Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới
Chương 20 + 21
20 Cái Đích Của Những Con Thú Đã có vài con trong đàn chết rồi. Buổi sáng sau trận tuyết lớn đầu tiên, thân hình mấy con thú già lông vàng điểm trắng nằm dưới một lớp tuyết dày năm phân. Ánh nắng ban mai xuyên thủng màn mây, khiến phong cảnh buốt giá cứng đờ sáng rực hẳn lên. Hơi thở trắng của bầy thú hơn một nghìn con phất phơ trong nắng. Tôi bừng mắt trước khi trời sáng rõ và nhìn thấy thành phố trong bộ áo dài tuyết trắng. Một hình ảnh choáng ngợp. Tháp đồng hồ đen trồi lên trên nền phong cảnh trắng, chếch bên dưới là dòng sông uốn khúc. Mặt trời chưa lên, bầu trời còn giăng kín mây. Tôi khoác măng tô, xỏ găng tay, đi xuống thành phố qua những phố ngõ không một bóng người. Nhất định tuyết rơi không gây tiếng động trong khi tôi ngủ. Chưa thấy một vết chân nào giẫm lên. Tôi vốc một nắm tuyết. Tuyết mềm và xốp như đường mịn. Mấy vũng nước tù dọc sông đã đông cứng, đây đó tuyết rải trên lớp băng mỏng. Ngoài hơi thở trắng của tôi, không có gì động đậy trong thành phố này. Không có gió thổi. Thậm chí không thấy lấy một con chim. Chỉ có tiếng chân tôi vọng lại từ tường nhà, nghe ồn ồn một cách thiếu tự nhiên như qua tăng âm. Tôi gặp ông gác cổng trên quảng trường trước cổng thành. Ông nằm dưới chiếc xe đẩy mà ông và bóng của tôi đã cùng nhau sửa, đang tra mỡ vào trục. Trên xe chở các bình gốm dùng để đựng dầu cải. Người ta đã lấy thừng cột chúng vào thành xe cho khỏi đổ. Tôi không hiểu ông gác cổng cần nhiều dầu như vậy để làm gì. Ông ngó dưới gầm xe ra và giơ tay chào. Trông có vẻ đang vui. “Hôm nay cậu dậy sợm thế. Cơn gió lành nào đưa cậu tới đây vậy?” “Tôi muốn ngắm phong cảnh ở đây khi có tuyết”, tôi nói. “Từ trên đồi nhìn xuống thấy gì cũng đẹp.” Ông gác cổng cười phá lên và đặt bàn tay hộ pháp lên vai tôi như mọi khi. Tay ông không đeo găng. “Cậu cũng lạ thật! Leo xuống tận đây để ngắm phong cảnh tuyết, trong khi từ giờ trở đi tha hồ mà ngắm tuyết cho đến khi phát ớn thì thôi.” Ông ngó về phía cổng thành một hồi, thở hơi trắng xóa như đầu tầu hơi nước. “Nhưng cậu đến cũng vừa vặn! Trèo lên tháp canh đi, ở ngoài kia sắp có rất nhiều thứ để xem. Lần đầu tiên trong mùa đông năm nay. Chú ý xem khi tôi thổi tù và nhé!” “Lần đầu tiên?” “Rồi cậu sẽ thấy.” Không biết chuyện gì, tôi cứ thế leo lên tháp canh cạnh cổng thành và ngắm thế giới bên ngoài. Trên các ngọn cây táo phủ nhiều tuyết, trông như mây đọng. Cả rặng núi phía nam và phía bắc đều trắng toát, và rẻo đá không bị tuyết phủ hiện lên như vết sẹo trên sườn núi. Như mọi khi, bầy thú ngủ ngay dưới chân tháp canh. Chúng nằm trên mặt đất, vó thu vào, sừng thẳng tắp trắng như tuyết chĩa về phía trước. Dường như giấc ngủ quá mê mệt để chúng nhận ra lưng phủ đầy tuyết. Mây trên đầu tôi đang dần giãn mỏng đi, mặt trời bắt đầu hé ra và sưởi ấm mặt đất. Mặc dù vậy tôi vẫn cố bám lại trên tháp canh với đôi mắt nhạy cảm của mình để ngắm phong cảnh. Mới chỉ có vài tia mặt trời đơn lẻ như tia đèn pha nhỏ, mà tôi thì muốn xem “rất nhiều thứ” như lời ông gác cổng đã khuyên. Rốt cuộc ông cũng mở cổng thành và thổi tù và như mọi hôi, một hồi dài và ba hồi ngắn. Bầy thú thức dậy sau âm thanh đầu tiên và quay về hướng tiếng tù và vọng đến. Nhìn những đám hơi trắng chúng thở ra có thể nhận ra là cơ thể chúng đang dồn năng lượng ột ngày mới. Trong khi ngủ, chúng chỉ cần một phần rất nhỏ của lượng khí thở ấy. Khi bầy thú biến mất qua cổng thành, tôi hiểu ông gác cổng định chỉ cho tôi xem gì. Một vài con thú vẫn nằm lại như ngủ quên. Giờ thì tôi nhận ra chúng đã chết cóng. Nhưng trông chúng không như chết rồi, mà còn đang chăm chú ngẫm nghĩ về những vấn đề lớn lao. Song chúng không tìm được giải pháp nào nữa. Từ mõm và mũi chúng không còn tỏa ra hơi thở trắng. Chúng đã ngừng mọi cử động, ý thức của chúng đã chìm đắm vào đêm đen mịt mù. Những con khác đi qua cổng thành và bỏ lại các xác chết như những khối u nhọt của mặt đất, phủ tấm liệm bằng tuyết trắng. Chỉ có những cái sừng là vẫn chĩa lên một cách sinh động khó tả. Khi đi ngang qua, đa số các con thú còn sống sót cúi đầu thật thấp hoặc dũi mõm xuống đất. Chúng buồn bã vì cái chết của đồng loại. Tôi đợt mặt trời lên cao hơn, đẩy gần hết bóng tường thành và lặng lẽ tỏa hơi ấm cho tuyết trên mặt đất dần tan. Suốt buổi tôi quan sát những xác chết im lìm. Tôi đợi ánh nắng sớm mai cũng làm tan chúng như tan đám tuyết, để chúng vùng dậy từ cõi chết và bắt đầu chuyến du hành mỗi sáng, tựa như chẳng có gì xảy ra. Nhưng chúng không thức dậy. Chỉ lớp lông vàng ướt nhoẹt của chúng đón lấy tia nắng và tỏa sáng mãi mãi. Cũng là lúc mắt tôi bắt đầu thấy đau. Tôi trèo khỏi tháp canh, đi qua sông, leo lên Đồi Tây trở về nhà. Bây giờ tôi biết là mặt trời sáng sớm làm hại mắt hơn tôi tưởng. Tôi nhắm mắt lại; nước mắt đầm đìa tuôn thành dòng, không sao kìm nổi. Tôi vấp và khuỵu xuống. Tôi rửa mắt bằng nước lạnh – vô ích. Tôi kéo tấm rèm nặng che cửa sổ và ngó đăm đăm hàng vài tiếng đồng hồ vào những đường nét và hình bóng kỳ quái ẩn hiện trong bóng tối, trong khi vẫn nhắm mắt và không hề có cảm giác gì về khoảng cách. Ông đại tá già gõ cửa lúc mười giờ và bưng khay cà phê vào. Thấy tôi nằm sấp trên giường, ông lấy một cái khăn ướt lạnh day mi mắt tôi. Tôi thấy đau nhói sau tai, nhưng hình như nước mắt bớt tiết ra. “Cậu lại làm cái trò quỷ gì vậy hả?”, ông già hỏi. “Mặt trời sáng sớm chói hơn cậu tưởng. Nhất là khi có tuyết. Cậu thừa biết là mắt ‘người đọc mơ’ không chịu được ánh sáng chói, vậy tại sao còn ra ngoài làm gì?” “Tôi ra chỗ bầy thú”, tôi nói. “Những con thú chết. Tám, chín con. Không, nhiều hơn.” “Và sẽ còn nhiều nữa. Sau mỗi lần tuyết rơi.” Tôi lật người lên, kéo chăn khỏi mặt và hỏi ông già: “Tại sao chúng dễ chết vậy?” “Chúng yếu nhược vì lạnh và đói. Xưa nay vẫn thế.” “Thế chúng có tuyệt chủng không?” Ông già lắc đầu. “Chúng đã sống hàng bao nghìn năm ở đất này, và sẽ chẳng có gì thay đổi cả. Cứ mùa đông thì nhiều con chết, nhưng lại nhiều con sinh ra trong mùa xuân. Con già nhường chỗ cho con trẻ, chẳng có gì lạ. Số súc vật sống ở đây có hạn chế vì chúng chỉ có một lượng thức ăn nhất định do thành phố đem lại, đó là các loại cây cỏ mọc ở đây.” “Tại sao chúng không chuyển đi nơi khác? Trong rừng có vô số cây cối, và nếu xuống miền Nam ít tuyết hơn thì ở đấy cũng bớt lạnh hơn. Chúng có bị trói lại ở đây đâu!” “Tôi cũng không giải thích được điều ấy”, ông già nói. “Chỉ biết là bầy thú không thể rời khỏi thành phố. Chúng thuộc về đất này, bị cầm tù ở đây. Giống như tôi và cậu. Linh tính của chúng cho biết rằng chúng không thể rời bỏ thành phố, chúng biết, con nào cũng biết. Cũng có thể chúng