Anh Nghĩ Là Anh Thích Em

Chương 41: Buổi Hẹn Hò Đầu Tiên (1)



Bố mẹ không có ở nhà, Tống Toa Toa thu dọn cặp sách, nhờ dì Khương giúp việc lái xe đưa cô đến thư viện thành phố.

Từ xa đã nhìn thấy Quý Hoài đứng chờ trên bậc thang ngoài cổng thư viện, tay trái anh cầm vài quyển sách, bên tai phải đeo tai nghe, hình như đang nghe nhạc.

Tống Toa Toa chạy tới cười chào anh.

Nhìn thấy cô, Quý Hoài tháo tai nghe xuống nhét vào túi quần, ánh mắt trở nên ấm áp: “Đi thôi, một giờ nữa là đóng cửa rồi.”

Quý Hoài đã mua vé trước, hai người bước vào phòng triển lãm, bên trong khá im ắng, trên tường treo vài bức tranh chữ, có bức màu sắc nồng đậm rực rỡ, có bức nhẹ nhàng như nước chảy mây trôi, phía trên mỗi bức đều có gắn đèn rọi xuống. Cạnh mỗi bức tường triển lãm đều có một nhân viên đứng giới thiệu về các bức tranh chữ, về cuộc đời và thành tựu của từng tác giả.

Tống Toa Toa tuy không hiểu tranh chữ nhưng cũng có thể nhìn ra vẻ đẹp của những bức tranh này. Xem triển lãm tranh vốn là mỗi người một ý, cho dù không có được cảm ngộ hay kiến thức sâu rộng cũng có thể chiêm ngưỡng di tích của người xưa, cảm nhận bề dày văn hoá Trung Hoa cũng là một chuyện tốt.

Đi theo nhóm năm ba người tiến về phía trước, cô nhìn thấy ở giữa phòng treo bức “Lạc Hà Cô Vụ” của Đường Dần và bức “Mặc Trúc” của Trịnh Bản Kiều. Vì hai tác giả này nổi tiếng nhất nên được treo ở vị trí tốt nhất phòng triển lãm.

Tống Toa Toa nghe xong lời giới thiệu, ngẩng đầu nhìn bức tranh chữ trên tường, cô cảm thấy bức “Mặc Trúc” của Trịnh Bản Kiều cực kỳ đẹp. Từng bụi mặc trúc dường như đang thật sự lay động trong gió, rũ xuống trong mưa, trông hết sức sinh động. Trịnh Bản Kiều nhất định là một người vô cùng nhiệt tình, tràn đầy tình yêu với cuộc sống nên mới có thể vẽ ra cây trúc thật đến vậy.

Nhìn sang bức “Lạc Hà Cô Vụ” của Đường Dần nằm bên cạnh, ngoài việc cảm thấy người này vẽ rất đẹp ra, cô không cảm nhận được gì khác. Tống Toa Toa nhỏ giọng hỏi Quý Hoài: “Đường Bá Hổ thật sự cưới Thu Hương sao?”

Quý Hoài đang nhìn bức “Lạc Hà Cô Vụ” đến thất thần, nghe vậy nhàn nhạt trả lời: “Không có, đều là tin vịt.”

“Thật á?” Tống Toa Toa có chút không tin, “Chẳng lẽ chuyện tình trong truyện Tam Tiếu Nhân Duyên đều là giả?”

Quý Hoài có chút bất đắc dĩ nhìn cô: “Những thứ đó đều là bịa đặt cả, người đời thích các truyền thuyết đẹp về tài tử giai nhân, nhưng sự thật thường không được như vậy.”

“Thế sự thật là như thế nào?” Tống Toa Toa nghe ra ý của anh, cảm thấy có chút tò mò.

Nâng mắt nhìn bức tranh trên tường, Quý Hoài thấp giọng nói: “Thật ra cuộc đời Đường Bá Hổ cực kỳ đau khổ, có thể nói ông là văn nhân thê thảm nhất trong lịch sử. Cha mẹ, vợ con và em gái ông trong vòng hai năm ngắn ngủi lần lượt qua đời, chỉ còn lại mình ông bơ vơ không nơi nương tựa. Về sau bị liên luỵ bởi vụ án rối loạn kỷ cương tại khoa trường, ông bị chặt đứt con đường làm quan lúc còn tuổi trẻ. Trong một xã hội phong kiến xem trọng việc ‘học xong thì phải làm quan’, văn nhân bị chặt đứt con đường làm quan cũng giống như anh hùng bị dồn đến đường cùng, như mỹ nhân đến tuổi xế chiều. Ông một thân đầy tài hoa lại chỉ có thể phiêu bạt khắp nơi, sống trong nỗi thất vọng khốn cùng… Nhưng dù trải qua nhiều trắc trở như vậy, Đường Bá Hổ vẫn có thể vẽ ra những bức tranh như thế này. Cậu xem tranh ông vẽ sẽ cảm nhận được lòng dạ của ông.”

Tống Toa Toa nghe xong mà thổn thức, cô ngẩng đầu xem lại bức “Lạc Hà Cô Vụ”, trong tranh là ngọn núi cao lồng lộng mọc đầy thông xanh xinh đẹp, lầu các nhỏ xây giữa núi bao phủ bởi cây liễu rũ rậm rạp, một người đứng trong lầu các nhìn ra phía xa nơi ráng chiều đỏ rực đang dần tan đi trong sự cô đơn quạnh quẽ… Cái loại cảm giác tiêu sái đầy bi thương này khiến người xem muốn khóc.
Chương trước Chương tiếp
Loading...