Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1)

Phần Ii: Ấn Độ - Nepal - Chương 53 - 54



53. Vipassana

Nepal là một đất nước kỳ lạ về mặt tôn giáo, nơi mà ranh giới giữa Phật giáo và đạo Hindu gần như không tồn tại. Khi tôi hỏi Chanira cô là theo đạo gì, cô ngơ ngác hỏi bố nhưng bác cũng không biết trả lời thế nào. Kumari được tôn thờ bởi cả những người theo Phật giáo và đạo Hindu. Chính vì vậy, rất nhiều người đến Nepal là người sống tâm linh. Giao du với dân ba lô ở đây nhiều, tôi nghe được nhiều thông tin hết sức hay ho. Tôi phát hiện ra rất nhiều người trong số đó đến đây để học thiền Vipassana. Khóa học này kéo dài mười ngày. Suốt quá trình đó, người học sẽ được đưa đến một khu vực tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Họ sẽ không được phép nói chuyện với bất cứ ai, không được phép nhắn tin, gọi điện thoại hay lên mạng. Phương pháp học nghe mọi người kể thì cũng khá ảo. Người học thiền sẽ được dạy cách thở, cách hướng suy nghĩ của mình để tìm về cội nguồn của mối liên hệ giữa cơ thể và tâm trí. Khóa học này có khá nhiều nước trên thế giới, nhưng phổ biến nhất là ở Nepal và Ấn Độ. Tuy không phải là đứa sống tâm linh, nhưng tôi lại là đứa cực kỳ tò mò, cái gì cũng muốn thử. Tôi đăng ký một khóa học ở trung tâm Vipassana Kathmandu, bởi theo mọi người đồn đại thì đây là trung tâm Vipassana đẹp nhất ở Nepal. Trung tâm này nằm trong một khu vườn quốc gia cách thành phố gần một tiếng lái xe. Tôi rủ mấy đứa bạn đi cùng mà không đứa nào chịu đi.

“Mày với tao cá xem thứ mấy nó nghỉ?”. Asher bảo với Shushil, một anh bạn người Nepal của chúng tôi.

“Họ không cho nghỉ giữa chừng đâu đấy”. Shushil cảnh báo “Bạn anh học được nửa khóa thì trèo tường bỏ chạy”.

Tôi đã đọc qua nhật ký một số người tham gia khóa học và phần nào hiểu được việc nhịn nói mười ngày liền kinh khủng đến mức nào. Không chỉ không được nói, bạn còn không được phép làm bất cứ việc gì có thể khiến đầu óc bạn bận rộn. Đọc sách, nghe nhạc cũng bị cấm.

“Con bé này đốt nhà nó còn đốt được nữa là trèo tường. À Chip, tao có ý tưởng cho mày. Khóa học của mày diễn ra đúng dịp giao thừa tết cổ truyền của tụi Trung Quốc bọn mày, đêm hôm đó mày đốt pháo hoa đi. Vừa ăn mừng vừa giải thoát các bạn đang chịu cảnh tù tội ở đấy”. (Asher rất hay trêu tôi bằng cách gọi tôi là người Trung Quốc).

Hôm trước khi buổi học bắt đầu, học viên tập trung ở điểm đăng ký Vipassana nằm trong thành phố, rồi xe của trung tâm đưa đến tận nơi. Lại một lần nữa, xe bảy chỗ được cải tiến thành xe cho gần hai mươi người. Vốn không giỏi bon chen, tôi yên vị ở trong cốp. Mỗi lần ổ gà là đầu tôi đập vào trần xe kêu lốp bốp. Ngồi xung quanh tôi là mấy bạn gái da trắng, quần túm aladin, áo ba lỗ, cổ hoặc đầu quấn khăn, trang phục đặc trưng của dân đi bụi. Tôi bắt chuyện nhưng các bạn ấy cứ có cái vẻ của dân sống tâm linh không quan tâm gì đến thế giới thực nên nói chuyện một hồi là tôi chán.

