kỳ quái gì.Nói rồi thầy Hữu liền xách đèn nhanh nhẹn đi trước, tôi và anh Thuận cẩn trọng quan sát đường đi cùng hai bên vách đá trong lúc theo chân thầy. Hang động càng vào sâu thì lại càng rộng sang hai bên, chưa đến một cây số, chúng tôi đã đi đến tận cùng. Nơi này được tạo hóa nhào nặn thành hình vòng cung thực rất đồ sộ. Đặc biệt, chính giữa có một thứ hình chữ nhật dài ngang người, cao chưa đầy một mét, rong rêu phủ kín nên rất khó nhận định được là vật gì. Thầy Hữu và anh Thuận bấy giờ đã tiến sát lại, ánh đèn pin sáng rực khiến cho vật thể kỳ lạ càng lộ rõ. Đoạn anh Thuận hô lên,-Thầy Hữu, là một chiếc quan tài, thành quan tuy mục nát nhưng vẫn nhìn được là hình trạm trổ long phượng. Quan này niên đại có khi phải vài trăm năm, mùi gỗ rất thơm chắc chắn là loại thượng hạng. Theo cháu thì quan này dùng cho các bậc vương tôn quý tộc, người trong quan chắc chắn không tầm thường. Nhưng quan đã từng bị mở, chỉ sợ bên trong không có thứ gì.Thầy Hữu nghe anh Thuận nói thì lập tức thắp hai nén nhanh, hành động quả thực rất gấp gáp,-Chúng tôi không biết vị nào được mai táng ở đây, nay vì nhân nghĩa mà phải kinh động tới, xin lượng thứ cho. Nếu có sai lầm gì thì xin tìm Hữu tôi đây mà hỏi tội, không nên làm hại tới hai đứa trẻ này. Thầy Hữu đưa mắt sang phía anh Thuận, hiểu ý, hai người này liền dồn sức đẩy nắp quan ra sau. Được đến phân nửa thì anh Thuận dừng lại, mồ hôi vã ra như tắm, một tay xiết chặt lấy thành quan, một tay chỉ vào bên trong như thể đang sợ hãi lắm. Bấy giờ, cả tôi và thầy Hữu đều lập tức đưa mắt vào trong, quan tài này ngoài chiếc đầu lâu trắng ởn đang đặt trên một hộp gỗ ra thì tuyệt nhiên không có thêm thứ gì. Thầy Hữu vội vã đưa tay vào đặt chiếc đầu lâu sang bên cạnh rồi nhấc hộp gỗ lên trông rất cẩn trọng. Lúc ấy, hốt nhiên có cơn gió ập đến từ phía sau lưng, cả ba người chúng tôi không ai nói với ai câu nào. Nơi này ngày một khiến cho con người ta cảm thấy rùng rợn. Đoạn thầy Hữu ra hiệu cho ba người chúng tôi rời đi thật nhanh, chỉ trong chốc lát, chúng tôi đã đứng ở cửa hang, bỏ lại sau lưng tất thẩy những thứ quái dị mà con người ta không thể đoán biết được nguyên do.-Thuận thử mở hộp này ra xem trong đó có gì, ta nghĩ vật cần tìm đang ở trong này. Anh Thuận đón lấy chiếc hộp từ tay thầy Hữu, nhìn cách anh ta cẩn trọng phần nào cũng đoán được sự hồi hộp trong tâm lý của người này. Anh Thuận từ từ mở hai chốt ở giữa hộp, khuôn mặt bấy giờ căng thẳng đến tột độ. Ngay sau khi nắp hộp được mở ra, anh Thuận cười lớn, giống như vớ được vàng, anh ta hồ hởi quay sang tôi và thầy Hữu,-Có một thanh kiếm, thanh kiếm này giống hệt với thanh kiếm ở nhà thầy Hải. Là thần kiếm thật rồi, mẹ cháu cùng thằng Đoan được cứu rồi. Thầy Hữu cả mừng, ba người chúng tôi lập tức tìm đường xuống núi theo như chỉ dẫn ban đầu của người bản địa. Anh Thuận cởi