Yêu Người Ở Bên Ta

Chương 8



Tôi sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc khi tôi biết rằng Andy yêu thích tôi nhiều hơn mức chỉ là bạn thân nhất của em gái anh, hay thậm chí, quan trọng hơn, là bạn của anh. Thú vị ở chỗ, chuyện không xảy ra ở New York, mặc dù Margot và tôi vẫn gặp Andy khá đều đặn, thường là đến quán bar uống gì đó, nhóm bạn của chúng tôi rất hợp với anh.

Chính xác thì hôm ấy tôi đang ở Atlanta, về nhà với Margot và Andy trong lễ Tạ ơn, ba chúng tôi bay từ đêm trước. Chúng tôi vừa kết thúc bữa tiệc mà mẹ Margot, Stella, đã một tay chuẩn bị (bác quản gia lâu năm của nhà Graham, Gloria, xin nghỉ một tuần), và chén đĩa đã được gạt bỏ hết cặn bẩn để tống tất vào máy rửa bát. Andy và tôi còn lại một mình trong bếp sau khi tôi xung phong tình nguyện rửa đồ pha lê và đồ bạc (không ai trong nhà từ chối, điều đó thậm chí còn khiến tôi cảm thấy được chào đón), và Andy nhanh nhẹn đề nghị được sấy khô - điều mà tôi nghĩ thật đặc biệt dễ thương trong một gia đình truyền thống nơi đàn ông dường như hoàn toàn được miễn bất kỳ công việc nội trợ nào.

Lúc đó, Margot, bố mẹ và anh trai cô, James, đã lui hết vào trong "khu ti vi" và đang xem phim The Shawshank Redemption. Thật ra, còn có khoảng ba phòng nữa có thể gọi là khu, nhưng thay vào đó được gọi bằng những cái tên phòng chơi, thư viện, và phòng sinh hoạt. Toàn thể ngôi nhà rất rộng và đầy ắp đồ cổ tuyệt đẹp. Những tấm thảm thổ cẩm Đông phương, tranh sơn dầu, và nhiều bảo vật gia truyền sưu tầm qua những chuyến du hí nước ngoài hay do cha ông để lại. Nhưng mặc cho ngôi nhà có vẻ sang trọng đến thế nào, mỗi phòng đều có lối bài trí mang lại cảm giác ấm cúng, tôi cho có được điều này là do nhờ ánh đèn dịu ấm và những chiếc ghế vô cùng thoải mái khi cuộn mình trên đó. Stella không tin tưởng vào rất nhiều thứ - gia vị làm salad mua trong cửa hàng, quà cáp tặng đi tặng lại, tên họ có gạch nối ở giữa, ví dụ thế - và là người vô cùng thích ngồi sao cho thoải mái. "Không có gì phá hủy một bữa tối nhanh hơn những chiếc ghế cứng," có lần bà chân tình bảo tôi. Khi bà nêu lên những đặc tính của đồ đạc như thế, tôi luôn có cảm giác mình nên tốc ký vào một cuốn sổ để tiện ngày sau tra cứu tham khảo.

Tuy nhiên, trong một ngôi nhà có rất nhiều căn phòng thoải mái, xinh đẹp, khu bếp có lẽ vẫn là nơi tôi yêu thích nhất. Tôi yêu những bức tường sơn màu caramen, những mặt quầy bếp lát đá, những chiếc xoong chảo bằng đồng nặng trịch lủng lẳng treo vào những chiếc móc rũ xuống bên trên quầy bar. Tôi bị mê hoặc bởi khung cửa sổ đẹp như tranh nhìn ra sân sau và kệ lò sưởi bên tường nơi mọi người có thể đến tụ tập. Đó thực sự là kiểu khu bếp sáng choang, rộng thênh mà ta thường thấy trên phim ảnh. Khu bếp đặc trưng cho một gia đình tràn ngập hạnh phúc với người mẹ còn nguyên nét truyền thống vững chãi cầm trịch; người cha phong độ, đáng mến; cô con gái dễ thương, xinh tươi; và hai cậu con trai có thiên tư tốt đẹp chốc chốc lại tạt qua nhúng chiếc muôi gỗ vào trong những cái nồi sôi lục bục trên dàn bếp Viking to tướng rồi khen ngợi món ăn của người mẹ yêu thương hay bác quản gia quý mến. Mọi thứ về khu bếp ấy thật hoàn hảo - đúng như gia đình sống trong nó vậy.