không ăn được các loại cây cỏ khác với những loại mọc ở đây. Hoặc chúng không vượt qua nổi sườn đá vôi trải dài về phía Nam. Dù vì cớ gì chăng nữa, chúng hoàn toàn không thể đi khỏi chốn này.” “Các xác chết thì sao?” “Ông gác cổng sẽ đốt”, ông già đáp, sưởi ấm bàn tay to và xù xì của mình bên chén cà phê. “Thậm chí từ giờ trở đi đó sẽ là công việc chính của ông ấy. Trước tiên ông ấy cắt đầu những con chết, nạo óc và mắt ra rồi nấu đầu lâu trong một cái nồi lớn cho đến khi róc hết xương. Phần xác còn lại ông ấy sẽ chất đống, tưới dầu cải lên để thiêu.” “Sau đó đầu lâu sẽ chứa các giấc mơ xưa và đặt trong kho thư viện, đúng không ạ?”, tôi hỏi ông già, mắt vẫn nhắm tịt. “Tại sao, tại sao lại dùng đầu lâu?” Ông già không đáp. Tôi chỉ nghe tiếng ván sàn kẽo kẹt dưới bước chân ông. Ông chậm chạp đi xa giường và im lặng đứng đâu đó gần cửa sổ. Một hồi lâu, tất cả im phăng phắc. “Cậu sẽ hiểu, nếu cậu hiểu các giấc mơ xưa là gì”, ông già nói. “Tôi định nói là tại sao những giấc mơ ấy được bảo quản trong đầu lâu thì tôi không giải thích cho cậu được. Cậu là người đọc mơ cơ mà. Cậu phải tự tìm câu trả lời.” Tôi lấy khăn lau nước mắt và mở mắt ra. Hình ông già nhoèn nhoẹt bên cửa sổ. “Trong mùa đông cậu sẽ hiểu rõ nhiều chuyện hơn”, ông già tiếp lời. “Cậu yêu hay ghét thì tùy cậu, song đó là tiến trình của muôn vật. Trời sẽ tiếp tục có tuyết và bọn thú sẽ tiếp tục chết. Không ai thay đổi được. Chiều nay cậu sẽ thấy cột khói bay lên từ đống xác thiêu. Suốt cả mùa đông, ngày nào cũng thế. Tuyết trắng và khói đen.”Chương 21 Lắc Bạc, Ben Johnson, Con Quỷ Sau tủ tường là bóng tối tràn ngập như tôi đã chứng kiến buổi đầu, tuy nhiên lần này – có thể vì tôi đã biết đến sự tồn tại của ma đen – bóng tối dày đặc và lạnh giá hơn gấp bội. Không thể có đêm đen nào hoàn hảo hơn. Trước khi con người xua được bóng tối khỏi mặt đất bằng cách thắp sáng những con đường đô thị, lắp đèn nê ông quảng cáo và chiếu sáng ô kính bày hàng, có lẽ thế giới đầy những khoảng tăm tối như thế này. Cô gái leo xuống thang trước tôi. Với chiếc máy đuổi ma đen cất rất sâu trong túi áo mưa và dây đeo đèn pin lớn vắt chéo vai, cô nhanh nhẹn trèo thang một mình vào bóng tối, đế ủng cao su của cô kêu kin kít. Một lát sau, tiếng cô vọng từ dưới lên xuyên qua tiếng nước chảy: “Được rồi, ông xuống đi!” Rồi cô hoa ánh đèn vàng lên. Hang hôm nay có vẻ sâu hơn so với ký ức của tôi. Tôi cất đèn pin đi và bắt đầu trèo xuống. Các bậc thang vẫn ướt như lần trước, phải chú ý để khỏi trượt chân. Vừa trèo xuống tôi vừa nhớ đến đôi trai gái trong chiếc Nissan Skyline và nghe nhạc của Duran Duran. Họ chẳng biết gì. Không thể hình dung ra tôi đang trèo xuống hang động tối đen với một chiếc đèn pin và dao găm, một tay ép lên vết thương. Họ chỉ biết đến đồng hồ tốc độ và những bản nhạc Pop vô hại đang leo lên hay tụt xuống trong bảng xếp hạng, và nghĩ đến lần làm tình sắp tới, nhớ lại lần làm tình vừa xong. Không phải là tôi định phê phán họ. Đơn giản là họ chẳng biết gì. Giả sử chính tôi cũng chẳng biết gì thì tôi cũng đỡ phải làm việc này. Tôi tưởng tượng ra mình ngồi sau tay lái chiếc Skyline, cạnh cô gái, và phóng xe qua thành phố đêm trong tiếng nhạc của Duran Duran. Liệu cô gái khi làm tình có cởi hai lắc bạc ra không nhỉ? Hy vọng là không, tôi nghĩ bụng. Sau khi cô cởi quần áo, hai lắc bạc này phải ôm lấy khớp tay trái như một phần cơ thể cô vậy. Nhưng có lẽ cô sẽ trút đôi lắc ra. Khi tắm thì phụ nữ trút mọi thứ trên mình xuống. Vậy thì tôi phải ngủ với cô ta trước khi tắm. Hoặc dặn cô đừng bỏ chúng ra. Tôi không rõ trong hai khả năng này nên làm gì hơn, nhưng nhất định tôi sẽ thuyết phục cô cứ giữ lắc trên tay. Rất quan trọng. Tôi tưởng tượng ra mình sẽ ngủ với cô gái đeo lắc bạc. Do không thể nào nhớ ra mặt cô nên tôi tắt đèn trong phòng. Rất tối, khó nhận ra mặt cô ta. Sau khi tôi cởi chiếc áo lót óng ánh tím hay xanh hay trắng của cô ra, đôi lắc bạc là thứ duy nhất còn trên người cô. Chúng lấp lánh trong bóng tối, ngân lên một âm thanh rất trong trẻo và dễ chịu trên vải trải giường. Trong khi leo xuống thang với những ý nghĩ đó trong đầu, tôi cảm thấy dương vật mình cộm lên dưới áo mưa. Sướng nhỉ, tôi thầm nghĩ. Tại sao lại vào đúng lúc này, trên cái thang khốn nạn này? Tại sao không vào lúc mình nằm trên giường cạnh cô thủ thư – cô gái bị giãn bao tử? Thật không ngờ hai cái lắc bạc vớ vẩn lại công hiệu như vậy. Và lại đúng vào thời điểm thế giới chuẩn bị đến bước tận cùng. Khi tôi xuống đến chân thang và đi ra phiến đá phẳng, cô gái chiếu đèn ra xung quanh. “Bọn ma đen đang lẩn quất đâu đây”, cô nói. “Nghe chắc chắn có tiếng chúng.” “Nghe tiếng chúng?” “Có tiếng nhem nhép rất khẽ, tựa như tiếng mang cá đóng mở. Khẽ thôi, nhưng nếu thật chú ý thì ta vẫn nghe được. Cộng thêm không khí xung quanh có mùi nữa.” Tôi dỏng tai lên và hít hít nhưng không nghe và ngửi thấy gì. “Phải quen rồi mới biết”, cô gái nói. “Khi ấy thậm chí người ta có thể nghe thấy chúng chuyện trò với nhau. Đúng hơn là nghe thấy sóng âm, như của loài dơi. Nhưng khác với dơi ở chỗ một phần tần số âm thanh ấy nằm trong khoảng nghe được đối với tai người. Bọn ma đen có thể chuyện trò với nhau thực sự.” “Làm sao các ký hiệu sư có thể bắt liên lạc với ma đen? Cần phải có một ngôn ngữ chứ?” “Chế ra một cái máy thì sẽ làm được. Máy này chuyển sóng âm của ma đen thành giọng nói và giọng người thành sóng âm. Chắc là bọn ký hiệu sư đã chế được một cái máy như thế. Kể cũng là một việc đơn giản đối với ông tôi, nhưng ông tôi không thích.” “Tại sao vậy?” “Vì ông tôi không muốn nói chuyện với bọn chúng. Ma đen là bọn xấu xa. Những gì chúng nói ra cũng xấu xa. Bọn chúng ăn xác thối và xác mục rữa và uống nước thải. Ngày xưa chúng sống dưới các nghĩa địa và ăn thịt người chết, cho đến khi người ta chuyển sang hỏa táng.” “Nghĩa là chúng không ăn người sống?” “Nếu chúng bắt được ai thì chúng ngâm vào nước và ăn những chỗ nào đã rữa ra.” “Thú vị thật”, tôi thở dài. “Bây giờ tôi chỉ muốn quay lại thôi, muốn ra sao thì ra!” Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục tiến lên dọc suối. Cô gái đi trước, tôi bám sau. Mỗi lần tôi hướng đèn pin vào lưng cô là bông tai to bằng cái tem thư của cô lại lóe sáng. “Đôi bông tai này to thế, cô không thấy nặng à?”, tôi nói từ phía sau. “Tôi quen rồi”, cô đáp. “Giống như chim của đàn ông ấy mà. Đã bao giờ ông thấy chim mình nặng quá không?” “Tôi không thấy thế. Không.” “Thấy chưa.” Chúng tôi im lặng hồi nhau. Cô gái đi nhanh như thuộc đường và chiếu sáng cho tôi. Tôi chiếu đèn vào từng chỗ đặt chân lên và theo sau cô một cách vất vả. “Này, mỗi khi đi tắm cô có tháo bông tai ra không?”, tôi hỏi để khỏi bị bỏ rơi. Cô gái chỉ đi chậm lại khi nói chuyện. “Không”, cô nói. “Tôi không tháo ra. Hoàn toàn khỏa thân, chỉ có bông tai thôi. Thế mới gợi cảm chứ?” “Đúng”, tôi vội nói. “Tôi nghĩ thế.” “Ông toàn làm từ phía trước? Mặt đối mặt?” “Nói chung là thế.” “Nhưng thỉnh thoảng cũng từ phía sau?” “Đôi khi.” “Còn có rất nhiều tư thế nữa, phải không? Làm ngồi, đàn ông ở dưới, ngồi trên ghế…” “Thị hiếu vốn khác nhau, cơ hội cũng khác nhau.” “Tôi không hiểu gì về tình dục”, cô nói. “Tôi chưa thấy bao giờ, và cũng chưa làm bao giờ. Không ai dạy tôi cả.” “Tình dục không học được. Người ta phải tự khám phá”, tôi nói. “Nếu cô tìm được bạn trai và ngủ với anh ta thì mọi việc sẽ tự đến.” “Tôi không thích thế”, cô nói. “Nói thế nào nhỉ… tôi thích quyền lực và sức mạnh. Tôi thích bị chế ngự, bị đè bẹp. Không thích việc sẽ tự đến.” “Cô ở quá lâu bên cạnh một ông già, một người thiên tài và đầy quyền lực. Nhưng thế giới này không chỉ có những người như vậy. Đa số mọi người ở hạng trung bình, sống qua ngày đoạn tháng, ngơ ngác tìm đường. Như tôi chẳng hạn.” “Ông không thế. Với ông thì được. Tôi đã nói hôm đầu tiên rồi, đúng không?” “Ông không thế. Với ông thì được. Tôi đã nói hôm đầu tiên rồi, đúng không?” Tôi quyết định gạt mọi ý nghĩ về tình dục ra khỏi đầu. Của tôi vẫn cương cứng, nhưng có ích gì đâu trong bóng tối đen thui dưới lòng đất này? Đã thế lại còn vướng víu trong khi đi. Tôi đổi đề tài. “Cái máy này phát ra sóng âm khó chịu đối với ma đen, phải không?” “Đúng thế. Chừng nào ta phát sóng thì chúng nó không dám lại gần quá mười lăm thước. Ông đừng đi cách xa tôi quá mười lăm thước nhé. Không thì chúng sẽ tóm ông, dìm xuống giếng và ăn dần từ những chỗ bị thối rữa. Chắc là ông rữa trước tiên ở phần bụng, chỗ có vết thương. Bọn này có móng và răng cực kỳ sắc. Như một hàng lưỡi khoan vậy.” Tôi vội tiến lên sát cô. “Vết thương còn đau không?”, cô hỏi. “Uống thuốc giảm đau rồi thì cũng đỡ một chút. Cử động mạnh lại nhói lên, nhưng nhìn chung cũng ổn”, tôi trả lời. “Nếu mình tìm được ông tôi thì ông sẽ tắt cơn đau đi.” “Ông cô? Làm thế nào?” “Dễ thôi. Ông tôi hay làm với tôi. Ví dụ như khi tôi bị đau đầu kinh khủng. Ông phát một tín hiệu vào ý thức hệ để tắt cơn đau. Cảm giác đau là một thông điệp rất quan trọng đối với cơ thể, không nên bị tắt thường xuyên, nhưng lần này là trường hợp khẩn cấp mà.” “Nếu được thì tôi rất hoan nghênh”, tôi nói. “Tất nhiên là trước tiên phải tìm được ông tôi đã”, cô gái nói và vừa lia luồng đèn sáng quắc sang hai bên vừa vững chân tiến lên ngược suối. Hai bên vách đá toác ra nhiều kẽ nứt để lộ những con đường rẽ và vô số hang động kỳ bí. Nước rỉ ra từ những kẽ đá, tụ lại thành dòng lắt nhắt chảy dồn xuống suối. Hai bên bờ phủ đầy rêu ướt nhoét như bùn, có màu xanh đến khó hiểu. Tôi không thể đoán ra vì sao lớp rêu lại có nổi màu sắc ấy khi quá trình quang hợp không thể diễn ra. Rõ ràng lòng đất có quy luật riêng của nó. “Cô có nghĩ rằng bọn ma đen biết chúng ta đang đi ở đây không?” “Dĩ nhiên”, cô gái mũm mĩm thản nhiên nói. “Ở đây là nhà chúng mà lại. Không có gì xảy ra trong lòng đất mà chúng không biết cả. Chúng ở khắp nơi và quan sát chúng ta, tôi nghe tiếng chúng khắp nơi.” Tôi rọi đèn pin lên vách đá xung quanh nhưng không thấy gì ngoài những mỏm đá xù xì hình thù kỳ quái và rêu. “Bọn nó nấp trong hang động và sau những khúc rẽ, nơi ánh sáng không xuyên tới được”, cô nói. “Chắc là cả ở phía sau mình.” “Máy phát tín hiệu chạy bao lâu rồi?”, tôi hỏi. “Mười phút”, cô nhìn đồng hồ và nói. “Mười phút hai mươi giây. Không lo, năm phút nữa là mình đến nơi.” Đúng năm phút sau chúng tôi đến trước thác nước. Như lần trước, hầu như nó không gây ra tiếng động nào. Máy tắt âm thanh có lẽ vẫn hoạt động. Chúng tôi trùm mũ lên đầu, thắt chặt dây dưới cằm, đeo kính bảo hộ và đi xuyên qua thác nước không tiếng ồn. “Lạ thật”, cô gái nói. “Máy tắt âm thanh vẫn chạy, như vậy phòng thí nghiệm không hề bị phá. Giả sử bọn ma đen đột nhập vào đây thì chúng đã đập bét nhè mọi thứ. Bọn nó căm thù phòng thí nghiệm này lắm.” Như để xác nhận lời phỏng đoán ấy, cửa phòng thí nghiệm vẫn khóa chặt. Nếu bọn ma đen lọt được vào trong thì khó có thể chúng đóng cửa lại cẩn thận khi ra khỏi. Không – nhất định ai khác đã bất ngờ tấn công vào đây. Cô gái thận trọng xoay ổ khóa số trên cửa rồi mở ra bằng một chìa khóa điện. Trong phòng tối om và lạnh lẽo, có mùi cà phê. Cô nhanh tay đóng cửa, cài then và bật đèn sau khi chắc chắn là cửa đã khóa chặt. Phòng thí nghiệm ở trạng thái bừa bộn hệt như văn phòng bên trên và nhà tôi. Giấy tờ bay lộn xộn trên sàn, đồ gỗ lật nhào, bát đĩa tan tành, thảm bị lật lên, và ai đó đổ cả một xô đầy cà phê lên trên. Không rõ vì sao giáo sư nấu nhiều cà phê như vậy. Có một sự khác biệt căn bản với văn phòng bên trên và nhà tôi: người ta đã phân biệt rạch ròi những gì cần phá và những gì không. Những gì cần phá thì đúng là nát như tương, phần còn lại thì không hề chạm tay. Máy tính, điện thoại, fax, máy tắt âm và máy phát điện thì không hề suy suyển, bật lên là chạy ngay. Chỉ có máy phát sóng âm loại lớn để đuổi ma đen là bị tháo mất vài phụ tùng, nhưng trông có vẻ dễ sửa. Phòng đằng sau cũng tương tự: thoạt trông thì cực kỳ hỗn độn, nhưng có tính toán cẩn thận. Dãy đầu lâu súc vật vẫn nằm nguyên trên giá, tất cả máy đo quan trọng cũng vậy. Riêng các dụng cụ và vật liệu thí nghiệm rẻ tiền và dễ thay thế là bị phá hủy tàn bạo. Cô bé kiểm tra két sắt. Cửa két không khóa. Cô lấy cả hai tay bới ra những gì còn sót lại từ đống giấy tờ - một nắm tro trắng – và tung hết xuống đất. “Chắc là bộ phận tự hủy đã hoạt động”, tôi nói. “Bọn chúng không lấy được gì đi cả.” “Ông nghĩ bọn chúng là ai?” “Đó là bàn tay người”, tôi nói. “Bọn ký hiệu sư hay bọn nào đó đã hợp lực với ma đen đến đây mở cửa; nhưng cái đống hỗn loạn này là do bàn tay con người làm ra. Chỉ có người lọt vào đây thôi. Để dùng phòng thí nghiệm theo ý của mình – tôi đoán chúng định làm tiếp các thí nghiệm của giáo sư – chúng không phá các máy móc quan trọng. Sau đó khóa cửa lại để bọn ma đen không vào phá phách.” “Tôi nghĩ là bọn chúng không lấy được gì quan trọng cả, phải không?” “Có lẽ đúng thế”, tôi nói và nhìn khắp lượt phòng. “Trừ ông cô ra. Và chính ông mới là thứ quan trọng nhất. Giờ thì ta không còn khả năng tìm ra giáo sư đã cấy gì vào người tôi. Vào ngõ cụt rồi.” “Không”, cô gái mũm mĩm đáp, “bọn chúng không bắt được ông tôi đâu. Không sợ. Phòng thí nghiệm có một lối thoát bí mật. Nhất định ông tôi đã thoát ra đường đó và đem theo một máy phát sóng đuổi ma đen như chúng ta đã dùng.” “Sao cô biết?” “Tôi không chứng minh được nhưng tôi biết. Ông tôi là người vô cùng cẩn trọng, không dễ gì để lọt vào tay bọn chúng. Nhất định khi nghe có ai mở cửa là ông tôi đã chạy qua cửa thoát đó.” “Nghĩa là bây giờ ông ở ngoài kia – trên mặt đất?” “Không”, cô nói. “Sự việc cũng lại không đơn giản như vậy. Đường thoát hiểm lắt léo như ma trận và đi qua ổ ma đen, ra đến ngoài thì nhanh nhất cũng cần tối thiểu năm tiếng. Máy phát sóng chạy được nửa tiếng, vậy thì ông tôi vẫn đang ở đâu đó trên đường.” “Trừ phi ông đã bị bọn ma đen bắt.” “Tôi không tin lắm. Ông tôi đã dự phòng trường hợp xấu nhất và xây một hầm boong ke tuyệt đối an toàn trước bọn ma đen. Có lẽ ông tôi đang trú ở đó và đợi ta đến.” “Thế mới đúng là cẩn trọng”, tôi nói. “Và cô biết boong ke này ở đâu chứ?” “Tôi nghĩ là có biết. Ông tôi đã giải thích rất kỹ đường đến đó. Ngoài ra trong sổ tay này cũng có một sơ đồ, kèm chỉ dẫn các vị trí nguy hiểm.” “Ví dụ như…” “Tôi nghĩ ông không nên biết thì hơn”, cô nói. “Có những người đâm ra hoảng hốt khi biết chuyện.” Tôi thở dài và thôi không hỏi về những mối nguy hiểm ấy nữa. Ngay bây giờ tôi cũng đã hoảng lắm rồi. “Đi mất bao lâu thì đến được chỗ bọn ma đen không vào được?” “Hăm lăm, ba mươi phút. Từ đó trở đi còn khoảng một tiếng hay một tiếng rưỡi nữa thì đến chỗ ông tôi ẩn náu. Đoạn đường này thì an toàn. Vấn đề là đi đến đó ra sao. Ta phải thật khẩn trương, chừng nào còn đủ pin.” “Nếu giữa đường hết pin thì sao?” “Thì chỉ còn cách cần xin may mắn nữa thôi”, cô gái nói. “Phải vừa khua đèn pin để bọn khốn khiếp ấy không dám lại gần vừa chạy thật nhanh. Bọn chúng sợ ánh sáng gắt. Nhưng chỉ cần vòng sáng bị gián đoạn là chúng tung nanh vuốt tóm được ông. Hoặc tôi.” “Nghe được đấy”, tôi chán nản nói. “Pin nạp đủ chưa?” Cô kiểm tra vạch hiển thị trên máy phát sóng và nhìn đồng hồ. “Còn năm phút nữa.” “Thế thì nhanh chân lên”, tôi nói. “Theo phỏng đoán của tôi thì bọn ma đen sẽ báo cho các ký hiệu sư là ta đang ở đây, và lập tức chúng sẽ quay lại ngay.” Cô gái trút bỏ áo mưa và ủng, mặc áo khoác dã chiến và giày thể thao mà tôi đã đem theo. “Ông cũng nên thay đồ đi. Bây giờ ta phải gọn nhẹ thì mới thoát được.” Tôi cũng cởi áo mưa, khoác áo gió ra ngoài áo len rồi kéo khóa lên sát cổ. Sau đó tôi khoác ba lô lên và thay ủng cao su bằng giày chạy. Đã gần mười hai giờ rưỡi. Cô bé vào phòng sau, ném tất cả các mắc áo trên tủ tường xuống đất, nắm cả hai tay vào thanh sắt treo mắc áo để vặn. Có tiếng nghiến kèn kẹt như bánh răng bập vào nhau. Vặn thêm một vòng nữa cùng chiều thì phía dưới vách hậu hiện ra một lỗ hổng vuông, cạnh dài chừng bảy mươi phân. Bóng tôi trong lỗ đặc kịt như có thể chạm tay vào được. Mùi ẩm mốc lạnh lẽo phả vào phòng. “Có mẹo không?”, cô bé nói với tôi, tay vẫn bám thanh sắt. “Rất mẹo ấy chứ”, tôi nói. “Không ai ngờ có một đường thoát ở vị trí này.” Cô đi đến bên tôi, vươn người lên và hôn vào dưới tai tôi. Người tôi bỗng ấm lên, vết đau cũng đỡ hẳn. Chắc là cô đã chạm vào một chỗ đặc biệt. Hoặc đã quá lâu tôi không được một cô gái mười bảy tuổi nào hôn. “Ta phải tin là mọi sự trôi chảy thì chẳng có gì trên thế giới này làm ta sợ nữa cả”, cô nói. “Khi lớn tuổi rồi thì những niềm tin kiểu ấy cũng giảm sút”, tôi nói. “Giống như hàm răng vậy. Không nhất thiết người ta trở nên do dự hoặc trơ lì, nhưng niềm tin cứ thế giảm sút.” “Ông sợ à?” “Phải”, tôi nói. Rồi tôi khom người nhìn xuống vào lỗ hổng lần nữa. “Tôi luôn có vấn đề trong bóng tối và những chỗ chật hẹp.” “Quay lại thì không được rồi. Ta phải chui vào thôi, đúng không?” “Nhìn một cách logic thì đúng thế”, tôi nói. Có cảm giác như cơ thể đang rời khỏi tôi. Hồi đi học, đôi lần khi chơi bóng rổ tôi đã có cảm giác đó. Khi tôi cố chỉnh chuyển động của mình theo đường bóng chữ chi thì đầu óc không theo kịp. Cô nhìn chằm chằm vạch pin trên máy phát sóng. “Ta đi thôi”, rốt cuộc cô nói. Pin đã nạp đầy. Như ban nãy, cô đi trước và tôi bám theo. Trong khung cửa, cô quay lại ấn một cần gạt để đóng cửa. Ô vuông sáng càng lúc càng nhỏ đi, chỉ còn một rãnh hẹp rồi biến hẳn. Tôi đứng trong một bóng đêm hoàn hảo hơn bất cứ sự tăm tối nào từng biết trong đời. Một bóng đêm mà đèn pin trở nên bất lực, họa chăng chỉ khoan được một lỗ sáng tí xíu run rẩy. “Tôi không hiểu một điều”, tôi nói. “Vì sao ông cô lại chọn đường thoát hiểm xuyên qua giữa ổ ma đen?” “Vì đó là đường chắc chắn nhất”, cô gái nói và chiếu đèn vào tôi. “Ở giữa ổ, bọn ma đen có khu thánh địa, chúng không được phép bước vào.” “Một dạng tông giáo?” “Tôi nghĩ thế. Ông tôi cũng nói vậy. Nhưng bản thân tôi chưa tới đó bao giờ. Nhưng người ta không thể gọi đó là tín ngưỡng, vì nó quá thô thiển, nhưng nhất định là một dạng tôn giáo. Chúa của chúng là một con cá. Một con cá khổng lồ không mắt.” Cô chiếu đèn pin về phía trước. “Nhưng ta đi tiếp thôi, không còn nhiều thì giờ nữa.” Trần hang hạ thấp đến nỗi tôi phải đi lom khom. Phần lớn vách đá trơn nhẵn, chỉ có vài cạnh sắc, mặc dù vậy tôi bị va đầu vào mấy lần đau điếng. Không có thì giờ để thấy đau nữa. Tôi hướng đèn pin vào lưng cô gái và đi tiếp, cố không bị lạc cô khỏi tầm mắt. Dù dáng người mập mạp, cô nhanh nhẹn và có vẻ như cực kỳ dai sức. Bản thân tôi khá có sức chịu đựng nhưng chạy trong tư thế lom khom khiến vết thương đau như xé. Tựa như có ai đó thọc mũi dùi băng vào bụng dưới. Áo tôi đẫm mồ hôi, dính chặt vào người. Nhưng thà đau còn hơn mất dấu cô và tụt lại trong bóng đêm này. Với mỗi bước chân, cảm giác thân thể không hẳn thuộc về mình càng tăng lên. Có lẽ nguyên nhân là tôi không nhìn thấy chính mình. Thậm chí đưa tay lên trước mắt cũng không thấy. Không nhìn thấy chính mình là một điều kỳ quặc. Một lát sau người ta sẽ tự hỏi thân thể mình phải chăng là một dạng giả định. Cộc đầu vào trần đá thì dĩ nhiên tôi vẫn đau, và vết thương ở bụng cũng không ngừng nhói lên. Vẫn cảm thấy nền đất dưới chân. Nhưng đó là cái đau thuần túy, là xúc giác thuần túy. Nó là những khái niệm bắt nguồn từ cái giả định được gọi là “thân thể”. Hoàn toàn có thể là thân thể đã chết rồi và các khái niệm vẫn tồn tại. Tương tự như trường hợp một người sau khi bị phẫu thuật cưa chân mà vẫn cảm thấy ngứa ở ngón chân đã mất. Vài lần tôi toan chiếu đèn pin vào mình để chắc chắn thân thể mình vẫn còn đó, nhưng rồi lại thôi vì sợ mất bóng cô gái. Thân thể mi vẫn còn đó mà, đồ ngốc – tôi tự nhủ. Giả sử nếu nó đã chết rồi thì chỉ còn lại cái mà tôi có thể gọi là linh hồn thì chắc là tôi khỏe khoắn hơn mới phải. Làm gì có sự giải thoát, nếu tâm hồn cứ đeo đẳng mãi vết thương ở bụng, loét dạ dày và viêm trĩ? Nếu linh hồn không thoát được khỏi xác thì có lý do gì để nó được tồn tại? Với những ý nghĩ đó trong đầu, tôi bám chân cô gái mũm mĩm, theo chiếc áo khoác dã chiến xanh lá cây ôm