Găng Tay Xanh
Găng Tay Xanh – Phần 14
Huyền vùi mặt vào gối ngủ gần như suốt ngày, thỉnh thoảng thò tay và mặt ra ngoài chiếc chăn mỏng nhắn tin nhoay nhoáy, hoặc chúi mũi vào cuốn truyện mượn được của cô bạn cùng lớp. Kể từ sau hôm thuyết trình tự do trên lớp, chúng tôi nói chuyện với nhau có vẻ khiên cưỡng hơn, không còn thoải mái như trước. Tôi cũng không muốn tin căn nguyên chỉ vì bài của mình kém điểm hơn nhưng lại được chọn để thực hiện. Cô gái ấm áp và sôi nổi như ánh mặt trời ấy, người tạo cho tôi cảm giác thích thú ấy chẳng lẽ lại cay cú vì một chuyện như vậy sao? Lắm khi tôi cũng áy náy, cảm giác như mình đã cướp sạch công sức của bạn không thương tiếc. Và giờ nếu có mở lời nói “Tớ rất tiếc” hoặc “Tớ cũng không biết tại sao lại thế”, thì có vẻ giả tạo quá! Cúc lại thường xuyên vắng mặt ở phòng, chỉ về lúc trưa và mười giờ tối để tranh thủ ngủ, cứ như thể đang đi làm thêm bận rộn lắm. Mọi người không ai hỏi, không ai xen vào cuộc sống của ai. Nhưng đôi khi thà người ta nói một cái gì đó trước mặt mình để chứng tỏ họ còn quan tâm, hơn là ngấm ngầm trao những ánh mắt dò xét, phán đoán chủ quan đáng sợ. Thi thoảng vài ngày trong tuần, lác đác có mấy chị khóa trên đi thực tập tạt về phòng. Những lúc như vậy tôi thấy mình hơi lạc lõng, vì màu tóc đen khác biệt duy nhất. Và vì dù họ mỉm cười, hỏi han ân cần nhưng vẫn có những khoảng cách vô hình ngăn bản thân đẩy lùi cảm giác cô độc lúc này. “Giữa những người lạ, ta cần một người quen. Giữa những người quen, ta cần một người hiểu”. Trong cuốn sổ tay vẫn thường mang theo bên mình, tôi đặc biệt ưa thích câu nói này của tác giả Phạm Lữ Ân. Cảm giác được ở nơi khác, giữa những con người lạ đôi khi khiến mình tự tin thể hiện bản thân mãnh liệt hơn. Dẫu vậy, khi lạc vào chốn ấy, ta vẫn thường ngó quanh, tìm một hình bóng ai quen thuộc. Và đó cũng là lý do để giữa những người lạ, ta dễ tìm được một người thân, rồi quen biết, hiểu nhau và thấy gắn bó dù chưa trải qua nhiều sóng gió như đã từng với lũ bạn thân ở nhà. Đôi khi cái ta dễ dàng chấp nhận, nhanh chóng thích nghi và mừng vui khi tưởng đã nắm bắt được nhau lại chỉ như ảo ảnh. Nghĩ tới đây tôi lại nhớ đến bộ phim Kỷ băng hà 4. Thứ ảo ảnh người ta hay gặp khi đi biển ngọt ngào đầy sự dụ giỗ đến mức nếu không tỉnh táo, chắc chắn sẽ phải bỏ mạng lại nơi đại dương sâu thẳm. Nhược điểm duy nhất ở tôi mà dễ dàng nhận thấy nhất là nóng tính. Đôi khi thực hiện những bài quiz vui trên mạng, kết quả vẫn cứ cho ra “Bạn là người rất bình tĩnh, hiếm khi cáu giận…”, làm tôi phải bật cười vì độ sai lệch rõ ràng. Lắm lúc vì bực dọc chuyện trên lớp, về nhà tôi sẵn sàng sẵng giọng với mẹ, hục hoặc với chị một cách khó chịu. Những khi lỡ lời rồi, cảm giác càng nặng nệ hơn. Nhất là đối với mẹ. Tự dặn mình lần sau phải cẩn trọng và đừng làm tổn thương mẹ nữa nhưng rồi đâu lại vào đấy, lúc bực tức lên vẫn giận cá chém thớt như thường. Nằm