Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

Chương 14



14

Rừng

Mùa thu trôi qua. Một sáng sớm tôi thức dậy, nhìn lên trời – và biết thu đã tàn. Không còn thấy bóng trong trẻo của những đám mây thu, thay vào đó là một đám mây đen dày xuất hiện trên dãy núi phía bắc như một sứ thần mang tin gở. Mùa thu là một vị khách thân thiện và dễ chịu của thành phố, nhưng vị khách ấy mới ở lại vài bữa đã vội vã lên đường.

Tiếp theo những ngày cuối thu là một thời kỳ tạm bợ, không phải thu mà cũng chưa phải đông, một khoảng chân không im lìm khó hiểu. Lớp mền vàng của bầy thú mất dần ánh lấp lánh, ngày một trắng bợt ra như bị tẩy rửa, báo cho con người biết mùa đông đến gần. Tất cả các sinh vật, mọi hiện tượng thiên nhiên chuẩn bị đương đầu với mùa lạnh băng giá ấy: rụt cổ vào, đứng đờ như hóa đá. Mối linh cảm mùa đông đến gần trùm lên đường phố như một lớp màng vô hình. Tiếng gió hú, tiếng xào xạc của cây cỏ, sự im ắng của đêm, và thậm chí tiếng chân người – âm thanh nào cũng nặng nề và lạnh giá, mọi thứ có vẻ như nhắc đến mùa đông, ngay cả tiếng nước róc rách ở bãi bồi vào mùa thu còn vỗ về dịu dàng – giờ đây không thể an ủi tôi nữa. Vạn vật lui vào cái vỏ cứng để tự cứu mình và toát ra một vẻ tối hậu kỳ lạ. Đối với mọi người, mùa đông là một sự kiện đặc biệt, khác với mọi mùa khác. Ngay tiếng chim kêu giờ đây cũng ngắn và sắc, chỉ thỉnh thoáng tiếng vỗ cánh của chúng khuấy động khoảng thinh không lạnh lẽo.

“Trông có vẻ như năm nay chúng ta sẽ có một mùa đông giá buốt”, ông đại tá nói. “Nhìn những đám mây thì biết. Trông kìa, bên kia kìa.”

Ông già cùng tôi đến bên cửa sổ và chỉ lên đám mây đen dày phủ lên rặng núi phía Bắc. “Năm nào cũng thế, cứ vào lúc này là lại có tín hiệu của các đám mây mùa đông xuất hiện trên núi. Như một đội tiền trạm vậy. Nhìn hình những đám mây ấy là đoán trước được độ lạnh của mùa đông sắp đến. Mây dẹt và mịn nghĩa là thời tiết sẽ dễ chịu. Càng dày thì mùa đông càng lạnh. Và đáng sợ nhất là những đám mây có hình con chim dang cánh. Chúng báo hiệu mọi thứ sẽ đông cứng. Hệt như đám mây kia kìa.”

Tôi nheo tịt mắt lại để quan sát bầu trời phía trên dãy núi phía Bắc. Tầm nhìn của tôi tuy lờ mờ nhưng đám mây mà ông già chỉ cho tôi thì vẫn dễ nhận ra. Nó dăng dăng dọc theo triền núi, từ phải qua trái, từ đầu này đến hết đầu kia, ở giữa nhô cao dày đặc như một ngọn núi, và rõ ràng có dáng một con chim dang cánh như ông già nói. Một con ác điểu khổng lồ và xám xịt vút lên qua đỉnh núi bay về phía chúng tôi.

“Một mùa đông giá buốt như thế này năm chục, sáu chục năm chỉ xảy ra một lần. À, cậu không có măng tô phải không?”

“Không, tôi không có”, tôi nói. Tôi chỉ có một chiếc áo khoác vải bông mỏng được người ta phát cho hôm tới thành phố.

Ông đại tá mở tủ, lấy ra một chiếc măng tô quân phục màu xanh lam và đưa tôi. Nó nặng như cùm, và lớp len lông cừu xù xì đâm vào da đau nhói.

“Hơi nặng một chút, nhưng còn hơn không có gì. Tôi mới kiếm về cho cậu đấy. Hy vọng cậu mặc vừa.”

Tôi mặc thử. Áo hơi quá rộng ở vai và nặng khiến tôi loạng choạng vì không được làm quen dần. Nhưng nhìn chung thì cũng vừa người. Vả lại, có còn hơn không, đúng như ông già vừa nói. Tôi cảm ơn.

“Cậu vẫn vẽ bản đồ đấy à?”, ông đại tá hỏi.

“Vâng”, tôi nói. “Hãy còn mấy vùng trống, và tôi muốn làm xong càng nhanh càng tốt. Chả gì thì cũng đã mất khối thì giờ.”

“Tôi cũng không trách cậu vẽ bản đồ. Đó là chuyện của cậu, và nói cho cùng thì cậu cũng chẳng làm phiền ai. Nhưng tôi khuyên cậu chớ đi quá xa khi mùa đông đến. Lúc đó cậu tuyệt đối không được phép rời khỏi khu vực đã quen. Cẩn thận mấy cũng không thừa, nhất là khi đoán trước năm nay cái lạnh thấu xương sẽ tràn về. Thành phố này không phải là quá lớn, nhưng trong mùa đông nó tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm mà cậu chưa lường trước được. Chờ đến mùa xuân hãy hoàn tất tấm bản đồ!”

“Vâng ạ”, tôi nói. “Nhưng bao giờ thì mùa đông bắt đầu cơ chứ?”

“Khi tuyết rơi. Mùa đông đến với những bông tuyết đầu tiên. Và nó chấm dứt lúc tuyết trên bãi bồi tan thành nước.”

“Khi tuyết rơi. Mùa đông đến với những bông tuyết đầu tiên. Và nó chấm dứt lúc tuyết trên bãi bồi tan thành nước.”

Chúng tôi tiếp tục quan sát đám mây trên rặng núi phía bắc và uống cà phê sáng.

“Còn một chuyện rất quan trọng nữa”, ông già nói. “Dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, cậu chớ lại gần tường thành trong mùa đông. Và đừng vào rừng. Chúng vô cùng hùng mạnh trong mùa đông.”

“Có chuyện gì trong rừng?”

“Chẳng có gì”, ông già đáp sau một hồi im lặng. “Tuyệt đối không có gì. Ít nhất là không có gì để cậu hay tôi quan tâm cả. Đối với chúng ta thì rừng hoàn toàn không quan trọng.”

“Không có ai sống trong đó à?”

Ông già mở lò sưởi, gạt bụi, xếp vào đó mấy thanh củi mỏng và than.

“Có lẽ từ tối nay trở đi ta phải sưởi rồi”, ông nói. “Chỗ than và củi này từ rừng mà ra. Ở đó có nấm, trà và các đồ ăn khác. Về mặt này thì mình cần rừng. Nhưng ngoài ra thế là hết. Chẳng có gì nữa.”

“Nhưng cũng có nghĩa là phải có người sống bằng nghề đào than, nhặt củi hay tìm nấm trong rừng chứ, đúng không?”

“Ừ, tất nhiên. Có vài người sống trong đó. Họ cung cấp cho thành phố than, củi, nấm và các thứ khác, còn ta thì cho họ lúa và quần áo. Mỗi tuần có một lần trao đổi hàng hóa ở một địa điểm cố định qua những cá nhân có trách nhiệm. Ta không bắt quan hệ sâu hơn thế. Họ không vào thành phố, còn ta thì không vào rừng. Ta và họ là hai loại người khác nhau hoàn toàn.”

“Khác về điểm nào?”

“Về mọi điểm”, ông già nói. “Khác nhau ở tất cả những gì có thể nghĩ ra được. Cậu phải chú ý, họ chỉ muốn người ta chú ý đến họ. Họ nguy hiểm lắm, chỉ rình gây ảnh hưởng xấu đến cậu. Cậu là người – chà, tôi nói sao đây – chưa cứng cáp. Và chừng nào những gì cần được làm cho cứng cáp vẫn chưa cứng cáp thì cậu không nên dấn thân vào nơi nguy hiểm một cách không cần thiết. Rừng là rừng. Cậu chỉ việc viết lên bản đồ của cậu chữ ‘rừng’ là đủ. Hiểu chứ?”

“Hiểu ạ.”