Tôi nhớ mình đã nghĩ tới những điều ấy khi dầm tay vào nước xà phòng ấm và lôi hai chiếc thìa cà phê bằng bạc lên. Tôi nghĩ mình thật may mắn biết bao khi được ở nơi này - rằng đây chính xác là những gì người ta mong được cảm thấy trong lễ Tạ ơn - ngoại trừ, có lẽ thế, nhiệt độ lên tới 15oC.

Năm đó, gia đình tôi đã khiến tôi rất thất vọng - điều này không còn là chuyện lạ kể từ sau mẹ mất. Bố tôi cố gắng duy trì truyền thống gia đình trong vài năm, nhưng Sharon đã thay đổi tất cả - không phải một cách cố tình, mà đơn giản là vì bà có con riêng và có cách sống riêng. Năm đó, Sharon và bố tôi đi Cleveland thăm con trai riêng của Sharon, John, và vợ mới cưới của anh ta, Leslie, người từng là đội trưởng đội cổ động viên thể thao của bang Ohio, một chuyện mà Sharon dường như tự hào đến thái quá. Thế là để lại Suzanne và tôi tự lo liệu cho mình, và mặc dù tôi không mấy tin tưởng rằng có mỗi hai chị em cũng vẫn sáng tạo được một lễ Tạ ơn mãn nguyện, một dịp lễ dính dáng nhiều đến chuyện nấu nướng trong khi cả hai chúng tôi đều không thạo việc bếp núc cho lắm, tôi vẫn sẵn lòng cố gắng. Nhưng Suzanne thì không. Chị ấy nói rõ với tôi rằng chị ấy sẽ "không làm gì cho kỳ nghỉ năm nay". Tôi không chắc chính xác câu đó có nghĩa gì , nhưng tôi đã trở nên quen với tâm trạng thất thường của chị và biết rõ rằng áp đặt một lễ Tạ ơn truyền thống lên con người chị thật chẳng khôn ngoan chút nào. Thế nên tôi vô cùng hạnh phúc khi Margot mời tôi về nhà cùng cô.

Lúc ấy, khi Andy hỏi tôi về gia đình, tôi kể với anh một vài điều trên một cách cẩn trọng để không nghe có vẻ cay đắng và bạc bẽo với bố và chị gái. Hay tệ hơn, nghe giống như người bạn bơ vơ đáng thương của Margot.

Andy khi đó vừa buộc xong chiếc tạp dề xếp nếp màu xanh, phần nhiều để cho hay chứ không phải vì lợi ích gì, lắng nghe hết sức chăm chú rồi nói, "Anh rất vui có em ở đây. Càng đông càng vui, anh lúc nào cũng nói thế mà."

Tôi mỉm cười, nghĩ rằng có rất nhiều người sử dụng câu thành ngữ ấy, tuy nhiên gia đình Graham thì thực sự tin nó, và chỉ riêng trong hôm nay đã có ít nhất nửa tá bạn bè tạt qua chơi, trong đó có cả bạn trai hồi trung học của Margot, Ty, cậu ta mua đến vài chục chiếc bánh vòng màu tùng lam có nhân tròn bên trên rất trứ danh của hiệu Henri’s, một hiệu bánh lâu đời ở Atlanta. Margot từ chối, nhưng Ty rõ ràng là vẫn còn yêu cô - hoặc chí ít anh ta vẫn rất quý mến gia đình cô. Tôi có thể hiểu được điều đó.

"Anh biết đấy," tôi nói với Andy, "hầu hết mọi gia đình đều không giống thế này."

"Giống sao cơ?"

"Tốt đẹp," tôi nói. "Hạnh phúc."

"Bọn anh hù em đó," Andy nói. "Tất cả chỉ là mã ngoài thôi."

Trong một thoáng, tôi đã rất lo lắng, gần như vỡ mộng. Có chăng bí mật về một gia đình đen tối mà tôi không biết? Ngược đãi sao đó? Tội phạm cổ cồn trắng?Hay tệ hơn, có một lời chẩn bệnh tối hậu vô vọng, giống như điều từng làm thay đổi mọi thứ trong gia đình tôi? Tôi liếc nhìn Andy và thấy vẻ mặt vui tươi của anh, lòng tràn ngập cảm giác giải thoát. Mộng tưởng của tôi về gia đình Graham như một gia đình thịnh vượng và hạnh phúc vẫn hoàn toàn nguyên vẹn, vượt qua tất cả nỗi lo âu.

"Đùa thôi. Gia đình anh thực sự tốt đẹp… Trừ có James," anh nói, nhắc đến cậu em trai của mình, anh chàng dễ thương đa sự của gia đình lúc đó đang sống trong phòng dành cho khách ở sân sau nhà, vì thế mà có biệt danh Kato Kaelin(1). James vừa mới bỏ một công việc nữa - cậu có nhiều "ông chủ tồi tệ kinh hồn" hơn bất kỳ ai tôi từng biết - và gần đây cậu đã phá tan tành ít nhất ba chiếc ô tô quà tặng tuyệt diệu của mình. Thế nhưng những trò phá bĩnh của James dường như chỉ tạo thêm hứng thú, các thành viên còn lại của gia đình chỉ lắc đầu ái ngại cưng chiều.

Andy và tôi im lặng trong vài phút, khuỷu tay của chúng tôi vô tình chạm phải nhau khi làm việc, mãi sau anh nói, giọng thoảng buồn, "Thế em có nghe được gì nữa từ anh chàng hay đi cùng em không? Leo, phải nhỉ?"

Tim tôi nhảy đánh thịch. Tôi mới nghĩ đến Leo lúc sáng sớm nay, băn khoăn tự hỏi không biết anh ta nghỉ lễ cùng gia đình ở Queens hay đang nằm ườn cho hết ngày lễ, đúng kiểu của Suzanne. Tôi có thể thấy anh ta vẫn miệt mài tập trung làm việc, đặc biệt nếu anh ta đang có một cái hạn nộp bài rất căng. Tuy nhiên, nghĩ về anh ta là một chuyện, nói về anh ta thì là chuyện khác. Tôi hít sâu, lựa chọn từ thật cẩn trọng. Tôi có cảm giác như mình đang chính thức công bố điều gì đó, và mặc dù muốn nói chuẩn xác, tôi cũng muốn tỏ ra thật mạnh mẽ. "Không," cuối cùng tôi nói. "Đó là sự tuyệt giao sạch bách."

Câu đó có hơi chút cường điệu, căn cứ vào quãng đời sầu thảm của tôi, nhưng tôi lập luận rằng lúc này nó đã sách bách từ phía Leo. Vả chăng, nếu người này không liên lạc với người kia lấy một lần sau khi hai người chia tay lần cuối, chẳng phải như thế xét trên định nghĩa chính là sạch bách sao? Bất kể ta cảm thấy ra sao trong sâu thẳm? Tôi nghĩ về một lần tôi suýt nữa đã gọi cho Leo. Hôm đó ngay sau vụ Mười một tháng Chín. Gần một tuần đã trôi qua, nhưng cả đất nước - và đương nhiên là New York - vẫn còn trong cơn hoang mang tột độ của buồn đau và hãi hùng đó. Tôi biết rằng cơ quan và nhà Leo đều không gần Trung tâm Thương mại Thế giới, và rằng hiếm khi có dịp lên khu tài chính của New York. Nhưng tuy nhiên. Có quá nhiều chuyện kinh khủng về ngày hôm đó - câu chuyện về những người đến nơi họ thường không đến - thế nên tôi bắt đầu tưởng tượng điều tổi tệ nhất. Bên cạnh đó, theo như tôi lý luận với Margot, tôi nhận được hàng đống cuộc gọi từ bạn cũ, thậm chí của những người quen sơ, để kiểm tra xem tôi thế nào. Không phải đó là một việc đúng đắn của lòng trắc ẩn sao? Sau mọi chuyện, tôi hẳn có những cảm giác cay đắng với Leo, nhưng tôi muốn anh còn sống. Mấy lời biện hộ của tôi chẳng mảy may tác động đến Margot, cô thuyết phục tôi rằng cô không thể, dưới bất kỳ hoàn cảnh nào, liên lạc với Leo, và cô đã thành công với chỉ một luận điểm đơn giản mà không cãi nổi: "Anh ta đâu có gọi để kiểm tra cậu, phải không?"