Đúng như những gì tôi được nghe nói, trung tâm này nằm tít trên đồi, trong vườn quốc gia, tách biệt khỏi thế giới trần tục. Khuôn viên trung tâm toàn cây và hoa. Những ngôi nhà nhỏ xinh nằm xen lẫn với những bãi cỏ xanh rì. Chúng tôi được yêu cầu bỏ lại máy ảnh, điện thoại, tiền bạc và tất cả những gì quý giá ở ngoài lễ tân. Tôi được xếp ở một căn phòng với khoảng chục bạn nữ khác. Nam ở một khu, nữ ở một khu. Ngày đầu tiên còn chưa bị cấm nói chuyện. Tôi đi vòng vòng gặp một anh chàng xoăn đỏ, râu ria xồm xoàm, mặt nhìn tưng tửng. Anh nhìn tôi cười nhăn nhở. Tôi cũng nhe răng ra cười.

“Em là người duy nhất ở đây nhìncó vẻ có sức sống một tí”.

“Anh là người thứ hai. Mọi người ở đây cứ có vẻ mơ màng ảo ảo thế nào ấy nhỉ”.

“Ừ. Em đến đây lần đầu tiên à?”.

“Vâng. Anh có tin vào thiền không?”.

“Thiền vài phút để tâm hồn tĩnh lặng lại thì anh tin. Nhưng còn thiền hàng ngày trời để tìm ra ý nghĩa của cuộc sống hay được giải thoát này nọ thì không. Sống bản thân nó đã là một ý nghĩa rồi, sao phải tìm”.

Anh chàng này nói cứ như đọc được suy nghĩ của tôi vậy. Chúng tôi đang nói chuyện hợp thì một người quản lý (cũng là học viên đã theo khóa học, giờ quay lại tình nguyện giúp quản lý học viên mới) đến nhắc nhở chúng tôi rằng nam nữ không được tiếp xúc trong khuôn viên trung tâm. Tôi tiếp tục đi vòng vòng khám phá trung tâm. Tôi đến tận rìa khuôn viên, phát hiện ra một lối mòn nhỏ xíu dẫn lên đỉnh đồi. Lên cao, lối mòn đó lại dẫn vào khuôn viên trung tâm, gần như cắt vào mái của ngôi chùa. Tôi trèo lên, và lập tức chết lặng trước vẻ đẹp thiên nhiên đang bày ra trước mặt. Thung lũng trải dài từ chỗ tôi ngồi xuống đến dòng sông. Bên kia thung lũng, vách núi vươn thẳng lên đâm vào hòn lửa đỏ rực, khiến muôn ngàn tia sáng đổ ra dát vàng cả không gian, đọng lại trên những hàng cây lấp lánh. Mây theo sườn núi sà xuống sát ven sông, tan vào trong nắng, mờ mờ ảo ảo như khói lam chiều. Tôi nghĩ, nếu chiều nào tôi cũng được ra đây ngắm cảnh thế này thì mười ngày chứ một trăm ngày tôi cũng ở được. Tôi đang thả hồn vào mây núi sông nước thì bất chợt một bác xuất hiện.

“Cháu ơi, đây là khu vực dành riêng cho nam giới, cháu không được lên đây”.

“Ủa, nhưng có bạn nam nào ở đây đâu bác?”.

“Nhưng đây vẫn là khu vực dành cho nam giới”.

Tôi ấm ức đi về phòng. Tự dưng tôi thấy ghét mấy cái luật lệ ở đây thế.

Chiều tối, sau khi được ăn một bữa cơm đạm bạc, chúng tôi tham gia buổi hướng dẫn thiền. Lúc đấy tôi bắt đầu bị ốm. Mọi người đang ngồi chăm chú lắng nghe thầy giảng thì cứ năm phút tôi lại hắt hơi một lần, mũi sụt sịt cứ phải liên tục lấy giấy lau. Thầy bảo, khóa học sẽ tập trung vào việc học hít thở, tức là mình sẽ phải theo dõi việc hít vào thở ra của mình cả ngày, học được cách hít vào từ một lỗ mũi, thở ra từ lỗ mũi kia.

“Các con đừng nghĩ đến bất kỳ việc gì ngoài việc hít và thở. Hãy để đầu óc mình được giải phóng khỏi những lo toan bụi trần”.

“Các con đừng nghĩ đến bất kỳ việc gì ngoài việc hít và thở. Hãy để đầu óc mình được giải phóng khỏi những lo toan bụi trần”.