lăn lăn một hồi trên giường, thấy nhớ mẹ quá, tôi mò ra ngoài hành lang bấm điện thoại gọi về nhà. Mẹ nhấc máy, giọng nghiêm nghị như thường ngày. Nhưng vừa nhận ra con gái gọi, vội vã hỏi dồn dập, như sợ mất kết nối ngay tức khắc. Tôi phì cười tưởng tượng ra gương mặt mẹ, những lúc thế này môi mẹ sẽ chúm lại, chân mày cau cau chăm chú lắng nghe. Nếu đang ở nhà, sau khi mẹ kết thúc cuộc điện đàm, tôi sẽ bò ra bá cổ mẹ trêu đùa vài câu: “Phụ nữ có nếp nhăn dọc ở giữa trán vì hay chống nạnh hỏi chồng: “Tiền đâu?”, còn đàn ông lại có nếp nhăn ngang trên trán vì thường trợn mắt hỏi lại: “Tiền nào?”.” Con cái, khi ở gần thì thường thấy bố mẹ cũng như bao người khác, nghĩa là dù coi trọng nhưng vì quá gần bên mà không tự cảm thấy sự thiết yếu. Cũng giống như một thói quen, hiện hữu bên cạnh hàng ngày nên cứ thấy nó bình bình, thản nhiên như thể trách nhiệm của bố mẹ là phải như thế. Tới khi đi xa rồi mới thấy nhớ, thấy ân hận vì những việc làm sai mình đã gây ra. Nhưng để nói một câu “Con nhớ bố/mẹ, con xin lỗi bố/mẹ”… làm sao mà thấy ngượng ngùng quá! Tắt điện thoại sau khi mẹ nói có khách bấm chuông dưới nhà. Tôi thả người ngồi xuống những bậc thang lạnh ngắt trước cửa khu nhà thể chất. Bên trong vẫn có một đám người chơi bóng chuyền. Tiếng còi inh tai, tiếng din dít của giày thể thao cọ sát dưới sàn, tiếng bóng đập mạnh mẽ và tiếng hét vang dội hòa vào tiếng cười ầm ĩ. Chẳng cần nhìn cũng tưởng tượng ra cảnh mồ hôi nhễ nhại trên những gương mặt đang hào hứng với đam mê. Cuộc đời này thật tuyệt vời làm sao khi có một việc gì đó để làm, có thứ gì đó để đam mê và có ai đó để theo đuổi. Gió thổi từng cơn làm mái tóc tôi hơi rối. Đà Lạt và những gì cổ kính ở ngôi trường này quyện vào nhau thật ngọt ngào. Mơ hồ như một chiếc kem bạc hà cắn dở, đang bốc nghi ngút khói lạnh tỏa lên không trung. Một cậu dáng cao gầy đỗ xe máy xịch xuống cạnh căng-tin, thùng sắt chở đồ phía sau gần đổ vì sợi dây chằng không chắc chắn. Thấy cậu hơi luống cuống, chân vẫn còn tìm chân chống xe để gạt xuống, mà mắt lẫn tay buộc phải chú ý cao độ vào chiếc thùng hàng, tôi chạy lại nhẹ nhàng giữ hộ phía yên xe, cất giọng trấn an: “Anh cứ gạt chân chống xuống đi”. Cậu thấy vậy càng ngượng ngùng, lúng túng, mãi mới để cho chiếc xe đứng vững không chao đảo. Chiếc thùng sắt nặng hơn tôi tưởng, hai sợi dây chằng qua nó cũng đã sờn đôi chút khiến tôi có cảm giác như chúng bức bách lắm, cần phải thoát khỏi sự giam cầm của nhau. Cậu thanh niên cao gầy nãy giờ quệt mồ hôi liên tục, chiếc áo phông sẫm màu và chiếc mũ lưỡi trai nằm bên trong mũ bảo hiểm bọc chặt lấy con người cậu đầy bí hiểm, nhút nhát mà tỏ rõ vẻ lầm than. Một câu hỏi xoay mòng mòng trong đầu tôi hiện giờ là: “Làm sao anh vác được cái xe cà tàng này lên mấy mươi bậc thang dốc đứng của trường???”