khít thân hình, chiếc váy hồng ló ra bên dưới và đôi giày chạy màu hồng. Đôi bông tai tòng teng lấp lánh trong ánh đèn pin như một đôi đom đóm chập chờn bay quanh đầu cô. Cô gái vẫn đi tiếp, không quay lại nhìn tôi lấy một lần và không nói một câu. Tựa như quên bẵng là tôi có mặt. Cô cứ đi, thoăn thoắt lia đèn pin vào các khúc rẽ và hang động. Đến một ngã ba cô dừng bước, rút sơ đồ từ túi ngực ra và chiếu đèn vào hướng đi tiếp. Nhân dịp đó tôi tiến lên ngang hàng. “Ổn cả chứ? Mình vẫn đi đúng đường chứ?”, tôi hỏi. “Ổn cả. Ít nhất là cho đến lúc này. Mình đi đúng đường”, giọng cô tự tin. “Sao cô tin chắc vậy?” “Vì mình đi đúng đường”, cô nói và chĩa đèn chiếu xuống đất. “Đây này, ông nhìn xem!” Tôi ngồi thụp xuống và nhìn chằm chằm vào vòng tròn sáng. Trong những khe lõm trên nền đá có những chỗ lấp lánh ánh bạc. Tôi cầm một mảnh lấp lánh đó lên – một chiếc ghim giấy. “Thấy chưa!”, cô nói. “Ông tôi đi đường này. Ông biết là mình sẽ đến và đánh dấu đường đi đấy.” “À!”, tôi nói. “Được mười lăm phút rồi. Ta đi tiếp nào.” “Được mười lăm phút rồi. Ta đi tiếp nào.” Qua mấy ngã ba nữa, chỗ nào cũng có ghim giấy chỉ hướng, nhờ vậy chúng tôi không lạc hướng và ngoài ra không mất thì giờ quý báu. Thỉnh thoảng trên đường có những hố sâu. Chúng được đánh dấu trên sơ đồ bằng bút dạ đỏ; cứ đến gần là chúng tôi đi chậm lại và lấy đèn soi kỹ nền đất. Những hố này có đường kính chừng năm, bảy chục phân, dễ dàng đi vòng tránh hoặc nhảy qua. Một lần tôi thử gạt hòn đá to bằng nắm tay ở miệng hố rơi vào, nhưng mãi lâu sau không nghe tiếng gì. Dường như nó rơi tận sang Brazil hay Argentina. Dạ dày tôi co thắt lại khi hình dung ra mình trượt chân rơi vào một hố như vậy. Đường đi ngoằn ngoèo rắn lượn, thỉnh thoảng có lối rẽ, toàn thoai thoải xuống. Tuy không dốc hẳn nhưng liên tục giảm độ cao. Tôi có cảm tưởng cứ sau mỗi bước chân là mình lại bị cướp mất một chút thế giới ban ngày sáng sủa trên kia. Một lần chúng tôi ôm nhau. Đột ngột cô gái dừng chân, quay lại, tắt đèn pin và choàng hai tay ôm tôi. Rồi cô lần tay tìm môi tôi để hôn lên. Tôi cũng ôm cô và khẽ siết vòng tay. Thật lạ lùng khi người ta ôm nhau trong màn đêm đen như mực. Tôi nhớ Stendhal từng viết về chuyện ôm nhau trong đêm. Đúng, sách của Stendhal. Nhưng tôi quên khuấy đầu đề. Tôi cố vắt óc nhưng không sao nhớ ra. Liệu Stendhal có bao giờ ôm một phụ nữ trong đêm chưa nhỉ? Tôi tự nhủ, nếu sau vụ này tôi còn sống sót và thế giới chưa tàn lụi thì tôi nhất định sẽ tìm cuốn đó của Stendhal. Hương dưa bở tỏa ra từ gáy cô gái đã bay mất. Cổ cô thơm mùi đặc trưng của một cô bé mười bảy. Thấp hơn chút nữa có mùi hôi. Mùi tôi và mùi cuộc đời tôi ngấm vào chiếc áo dã chiến. Mùi những món ăn tôi đã nấu, mùi cà phê bị dây lên, mùi mồ hôi tôi toát ra. Tất cả đã quyện chặt vào áo. Trong bóng đen dưới lòng đất sâu thẳm này, với cô bé mười bảy tuổi trong vòng tay, cuộc đời ấy như ảo ảnh, mơ hồ và vĩnh viễn trôi đi. Tôi có thể nhớ rằng nó đã từng diễn ra. Nhưng tôi không bao giờ có dịp sống lại nó lần nữa. Chúng tôi đứng như thế rất lâu. Thời gian trôi đi vùn vụt, nhưng tôi không lấy thế làm lo ngại. Chúng tôi chia sẻ nỗi sợ bằng vòng tay ôm. Đó là điều duy nhất có ý nghĩa. Cuối cùng cô áp chặt vú vào người tôi, môi cô hé mở, lưỡi cô mềm mại và hơi thở của cô ngập tràn miệng tôi. Lưỡi cô liếm lấy lưỡi tôi. Ngón tay cô luồn vào tóc tôi. Mười giây sau hay lâu hơn, tất cả chấm dứt, cô đột ngột tách khỏi tôi. Một sự tuyệt vọng vô bờ ụp xuống người tôi, đem lại cảm giác như một nhà du hành vũ trụ bị bỏ rơi trong vũ trụ mênh mang. Tôi bật đèn pin. Cô gái đứng đó. Cô cũng bật đèn của mình. “Đi thôi”, cô nói. Rồi cô quay lại và đi tiếp như lúc nãy. Tôi còn cảm thấy môi cô áp trên miệng mình. Và nhịp tim cô đập trên ngực mình. “Tôi hôn giỏi đấy chứ?”, cô nói, không quay lại nhìn. “Thậm chí rất giỏi”, tôi nói. “Nhưng thiếu một cái gì đó, phải không?” “Đúng”, tôi nói. “Có gì đó thiếu.” “Gì vậy?” “Tôi không rõ”, tôi nói. Sau năm phút trên con đường thoai thoải chúng tôi đến một bãi rộng trống trải. Ở đây có mùi lạ, và tiếng chân vang lên cũng khác. Khi vỗ tay, tiếng vang tựa như méo mó hình bầu dục và lồi lên ở khoảng giữa. Trong lúc cô xem sơ đồ, tôi quét đèn xem xét xung quanh. Trần hang như một mái vòm, bãi trống có hình tròn làm đế. Một hình tròn hoàn hảo, rõ ràng là nhân tạo. Vách nhẵn nhụi, không hề có góc cạnh hay lồi lõm nào. Đúng giữa bãi trống có một vết lõm nông, đường kính khoảng một thước và chứa đầy chất lỏng sền sệt lạ mắt. Trong không khí có mùi hôi, không gắt lắm, nhưng khó chịu như hơi thở chua chua trong miệng người. “Có vẻ như đây là cửa vào thánh địa”, cô bé nói. “Ở đây là mình an toàn cái đã. Ma đen không vào sâu hơn được.” “Thế là tốt rồi. Nhưng mình có quay ra được không?” “Chuyện ấy cứ để ông tôi lo. Thế nào ông tôi cũng có giải pháp. Ngoài ra mình còn hai máy phát sóng, đủ để xua bọn khốn nạn một thời gian. Trong lúc dùng một máy thì lại nạp pin áy kia, nghĩa là chẳng có gì phải lo. Và cũng không có áp lực thời gian nữa.” “Ra thế”, tôi nói. “Ông không thấy lạc quan hơn à?” “Có, có một chút”, tôi nói. Ở lối vào thánh địa, hai bên vách đá được tạc thành bức phù điêu tinh tế. Mỗi bên là một con cá khổng lồ vặn mình, miệng con này đớp đuôi con kia. Những con cá kỳ bí. Đầu vồng lên như khoang lái của phi cơ ném bom. Ở vị trí của hai mắt là hai chùm xúc tu mạnh mẽ. So với thân hình thì miệng chúng quá lớn, vạch một đường thẳng đến tận bờ mang. Dưới đó, sát bụng là một bộ phận chìa ra, giống như phần gốc của một sinh vật bị cưa chân. Thoạt tiên tôi tưởng đó là bộ phận hút bám, nhưng nhìn kỹ thì ra ở đầu có ba móng sắc. Chưa bao giờ tôi thấy cá có móng vuốt cả. Vây lưng có hình thù cổ quái, còn vảy dựng đứng như gai. “Đây có phải là các linh vật không? Hay chúng có thật?”, tôi hỏi người đồng hành. “Ai mà biết được”, cô nói là lại cúi xuống nhặt mấy ghim giấy lên. “Ít nhất thì ta cũng không lạc đường. Giờ thì kiếm đường vào đi.” Tôi đi theo cô, không cưỡng nổi chiếu đèn lên những bức phù điêu cá lần nữa. Tôi hơi bị choáng khi thấy bọn ma đen tạc được những phù điêu tinh xảo đến như vậy trong bóng đêm dày đặc. Và thực tế chúng nhìn được trong đêm không hề làm giảm nỗi ngạc nhiên của tôi khi ngắm tác phẩm. Có lẽ lúc này chúng cũng đang theo dõi nhất cử nhất động của chúng tôi. Trong thánh địa, đường đi hơi dốc lên, và vòm hang ngày càng cao hơn cho đến khi không nhìn thấy nữa trong ánh đèn pin chiếu lên. “Bắt đầu đến núi”, cô nói. “Ông có kinh nghiệm leo núi không?” “Ngày xưa tuần nào tôi cũng đi leo núi, nhưng chưa bao giờ leo trong đêm cả.” “Hình như cũng không dốc lắm”, cô bé nói và cất sơ đồ vào túi ngực. “Không