Tôi đổ thêm một ít nước rửa chén vào dòng nước đang chảy xuống từ vòi, mùi chanh lan tỏa trong không khí, lúc ấy Andy gật đầu nói, "Tuyệt giao hoàn toàn luôn luôn tốt."

Tôi lẩm bẩm đồng tình. "Vâng. Em thật sự chẳng bao giờ hiểu nổi những người cứ trở thành bạn thân của người tình cũ."

"Anh thì hiểu," Andy nói. "Có những người vẫn giữ một ngọn lửa."

"Như Ty," tôi nói, cười lớn.

"Chính xác đấy," Andy nói. "Kiểu thế này, thôi nào, người ơi, hãy để cho cơn mê tắt lịm đi thôi."

Tôi phì cười, nghĩ rằng tôi chắc chắn đã để cho cơn mê tắt lịm cùng Leo, không phải là tôi có nhiều lựa chọn trong chuyện này.

"Thế," Andy thôi chủ đề đó và hỏi câu tiếp theo "giờ em có đang gặp gỡ ai không?"

Tôi lắc đầu. "Không. Không hẳn. Thỉnh thoảng đây đó vài cuộc hẹn - hầu hết đều do Margot giới thiệu. Em nghĩ cô ấy đến sắp đặt cho em với mọi chàng trai thật thà còn độc thân của ngành công nghiệp thời trang mất thôi… Nhưng không có gì nghiêm túc cả… Anh thì sao?"

Tôi hỏi câu đó mặc dù về căn bản tôi đã biết tình trạng của anh - anh vừa tự do trở lại sau quan hệ ngắn ngủi với một nữ diễn viên New York tên là Felicia đòi hỏi sự chiều chuộng quá cao - một nữ hoàng kịch nghệ thậm chí cả khi không đứng trên sân khấu.

Andy xác nhận với vẻ vui tươi, "Độc thân," trong khi tôi đưa cho anh một cái ly pha lê.

Anh ném cho tôi một nụ cười lém lĩnh khiến tôi đột ngột băn khoăn liệu anh có đang làm gì hơn là trò chuyện đôi câu và giúp rửa chén bát. Có thể nào anh trai Margot thực sự thích tôi? Không thể nào, bản năng đầu tiên của tôi mách bảo. Mặc dù Andy rất thân thiện, dễ gần, và còn đôi chút ngờ nghệch, anh vẫn là người anh trai vô cùng dễ thương, vô cùng thành đạt của Margot, điều đó mang lại cảm giác như anh đứng ngoài thế giới của tôi, hoặc ít nhất cũng là một vùng cấm. Thế là tôi lôi bất kỳ tưởng tượng lãng mạn nào về Andy ra khỏi đầu mình khi chúng tôi tiếp tục nhịp điệu rửa rồi tráng rồi lau khô chén đĩa. Rồi đột nhiên chúng tôi kết thúc công việc. Và thật lạ, tôi chợt cảm thấy nuối tiếc.

"Thế là xong," anh nói, lau khô tay, cởi chiếc tạp dề và gấp gọn để lên quầy. Tôi lôi nắp đậy dưới bồn ra và nhìn nước chảy, ban đầu chầm chậm nhưng sau thì cuộn ào. Tôi lau khô tay rồi chùi mặt quầy bếp bằng một chiếc khăn nhỏ có chữ G lồng. Tôi có cảm giác như mình đang chộn rộn, nhưng chộn rộn vì cái gì, thật sự tôi không chắc.

Chính khoảnh khắc ấy Andy nhìn tôi và nói, "Thế. Ellen?"

Cảm thấy căng thẳng sao đó, tôi tránh ánh mắt của anh và trả lời, "Vậng?"