Tự nhiên tôi thấy mình dại dột. Mũi tôi bị nghẹt cứng đặc, thở còn không thở được nói gì đến chuyện theo dõi. Lúc đấy tôi đã nghĩ đến chuyện xin về, nhưng khóa học chưa bắt đầu mà đã về thì hơi vô duyên. Để học thử một buổi xem sao.

Mùa đông Nepal nhiệt độ có khi xuống đến độ âm. Trời lạnh tê tái. Không có nước nóng nên tôi đành tắm nước lạnh. Bình thường tôi cứ tắm nước lạnh xong sẽ thấy mình tỉnh táo, nhưng lần này tắm xong tôi càng thấy mệt. Tôi bắt đầu ho. Sáng hôm sau bốn giờ kẻng rung đánh thức chúng tôi dậy mà đầu tôi cứ nặng trình trịch. Tiếng kinh đều đều trên giảng đường vào tai tôi kêu cứ o o o o. Tiếng đọc chầm chậm phát ra từ mày ghi âm: “Hít vào, thở ra” với tôi cứ nghe là lời ru ngủ. Mấy lần có người phải đến lắc vào vai tôi đánh thức dậy. Từ khoảng tám giờ sáng thì tôi không tài nào tập trung được nữa. Trung tâm đang trong thời kỳ tu sửa, tiếng đập bình bịch trên mái nhà vào tai tôi nghe như tiếng búa đập vào đầu. Tôi mở mắt ra nhìn xung quanh thấy ai cũng ngồi im, lưng thẳng, chân khoanh tròn, hai tay đặt trên gối, hít vào thở ra đều đặn. Tôi biết có mấy bạn ở đây tham gia không phải lần đầu, mà đã là lần thứ ba, thứ tư. Học nhiều vậy có phải vì các bạn thực sự thấy sáng tỏ ra được điều gì, hay các bạn chỉ muốn tìm một chỗ để chạy trốn khỏi những lo toan thường ngày? Cô giáo mở mắt ra nhìn thấy tôi mắt thao láo, liền ra dấu cho tôi nhắm mắt lại.

Sau mỗi buổi học, học viên được phép nói chuyện với cô nếu có thắc mắc. Tôi đứng đợi đến lượt mình để được tư vấn.

“Thưa cô, có cách học thở nào khác không ạ? Mũi em bị nghẹt”.

“Nghẹt mũi này thì thở bằng mũi kia đi”.

“Cả hai mũi đều bị nghẹt, em chỉ thở bằng miệng được thôi ạ”.

“Không ai nghẹt mũi mãi đâu em ạ. Em chịu khó thở một lúc mũi sẽ thông thôi”.

Nhưng đến chiều mà mũi tôi vẫn không khá khẩm gì hơn. Mà ngay cả có khá hơn, tôi cũng không chắc mình có muốn phí thời gian của mình vào việc học thở hay không. Hết buổi học tôi lại lên gặp cô.

“Thưa cô, mục đích của khóa học này là gì ạ?”.

“Khóa học này nhằm thanh tẩy tâm hồn con và giúp con kiểm soát suy nghĩ của mình”.

“Tâm con đã sáng, con không có ý định hại ai bao giờ. Con cũng không muốn kiểm soát suy nghĩ của mình. Con muốn suy nghĩ của mình phát triển một cách tự nhiên, để có thể cảm nhận cuộc sống như những gì nó vốn có”.

“Đến một lúc nào đó, con sẽ nhận ra rằng mình cần kiểm soát suy nghĩ của mình. Không ai có thể sống một cách hoang dã được”.

“Thưa cô, con xin phép về”.

“Không được. Quy định ở đây không cho phép học viên được nghỉ giữa chừng”.

“Tại sao ạ?”.

“Vì nếu học chưa xong, con có thể bị tẩu hỏa nhập ma”. (Cô dùng từ khác cơ, đại loại là những gì mình học dang dở có thể ảnh hưởng đến thần kinh của mình gì gì đó.)

“Nếu học viên bị ốm nặng cần phải đưa vào bệnh viện gấp thì sao ạ?”.

“Đây là một trường hợp ngoại lệ”.

“Đây là một trường hợp ngoại lệ”.

“Thưa cô, con bị ốm”.