nên gọi là núi, mà là một quả đồi thì đúng hơn. Đối với bọn ma đen thì đây là Núi Thiêng. Ông tôi kể thế. Ngọn núi duy nhất trong lòng đất.” “Ta sẽ làm vấy bẩn nó với sự hiện diện ở đây?” “Hoàn toàn ngược lại. Ngọn núi này mới chính là bẩn. Ở đây tập trung mọi thứ bẩn thỉu. Có thể nói đây là chiếc hộp của Pandora dưới lớp vỏ đất khô cứng. Và ta sẽ đi xuyên qua.” “Nghe có vẻ như khó lòng sống sót quay trở ra.” “Ông hãy can đảm lên. Khi đã có lòng tin thì chẳng có gì trên thế giới này làm ta sợ nữa cả, tôi đã nói với ông rồi đó. Ông hãy đánh thức những ký ức tươi đẹp, nhớ đến những người mà ông yêu mến, nghĩ lại những lúc ông đã khóc, hồi tưởng thời thơ ấu và các dự định tương lai, những bài hát mà ông thích, cái gì cũng được. Rồi mọi sợ hãi sẽ tan biến.” “Ben Johnson có được không? “Ben Johnson là ai?” “Là diễn viên trong nhiều phim ngày xưa của John Ford, một kỵ sĩ tài ba. Ông ta cưỡi ngựa như thánh.” Cô cười khúc khích. “Ông là người tuyệt vời. Tôi thật sự thích ông rồi đấy.” “Tôi quá lớn tuổi đối với cô”, tôi nói. “Với lại tôi chẳng biết chơi nhạc cụ nào.” “Sau này thoát khỏi đây tôi sẽ dạy ông cưỡi ngựa.” “Cảm ơn”, tôi nói. “Bây giờ cô đang nghĩ gì?” “Tôi nghĩ về nụ hôn lúc nãy”, cô nói. “Vì vậy mà tôi hôn ông đấy. Ông không biết sao?” “Không.” “Ông biết ở đây ông tôi nghĩ gì không?” “Không.” “Chẳng nghĩ gì cả. Ông tôi có thể dọn cho đầu óc trống rỗng. Những thiên tài đều có khả năng đó. Nếu đầu óc trống rỗng thì cái Ác không lọt vào được.” “Thế à”, tôi nói. Như cô gái nói, đường ngày càng dốc dựng, rốt cuộc chúng tôi phải chống cả hai tay để leo lên. Suốt buổi tôi nghĩ đến Ben Johnson. Ben Johnson trên lưng ngựa. Tôi nghĩ đến tất cả các cảnh phi ngựa. Ben Johnson trong phim Fort Defiance và She Wore a Yellow Ribbon và Wagonmaster và Rio Grande. Ben Johnson trên thảo nguyên cháy nắng, mây trên trời trắng tinh như vẽ. Dưới thung lũng là những đàn trâu. Phụ nữ đi ra cửa và chùi tay vào yếm trắng. Một dòng sông. Ánh sáng run rẩy trong gió. Và Ben Johnson phi như bay qua cảnh đó. Ống kính di động lướt theo cùng, bắt hình kỵ sĩ dũng mãnh. Vận cả tứ chi bám vào vách đá, tôi nhớ lại Ben Johnson và ngựa của ông. Lạ thay, vết thương hết đau hẳn – không rõ có phải vì Ben Johnson, và tôi leo tiếp mà không phải luôn nghĩ đến tình trạng thương tật của mình. Nói như thế thì lý luận của cô bé về chuyện bắn một tín hiệu đặc biệt vào ý thức hệ để giảm bớt đau đớn trong cơ thể không phải là không có lý. Về kỹ thuật leo núi thì chuyến leo này không có gì khó khăn. Chân có đủ chỗ đặt, vách đá không dốc quá, và tay luôn bám được vào những chỗ lõm nào đó. Theo cách đánh giá trên mặt đất thì chúng tôi đang trong khóa vỡ lòng, và chuyến leo này hoàn toàn dành cho học sinh tiểu học một mình leo vào Chủ Nhật mà không sợ gặp nguy hiểm. Tuy nhiên trong bóng đêm dưới lòng đất thì có khác. Giơ tay lên trước mắt cũng không thấy! Người ta không nhận ra bên trên sắp có gì, còn phải leo bao lâu nữa, hiện đang đứng ở vị trí nào, phía dưới trông ra sao, và liệu có đi đúng hướng không. Tóm lại là mù tịt. Tôi không hề biết là mắt không thấy gì thì người ta sinh ra bối rối và sợ hãi đến như vậy. Ở hoàn cảnh nhất định, điều đó cướp đi của ta toàn bộ nền tảng về giá trị, kể cả cảm giác tự tin và lòng dũng cảm. Khi định đạt được mục tiêu gì, thường là người ta tự đặt ba câu hỏi bất di bất dịch: Ta đã làm được gì? Hiện nay ta đang ở đâu? Còn phải làm gì nữa để đạt mục tiêu? Khi bị cướp đi cả ba mốc đánh dấu đường đi ấy thì chỉ còn sót lại sự bối rối, sợ hãi và mệt mỏi. Vấn đề không phải mức độ khó khăn hay đơn giản về kỹ thuật, mà là người ta biết làm chủ mình được đến mức nào. Chúng tôi tiếp tục trèo lên ngọn núi tối tăm. Do không thể vừa giữ đèn pin vừa tìm chỗ bám tay, tôi đút đèn pin vào túi quần. Cô gái mũm mĩm đeo dây buộc đèn qua vai, chiếc đèn lúc lắc trên lưng cô và uổng công rọi vào vũ trụ đen như mực. Tuyệt đối không nhìn thấy gì. Tôi im lặng leo theo hướng tia sáng vung vẩy. Thỉnh thoảng cô lại gọi tôi để chắc chắn rằng tôi không bị tụt hậu. “Ổn cả chứ?”, cô nói, hoặc: “Sắp đến nơi rồi.” Một lát sau cô hỏi: “Ông có muốn hát không?” “Hát gì cơ”, tôi hỏi. “Gì cũng được. Một bài nào đó. Ông hát đi!” “Tôi chỉ hát khi ở một mình.” “Thôi mà. Ông hát đi!” Biết làm sao bây giờ? Tôi hát bài dân ca Nga về bếp lò đã học ở tiểu học. Tuyết rơi, rơi suốt đêm dài, Cháu lên đi pechka[2]! Lửa cháy đến tận sáng mai, Cháu lên đi pechka! Giấc mơ ngàn xưa thành bài hát của ai, Cháu lên đi pechka! Các đoạn sau tôi quên mất, vì vậy tôi bịa ra mà hát. Tất cả ngồi quanh bếp lò, có tiếng gõ cửa. Ông bố đứng dậy ra mở. Một con tuần lộc tuyệt đẹp đứng bên ngoài mà khóc: “Tôi đói quá! Có gì cho tôi ăn với!” Mọi người mở một hộp đào cho nó ăn. Rồi tất cả quây quần trong lò và cùng nhau hát. “Ông hát hay đấy chứ!”, cô bé khen. “Tiếc là tôi không rảnh tay để vỗ. Nhưng bài hát hay quá!” Chúng tôi vượt qua một vách dốc, nghỉ lấy hơi trên một bãi phẳng và rọi đèn ra xung quanh. Phiến đá này khá rộng và phẳng như mặt bàn cà phê, nhìn ngút tầm mắt. Cô bé cũng ngồi xuống và nhặt lên nửa tá ghim giấy. “Ông cô còn đi đâu nữa đây?”, tôi hỏi. “Chắc không xa nữa đâu. Ông tôi hay kể về phiến đá này. Tôi nghĩ là tôi biết ông tôi ở đâu.” “Nghĩa là ông cô hay tới đây?” “Tất nhiên. Để vẽ sơ đồ, ông tôi đã mò đi khắp nơi, biết từng viên đá ở đây.” “Ông làm một mình?” “Tất nhiên”, cô bé nói. “Ông tôi thích làm việc một mình nhất. Chẳng phải là vì ông là người khó gần hoặc không tin ai, mà đơn giản là không ai theo kịp ông.” “Tôi có thể hiểu điều đó”, tôi nói. “Nhưng phiến đá này có ý nghĩa gì?” “Tổ tiên của ma đen từng sống trên núi, trong các hang động tự khai phá. Bãi phẳng mình đang đứng này là nơi bọn chúng cử hành những nghi lễ tôn giáo. Chúa của chúng trị vì ở đây. Các giáo sĩ hay thầy mo cầu Chúa của đêm đen và dâng lễ vật sống.” “Con cá khủng khiếp có nanh vuốt ấy à?” “Đúng thế. Ma đen tin rằng con cá ấy cai trị vương quốc đêm đen, quyết định về sự sống ở đây, hệ thống logic và giá trị, tất cả. Theo truyền thuyết, con cá đã chỉ cho tổ tiên ma đen đường đến đây.” Cô gái chiếu đèn xuống đất và chỉ vào một vệt sâu khoảng mười phân và rộng một thước, trông như một rãnh đào, chạy thẳng tắp từ phiến đá cho đến khi mất hút. “Đi theo rãnh này sẽ đến điện thờ của ma đen. Có thể ông tôi đang trú ở đó. Điện thờ là nơi linh thiêng nhất của thánh địa, không ai dám đến: đó là nơi trú ẩn tuyệt đối an toàn.” Chúng tôi tiếp tục tiên theo dấu vết thẳng như kẻ chỉ. Chẳng mấy chốc đường đi bắt đầu dốc xuống, và vách đá hai bên ngày càng vút cao. Tôi có cảm giác là chúng ngày càng ép sát lại và sắp nghiền chúng tôi trong giây