Andy hắng giọng trong khi nghịch nghịch một hộp diêm trên mặt quầy rồi nói, "Khi chúng ta trở lại New York… em nghĩ sao nếu chúng ta đi ra ngoài? Đi ăn tối hoặc gì đó… Chỉ hai chúng ta?"

Không còn nghi ngờ gì nữa - Andy đang đề nghị hẹn hò với tôi. Não tôi vận tốc lực, nghĩ về những hệ quả của việc đi chơi với anh trai của bạn thân nhất. Không phải đó là một kế hoạch liều lĩnh sao? Chuyện gì nếu chúng tôi trở nên nghiêm túc rồi mọi điều lại kết thúc tồi tệ? Margot có đứng về một phía? Tình bạn của chúng tôi có còn vẹn nguyên? Hay xa xôi nhất, có quá bất tiện cho tôi mỗi lần về thăm nhà cùng với cô không? Và vì thế lựa chọn ấy chợt đến trong tôi, vào giây phút đó, hoặc trả lời không hoặc nói vài câu cáo lỗi sao đó để tránh được mọi xung đột tiềm tàng. Có hàng nghìn chàng trai khả dĩ ở Manhattan; sao phải chọn cách này?

Nhưng thay vào đó, tôi lại nhìn thẳng vào đôi mắt xanh của anh, lạnh trong gam màu, nhưng ấm hơn bất kỳ cặp mắt nâu nào tôi từng biết, và nói rụt rè, thận trọng, "Em nghĩ kế hoạch đó có tiềm năng đấy."

Andy khoanh tay, dựa người vào quầy bar và mỉm cười. Tôi mỉm cười lại. Rồi, ngay khi chúng tôi nghe thấy Margot đang đi xuống bếp, anh nháy mắt láu lĩnh với tôi và nói, "Và nghĩ xem. Nếu mọi chuyện tốt đẹp… em vừa mới gặp cả gia đình đấy."

Thời gian còn lại của dịp cuối tuần ấy, sự phấn khích trong tôi gia tăng khi Andy và tôi trao nhau rất nhiều những cái liếc nhìn ra dấu, đặc biệt là vào đêm sau đó, khi Stella dò hỏi tình trạng hẹn hò của hai cậu con trai.

"Có người nào đặc biệt chưa?" Bà hỏi trong khi chúng tôi đang chơi trò ghép từ Scrabble trên chiếc bàn da trong phòng chơi.

James cười nói, "Có chứ mẹ. Có bao nhiêu là cô gái đặc biêt… Nếu mẹ hiểu ý con."

"James," Stella nói, lắc lắc mái đầu vàng óng lúc nào cũng bồng bềnh rất điệu nghệ, và vờ giận cậu con trai thứ, trong khi bà giải thích về những câu cách ngôn ghép từ những chữ cái mà bà có.

"Hay quá mẹ ạ," Andy trìu mến nói. Rổi bảo với tôi, "Em có biết mẹ không bao giờ thua trò này ?"

Tôi mỉm cười, để ý thấy cách người miền Nam luôn bỏ qua từ "của tôi" khi nói về bố mẹ mình. "Em có nghe rồi." tôi nói, cảm thấy vừa ấn tượng vừa hơi bị đe dọa bởi nữ chúa của gia đình Graham. Thực sự thì, chiến thắng trong trò bảng chữ này chỉ là một trong rất nhiều thứ tôi nghe được về Stella trong những năm qua, những điều đã ảnh hưởng đến những người thương yêu của bà, đến hầu hết không gian văn hóa, lối sống gia đình. Stella khỏe mạnh, tuyệt diệu, thông minh. Quyến rũ và đầy lôi cuốn, bà hẳn sẽ không chết vì bệnh ung thư - tôi tin chắc chuyện đó - mà thay vào đó vẫn ngủ ngon trên chính giường của mình, ở cái tuổi thượng thọ chín mươi tư, với một nụ cười trên gương mặt và mái đầu hoàn hảo ấy ngả lên trên chiếc gối lụa.

"Đó là vì mẹ chơi gian đấy," James nói với chất giọng khàn trầm ấm, chậm rãi của cậu, một ngữ âm nặng hơn rất nhiều so với những người còn lại trong nhà - tôi cho rằng tính lười biếng nói chung của cậu đã ăn sâu thậm chí cả vào cách nói. Cậu nháy mắt với tôi và nói, "Em phải chú ý cho kỹ xem mẹ có giỏi thật không, Ellen. Mẹ láu cá lắm đấy."