Lúc tôi ra lấy đồ, bác bảo vệ cứ nhìn tôi trân trân. Chưa bao giờ có học viên nào ra từ ngày đầu tiên như tôi.

“Bây giờ cháu định về bằng cách nào?”.

“Cháu cũng không biết. Có xe bus hay gì đó về thành phố không bác?”.

“Không có cháu ạ. Hay cháu đợi đến sáng mai rồi về”.

Tôi nhìn ra ngoài. Trời đã bắt đầu xâm xẩm tối. Xung quanh chỉ là đồi với núi, không có vẻ gì là có người qua lại.

“Để cháu đi bộ ra đường xem có ai cho cháu đi nhờ về thành phố không”. Tôi thực sự không muốn ở lại đây thêm một đêm nữa. Không phải là tôi ngại khổ, tôi chỉ không thích ở xung quanh những người mà mặt lúc nào cũng ảm đạm như đưa đám thế này.

“Để bác hỏi xem nhân viên trung tâm có ai về thành phố”.

Số tôi cũng rất may. Đúng lúc đấy lại có một anh chàng chuẩn bị vào thành phố để mua mấy đồ lặt vặt nên anh cho tôi đi nhờ luôn. Đám bạn tôi cười nhăn nhở khi thấy tôi về.

“Tao tưởng khóa học mười ngày cơ mà Chíp”. Asher trêu tôi.

“Tao học nhanh nên cô cho tốt nghiệp sớm”.

“Em thật kém cỏi. Anh học hai khóa rồi, chuẩn bị đi học khóa thứ ba”. Anders, một anh chàng người Hà Lan đang sống và làm việc ở Nepal, bảo tôi. Anh chàng này đúng là học nhiều quá nên đầu óc có vấn đề. Vấn đề thế nào thì từ từ rồi mọi người sẽ biết.

“Trời, học thế mà anh vẫn chưa thông à?”.

“Sao họ cho phép em về sớm thế?”. Sushil hỏi.

Tôi kể lại cuộc hội thoại với cô giáo.

“Tâm mày mà sáng”. Tất cả đồng thanh. “Có mà sáng như mực. Họ cũng khôn khi cho mày về sớm. Để mày ở lại mấy hôm có mày làm loạn chỗ đấy lên”.

54. Maha Shivaratri

Tiểu lục địa có những ngày lễ quái đản. Một trong số đó là ngày lễ khi mà người ta được phép ăn chơi nhảy múa cả đêm và chính phủ thậm chí còn phát cần sa cho người dân hút. Cũng giống tất cả những ai lần đầu tiên nghe về ngày lễ này, tôi ngay lập tức kêu lên: “Cho mình tham gia với”.

Tiểu lục địa có những ngày lễ quái đản. Một trong số đó là ngày lễ khi mà người ta được phép ăn chơi nhảy múa cả đêm và chính phủ thậm chí còn phát cần sa cho người dân hút. Cũng giống tất cả những ai lần đầu tiên nghe về ngày lễ này, tôi ngay lập tức kêu lên: “Cho mình tham gia với”.

Ngày lễ tôi đang nói đến là Maha Shivaratri, dịch ra tiếng Việt nghĩa là “Đêm của Thần Shiva”. Thần Shiva là một vị thần vô cùng thú vị, có lẽ là vị thần mà tôi thấy thú vị nhất trong số hàng triệu vị thần của đạo Hindu. Shiva có nghĩa là sức mạnh, thần Shiva là vị thần có sức mạnh to lớn nhất trong đạo Hindu, là một trong ba vị thần được tôn thờ nhiều nhất. Tôi nhớ có lần đi cùng mấy người bạn Ấn Độ gặp ở Varanasi, mấy bạn cứ chỉ vào cái cột tròn to và dài bằng khoảng bắp chân được dựng lên ở miếu gốc cây mà tủm tỉm cười: “Chip biết cái này là gì không? Của quý của thần Shiva đấy”. Nghe có vẻ báng bổ nên ban đầu tôi cứ tưởng các bạn ấy đùa. Lúc lên mạng tìm hiểu thêm thì tôi giật mình khi biết nó là thật. Tên gọi của cái cột đấy là Linga, nghĩa là “giới tính” hay “dương vật”, là biểu tượng của vị thần Shiva và cũng là biểu tượng của sức mạnh sinh sản. Linga hay được dựng ở giữa Yoni, một hình vuông vốn là biểu tượng của nữ thần Shakti. Thần Shiva còn được biết đến như vị thần lúc nào cũng say thuốc. Sức mạnh của thần Shiva là sức mạnh hủy diệt, nên để giảm bớt mặt tiêu cực của sức mạnh này, thần Shiva được cho ăn thuốc phiện. Chính vì vậy, trong đêm của thần Shiva, người theo đạo Hindu sử dụng cần sa để tỏ lòng sùng kính với vị thần của mình.