“Nhưng mùa đông thì không có gì nguy hiểm hơn tường thành. Mùa đông tường thành quây bít thành phố chặt hơn mọi khi. Ta sẽ ý thức một cách rõ rệt và kiên định rằng tường thành khóa chặt ta lại. Tường thành không để lọt mắt nhất cử nhất động xảy ra ở đây. Vì vậy cậu tuyệt đối đừng gây sự với nó, thậm chí chớ có bước lại gần. Tôi sẽ nhắc đi nhắc lại không biết mệt rằng cậu chưa cứng cáp đâu. Cậu còn dao động, còn nghi ngại và giằng xé, cậu hối hận và lộ ra nhược điểm. Mùa đông sẽ là mùa nguy hiểm nhất đối với cậu.”

Nhưng tôi phải tìm hiểu gì về rừng trước khi đông về, dù chỉ là chút xíu. Đã gần đến lúc phải nộp bản đồ cho bóng rồi, và nó bắt tôi phải quan tâm đến rừng. Chỉ còn thiếu rừng, xong đó là bản đồ hoàn thành.

Chậm chạp nhưng kiên quyết, đám mây trên núi xòe rộng đôi cánh và tiến về thành phố. Các tia mặt trời đã mất hẳn ánh vàng lóng lánh. Bầu trời đục ngầu và tăm tối, tựa như ai đó tung lên một lớp tro mịn cản mọi ánh sáng. Tuy nhiên mùa này lại rất dễ chịu cho cặp mắt tổn thương của tôi. Bầu trời không hé ra nữa, báo tố cũng không xé được mây.

Chậm chạp nhưng kiên quyết, đám mây trên núi xòe rộng đôi cánh và tiến về thành phố. Các tia mặt trời đã mất hẳn ánh vàng lóng lánh. Bầu trời đục ngầu và tăm tối, tựa như ai đó tung lên một lớp tro mịn cản mọi ánh sáng. Tuy nhiên mùa này lại rất dễ chịu cho cặp mắt tổn thương của tôi. Bầu trời không hé ra nữa, báo tố cũng không xé được mây.

Tôi đi theo con đường dọc sông để vào rừng và cố gắng đi càng sát tường thành càng tốt để tránh lạc lối. Như thế tôi vừa quan sát rừng vừa có thể chép lại vị trí của tường thành.

Nhưng đúng không phải chuyện ngon ăn. Giữa đường có những hố toang hoác, sâu đến nỗi tưởng như đất sụt, hoặc tôi vấp vào những bụi mâm xôi mọc cao vượt đầu. Đôi khi đầm lầy cắt ngang đường, những con nhện to tướng chăng mạng khắp nơi, dính chặt vào đầu, mặt và tay tôi. Thỉnh thoảng có tiếng sột soạt trong bụi. Cành lá của những cây khổng lồ đan kín trên đầu tôi và nhấn chìm khu rừng vào một màn tối đen như đáy biển. Các loại nấm lớn nhỏ đủ màu sắc bám đầy thân và rễ cây, trông như những vết ghẻ lở kinh tởm.

Nhưng lạ thay, cứ tách tường thành để đi sâu vào rừng là cả một thế giới yên bình và tĩnh lặng mở ra trước mắt tôi. Tất cả chỉ là thiên nhiên nguyên khởi và cuộc sống, hơi thở nhẹ nhàng của đất làm tôi phấn chấn. Thay vì mối nguy hiểm mà ông đại tá khẩn thiết cảnh báo, tôi chỉ thấy cây rừng, cỏ lá, những sinh vật bé xíu, và tôi cảm nhận được vòng tuần hoàn vô tận của cuộc sống và một cái gì đó như sự tiền định gắn chặt nơi mỗi hòn sỏi và mỗi nhúm đất.

Ấn tượng này còn mạnh hơn khi tôi rời xa hơn khỏi tường thành và đi sâu vào rừng. Bóng đen đe dọa biến mất, hình thù gốc cây và màu lá bỗng an bình hơn, tiếng chim hót êm tai trở lại. Cả những khoảng sáng đôi khi hiện ra giữa rừng cũng mất vẻ căng thẳng và tăm tôi như tôi vẫn cảm thấy ở cạnh tường thành. Tôi không rõ những khác biệt ghê gớm ấy có thể gây tác động gì. Có thể uy lực của tường thành xâm hại không khí của rừng, cũng có thể thể chỉ là một vấn đề mang tính sinh thái.