Tất cả chúng tôi cười ầm lên với tưởng tưỡng ngớ ngẩn Stella Graham hoàn hảo đang chơi ăn gian, trong khi bà quay đầu lại nhìn, cần cổ cao của bà trông hết sức đáng ngưỡng mộ. Rồi bà khoanh tay ôm ngang chiếc váy xám đặt may riêng của mình, những vật trang trí nặng bằng vàng gắn trên chiếc lắc trượt xuống khuỷu tay.

"Con thì sao, Andrew?" Stella hỏi.

Tôi thấy mặt mình nóng lên khi dừng ánh mắt trang trí hình tháp Eiffel, chắc hẳn là quà của bố Margot, lúc này thì tôi gọi ông là ông Graham, người duy nhất không tham gia trò chơi tối nay. Thay vì vậy ông đang đọc tờ The Wall Street Journal bên cạnh lò sưởi và thỉnh thoảng lại tra cứu từ điển rồi chơi trò phân xử những từ ngữ gây tranh cãi.

"Còn con ư?" Andy nói, vừa né tránh câu trả lời của mẹ vừa tỏ ra rất thích thú.

"Anh ấy bỏ Felicia rồi," Margot lên tiếng. "Con chưa nói với mẹ à?"

Stella gật đầu, nhưng vẫn nhìn Andy. "Có cơ hội nào trở lại với Lucy không? Một cô gái xinh đẹp, dễ thương như thế," bà nói vẻ tiếc nuối. "Mẹ thích Lucy lắm."

James cười phá lên rồi nhái giọng Ricky Ricardo(2), "Luuuuuuuuuuu- cy! Anh về đây!"

Chúng tôi lại cùng cười, trong khi Andy ném cho tôi một cái nhìn lướt nhanh, mày nhướn lên, kiểu của người trong cuộc. "Không. Con hết với Lucy rồi," anh nói, ngón chân trần của anh tìm ngón chân đi tất của tôi dưới bàn. "Nhưng thật sự thì con có một cuộc hẹn đã lên lịch tuần tới."

"Thật sao?" Margot và Stella cùng thốt lên.

"Phải," Andy nói.

"Tiềm năng chứ?" Margot hỏi.

Andy gật đầu trong khi ông Graham ngước mắt khỏi tờ báo với thoáng chút tò mò. Margot từng nói với tôi rằng bố cô chỉ muốn Andy một ngày nào đó trở lại Atlanta để tiếp quản văn phòng luật của ông - và xem việc Andy cưới một phụ nữ Yankee là rào cản quan trọng duy nhất đối với mong ước đó.

Quả nhiên, ông Graham nhìn chăm chú qua trang báo và nói, "Cô ấy người miền Nam chứ, có tình cờ thế không?"

"Không," Andy nói. "Nhưng con nghĩ mọi người sẽ thực sự thích cô ấy."

Tôi mỉm cười, thẹn thùng nhìn xuống những chữ cái của mình, khéo chọn sao tôi có các chữ F, A, T và E(3) trên tấm bảng gỗ.

Tôi và Andy đã bắt đầu như thế. Đólà lý do tại sao những chuyến về thăm gia đình Margot (những người mà giờ đây tôi nhắc tới như gia đình Andy, sự chuyển đổi xảy ra sau đó giữa buổi hẹn đầu và hôn lễ của chúng tôi) luôn có cảm giác hơi giống một chuyến đi xúc tác tình cảm đối với tôi, như thể đọc lại một bức thư tình cũ hay trở lại nơi tình yêu nhen nhóm. Và giờ đây, khoảng một tuần sau cái tin mang bầu tốt lành của Margot, tôi đang nghĩ đến tất cả điều đó khi Andy và tôi bay về Atlanta chơi cuối tuần.

Đây là một chuyến bay êm và không một gợn mây trên nền trời tháng Hai màu xanh cô ban, nhưng tôi vẫn hơi khó ở. Tôi vốn căng thẳng khi bay, có lẽ kế thừa tính ẻo lả từ mẹ, người lúc nào cũng từ chối đi máy bay. Nói như thế không có nghĩa là bố mẹ tôi từng có thể chi trả cho bất kỳ chuyến bay nào, một sự thật khiến tôi đau lòng khi nhìn bố tôi và Sharon bay xuống Florida mỗi mùa đông, nơi họ bắt đầu những chuyến du thuyền cầu kỳ trên vùng biển Caribe. Tôi muốn bố tôi hạnh phúc, nhưng đôi khi dường như thật không công bằng vì Sharon lại được hưởng thụ những lợi lộc từ việc nghỉ hưu của bố - và sự thật thì phải mất rất nhiều thời gian tôi mới học được rằng sự bất công của cuộc đời thực sự không dễ gì thay đổi.

Dù sao thì lúc này, nhân viên phục vụ chuyến bay đang vui vẻ thông báo rằng chúng tôi đã sắp tới sân bay Hartsfield Jackson và rằng chúng tôi nên trở lại ghế ngồi và gập bàn vào vị trí thẳng đứng. Andy làm theo chỉ dẫn và đặt tờ US Today của mình vắt qua chân. Anh gõ gõ chiếc bút xuống tờ báo và nói, "Anh cần một từ bốn chữ cái có nghĩa là điểm cao nhất?"

"Đỉnh," tôi nói.

Andy lắc đầu. "không khớp."

Tôi thử lại. "Chóp?"

Anh gật đầu. "Cảm ơn," anh nói, trông có vẻ tự hào về kỹ năng giải ô chữ của tôi. Anh là luật sư, nhưng tôi là thợ chữ. Giống như mẹ anh, giờ tôi thường xuyên hất cẳng anh trong mấy trò Scrabble với Boggle - nói đúng hơn là tất cả trò ô chữ. Điều đó hoàn toàn không thành vấn đề với Andy - anh hầu như không có bản năng ganh đua.

Khi chiếc máy bay nhẹ nhàng hạ thấp độ cao, một tay tôi nắm chặt thành ghế, tay còn lại đặt lên chân Andy. Tôi nhắm mắt nghĩ tới khoảnh khắc trong gian bếp nhiều năm về trước. Nó có lẽ không kích động bằng chuyện bập vào quan hệ yêu đương với một người hoàn toàn xa lạ trong khi bị giam lỏng vì một vụ án giết người, nhưng ở một số mặt khác thì nó còn tốt hơn. Nó có sự vững chắc. Một cội rễ cẩn tín tốt đẹp. Một cơ sở của tình bạn và gia đình - những điều đơn giản mà thực sự có ý nghĩa, những điều mãi lâu bền. Andy không phải là bí ẩn vì tôi đã quen biết anh từ trước khi anh ngỏ lời với tôi. Có thể tôi không biết về anh nhiều lắm, và những hiểu biết ấy hầu như đều từ Margot kể cho, nhưng tôi vẫn biết anh theo một phương diện nào đó quan trọng, căn bản. Tôi biết nơi anh sinh trưởng. Tôi biết anh yêu ai và ai cũng yêu anh. Tôi biết anh là một người anh, một người con tốt. Tôi biết anh là một chàng trai vui tính, tốt bụng, khỏe mạnh. Kiểu chàng trai sẵn lòng giúp đỡ rửa bát sau bữa tối lễ Tạ ơn, dù có lý do thầm kín nào đó hay không.

Thế nên khi Andy và tôi bước vào cuộc hẹn hò đầu tiên vài ngày sau đó, chúng tôi tiến xa hơn nhiều so với những cặp đôi bình thường trong buổi hẹn hò đầu. Chúng tôi đều trong tâm thế chí ít phải có của buổi hẹn hò thứ tư, có thể bỏ qua những chuyện kể về mình, hay tìm hiểu đối phương, và chỉ việc thoải mái hưởng thụ thời gian vui vẻ. Không có sự giả vờ, dò la hay làm bộ làm tịch, những thứ tôi đã trở nên quen thuộc trong giai đoạn cuối của mối quan hệ giữa tôi với Leo - và trong vô số cuộc hẹn đầu tồi tệ sau đó. Mọi thứ cảm giác thật dễ dàng và đơn giản, cân bằng và lành mạnh. Tôi chẳng bao giờ phải băn khoăn không biết Andy đang nghĩ gì, hay anh cảm thấy thế nào, bởi vì anh là một quyển sách mở, và anh luôn luôn vui vẻ. Hơn thế nữa, anh quan tâm đến việc làm tôi vui. Anh là một quý ông miền Nam tôn kính và lịch sự, một con người lãng mạn và tốt bụng từ trong bản chất.

Đấu đó trong sâu thẳm, tôi nghĩ tôi biết ngay từ đầu rằng mối quan hệ của chúng tôi thiếu cảm xúc mãnh liệt vốn dĩ, nhưng không phải theo kiểu tôi cảm thấy điều gì đó đang mất mát. Ngược lại, có cảm giác nó giống như sự nhẹ nhõm rất đỗi không bao giờ chán - giống với ngày đầu tiên ta cảm thấy khỏe khoắn sau một trận ốm nhừ tử. Sự vắng mặt hoàn toàn cảm giác thống khổ thật là sung sướng. Đó là cách mà mọi thứ nên diễn ra, tôi thầm nghĩ như thế khi Andy và tôi dần dần gần gũi nhau hơn. Đó là điều mà tình yêu nên cảm thấy. Quan trọng hơn, tôi tin rằng đó là kiểu tình yêu duy nhất không bao giờ cạn kiệt, Andy có sự bền bỉ. Chung sức, chúng tôi có tiềm băng bên nhau được trọn đời.

Tôi cảm thấy chiếc máy bay bắt đầu hạ thấp độ cao lần cuối trong khi Andy gấp tờ báo lại nhét vào trong túi xách vải thô dưới chân anh, rồi nắm chặt tay tôi. "Em ổn chứ?"

"Vâng," tôi nói, nghĩ rằng Andy chính là như thế - người mà khi ở bên cạnh tôi luôn cảm thấy ít nhất là ổn.

Lát sau chúng tôi hạ cánh an toàn ở Atlanta, dừng lại ở cổng bay sớm mấy phút so với lịch trình. Andy đứng lên lấy áo khoác của chúng tôi trong khoang hành lý trên đầu trong khi tôi bật điện thoại để xem Margot có gọi không. Kế hoạch chúng tôi lên tối qua là gặp nhau ở bên ngoài sân bay Delta vào đúng chín rưỡi, nhưng Margot thường hay đến muộn hoặc thay đổi kế hoạch giữa chừng. Quả nhiên, có một biểu tượng tin nhắn thư thoại nhấp nháy trên điện thoại tôi. Một tin nhắn mới. Tôi bấm nút play, ngay lập tức nhận ra với cả phấn khích lẫn sợ hãi rằng tin nhắn đó không phải từ Margot. Tin nhắn đó từ Leo. Leo, người mà hai tuần sau cuộc hội ngộ ấy, giờ đây dường như đang thực hiện đúng lời hứa nối tình bạn giữa chúng tôi.

Bối rối, tôi liếc nhìn Andy lúc đó đang không để ý gì. Tôi có thể dễ dàng nghe được toàn bộ tin nhắn mà anh không hay biết, và một phần tội lỗi trong tôi sốt sắng muốn nghe xem Leo phải nói chuyện gì. Thay vào đó, tôi không để anh ta nói gì hơn, "Chào, Ellen. Leo đây," trước khi sập chiếc điện thoại lại và cho anh ta im lặng. Tôi sẽ không cho phép anh ta nói thêm gì nữa trên quê hương của Andy. Trong sự có mặt của anh, quãng đời bên anh.

(1): Tài tử người Mỹ Kato Kaelin từng sống hờ trong phòng khách nhà ngôi sao truyền hình O.J.Simpson. Khi vợ cũ của Simpson và người tình của cô bị ám hại, Simpson bị bắt giam, Kato Kaelin đã đứng ra bào chữa thành công cho Simpson và trở nên nổi tiếng.

(2): Nhân vật chính trong show truyền hình I Love Lucy.

(3): Định mệnh
Chương trước Chương tiếp
Loading...