. “Cảm ơn nhé!”, cậu lí nhí trong miệng chất giọng hơi ngai ngái. Chỉ là tôi không biết phải tả nó ra sao. Có mùi đậm đà của muối biển, nhưng thoang thoảng như gió đồng nội lướt qua. Một chút thân quen, một chút xa lạ. Đủ để tôi cảm thấy không cần phải cảnh giác, dù lắm khi bạn bè cấp ba của tôi vẫn bảo: “Cảm giác chủ quan đôi khi là con dao giết người”. Cậu lại đưa tay lên quệt mồ hôi ở cằm, dáng vẻ dâng lên một nỗi thương cảm, rất đồng điệu với chiếc áo kẻ ca rô xám trắng ngả màu vì bụi đường đất đỏ. Rồi ngẩng lên nhìn tôi cười cười, đôi mắt ánh vàng của những cột đèn trong trường học chạy vòng quanh đầu tôi, mụ mị. Nụ cười tắt ngấm, cậu hơi ngơ ngác nhìn, rồi xách chiếc thùng sắt quay đi, lại quay đầu nhìn. Tôi vẫn đứng đó mãi cho đến khi cái dáng cao gầy với bước chân lạch bạch khiêng vác vào tận trong căng tin, khuất sau những bức tường đã bong tróc đôi chút lớp vôi vàng. Tôi đứng bật dậy khi có tiếng dép loạt xoạt đằng sau. Vẫn là cậu, đầu vẫn đội nguyên hai chiếc mũ như lúc tới. Con xe máy cà tàng nằm ngoan ở trước cửa, chân chống đã rỉ sét cáu cạnh như ngàn năm chưa được chủ nhân lau rửa. - Xin lỗi, tớ trông cậu quen quá! Cậu ngập ngừng lấy tay gãi gãi sau gáy sau câu nói nhanh. Hành động buồn cười hết sức vì với chiếc mũ bảo hiểm che quá nửa đầu, liệu tay cậu có thể chạm vào đâu để xua đi cơn ngứa hay cơn xấu hổ đang trào dâng? Tôi ngước mắt nhìn chăm chú, ánh mắt trũng sâu của cậu chạy dọc sống lưng tôi. Năm đó, năm cuối cấp một, chỉ còn vài tuần học nữa là chuẩn bị thi học kì thì lớp bị thiếu một thành viên. Cậu thôi học không lý do, cô giáo tìm tới tận nhà nhưng không gặp ai. Chừng vài ngày sau, hàng xóm xì xào kể lại mà hôm sau cô tới lớp, mắt đỏ hoe, chia sẻ gì đó nhiều nhiều lắm mà tới giờ trong kí ức của tôi chỉ còn đọng lại giọng những người hàng xóm cay nghiệt: “Mẹ nó bị chết, bố đi ở tù, về với bà ngoại rồi”. Chuyện có thể sẽ rất dài nếu biết chi tiết, thậm chí sẽ rất thê lương về hoàn cảnh của nhiều kiếp người. Nhưng với trí tuệ non nớt, cảm xúc chưa sâu lắng của những đứa trẻ chỉ mới mười tuổi nên cô đã không kể quá nhiều. Trong khi lũ chúng tôi hoan hỉ với hai ngày có giáo viên khác dạy thay, vui sướng vì không phải kiểm tra bài tập, nói chuyện thả phanh hơn trong mỗi tiết học thì cô lặn lội về Bắc Giang, tìm bà ngoại và cậu. Tôi có thể cảm nhận được hai luồng không khí đối lập nhau, giữa một bên ấm áp, đủ đầy với một bên thiếu thốn; giữa một bên nô đùa trong sân trường, hò hét đuổi bắt nhau, với một bên căn nhà đơn sơ, gió xộc thẳng vào mọi ngõ ngách trong nhà, nơi chỉ có hai bà cháu đang thái rau cho lợn ăn chiều. Lũ trẻ vừa mới ngày hôm qua còn cười khản giọng thì sáng hôm sau nghe chuyện về cậu bạn nhỏ, trốn cô giáo, không muốn quay lại lớp học để đỡ tiền cho bà; thì nước mắt đua nhau chảy vì thương. Nếu di chuyển quãng thời gian đó về hiện tại, có lẽ bạn sẽ không thể quay lại trường, có thể bạn sẽ đi biệt xứ sớm hơn và nhiều nhiều thứ khác nữa không tưởng tượng hết nổi. Vì mỗi sáng sẽ có một giọng nói bị bóp tiếng, len lỏi tới từng con ngõ nhỏ, cuồng nhiệt chào mời rất giật gân: “Một vụ đâm chém động trời xảy ra tại thị xã X, vì sao bố đâm chết mẹ, vì sao con phải về ở với bà? Tất cả chỉ có trên báo….số ra sáng ngày hôm nay”. - Có phải cậu là…? – Tôi thảng thốt. - Ừ, tớ Huy đây. Huy đây, Còi ạ! – Cậu nhe răng cười khoe hàm răng đã vàng ố như của người dùng thuốc lá mấy chục năm. - Ừ, tớ Huy đây. Huy đây, Còi ạ! – Cậu nhe răng cười khoe hàm răng đã vàng ố như của người dùng thuốc lá mấy chục năm. Ngày đó cậu quay lại lớp học sau khi cô giáo van vỉ nguyên hai hôm trời. Cái lạnh hôm đó khiến cho những giọt nước mắt nóng hổi rơi xuống trở nên đậm sâu và có ý nghĩa hơn bao giờ hết trong cuộc đời học sinh mỗi đứa. Mừng vì cậu được ở nhà cô, mừng vì cậu tiếp tục đi học và mừng vì lớp vẫn vẹn tròn thành viên. Đôi khi trong một tập thể, người ta không thể nhận ra sự quan trọng của một người và cũng không thể đánh thức được những xúc cảm rung động thực sự làm rơi nước mắt, cho tới khi một người biến mất. Kì lạ thay, dù đó không phải người mà mình thích, nhưng sự mất tích của họ lại để lại trong lòng ta một hố đen sâu hoắm không thể nào quên. - Tớ có nhiều câu muốn hỏi cậu lắm. Cậu đã đi đâu suốt mấy chục năm trời? Lớp mình ngày đó ai cũng hỏi cậu nhưng không ai biết tin. Tớ cũng tìm cậu trên facebook hai năm nay… Cậu lại cười cười, tay gỡ cái mũ bảo hiểm ra đem ôm trước ngực và ngồi xuống bậc thềm cửa sau khu căng-tin. Chân đi đôi dép đã gần mòn hết phía sau làm tôi chú ý, nhưng bắt gặp ánh mắt cậu ngập ngừng, tôi vội vã tiến lại ngồi gần như để che đi sự soi mói vô duyên của mình. Cậu so vai, hít một hơi thật sâu rồi chậm rãi nói. Sự chậm rãi như ngầm ý cam chịu cuộc đời nhọc nhằn hằn sâu những nếp dọc ngang trên trán: “Tớ có biết phây búc phây beo gì đâu hả cậu. Ở đây làm chẳng xong thì còn thời gian chi nghĩ tới giải trí… Cũng mấy chục năm rồi ý nhỉ. Cậu vẫn còi như ngày xưa ý Còi ạ! Mọi người ngoài đó vẫn khỏe chứ hở? Tớ cũng chẳng nhớ mặt nhiều người đâu. Nhớ mỗi cậu, cái lớp trưởng với mấy bàn ngồi xung quanh bọn mình thôi… Tớ ở đây với bác và chị họ. Bác làm nấu ăn ở trỏng căng-tin nè. Thỉnh thoảng lên đây chở đồ giúp bác thôi, chứ đâu mọi hôm tớ với chị họ đi làm chạy bàn ở quán ăn dưới kia. Sáng mà có người gọi thì lại cùng đội thợ đi sửa nhà cho người ta.” Lòng tôi chông chênh lạ thường khi cậu dừng lại ở đó và ngửa mặt lên trời nhìn vô định. Bầu trời đêm tháng bảy đen kịt không lối thoát. “Thế hồi đó học xong cấp một cậu vào đây luôn hả? Bà ngoại cậu còn khỏe không?”, tôi rụt rè. “Không, hồi đó học xong về Bắc Giang với bà chứ. Tớ ngại lắm, chẳng lẽ cứ ở nhà cô để cô nuôi mãi được sao? Lúc bà đón về, tớ cũng hứa với cô sẽ gắng học tiếp. Nhưng cực lắm, lúc hứa mình biết là chỉ hứa để cô yên tâm thôi. Lúc đó có ai làm ra tiền, mà cũng biết vay ai ình đi học rõng rã nữa… Gia cảnh thì như vầy, may cả