Điểm đông vui nhất để xem Maha Shivaratri là đền Pashupatinath ở Kathmandu với số người tham gia hàng năm lên đến cả trăm người. Sushil làm tình nguyện viên dẫn chúng tôi đi. Ôi chao, đền đông ơi là đông. Tôi đã từng đi một lễ hội khác của đạo Hindu là Thaipusam ở Malaysia với cả triệu người tham gia nhưng có lẽ ở đấy địa điểm rộng nên cũng không thấy đông đến thế. Ngay từ bên ngoài cổng, chúng tôi đã thấy hàng dài cả ngàn người xếp hàng chờ để vào. Sushil dẫn chúng tôi vòng bờ sông đi đường tắt vào chứ chờ thì không biết đến bao giờ.

Đền Pushupatinath là đền của vị thần bảo vệ quốc gia Nepal - thần của các loại động vật. Đây là đền Shiva linh thiêng nhất trên thế giới. Bình thường những người không theo đạo Hindu chỉ được đứng bên kia bờ sông nhìn sang thôi, nhưng hôm nay là lễ hội nên chẳng ai quan tâm. Đền mang kiến trúc đậm chất Nepal với những ngôi đền nhỏ hình lập phương, vuông đều bốn cạnh, lợp hai lớp mái ngói. Kiến trúc sư xây dựng ngôi đền khéo léo kết hợp công trình của mình với những đường uốn khúc của dòng sông Bagmati, dựng lên những cây cầu trữ tình vắt qua sông. Bên bờ sông lãng mạn đó là một khu vực đốt xác chết. Nhìn những xác chết được xếp trên đống củi chờ được thiêu, tôi rùng mình nhớ đến Burning Ghat ở Varanasi. Ngay cạnh đấy có một cụ già chỉ mặc áo mà không hề có gì che nửa dưới của mình, nằm dạng tè he ra đất ngủ ngon lành. Dưới sông, hàng chục người đang tắm rửa. Đi qua cầu, chúng tôi phát hiện ra một đám đông ở trong đám đông: Tức là giữa cảnh hỗn loạn này lại có khoảng vài trăm người vây kín một cái gì đó. Chúng tôi cũng chen vào xem nhưng không tài nào chen được, cũng không tài nào nhìn qua hàng trăm cái đầu xem giữa cái vòng tròn này là cái gì. Bất chợt, Sushil cầm tay tôi kéo đi rồi hét: “Chạy”. Tôi quay lại nhìn thì thấy ở giữa vòng tròn đầy một sadhu mặt mũi hết sức tức giận đang nhảy lên làm gì đó. Bị bất ngờ, đám đông cũng bắt đầu chạy, chạy từ trong chạy ra, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau, không khác gì vỡ đám. Tôi chạy đến nơi an toàn rồi mà vẫn còn run. Chỉ cần chạy chậm một tí nữa thì có khi tôi đã bị đám đông đẩy xô ngã, giẫm lên mà chết rồi.

Mục tiêu chính của tôi ở đây là tìm hiểu xem mọi người buôn bán cần sa như thế nào. Tôi hỏi Sushil:

“Cần sa ở đâu anh?”.

“Ở đây này”. Anh chỉ sang hai bên đường, nơi mà la liệt cả sadhu, cả người thường ngồi với vài điếu thuốc lá đặt trước mặt. “Không có em cứ gặp sadhu nào mắt đỏ au mà hỏi. Nếu họ không bán cần sa thì thế nào cũng chỉ được chỗ cho em mua”.

Trời ạ, nhiều đến mức tôi cứ nghĩ họ bán thuốc lá thường. Cần sa ở đây rẻ bèo, chỉ khoảng 20Rs (khoảng 4000 VND) một điếu. Người bán ở đây rất nhiệt tình, họ sẵn sàng để bạn hút thử trước khi mua.