lát, nhưng thực ra xung quanh tất cả đều trơ trơ, vẫn im lìm như dưới đáy giếng. Chỉ có tiếng nhóc nhách dưới đế giày cao su tạo ra tiếng vang nhịp nhàng lạ lẫm. Đôi lần tôi bất giác ngó lên trên. Ai đi trong bóng đêm cũng tìm bóng trăng sao một cách vô thức. Song tất nhiên là cả trăng lẫn sao đều không tỏa sáng trên đầu chúng tôi, mà ngược lại, bóng tối còn đè xuống nặng hơn. Thậm chí, sự tồn tại của mình cũng nặng nề. Tôi thấy tất cả nặng như chì, như chưa bao giờ được biết. Hơi thở, tiếng đế giày nghiến nhóc nhách, cử động tay chân – tất cả đều bị hút xuống đất, trĩu nặng. Có cảm tưởng như không phải mình ở dưới lòng đất mà trên một hành tinh xa lạ trong vũ trụ. Trọng lực, độ đậm đặc của không khí và cảm giác thời gian, tất cả, tất cả đều khác với những gì tôi từng biết. Tôi giơ tay trái lên, bật sáng mặt đồng hồ điện tử. 2 giờ 11. Vậy là mặc dù mới đi được khoảng hai tiếng trong bóng tối – vì chúng tôi xuất phát đúng nửa đêm – tôi có cảm tưởng là đã sống qua một phần tư cuộc đời trong bóng đêm này. Thậm chí ánh sáng lờ mờ của mặt đồng hồ cũng làm mắt nhói đau nếu tôi nhìn lâu. Rõ ràng thị lực đã quen dần với bóng tối. Cả ánh đèn pin cũng làm chói mắt. Ai ở lâu trong bóng tối cũng thấy thực ra nó là bình thường, và cho rằng ánh sáng là điều gì đó kỳ lạ và phản tự nhiên. Chúng tôi im lặng tiến bước vào trong đường hào hẹp đổ dốc. Do đường thẳng và không ngại bị va đầu vào trần đá, tôi tắt đèn và chỉ đi theo tiếng đế ủng cao su nhóc nhách của cô gái. Chẳng bao lâu tôi cũng không phân biệt được mình đang nhắm hay mở mắt. Đằng nào cũng tối như hũ nút. Đôi lúc tôi nhắm mắt đi tiếp, rồi lại mở mắt, chỉ để không thấy sự khác biệt nào. Điều duy nhất mà tôi cảm nhận được là tiếng nhóc nhách từ đế giày của cô gái vang lên trong tai. Một tiếng vang thật lạ, có thể vì tính chất nền đất, hay vì không khí, vì bóng tối? Tôi thử dịch tiếng động đó sang ngôn ngữ châu Phi hay Ả Rập mà tôi không biết. Đơn giản là nó không chịu phù hợp với âm tương ứng trong tiếng Nhật. Biết đâu có thể so với tiếng Pháp, tiếng Đức hay tiếng Anh? Thoạt tiên tôi cố nghe ra là Điều duy nhất mà tôi cảm nhận được là tiếng nhóc nhách từ đế giày của cô gái vang lên trong tai. Một tiếng vang thật lạ, có thể vì tính chất nền đất, hay vì không khí, vì bóng tối? Tôi thử dịch tiếng động đó sang ngôn ngữ châu Phi hay Ả Rập mà tôi không biết. Đơn giản là nó không chịu phù hợp với âm tương ứng trong tiếng Nhật. Biết đâu có thể so với tiếng Pháp, tiếng Đức hay tiếng Anh? Thoạt tiên tôi cố nghe ra là Even-through-be-shopped-degreed-well Nhưng lúc đánh vần lên thì tiếng vang đó khác hẳn. Kể ra khá giống với Efgvén-gthrouv-bge-shpèvg-égvele-wgevl Khá giống tiếng Phần Lan, tiếc rằng tôi không biết gì về ngôn ngữ này. Đơn thuần về ngữ nghĩa thì phải là “ông nông dân gặp con quỷ cạnh đường”, nhưng đó chỉ là ấn tượng của tôi vậy thôi, không giải thích được. Sau đó tôi thử biến âm thanh ấy thành đủ mọi ngôn ngữ. Và hình dung ra đôi giày thể thao màu hồng của cô gái nhấn lên nền đất ra sao. Gót giày chạm đất trước tiên, trọng lượng cơ thể chuyển dồn lên ngón châm, sau đó, trước khi chân nhấc khỏi mặt đất là gót trái đặt xuống. Liên tục. Thời gian trôi đi chậm hơn. Tựa như giây cót bị đứt, hay kim đồng hồ không nhúc nhích nữa. Trong đầu tôi, đôi giày thể thao hồng chậm chạp chuyển động về phía trước, về phía sau. Tiếng óc ách vang lên: Efgvén-gthrouv-bge-shpèvg-égvele-wgevl Efgvén-gthrouv-bge-shpèvg-égvele-wgevl Efgvén-gthrouv-bge… Con quỷ già ngồi trên hòn đá bên bờ ruộng Phần Lan. Nó đã mười nghìn tuổi, hay hai mươi nghìn, trông kiệt quệ, áo quần và giày nó bê bết bụi. Cả bộ râu cũng rụng lê thê. “Đi đâu mà vội thế ông?”, con quỷ hỏi người nông dân. “Cái cuốc của tôi bị gãy, tôi phải đem đi sửa”, người nông dân đáp. “Thế thì việc gì mà vội”, con quỷ nói. “Mặt trời còn đứng bóng, ông vội gì ệt người! Ngồi lại đây, ta kể cho nghe chuyện của ta.” Người nông dân nghi ngại nhìn con quỷ. Ông biết là đánh đu với quỷ chắc chẳng hay ho gì, nhưng trông nó thảm hại và mệt mỏi, vì vậy ông... Mặt tôi đập phải gì đó, mềm, phẳng. Gì đó mềm, phẳng, nhỏ nhắn, khá quen thuộc. Gì vậy nhỉ? Trong khi tôi còn đang suy nghĩ thì nó đập vào mặt lần nữa. Tôi muốn lấy tay phải gạt nó đi nhưng không xong. Cú đập thứ ba. Ánh sáng chói mắt lóa lên khó chịu. Tôi mở bừng mắt. Cho đến lúc đó tôi không ý thức được là mình nhắm mắt. Thì ra mắt tôi không mở suốt buổi. Ngay trước mắt tôi là ánh đèn pin của người đồng hành, và cái mà tôi va phải là bàn tay cô. “Thôi đi!”, tôi hét lên. “Chói quá, đau quá!” “Ông không thể ngủ thiếp đi ở đây được! Dậy, dậy đi!”, cô gái nói. “Dậy à?”, tôi bật đèn pin và ngó quanh. Tôi đang ngồi dưới đất, tựa lưng vào vách đá. Mơ mơ màng màng. Có lẽ tôi đã thiếp đi lúc nào không rõ. Nền đất và vách đá ướt rượt. Tôi lồm cồm đứng dậy. “Sao thế nhỉ? Tôi ngủ quên à? Tôi không nhớ đã ngồi xuống lúc nào, và cũng không nhớ là mình buồn ngủ.” “Bọn nó đấy”, cô nói. “Bọn nó toan ru ngủ mình, ngay tại chỗ này.” “Bọn nào?” “Bọn ở núi này, thần thánh hay ma quỷ, ai mà biết được, đại khái là bọn nào đó. Bọn nó định cản bước mình.” Tôi lắc người cho tỉnh táo một chút. “Tôi thấy người thiu thiu, và sau đó là không biết vừa đi vừa mở mắt hay nhắm mắt nữa. Và giày cô phát ra tiếng kêu kỳ lạ…” “Giày tôi?” Tôi kể cho cô nghe tiếng giày nhóc nhách đã dẫn tôi đến chỗ con quỷ già ra sao. “Mẹo đấy”, cô nói. “Một dạng thôi miên. Nếu tôi không kịp nhận ra thì ông đã nằm đây đến khi quá muộn.” “Quá muộn?” “Đúng thế. Cho đến khi quá muộn”, cô nói nhưng không giải thích thêm. “Ông có đem theo sợi thừng không?” “Ngắn thôi. Chừng năm mét.” “Ông lấy ra đi!” Tôi hạ ba lô, lôi sợi dây dù giữa các đồ hộp, chai whiskey và bi đông ra đưa cho cô. Cô buộc một đầu vào thắt lưng tôi, thắt đầu kia quanh eo mình. Sau đó chúng tôi cùng kéo xem có chắc không. “Thế là được”, cô nói. “Giờ thì mình không lạc nhau được nữa.” “Trừ phi cả hai cùng ngủ gật”, tôi nói. “Cô cũng thiếu ngủ, đúng không?” “Ông đừng vẽ chuyện nát nhau. Ta đi thôi. Không còn nhiều thì giờ đâu.” Chúng tôi lại lên đường, nối với nhau bởi dây dù. Tôi cố lờ đi tiếng óc ách từ giày cô. Tôi hướng ánh đèn vào lưng cô và ngắm chiếc áo dã chiến màu xanh. Tôi còn nhớ nó đã mua nó hồi 1971, ngày đó Việt Nam vẫn còn chiến tranh, và tổng thống Hợp Chủng Quốc là một gã có khuôn mặt xấu trai – Richard Nixon. Ngày đó ai cũng để tóc dài, đi xăng đan bẩn thỉu, nghe nhạc Rock trong cơn mê, mặc áo khoác lính Mỹ thải ra với biểu tượng hòa bình vẽ trên lưng và thấy mình như Peter Fonda phi trên xa lộ với chiếc mô tô trong phim Born to Be Wild lờ mờ chuyển cảnh sang I Heard It through the Grapevine. Có