lớp thông cảm, tớ lại hay toe toét cười chứ không thì chẳng biết có trụ nổi hết lớp năm không. Tớ về ở với bà hai năm, cũng đi làm đủ nghề nhưng sức khỏe yếu nên chẳng kiếm được mấy. Xong bà mất vì già yếu thì tớ theo bác với chị họ vào miền Trung. Lang thang mãi tới năm mười bốn thì vào Đà Lạt kiếm sống. Tớ nghe bảo như thế là không có tuổi thơ hở? Hà hà, nhưng tớ thấy mình vẫn có tuổi thơ đó chứ. Chẳng qua là tuổi thơ theo kiểu khác biệt thôi. Kể nhiều về tớ quá, thế còn Còi, cậu sao?”. Tôi phì cười: - Giờ tớ có còi nữa đâu mà cậu cứ gọi thế! - Cậu không biết là để được đọng lại trong tim người khác thì phải có một nét gì đó riêng biệt hở? Cậu ngứa ngáy lột bỏ chiếc mũ lưỡi trai màu đen ra khỏi đầu và ôm lại phía trước bụng cùng chiếc mũ bảo hiểm mỏng dính. - À phải rồi, sao cậu vác được xe máy lên đây? - À phải rồi, sao cậu vác được xe máy lên đây? - Tớ đi con xe cà tàng, rách nát hơn như này nhưng quẳng dưới phòng bảo vệ một ấy. Leo mấy chục bậc lên đây đứt hơi muốn chết, phải chạy vào phòng bảo vệ hai mượn xe của chú ấy. - Cậu có vất vả lắm không? Huy cười to: - Vất vả chuyện gì? Mượn được xe rồi thì vất vả chi mới được. - À, ý tớ là quãng thời gian dài mấy chục năm đi kiếm việc ấy… Cậu di di chân xuống đất, đôi tai hơi ửng đỏ vẻ không muốn nói hoặc do nhiệt độ xuống hơi thấp, rồi lấy mẩu sỏi nhỏ ngay bên cạnh quẳng ra phía trước mặt. Sức mạnh từ đôi tay rắn chắc nổi gân xanh vẻ cương quyết làm hòn sỏi bay khá xa. Một động tác nhanh nhạy, dứt khoát và có vẻ như ra một tuyên ngôn “Tôi chỉ có một mình thôi, chẳng liên quan tới ai cả”. “Tớ vẫn chưa một lần vào thăm ông ấy,” cậu nói nhát ngừng “án chung thân hay có tử hình rồi tớ cũng không biết. Mất mẹ rồi mất cả bà thì chẳng còn gì phải quan tâm nhiều nữa. Mấy chục năm lăn lộn của tớ thì thấm vào đâu. Chị họ tớ, đó, bị làm nhục tưởng chết, rồi lại yêu, lại tin thằng cha người yêu tới tận lúc nó bỏ đi rồi, có chửa rồi vẫn cứ tin. Sau phải đi phá, bả đâm ra bị tâm thần gần năm…”. Huy duỗi bên chân phải ra để cho tay vào túi quần tìm gì đó. Hình như là thuốc lá. Nhưng không thấy nên cậu cứ loay hoay hoài hết bên túi nọ sang bên túi kia. “Chắc bả lại lén lấy thuốc lá ra khỏi túi tớ rồi!”, cậu cười cười và quay lại câu chuyện không đầu cuối, “So với bả, tấm thân trai còm này vẫn sướng chán.” Mắt tôi hơi nhòe đi khi nhìn cậu cười cười bẽn lẽn. Có cái gì đó dâng lên đầy ứ nơi cổ họng tôi. So với cậu, những kỳ thi mà tôi đã vượt qua ở trường học chừng ấy năm chẳng thấm vào đâu. Trường đời đã nuôi dạy cậu nên người, mà thực lòng nếu không nhìn vào đôi mắt cậu, vào câu chuyện cậu kể với chất điệu vui tươi, có lẽ tôi sẽ không thể tin được có một ngày cậu bé ngày xưa đi học với đôi mắt luôn sưng húp, lại có thể lạc quan, biết lo nghĩ đến thế này. - Còi! - Hả? - Cậu có người yêu chưa? - Chưa. Thực ra cũng đã từng thích thích nhưng trẻ con lắm nên chẳng đâu vào đâu cả. - Chưa. