Vị Đắc Xán Lạn

Chương 9



Ra khỏi chợ đồ gia dụng cũ, Kinh Xán bắt đầu đi mua màu vẽ. Khi cậu về nhà mới hơn ba giờ chiều, trời vẫn sáng nhưng ánh nắng đã không còn gay gắt. Kinh Xán cởi áo khoác, pha màu vào mấy chiếc xô nhựa xong thì xếp hàng ngang trên sân thượng. Bên mép của mỗi chiếc xô đều dính một ít màu vì động tác không được dứt khoát của Kinh Xán, Kinh Xán xoay từng xô lại, để những góc dính màu đó nằm cùng một góc.

Cậu đứng giữa sân thượng, đi một vòng xung quanh, hình phác thảo chính xác đã có trong đầu cậu. Thật ra hình phác họa hoa hướng dương đã có trong lòng cậu lâu lắm rồi – là lần đầu tiên đến đây cùng Tống Ức Nam, mấy bộ đồ ướt nhỏ nước xuống sàn, vũng nước tựa như một đóa hoa nở bất quy tắc.

Kinh Xán thích những thứ yên tĩnh và giàu sức sống.

Cậu xắn ống quần, ngồi xổm xuống. Lúc đặt bút, cậu không vẽ nét ngoài cho bông hoa trước, mà vẽ một hạt giống nho nhỏ, sau đó phủ màu xanh lên hạt giống, từ dưới lên trên, biến nó thành mầm cây xanh biếc.

Cậu học cách vẽ này từ Kinh Duy. Kinh Duy có khiếu vẽ vời lắm, trước đây Tống Ức Nam thường xuyên kể với cậu lúc gọi điện, rằng Tiểu Duy lại vừa được hạng nhất cuộc thi gì đó. Mỗi lần nghe tin này Kinh Xán đều rất vui vẻ, bởi vì em cậu đã thành công rất nhiều trong lĩnh vực mình thích ở thời niên thiếu.

Nhưng tiếc là cậu mới chỉ được xem Kinh Duy đi thi một lần. Đó là năm Kinh Duy sáu tuổi, cậu bé tham gia một cuộc thi sáng tạo mỹ thuật, nội dung thi là vẽ trên tấm vải trải dưới đất bằng bàn chải, chủ đề “Thế giới của em”. Tiếc là thành tích của Kinh Duy lúc đó không tốt, bởi vì bức tranh của cậu bé rất kỳ lạ, những đứa trẻ khác đều vẽ rất nhiều động vật hoặc vẽ gia đình vui chơi trên cỏ. Dù nội dung mỗi tranh một khác, nhưng ít nhất đều rất vui vẻ, bình luận viên có thể liến thoắng cả đoạn khen ngợi dài. Chỉ riêng bức tranh của Kinh Duy, ngoài một đóa hoa hướng dương rất nhỏ, có cành lá, thì chỉ toàn là khoảng trắng, còn chẳng có mặt trời. Sau cuộc thi, Tống Ức Nam hỏi bức tranh của Kinh Duy có ý nghĩa gì, Kinh Duy đứng dưới ánh nắng, liếm cây kem đang chảy trên tay, nói, đó là “sinh trưởng”.

Tống Ức Nam mỉm cười xoa đầu Kinh Duy, như vừa an ủi, vừa cổ vũ cậu bé. Lúc đó Kinh Xán cũng đang cầm một cây kem, cậu nhớ lại bức tranh khi đã thành hình của Kinh Duy, thầm nghĩ giám khảo của cuộc thi sáng tạo này không có trình độ chút nào. Họ chỉ nhìn thấy đóa hoa hướng dương cô độc lúc cuối cùng, lại bỏ lỡ hạt giống, mầm cây từng xuất hiện trên giấy vẽ, giờ đây đã bị chôn vùi dưới bông hoa.

Đó có lẽ là thành tích kém nhất mà thần đồng hội họa từng nhận được, hạng chót. Nhưng Kinh Xán lại xin miếng vải đó, cậu trân quý cất vào hộp gỗ, dán một chiếc nhãn lên, ghi “Tiểu Duy, sinh trưởng”.

Nhớ đến bức tranh kia, Kinh Xán cảm giác đầu mình lại bắt đầu đau như búa bổ. Cậu ngồi sụp xuống đất, cánh tay gác lên đầu gối, cố gắng kéo suy nghĩ của mình từ những khoảng trắng chiếm phần lớn trên bức tranh kia về. Cậu vùi đầu ngồi một lát mới ngẩng đầu lên, mí mắt bao quanh tầm nhìn không rõ ràng lắm, cậu nâng tay lên đợi cánh tay nhức mỏi đỡ dần.

Hoa hướng dương đã thành hình, ánh nắng lười biếng chiếu lên lớp màu nước dưới đất, cuối cùng cũng đông lại thành vảy. Kinh Xán chạm nhẹ lên mép cánh hoa, xác nhận rằng màu đã khô rồi. Đúng lúc này sô pha cũng được chuyển tới, Kinh Xán luôn nắm rất rõ thời gian. Chiếc sô pha rất lớn, Kinh Xán lại chỉ nhờ người giao hàng khiêng lên cửa sân thượng giúp cậu. Đợi người đó đi rồi, cậu mới tự mở cửa sân thượng, cố gắng đẩy chiếc ghế từng chút một. Do ít vận động, cơ thể Kinh Xán đúng như những gì mọi người thấy – không có chút sức lực nào cả. Lúc cậu đứng dậy, tầm nhìn tối sầm xuống, cậu vội vàng vịn sô pha rồi nằm lên. Kinh Xán đặt một tay lên trán, đợi cảm giác choáng váng qua đi, hình ảnh trước mắt cũng rõ ràng trở lại.

Nắng chiều vẫn đấy, ráng chiều tự do bồng bềnh, khóa chặt đóa hướng dương, cũng phủ lên sô pha.

Cũng như một ngày nào đó cậu không nhớ trong ký ức, cậu cũng ôm một nhạc cụ nào đó không nhớ rõ tên, Kinh Xán cảm nhận được hơi thở trong lồng ngực, không hề im lặng, mà rất ồn ào.

Về chuyện làm sao để mời Hạ Bình Ý đến nhà, Kinh Xán đã nghĩ rất nhiều lí do, nhưng rồi lại tự phủ định từng cái một. Cậu không giỏi chuyện này chút nào.

Đây có thể coi là một trong những chuyện nan giải nhất Kinh Xán từng gặp, đến lúc đi học cậu cũng dành tâm trí để suy nghĩ về nó. Trong giờ toán, Kinh Xán đang thất thần bỗng bị giáo viên gọi, cậu mơ màng nhìn giáo viên, rồi nhìn sang cậu bạn Chu Triết cùng bàn.

“Em nói cách giải câu này thử xem nào”.

Sau khi giáo viên nhắc lại, Kinh Xán vội vàng nhìn câu hỏi Chu Triết vừa chỉ cho mình, thốt lên: “Một phần ba ạ”.

Đọc đáp án xong, Kinh Xán thấy có mấy người ngạc nhiên nhìn mình, trong đó có cả giáo viên. Cậu hoàn hồn, tức tốc nhận ra mình vừa sai ở đâu, mà giáo viên cũng nhắc cậu: “Đừng nói mỗi kết quả không, em nói cả cách giải bài này đi”.

Kinh Xán ngoan ngoãn phát biểu xong, ngồi xuống, cậu quay sang khẽ cảm ơn Chu Triết. Cậu ta đặt tay lên cuốn vở bài tập vốn được đẩy ra giữa hai người, chậm rãi kéo về, Chu Triết nhìn câu hỏi vẫn chưa được viết đáp án kia hồi lâu, không nói gì.

Có lẽ sợ học sinh rã đám do hội thao, trước khi hết giờ giáo viên dạy toán còn không quên dặn dò, sau hội thao sẽ đến kỳ thi tháng ngay, các em học sinh phải nghiêm túc chuẩn bị. Kinh Xán vẫn đang chìm trong phiền muộn vì không tìm ra cơ hội mời Hạ Bình Ý đến nhà mình, vậy nên cậu hoàn toàn không quan tâm đến mấy từ “hội thao”, “thi tháng” gì đó.

Hội thao của lớp mười hai cắt giảm một vài hạng mục, chỉ tổ chức một ngày, vừa hoàn thành nhiệm vụ và bảo đảm thời gian học tập một cách tối đa. Kinh Xán không giỏi môn gì, việc duy nhất cậu phụ trách ngày hôm đó là viết bài cổ vũ. Hạ Bình Ý thì khác, Kinh Xán biết anh đã đăng ký hạng mục 800 mét, trên đường về nhà trước hôm đó, Hạ Bình Ý còn nói đùa, bảo lúc cậu viết bài cổ vũ thì phải viết thêm “Gửi Hạ Bình Ý lớp 12/21” vào.

“Không được đâu, chúng ta không cùng lớp mà”. Kinh Xán lập tức phản đối.

“Ai bảo không cùng lớp thì không được cổ vũ?”.

Kinh Xán nghĩ lại, đúng là không ai quy định vậy, nhưng cổ vũ cho lớp mình không phải chuyện đương nhiên sao? Dù sao cũng là cuộc thi tập thể mà.

Biết Kinh Xán đang nghĩ gì, Hạ Bình Ý bèn quay lại hỏi: “Hội thao thường hay có khẩu hiệu gì? Cái gì là chính? Cái gì là phụ?”.

Kinh Xán cũng mang máng, nhưng vẫn không nhớ được câu đó đúng ra là gì: “Câu gì cơ?”.

“Hữu nghị là chính, thi đấu là phụ. Vậy nên dù là cuộc thi tập thể, nhưng cổ vũ cho bạn thân cũng đâu có vấn đề gì?”.

Nghe hỏi vậy, Kinh Xán bỗng ngơ ngác, cậu không biết gì về hội thao hết, bèn nghi ngờ hỏi: “Đúng thế thật à?”.

“Tất nhiên rồi,” Hạ Bình Ý ngạc nhiên nhận ra Kinh Xán không biết câu này, anh bỗng thấy chuyện dễ giải quyết hơn rồi: “Thế này nhé, nếu trong lễ khai mạc ngày mai có người nói câu đó thì cậu viết riêng một bài cổ vũ cho tôi, nếu không có ai nói thì không cần viết”.

Kinh Xán đâu có ngốc, lúc này cậu không còn nghi ngờ khẩu hiệu kia có thật hay không rồi, nếu Hạ Bình Ý đã nói vậy thì hiển nhiên mình không có cửa thắng vụ này rồi.

“Được không?”. Phanh lại trước ngã tư đường, không thấy Kinh Xán trả lời, Hạ Bình Ý bèn quay lại hỏi.

Kinh Xán ngẩng lên, nhìn ánh mắt mong đợi của Hạ Bình Ý, cậu gật đầu.

Hạ Bình Ý huýt sáo, vui đến nỗi lái con xe điện đánh võng vài đường.

Dù biết trước là mình sẽ thua, nhưng cậu không ngờ mình lại thua một cách ngu ngốc thế này.

Trong tiếng vỗ tay, Hạ Bình Ý lên bục phát biểu với tư cách đại diện vận động viện. Anh thong thả rút một tờ giấy trong túi ra, khi đọc tới gần cuối, Hạ Bình Ý rời mắt khỏi tờ giấy, nhìn Kinh Xán đang ngồi hàng đầu lớp 12/8. Anh nói: “Hữu nghị là chính, thi đấu là phụ”.

Rõ ràng rành mạch, nhấn nhá từng chữ, nghe còn hơi khiêu khích.

Cũng may Kinh Xán tốt tính, nghe Hạ Bình Ý đọc vậy cậu còn cúi đầu, vừa đá viên đá vụn dưới đất vừa kìm nén cơn buồn cười.

Dám chơi dám chịu, khi gần đến hạng mục 800 mét, Kinh Xán cầm hai tờ giấy chạy lên bục phát biểu. Ôn Tương Doanh là một trong những người phụ trách phát thanh, thấy Kinh Xán đến, cô lập tức mỉm cười, giơ tay về phía cậu.

Kinh Xán đưa một tờ cho cô, Ôn Tương Doanh cúi đầu đọc lướt qua, rồi lại tò mò nhìn tờ giấy còn lại trên tay cậu.

“Không…”, Kinh Xán chần chừ một lát, cậu lại gần Ôn Tương Doanh, nói nhỏ hơn nữa: “Không ghi tên được không?”.

Số bài cổ vũ cho hội thao cũng tính vào thành tích các lớp, vậy nên phía cuối của mỗi bài viết đều phải ghi rõ học sinh nào đến từ lớp nào. Ôn Tương Doanh nhìn lên, bỗng ngửi thấy mùi tin hot nào đó. Bình thường cô không có hứng thú hóng hớt chút nào, nhưng nếu đối tượng là Kinh Xán thì cô lại thấy thú vị lắm.

“Được chứ,” Ôn Tương Doanh đồng ý ngay, cô ngoắc ngón tay, nói: “Đưa tôi đi”.

“Cảm ơn”. Kinh Xán gập đôi tờ giấy đã bị cậu vò tan nát lại, đưa cho Ôn Tướng Doanh, trước lúc quay đi cậu còn bổ sung thêm: “Hạng mục nam 800 mét ấy”.

Ôn Tương Doanh nhìn cậu vội vàng bỏ chạy, rồi cúi đầu đọc nội dung trên giấy, ngón tay cô chậm rãi gõ lên mặt bàn, đăm chiêu suy nghĩ.

Từ lúc Hạ Bình Ý đang đợi trước vạch xuất phát, Kinh Xán đã dán mắt lên người anh. Hạ Bình Ý mặc một chiếc quần đùi thể thao màu đen, áo thể thao trắng, đứng ở đường chạy thứ ba. Không chạy nâng cao gối như các tuyển thủ khác, anh chỉ cúi đầu, thong thả khởi động cổ tay, cổ chân, thoạt trông rất thoải mái.

Tiếng súng vang dội làm Kinh Xán trợn tròn mắt, hô hấp như bỗng hụt một nhịp, mắt cậu không một giây nào rời khỏi bóng lưng Hạ Bình Ý, thầm nhủ “Cậu ấy là hạng nhất”.

Nào ngờ vừa mới tự nhủ hai lần, Kinh Xán đã nghe thấy giọng đọc diễn cảm của Ôn Tương Doanh vang lên qua loa.

“Gửi Hạ Bình Ý lớp 12/21, tôi vẫn luôn tin rằng cậu là vận động viên tỏa sáng nhất trên đường đua, hãy đón gió sải bước chạy, chạy về nơi xa, xông qua vạch đích bằng tư thế kiêu ngạo nhất đi. Từ lớp 12/8.”

Nội dung vừa rồi Kinh Xán rất quen thuộc, là bài cổ vũ cậu viết cho Hạ Bình Ý. Cậu không muốn lên mạng chép, từng câu từng chữ đều do cậu nghĩ ra. Nhưng phần ký tên cuối cùng lại làm cậu ngớ người, cậu tức tốc nhớ lại lỗ hổng trong những gì mình nói – cậu chỉ nói không ký tên, chứ không bảo không ghi lớp.

Gần như ngay lúc Ôn Tương Doanh dừng lại, cậu nghe thấy tiếng xì xào hào hứng xung quanh mình, cả nam cả nữ, dường như ai cũng không chống lại cám dỗ của loại “drama ngay bên cạnh” này. Đứng giữa cơn bão, Kinh Xán không dám nghe mọi người nhao nhao bàn luận, cậu vô thức cúi người, cố gắng để mình thấp hơn, nhưng ánh mắt vẫn bướng bỉnh, chưa từng rời khỏi đường chạy.

Kinh Xán biết Hạ Bình Ý giỏi thể thao, nhưng cậu không ngờ Hạ Bình Ý có thể chạy ngang với học sinh chuyên thể dục. Lớp 12/8 không giành được thành tích gì trong hạng mục chạy nam 800 mét này, vậy nên khi Hạ Bình Ý và học sinh chuyên thể dục kia gần như cán đích cùng lúc, Kinh Xán lập tức bật dậy để nhìn rõ xem ai mới chạy nhanh hơn, nên trông cậu có vẻ cao hơn hẳn mọi người. Kinh Xán hoàn hồn, nhận ra mình vừa lỡ làng, cậu vội vàng ngồi xuống, sợ người khác nhìn thấy cậu, lại gán cậu với bài cổ vũ vừa rồi.

Phía cuối đường chạy, đã có mấy người bạn vây quanh Hạ Bình Ý, Kinh Xán thấy Hạ Bình Ý xua tay với họ, rồi quay về phía mình. Kinh Xán chống tay lên ghế, từ từ ngồi thẳng dậy, cố gắng vươn dài cổ.

Cuối cùng, hai người nhìn nhau qua khán đài, qua đường chạy, Hạ Bình Ý vừa lùi lại đi về lớp cùng bạn bè, vừa giơ tay qua đầu, sau đó giơ một ngón trỏ lên lắc lắc hai lần.

Cậu ấy hạng nhất rồi.

Sau khi xác nhận kết quả, bả vai đang rúm lại của Kinh Xán lập tức buông thõng. Cậu xoắn xuýt một lúc, nhìn trái nhìn phải, thấy không ai nhìn mình mới từ từ giơ bàn tay cầm bút lên trước mũi, sau đó lén lút ra dấu “một” với Hạ Bình Ý.
Chương trước Chương tiếp
Loading...