Nhưng đi trong rừng có dễ chịu đến mấy thì tôi cũng không được phép tách hẳn khỏi tường thành. Rừng khá sâu, và nếu tôi bị lạc thì cũng chẳng tìm được các phương trời. Không có đường đi, cũng chẳng có lấy một đánh dấu chỉ hướng. Vì vậy tôi lần mò rất thận trọng, luôn vừa vặn giữ được bức tường trong khóe mắt và chú ý giữ vững khoảng cách ấy. Không thể đơn giản đánh giá rừng là bạn hay thù – tác động vỗ về và dễ chịu ấy biết đâu chỉ là một mẹo lừa tôi đi sâu vào rừng hơn. Dù sao chăng nữa ở thành phố này tôi là một số phận mỏng manh, chưa cứng cáp, như ông đại tá đã nói. Cẩn thận mấy cũng không thừa.

Có thể do tôi chưa thực sự đi thật sâu vào rừng, nhưng quả thật tôi không phát hiện ra một dấu vết nào của những người được coi là sống ở đây, hoàn toàn không. Không một dấu chân, cũng chẳng hề thấy một dấu hiệu nào chứng tỏ có bàn tay người chạm vào. Tôi nửa sợ song cũng nửa hy vọng được gặp họ, nhưng tôi đã mấy ngày trên đường rồi mà vẫn không thấy một dấu hiệu nào chứng tỏ họ tồn tại. Tôi suy ra rằng họ ở sâu trong rừng hơn nữa. Hoặc đã khéo léo tránh mặt tôi.

Vào ngày thứ ba hay thứ tư của chuyến thám hiểm, đúng vào đoạn tường thành mặt đông quặt gấp về hướng nam, tôi phát hiện ra một khoảng trống nho nhỏ ở sát tường. Nó ở đúng chỗ tường rẽ, được tường che lưng và tỏa ra hình nan quạt. Rừng thẳm không động chút nào tới miếng đất nhỏ xíu này, và lạ thay, ở đây không thể nhận ra không khí căng thẳng vốn có ở gần tường. Tất cả đều yên bình và tĩnh lặng như trong rừng sâu. Một tấm thảm mềm như nhung mọng cỏ tươi mát phủ kín mặt đất, trên đầu tôi mở toang một mảnh trời có hình dáng lạ mắt. Ở một góc khoảng trống chắc chắn từng có một ngôi nhà, vì còn thấy phần sót lại của móng nhà bằng đá. Tôi chăm chú ngắm những gì còn sót lại và nhận ra đó từng là một ngôi nhà tử tế, thậm chí khá rộng rãi. Ít nhất cũng không phải một túp lều tạm bợ. Tôi nhận ra ba phòng có tường ngăn, bếp, nhà tắm và tiền sảnh, và có thể tưởng tượng ra ngày xưa trông ngôi nhà ra sao. Song tôi không rõ ai đã xây một ngôi nhà ở xó xỉnh sâu trong rừng, với mục đích gì, và tại sao lại bỏ nó mà đi.

Phía sau nhà bếp có một giếng đá, nhưng đã bị lấp đầy đất và cỏ mọc um tùm. Nhất định người bỏ nhà ra đi cũng lấp luôn giếng. Ai mà biết được tại sao.

Tôi ngồi xuống, tựa lưng vào rẻo tường sương gió và nhìn lên trời. Gió thổi từ dãy núi phía bắc lại, khiến cành lá đung đưa sột soạt. Mây dày mọng nước chậm chạp trôi qua. Tôi bẻ cổ áo lên và dõi mắt theo mây bay.

Sau ngôi nhà đổ là tường thành vút cao. Lần đầu tiên trong rừng tôi tiến sát tường đến thế. Quả thật nó như một sinh vật, lại gần như thấy hơi thở phập phồng. Trong lúc ngồi đó giữa một khoảng trống trong Rừng Đông, dựa vào thành giếng lắng nghe tiếng gió và ngắm bức tường, tôi tin vào lời ông gác cổng. Nếu thực sự trên thế giới này có gì đấy được coi là hoàn hảo thì đó là bức tường thành này. Có vẻ như nó đã đứng đó từ ngàn đời, như những đám mây trôi ngang trời, như cơn mưa xói vào đất thành sông.

Bức tường thành quá kỳ vĩ để có thể thu gọn lên một trang giấy, hơi thở của nó quá mãnh liệt và đường cong quá thanh tao. Cứ mỗi lần định vẽ tuyến đi của tường thành vào vở là tôi bối rối bởi một cảm giác bất lực vô biên. Nhìn từ mỗi góc, bức tường lại thay đổi hình dáng đến khó tin, đó là lý do để tôi hầu như không thể nắm bắt được nó một cách chính xác.

Tôi nhắm mắt, cố ngủ một chút. Tai tôi vẫn nghe tiếng thét gào của gió, nhưng cây và tường chắn hộ tôi cái lạnh. Trước khi thiếp đi tôi nhớ đến bóng mình. Tôi sắp phải nộp bản đồ rồi. Dĩ nhiên là các chi tiết chưa được chính xác, những vị trí của rừng cây gần như còn để trắng, nhưng mùa lạnh đã tới trước cửa, và vào mùa đông thì tôi sẽ không thể có cách nào để tiếp tục chuyến khảo cứu này. Tôi đã vẽ vào vở hình dạng tương đối của thành phố, vị trí và hình ảnh các công trình trong đó và ghi chép lại tất cả những thông tin nào có thể moi ra được.

Tôi không chắc ông gác cổng có cho phép tôi gặp bóng không, nhưng dù sao thì ông cũng đã hứa là tôi được phép tới thăm bóng khi ngày ngắn đi và năng lượng của bóng mất dần. Giờ đây, khi mùa đông sắp đến, có vẻ như những điều kiện ấy đã được đáp ứng.

Rồi tôi nhắm mắt lại, nghĩ đến cô thủ thư. Song càng nghĩ đến cô thì cảm giác mất mát càng trỗi dậy. Tôi không tìm được nguyên cớ phát sinh và xuất hiện cảm giác ấy, nhưng tôi biết chắc chắn đó là cảm giác mất mát thuần túy. Dường như tôi liên tục mất đi một cái gì đó nơi cô, không cứu vãn nổi.

Ngày nào tôi cũng gặp cô, nhưng ngay thực tế đó cũng không lấp đầy được khoảng trống ngày càng hoác ra trong tôi. Những lúc tôi đọc mơ trong phòng thư viện thì cô luôn bên cạnh. Chúng tôi cùng ăn tối, dùng thức uống nóng và sau đó tôi tiễn cô về nhà. Dọc đường đi chúng tôi kể đủ thứ chuyện trên trời dưới bể. Cô kể cho tôi nghe về bố mình, về hai cô em gái, về cuộc sống thường nhật.

Tuy nhiên lần nào đến trước cửa nhà và chúng tôi chia tay nhau thì cảm giác mất mát của tôi lại mạnh hơn bao giờ hết. Tôi không hiểu nổi tâm trạng phi lý đó. Cái giếng quá sâu và tối, có đổ bao nhiêu đất cũng không lấp đầy được.

Tuy nhiên lần nào đến trước cửa nhà và chúng tôi chia tay nhau thì cảm giác mất mát của tôi lại mạnh hơn bao giờ hết. Tôi không hiểu nổi tâm trạng phi lý đó. Cái giếng quá sâu và tối, có đổ bao nhiêu đất cũng không lấp đầy được.

Tôi đoán cảm giác đó liên quan đến trí nhớ của tôi đã mất đi. Ký ức của tôi muốn tìm hiểu gì đó về cô nhưng tôi không thể tìm ra câu trả lời, và chính sự chống chếnh ấy để lại trong tâm hồn tôi một khoảng trống vắng khó lấp đầy. Song hiện giờ tôi không được phép bận tâm với vấn đề này. Ngay bản thân tôi cũng còn quá yếu ớt và ngỡ ngàng.

Tôi gạt tất cả các ý nghĩ phức tạp ra khỏi đầu rồi chìm vào giấc ngủ.

Khi tôi tỉnh dậy, trời lạnh bất ngờ. Tôi run cầm cập và kéo vạt áo lại cho kín. Trời tối dần. Tôi đứng dậy phủi cỏ trên người – đúng lúc bông tuyết đầu tiên sạt qua má. Ngước mắt lên trời, tôi thấy mây treo thấp hơn mọi khi nhiều, âm u và ảm đạm hơn. Những bông tuyết dày uể oải đung đưa trong gió và chập chờn gieo xuống đất. Mùa đông đến rồi.

Trước khi đi tiếp, tôi ngắm bức tường lần nữa. Những bông tuyết rơi từ bầu trời u ám khiến bức tường trông hoàn hảo hơn lúc thường. Tôi ngước lên và cảm thấy hàng nghìn cặp mắt của bức tường ngó xuống mình. Như một con thú nguyên thủy vừa thức giấc và chặn đứng trước mặt. Dường như nó hỏi tôi: Tại sao mi ở đây? Mi tìm gì?

Nhưng tôi không thể trả lời những câu hỏi ấy. Giấc ngủ ngắn trong không khí giá buốt đã rút hết hơi ấm của cơ thể. Cảm giác trong đầu như bị lấp kín bởi một chất đặc quánh, như không phải đầu của tôi. Mọi thứ nặng nề và chập chờn.

Trong khi cắt đường xuyên rừng tôi cố gắng không nhìn lên tường thành và tìm cách đến Cửa Đông thật nhanh. Đường dài, bóng tối ngày càng dày đặc hơn. Cảm giác thăng bằng cơ thể vốn mỏng manh nay đã mất hẳn. Dọc đường tôi phải nghỉ lấy hơi nhiều lần để đủ sức bước tiếp và tụ hội lại các dây thần kinh như đã bị bóc trần trụi tả tơi. Thêm nữa là cảm tưởng có gì đó lẩn quất trong hoàng hôn đè nặng lên mình. Tôi tin đã nghe thấy tiếng tù và vọng vào tận rừng – nhưng âm thanh ấy xuyên qua tôi, không chạm vào tôi.

Rốt cuộc khi đến bìa rừng và đi ra bờ sông, tôi thấy mặt đất đã đen kịt. Không trăng, không sao, chỉ có gió tuyết và tiếng nước xiết lạnh lẽo tràn ngập không gian. Sau lưng tôi là cánh rừng u ám, cây cối nghiêng ngả trong gió. Tôi không nhớ đã mất bao nhiêu thì giờ để chạy lại đến thư viện. Cái duy nhất mà tôi biết rõ là tôi đã miên man đi suốt dọc bờ nước, cứ thế mà đi không nghỉ. Những nhành liễu đu đưa trong gió, trên đầu tôi là gió gào. Con đường trải dài vô tận.

Cô thủ thư đặt tôi ngồi trước bếp lò và áp tay lên trán tôi. Tay cô lạnh như ma, đầu tôi đau buốt như bị đâm một mũi dao bằng nước đá. Bất giác tôi toan gạt tay cô ra cho hết đau, song tay tôi không nâng lên nổi, và cố gắng hết sức khiến tôi suýt nôn.

“Anh sốt cao kinh khủng”, cô nói. “Anh đi đâu lâu vậy?”

Tôi muốn đáp nhưng mọi câu chữ đã biến mất khỏi đầu. Thậm chí lời của cô tôi cũng không hiểu hết.

Cô vơ đâu đó mấy tấm mền quấn quanh người tôi và để tôi nằm ngủ trước lò sưởi. Tóc cô quét vào má tôi. Tôi không muốn mất cô, tôi nghĩ, nhưng tôi không rõ suy nghĩ đó có bắt nguồn từ ý thức hệ của mình hay chỉ đột ngột bắn ra từ một mảnh ký ức xa xưa. Tôi đã mất quá nhiều, và tôi quá kiệt quệ. Hoàn toàn bất lực, tôi nhận thấy ý thức của mình đang vuột đi một cách chậm chạp nhưng bất khả kháng. Tôi muốn trỗi dậy nhưng cơ thể níu chặt lấy. Một cảm giác bị phân thân khó tả. Tôi phó thác mình đâu đây, vào ý thức hay cơ thể? Tôi không biết.

Côi cầm tay tôi suốt buổi.

“Ngủ đi”, tôi nghe tiếng cô. Những âm thanh từ góc sâu thẳm nhất của đêm đen, lê thê mãi mới đến tai tôi.
Chương trước Chương tiếp
Loading...