“Em uống thandai chưa?”.

“Thandai là gì ạ?”.

“Là một loại đồ uống làm từ sữa, hạt hạnh nhân, cần sa với đủ loại gia vị khác. Thandai không thể thiếu trong ngày lễ Maha Shivaratri”.

Chúng tôi tìm mua được thandai từ một sadhu đang ngồi xổm bên bờ sông. Ông không mặc gì ngoài một tấm vải cuốn quanh hông. Khắp người bôi kín tro màu nâu trắng, trán và bụng sơn vàng, tóc dài cuốn thành búi trên đầu kiểu tóc của thần Shiva. Đồ uống có vị rất kỳ cục, vừa có sữa, lại vừa cay cay như thể người ta cho hạt tiêu vào. Tôi uống không nổi.

“Nhà nước phân phát cần sa thật hả anh?”.

“Thật. Họ phát để cúng thôi, vì cần sa là món yêu thích nhất của thần Shiva mà. Còn việc buôn bán thì anh không rõ, hình như bị cấm đó”.

Khi về đến nhà, tôi có lên mạng tìm hiểu thì thấy đúng là có tin chính quyền Nepal cử cảnh sát đi dẹp người buôn bán cần sa, nhưng từ những gì tôi thấy ở đền Pashupatinath thì không biết là cảnh sát không muốn hay không thể dẹp được. Việc Ấn Độ và Nepal được coi là thiên đường cần sa với dân du hành xuyên lục địa là một điều hiển nhiên như thể Italy là thiên đường pizza vậy. Cần sa ở đây rẻ, nhiều, dễ tìm, tuy nhiên chất lượng thì tùy chỗ. Bất cứ người lái xe richshaw hay bán hàng rong nào cũng có thể là cò mồi dẫn bạn đến chỗ người bán. Cảnh sát ở đây lại rất dễ “mua”, chẳng may có bị phát hiện thì chỉ cần đút lót cho họ ít tiền là được.

Lúc chen lấn trong đám đông để đi lên đồi xem nghi lễ dưới dòng sông, bỗng nhiên tôi thấy bàn tay nào đó sờ soạng vào mông mình. Tôi túm lấy bàn tay, rồi quay lại tát thẳng vào mặt chủ nhân của bàn tay đó, hét toáng lên: “Đồ đểu cáng”. Lúc đấy tôi chỉ muốn hét lên thật to để hắn thấy xấu hổ, lần sau hết dám sàm sỡ đàn bà con gái. Lúc đã nguôi giận rồi, tôi mới chợt nhận ra mình đã thay đổi thế nào. Mới cách đây vài năm thôi, tôi còn hiền như cục đất. Nếu như tôi có bị người ta sàm sỡ thì cũng chỉ dám nhìn người ta căm giận thôi chứ không dám làm gì vì xấu hổ. Bây giờ thì hoàn toàn ngược lại. Hễ ai làm gì tôi là tôi làm cho tung tóe lên ngay. Ở Ấn Độ và Nepal thì đàn bà con gái lại hay bị sàm sỡ. Có lẽ đây cũng là một lý do mà ra đường ít thấy phụ nữ.

Ở đây được đến tối, khi tiệc tùng ăn chơi nhảy múa mới bắt đầu, thì chúng tôi quyết định ra về vì mệt quá không chen nổi nữa. Khi ra về qua linga trước đền của thần Shiva, chúng tôi thấy người dân đang vây kín cầu nguyện. Cứ ba tiếng một lần, linga này lại được tắm với năm vật hiến tế linh thiêng tù con bò: sữa, bơ lọc, sữa chua, nước tiểu và phân bò. Nước tiểu và phân bò được coi là vật linh thiêng, thảo nào Nepal bẩn vậy. Sau đó, năm loại đồ ăn bất tử sẽ được cúng phía trước bao gồm: sữa, bơ lọc, sữa chua, mật ong và đường. Cần sa cũng được mang ra cúng. Sushil tranh thủ mua thêm mấy điếu về cho bố mẹ ở nhà. Đạo Hindu quả thực là một tôn giáo vô cùng thú vị.

 
Chương trước Chương tiếp
Loading...