áo gói ghém chiếc hộp gỗ rất cẩn thận, toàn thân khi gần xuống đến chân núi thì chi chít là những vết trầy xước do bị va phải cành cây. Về phía tôi, bản thân dọc đường hình như nghe được có tiếng vó ngựa rất mạnh ở sau lưng, nó dồn dập nhưng không hề vượt ngang tầm tai, lúc được lúc mất vô cùng kì lạ. Thầy Hữu ngay sau khi về đến điểm dừng chân ở quốc lộ thì liền đánh điện cho Tử Thanh. Đại khái, thầy Hữu muốn Tử Thanh cùng hai mẹ con cô Trà gấp rút đến đền Bảo Lộc Nam Định để hội họp cùng chúng tôi. Cũng không rõ ý định của Tử Thanh ra sao, nhưng thoáng chốc, tôi nhìn khuôn mặt của thầy Hữu có nét u sầu, lo lắng. Đêm ấy, thầy Hữu cùng anh Thuận trong gian trọ nói chuyện rất cao hứng, bác tài nằm cùng tôi trên giường thỉnh thoảng cũng thêm nếm vài câu cho bớt đi cái phần cô đơn nơi đất khách. Tôi nằm nghe được một lúc thì ngủ, cơn ảo mộng miên man cứ thế kéo tôi đến một thế giới hư ảo tựa hồ như chốn âm tào địa phủ. Ấy là một vị quan gia thân mang tử kim hoàng bào, người này cưỡi hắc mã trông thực uy phong lắm. Xét cách ăn mặc thì chắc hẳn không phải là bậc quan tước tầm thường. Người đó đến trước mặt tôi thì kéo cương dừng ngựa, ông ta cười lớn một tiếng rồi gật đầu tỏ ý khen ngợi. Đoạn nói, -Không cần kinh sợ, ta thân là Cung Tĩnh vương Trần Nguyên Trác, Thái Tể dưới thời vua Đại Định tức Dương Nhật Lễ. Năm ấy Hiến Từ Thái Hậu lập Nhật Lễ lên làm vua kế vị cho Trần Dụ Tông. Nhật Lễ chỉ là con nuôi của Dụ Tông, cha đẻ hắn thực chất mang họ Dương. Sau khi lên ngôi, người này ăn chơi sa đọa, bỏ bê triều chính, hắn đón cha ruột là Dương Khương vào triều phong cho làm Lệnh Thư gia, tỏ ý muốn đổi Trần Triều thành Dương tộc. Bá quan văn võ trong triều hay tin này thì ai nấy cũng đều phẫn nộ, ta cùng Nguyên Tiết và hai người con của Thiên Ninh công chúa dẫn theo tôn thất nhà Trần xông vào cấm thành toan lật đổ Nhật Lễ. Nhưng kỳ thực, trời chưa chán nghiệp vua hai dòng, Nhật Lễ đêm ấy may mắn thoát được, ta cùng Nguyên Tiết lùng xục trong cung không thấy hắn đâu thì bỏ về. Sớm hôm sau, Nhật Lễ loan giá hồi cung, hắn chia người đi bắt hết những tôn thất họ Trần có liên quan tới việc binh biến cấm cung, tất thẩy là mười bảy người, trong đó có ta. Ngày hai mốt tháng chín năm Canh Tuất, ta cùng đồng đản bị khép tội chết. Vương tôn nhà Trần vì thương xót máu mủ nên bí mật đem xác ta mai táng trong hang động ở vùng Hữu Lũng. Cạnh ta còn đặt thêm một thần kiếm để làm tín vật cho con cháu đời sau biết được đây là tôn thất họ Trần. Nay các cậu vào hang mượn kiếm theo sự chỉ điểm của Trần Hải, sau khi đại công cáo thành thì hãy cùng hắn ta đến đây để làm lễ tạ.Vị quan gia nói xong thì liền biến mất, tôi lạc mình trong chiều không gian nhạt màu, buồn tẻ. Hình như có tiếng trẻ con gọi ngay kế bên tai, -Anh, anh ơi...
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương