Xuyên Qua Ngàn Năm

Chương 21: Cuộc Sống Mới



*

Ngọc Mai để một mình Baba đi tiễn mọi người. Nhìn ngoài trời cũng đã sập tối, cô ngó quanh quất tìm đèn thắp sáng. Bước đến kệ gỗ dài chỉ cao đến ngực, kê sát vách tường đối diện với bàn uống trà, thấy kệ trên cùng để khá nhiều chén nông bằng gốm, những chén này giống y như chén dầu thời Trần* của Việt Nam. Nguyên liệu thắp làm từ mỡ động vật, lấy quẹt diêm để kế bên cô thắp đèn lên.

Bên ngọn đèn dầu leo lét, Ngọc Mai nhìn cái bóng đổ dài méo mó của bản thân, trong không gian vắng lặng gợi lên cảm xúc được cô che giấu. Nếu bây giờ ở hiện đại, có lẽ cô còn đang bon chen đâu đó trên những con đường kẹt cứng xe cộ tranh thủ chạy về nhà. Từ lúc xuyên đến nơi này, tâm trạng lúc nào cũng thấp thỏm, phải nhìn trước ngó sau, đi một bước tính một bước, trải bao sóng gió cuối cùng cũng có nơi gọi là nhà để nương náu.

Hiện tại, cô cảm thấy rất vừa lòng với khởi đầu này. Không còn muốn biết lý do vì sao mà ông trời lại cho cha con cô đến nơi này, muốn thử thách điều gì? Sướng hay khổ? Tương lai sẽ như thế nào cũng không muốn nghĩ đến nữa. Trời cho ai thì người ấy hưởng, trời đày ai thì người ấy chịu. Làm sao mà chống được, vui vẻ hưởng thụ thôi. Nghĩ đến đây Ngọc Mai thấy nhẹ lòng, thắp một hơi bốn chén đèn dầu lên, bắt đầu đem đi phân phát chỗ để, sẵn tiện tham quan một vòng ngôi nhà mới.

Gian giữa ngoài tiếp khách cũng làm nơi ăn uống và sinh hoạt chính, đồ đạc không nhiều, ngoài kệ gỗ nơi Ngọc Mai đang đứng, có thêm bộ bàn ghế, trong góc gần cửa ra vào bên phải được đặt cái chõng tre. Bên tay trái ngay cửa sổ lớn cũng có một cái bàn và một tủ gỗ. Ngọc Mai đem hai đèn dầu để lên hai cái bàn, cầm hai đèn dầu còn lại đi tham quan tiếp.

Gian buồng chỉ có hai phòng ngủ duy nhất đối diện nhau, chăn màn đầy đủ, ngoài giường còn có tủ gỗ đựng đồ, ngay cửa sổ đặt thêm một cái bàn nhỏ, Ngọc Mai để trên bàn mỗi phòng một đèn dầu. Trở lại phòng khách, đến kệ gỗ thắp thêm một chén đèn dầu, cô cầm đi thẳng xuống gian nhà sau.

Phía sau khá rộng, trái phải hai bên hông gian nhà đều có trổ thêm cửa. Vách giữa nhà được trổ cửa sổ lớn, bên dưới cửa sổ đặt hai bếp lò đắp từ đất sét, một bếp đang để một cái nồi lớn nấu gì đó. Sát vách đất bên trái bếp là nơi chất củi cao đến tận nóc. Bên phải bếp để hai cái kệ gỗ, một kệ để tô chén bằng gốm, một kệ để vật dụng nấu nướng các loại, và một cái tủ bếp gỗ hai tầng kê sát vách.

Nhìn những đồ vật này, Ngọc Mai nhớ đến những tấm ảnh của các gia đình thời kỳ bao cấp xem trên mạng, hầu như nhà nào cũng sẽ có chạn gỗ na ná như bếp gỗ này. Văn hóa lai tạp ở nơi đây thật kỳ diệu, một số đồ vật làm cô thấy thật thân quen, khiến tâm trí đôi khi không hề nghĩ bản thân đang trôi dạt thời không khác.

Ngay chỗ lối đi lên xuống Ngọc Mai đang đứng, sát vách bên trái là nơi để thùng gỗ, cuốc, sọt, rổ, và rất nhiều lu, khạp to nhỏ, có nhiều món đồ nhà nông cô không biết tên. Nhìn qua bên phải là nhà vệ sinh, Ngọc Mai bước đến đẩy cửa nhìn vào, hình như mới được tu sửa lại giống như nơi hai cha con ở mấy ngày trước, tuy không được như ở hiện đại, nhưng dù sao cũng có hố xí ngồi xổm, khạp được đổ đầy nước, cô thật ưng ý hết sức.

Bước đến bếp lò, Ngọc Mai lấy đôi đũa ở trên kệ chén mở nắp nồi ra xem, bên trong là nước đang sủi bọt. Ngọc Mai lấy cây gỗ vụn khều khều đống than sắp tàn, bỏ thêm vài khúc củi rồi đứng dậy đi đến mở hai cánh cửa sau ra ngó nghiêng.

Cửa bên trái thông ra sân nhà, còn cửa bên phải thì không biết đi đến đâu vì bên ngoài trời quá tối, tuy cô cũng rất lì và được xem là nặng bóng vía, nhưng khi đứng nhìn màn trời đêm thăm thẳm với ánh nến leo lét bất giác cũng thấy lạnh gáy. Không thấy được gì ở xa, với tầm nhìn ngay trước mặt chỉ thấy một cái lu nước, chắc là chỗ rửa chén và nơi rửa ráy thức ăn, vì kế bên có tấm thớt với mấy cái chậu gỗ đặt trong sọt tre.

Quay vào nhà để đèn dầu lên kệ bếp, Ngọc Mai đi lên nhà trên, đến bên chõng tre cởi giày leo lên, bắt đầu ngồi soạn sành các túi đồ lớn nhỏ đang bày la liệt. Túi của Bá An chỉ có các loại bánh "quý hiếm", túi của Mạc Ánh thì như một tạp hóa thu nhỏ. Không nhìn thì không biết, nhìn thấy đống đồ này rồi Ngọc Mai mới biết bản thân sai quá sai. Nơi đây mà cách ngàn năm gì chứ, cô cứ tưởng mình vừa đi siêu thị về, đồ không khác mấy hiện đại.

Mỗi vật đều được để vào một túi lưới nhỏ để phân loại, Ngọc Mai xem từng túi lưới mà tấm tắc, lược gỗ, xà bông cục, khăn lụa, còn có cả bàn chải đánh răng làm bằng tre, trên đầu được dùi rất nhiều lỗ nhỏ, được xỏ từng lớp lông, cô đoán là lông heo, Ngọc Mai sờ cảm giác không được mềm cho lắm, để giữ lại lớp lông họ thắt gút phần dưới to hơn lỗ được đục, nhìn thật tỉ mẫn. Thậm chí còn có cả kem đánh răng, sau khi ngửi và nếm vì tò mò, Ngọc Mai xác định chỉ có ba nguyên liệu là lá tre, gừng và muối được tán nhuyễn làm thành dạng sền sệt.

Cứ tưởng chỉ có đèn dầu, hóa ra nơi này còn có cả đèn cầy, sáp đèn cầy được đổ vào chậu đất nung nhỏ cỡ lòng bàn tay. Nhìn thấy chậu đèn cầy Ngọc Mai không nỡ dùng, quá dễ thương đi! Có đến hơn chục chậu đèn cầy như thế.

Đang hăng say lục lọi, Ngọc Mai bỗng khựng lại. Trợn tròn mắt hú lên như điên, yêu cô nàng Mạc Ánh này quá đi mất. Nhớ có một lần Bá An trông thấy cô ăn quá ít quan tâm hỏi, Ngọc Mai chỉ vô tình than thở khẩu vị nơi này ăn không quen, thế mà cô nàng này lại tâm lý gửi cả khoai lang cho cô, cả nửa túi đều là khoai hèn chi nặng muốn chết. Chưa bao giờ Ngọc Mai thấy thèm củ khoai này đến vậy, ăn cá biển còn đậm mùi tanh mấy ngày liên tiếp khẩu vị của cô muốn đơ luôn rồi.

Tuy củ khoai nhìn hơi nhỏ lại màu xanh đậm, chỉ lớn hơn ngón chân cái một chút, cũng không làm khó Ngọc Mai nhận ra chúng. Quyết định nhanh gọn, nhảy cái đụi xuống chõng tre, đi chân đất khệ nệ đem nửa bao khoai lang xuống nhà sau đổ luôn ra sàn, lựa gần đầy một rổ cho xứng với câu mắt to hơn cái bụng. Cầm đèn dầu cùng rổ khoai đem ra sàn nước ở cửa sau, rửa sạch rồi đem bỏ hết vô khay hấp, đặt lên nồi nước đang sôi rồi đậy nắp lại. Đút thêm vài thanh củi vào, để đèn dầu lại chỗ cũ, xong xuôi cô đi một hơi lên chõng tre, tâm trạng vui vẻ phủi phủi hai chân ngồi soạn đồ tiếp.

Túi đồ của Mặc Văn ngoài những gia vị nấu nướng cùng gạo, muối thì đồ đạc gần giống như của Mạc Ánh. Soạn xong, đem tất cả đồ trên chõng sắp xếp chỗ cất. Riêng đồ của hai cha con thì bỏ hết vào tủ trong phòng ngủ, lấy sẵn bộ đồ bà ba để chút nữa cho Baba đi tắm. Nơi này ban ngày thì thích, nhưng ban đêm nhiệt độ giảm, đối với Ngọc Mai là quá lạnh.

Sẵn có nước sôi cô pha cho Baba bình trà mới, đem lên vẫn chưa thấy ông quay về, Ngọc Mai sốt ruột cầm đèn dầu đi ra cửa đứng ngó nghiêng. Từ xa thấy có ánh lửa, càng ngày càng đến gần, cô đi chân đất ra ngoài cổng đón.

Ngọc Mai thấy ông Ba đang bê mẹt đồ ăn, được một người đàn ông trung niên lạ mặt đang cầm bó đuốc sáng rực đưa về, ông Ba quay qua cám ơn rối rít, Ngọc Mai cúi đầu chào xã giao rồi đứng một bên đợi Baba và người đó rôm rả chào tạm biệt.

Vào nhà, nhìn đồ ăn tối Ngọc Mai không muốn động đũa, cô đang chờ ăn khoai. Thấy ông từ lúc vô nhà vẫn ngồi ngẩn người, Ngọc Mai rót trà cho ông rồi đánh tiếng: “Baba uống trà, nước sôi rồi Baba tắm trước đi, đồ mặc con đã soạn để sẵn, Baba có gì lo nghĩ à?”

Ông Ba không trả lời mà hỏi ngược lại: "Con thấy chỗ ở ổn không, có cần thêm thứ gì không?"

"Con thấy quá tốt rồi, hầu như đầy đủ."

Ông Ba hơi ngập ngừng: "Ừ! Con ở đây… một mình được không? Baba định sáng ngày mốt vào rừng."

Ngọc Mai chưng hửng! Hóa ra là đang lo nghĩ vấn đề này, định bỏ cô lại một mình à! Không được đâu nhé, nghĩ cũng đừng nghĩ.

"Con sẽ đi cùng Baba, không thương lượng." Nói xong, không cho ông có cơ hội mở miệng, cô đánh trống lảng sang chuyện khác:

“Đồng hồ của Baba đâu rồi? Không thấy Baba đeo nhưng con tìm trong các túi đều không có.”

Ông ba giật mình, trấn tĩnh lại giả bộ lấy tay mò trong túi quần tìm kiếm, rồi lấm lét ngó Ngọc Mai: “Mất rồi!”

“Gì chứ!”

“Baba lấy ra coi giờ, để trong túi quần, không cẩn thận mất rồi.”

Ngọc Mai tặc lưỡi: “Nếu có người lượm được chắc vui lắm đây, nhưng đồng hồ đó là đồng hồ cơ lên cót tự động, nếu không đeo thường xuyên cũng chết máy, không biết họ có biết sử dụng không hay lại xem như đồ hư mà quăng mất.”

Ông Ba đang đăm chiêu nghe vậy buột miệng: “Quăng gì, mừng còn không kịp.” Nói xong, ông bưng chén trà lên uống.

Ngọc Mai thấy ông buồn bực chỉ cho là ông đang tiếc của, an ủi Baba mấy câu, cô đi thẳng ra nhà sau thăm nồi khoai, hồi lâu sau từ dưới nhà cô nói vọng lên: "Con pha nước rồi, Baba tắm đi kẻo nguội."

Ông ba thở dài! Lo âu hằn sâu nơi khóe mắt. Thôi! Tới đâu hay tới đó, đã là họa thì không thể là phúc. Nhìn căn nhà ông Ba trăm mối ngổn ngang, bao nhiêu dự tính chạy xẹt qua trong đầu.

Sau khi tắm rửa vệ sinh và ăn uống xong xuôi, hai cha con không còn thiết tha đến điều gì ngoài leo lên giường đi ngủ, nằm xuống giường mà hai cha con vẫn còn cảm giác người ngả nghiêng như đang ngồi trên xe ngựa, tởn ông tởn cha đi một lần nhớ suốt đời.

Ở một nơi khác, ngay trung tâm hành chính của nước Tây, trong một cung điện to lớn, bề thế, rất nhiều biệt phủ lớn nhỏ nằm rải rác xung quanh, vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, mái nhà, cột kèo, sàn nhà cũng đều bằng gỗ. Tại một biệt phủ lớn nhất nằm ngay trung tâm cung điện, từng dãy đèn lồng xinh xắn được treo dọc theo lối đi và dưới mái hiên để soi sáng. Trong thư phòng rộng rãi và trang nghiêm, phảng phất mùi trầm hương thoang thoảng, ánh đèn bao phủ mọi ngóc ngách, một dáng người uy vũ đang ngồi trầm ổn trước bàn xem gì đó. Bên ngoài vọng đến tiếng bước chân, người đó ngẩng đầu lên, khuôn mặt như một khuôn đúc ra với trưởng tử tộc, chỉ khác nhìn lớn tuổi hơn một chút.

“Phụ vương cho gọi con.”

Một giọng nói oai nghiêm, dày dạn sương gió theo năm tháng cất lên: “Ừ! Con vào đi.”

Nhìn con trai đang khom lưng trước mặt ông tiếp tục lên tiếng: “Ngồi xuống đi”

“Dạ!” Nói xong Bình An Lộc bước đến chiếc ghế để trước bàn, ngồi xuống ngay ngắn, rũ mắt cúi đầu im lặng.

“Ta nghe nói, con chấp nhận cho hai cha con họ vào rừng khai hoang.”

“Dạ đúng!”

“Con không sợ họ bị dụ dỗ đi mất sao.

“Con chắc chắn họ sẽ không.”

“Lấy gì bảo đảm mà con tự tin như vậy.”

Ngước mắt nhìn phụ Vương, anh bình thản lên tiếng: “Vì từ đầu họ đã chọn theo nước Tây.”

“Cuộc đấu giá hôm qua, khi mọi người ra giá thứ gọi là ống nhòm, cha con họ yêu cầu chỉ để nước Tây kêu giá là chủ ý của con hay của họ.”

“Dạ, là của họ.”

Vương nghe vậy chau nhẹ chân mày, ánh mắt sắc bén nhìn chăm chú con trai trước mặt, một hồi lâu cất tiếng: “Con ép họ!”

“Con chỉ muốn họ nhận định từ đầu phải theo ai, vì Bá An nghi ngờ hai cha con đến từ tương lai cách nơi này cả ngàn năm. Phong cách ăn mặc của họ cũng khá giống người đã phát minh ra xe đạp của nước Nam.”

“Đồ bị mất, là con lấy!”

“Con chỉ là trao đổi, cách làm khác biệt nhưng mục đích chính không thay đổi.”

“Con đang ép họ trao đổi và gây thù với ba nước còn lại, con không hề bàn bạc với ta, con làm vậy cha con họ cũng nhìn ra được. Ta đã dạy con muốn dùng người phải dùng tâm không nên dùng thủ đoạn, vì thứ con nhận lại sẽ là sự tín nhiệm và trung thành của họ.”

Biết tính phụ Vương không tính toán hơn thua, luôn lấy dân làm trọng. Đó là lý do vì sao, suốt những năm phụ Vương trị vì, nước Tây luôn đứng cuối trong bốn nước, năm nào cũng đều phải nộp cống phẩm. Bình An Lộc đành rũ mắt, lên tiếng xoa diệu bầu không khí bắt đầu căng thẳng: “Con xin lỗi phụ Vương.”

Hình đèn dầu thời Trần. Nguồn: http://cadn.com/news/71_108443_lan-man-chuye-n-chie-c-de-n-da-u-ta.aspx
Chương trước Chương tiếp
Loading...