thể vì hai bộ phim có cảnh đầu giống nhau. “Ông đang nghĩ gì?”, cô gái mũm mĩm hỏi. “Không có gì đặc biệt”, tôi nói. “Ông hát bài gì đi!” “Có nhất thiết phải hát không?” “Thế thì ông đề nghị gì khác vậy.” “Ta nói chuyện với nhau nhé.” “Chuyện gì bây giờ?” “Chuyện mưa chẳng hạn.” “Được đấy.” “Cô nhớ gì khi nói đến mưa?” “Buổi tối hôm cả gia đình tôi chết, trời cũng mưa.” “Kể chuyện gì vui vẻ hơn được không?” “Không, cứ kệ tôi, tôi muốn kể”, cô nói. “Vả lại tôi cũng chẳng có ai để kể chuyện ấy… Tất nhiên, nếu ông không muốn nghe…” “Nếu có muốn thì cứ kể đi”, tôi nói. “Hôm ấy trời mưa phùn rất nhẹ, người ta không rõ có mưa hay không. Sáng sớm đã bắt đầu, và kéo dài cả ngày. Bầu trời phủ kín một màu xám đục không đổi. Tôi đang nằm viện và nhìn suốt buổi lên trời. Vừa bắt đầu tháng Mười một, bên ngoài phòng bệnh có một cây long não. Cây rất to. Lá đã rụng đến một nửa. Nhìn qua tán cành có thể thấy trời. Ông có thích ngắm cây không?” “Tôi không biết”, tôi nói. “Không phải tôi không thích cây cối, nhưng chưa bao giờ tôi chăm chú ngắm cây nào cả.” Thú thực là tôi cũng không thể phân biệt một cây long não với cây dẻ. “Tôi thích ngắm cây lắm, từ lúc bé đã thế. Cứ có thì giờ là tôi ngồi dưới gốc cây, sờ lớp vỏ, nhìn lên tán lá. Hàng giờ liền không chán. Cây long não trong vườn bệnh viện là một cây khá hoành tráng. Tôi nằm nghiêng trên giường và nhìn trời suốt ngày xuyên qua cành cây. Cuối cùng tôi thuộc từng cành đơn lẻ một. Giống như người mê tàu hỏa thuộc lòng những tuyến đường và nhà ga ấy, ông hiểu không? Thường là trên cây có nhiều chim làm tổ. Đủ các loại chim. Sáo sậu, sẻ, bách thanh, và nhiều loại chim đẹp khác. Đôi khi cả bồ câu nữa. Chim bay đến, nghỉ trên cành một lát rồi lại bay đi. Chim rất nhạy cảm khi sắp mưa, ông có biết không?” “Không”, tôi nói. “Khi trời mưa hay mây đen kéo đến là chúng biến mất. Nhưng khi mưa tạnh thì chúng lại về và thi nhau hót. Tựa như chúng vui mừng thấy hết mưa vậy. Tôi cũng không rõ lý do. Có thể là mưa xong thì giun chui lên mặt đất. Cũng có thể vì chim không thích mưa. Gì thì gì, tôi luôn đoán được thời tiết. Không có chim đến là sắp mưa, chim bay về và hót là mưa tạnh.” “Cô nằm viện lâu không?” “Khoảng một tháng gì đó. Tôi bị lỗi van tim và phải mổ. Đó là một phẫu thuật rất phức tạp, cả gia đình đã mất nửa hy vọng. Thế có kỳ không cơ chứ. Tôi sống sót và khỏe như vâm, những người khác thì chết.” Cô lầm lũi đi tiếp. Tôi tưởng tượng ra quả tim của cô, cây long não và lũ chim. “Ngày hôm gia đình tôi chết cũng là một ngày gian nan cho lũ chim. Chúng không yên lấy một phút. Như đã nói, mưa phùn lớt phớt, không rõ còn mưa hay đã tạnh, và lũ chim cũng ngơ ngác, hết bay đi lại bay về. Một ngày lạnh tê tái trước khi vào đông. Trong phòng bệnh có lò sưởi, vì vậy cửa kính luôn bị đọng mờ hơi nước và tôi cứ phải lau đi. Tôi ra khỏi phòng, lấy khăn lau kính rồi chui trở lại vào chăn. Thực ra tôi không được phép đứng dậy, nhưng tôi phải nhìn cây, lũ chim và trời mưa bằng được. Khi ta phải nằm lâu trong bệnh viện, những thứ ấy hiện ra như chính cuộc sống vậy. Ông đã nằm viện bao giờ chưa?” “Chưa”, tôi nói. Bình thường tôi không biết ốm đau là gì. “Có loại chim lông đỏ, đầu đen, đi thành đôi. Sáo thì ngược lại, chúng khá khiêm nhường, như nhân viên nhà băng vậy. Chỉ khi hết mưa thì chúng giống nhau, tất cả đậu trên cành và líu lo hót. Hồi ấy tôi nghĩ, thế giới này kể cũng lạ. Trên trái đất mọc hàng triệu, hàng tỉ cây long não – tất nhiên cũng không nhất thiết phải là cây long não – chúng đón ánh nắng hay nước mưa, và hàng triệu hàng tỉ chim bay đến đậu lên cành rồi lại bay đi. Nghĩ thế là tôi lại buồn nẫu ruột.” “Tại sao vậy?” “Tôi nghĩ là trên thế giới có vô số cây, vô số chim chóc, vô số cơn mưa, vậy mà tôi không thể hiểu được lấy một cây long não và một cơn mưa duy nhất. Tôi sẽ không bao giờ hiểu nổi. Tôi sẽ già đi và chết mà chưa hiểu ra được một cây long não và một cơn mưa duy nhất. Tôi thấy mình cô đơn quá và bật khóc. Ước gì có ai ôm tôi vào lòng. Nhưng tôi làm gì có ai. Tôi nằm suốt ngày trên giường và khóc. Rồi mặt trời lặn, trời tối, tôi không nhìn thấy lũ chim nữa. Vì vậy tôi cũng không biết trời còn mưa hay không. Tối hôm đó cả gia đình tôi tử nạn. Nhưng mãi về sau người ta mới nói cho tôi biết.” “Kinh khủng quá.” “Tôi không nhớ rõ nữa. Tôi tin là tôi không cảm thấy gì. Tôi chỉ còn biết chính xác là buổi tối mùa thu ướt át hôm đó không ai ôm tôi vào lòng. Đó là… đối với tôi đó là ngày tận cùng của thế giới. Khi trời tối và ta cô đơn khủng khiếp và không còn ước muốn nào hơn là được một người ôm vào lòng, nhưng không có ai ở đó để an ủi ta. Ông có hiểu không?” “Tôi nghĩ là có”, tôi nói. “Ông đã bao giờ mất một người yêu quý chưa?” “Đã vài lần.” “Vì vậy bây giờ ông sống một mình?” “Không”, tôi nói và đưa ngón tay sờ lên dây dù buộc vào thắt lưng. “Trên thế giới này không ai sống một mình được cả. Tất cả liên quan thế nào đó với nhau. Trời mưa. Chim hót. Người ta bị rạch bụng. Và có thể xảy ra chuyện được một cô gái trẻ hôn trong đêm đen.” “Nhưng thiếu tình yêu thì thế giới này thực ra là con số 0”, cô gái mũm mĩm nói. “Thiếu tình yêu thì thế giới như một ngọn gió thổi ngoài cửa sổ. Ta không cảm thấy nó, không ngửi thấy nó. Ông có thể kiếm một cô gái gọi, bất cứ lúc nào, có thể lên giường với nhiều bạn gái như ông muốn, nhưng nó không thật. Trong số ấy, không ai ôm ông thật lòng cả.” “Tôi cũng không hay gọi gái gọi, không lên giường với bất cứ phụ nữ nào”, tôi phản đối. “Không có gì khác cả”, cô nói. Ừ, cô có lý. Trong số ấy không ai ôm tôi thật lòng. Tôi già đi, già đi trong cô đơn, như một con hải sâm bám chặt lấy vách đá dưới đáy biển. Tôi đi tiếp, chìm sâu trong suy tư nên không nhận ra cô đã dừng chân và va phải tấm lưng mềm của cô. “Xin lỗi”, tôi nói. “Suỵt”, cô nắm vai tôi. “Có tiếng động. Ông nghe thấy không?” Chúng tôi đứng im và dỏng tai nghe có tiếng gì lăn lại gần từ bóng đêm xa xăm. Nó đến từ rất xa phía trước, trên đoạn đường chúng tôi đang đi, và khẽ đến nỗi dễ bị bỏ qua. Tiếng ầm ào yếu ớt, nhưng đồng thời nghe như những tảng kim loại lớn xô vào nhau. Bất kể âm thanh đó từ đâu ra, nó vang rền không nghỉ và ngày càng to dần. Nghe như một con côn trùng to tướng, lạnh lẽo và kinh tởm bò dọc lên sống lưng ta. Một tiếng run trầm, vừa vặn lọt vào quãng cảm nhận được của tai người. Cả không khí cũng rung lên. Một luồng gió đặc sệt thổi qua trên đầu chúng tôi, nặng như cơn lũ bùn lỏng. Một luồng gió ẩm lạnh. Báo trước một sự kiện. “Liệu có phải động đất?”, tôi nói. “Không, không phải động đất”, bạn đồng hành của tôi nói. “Mà khủng khiếp hơn nhiều.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương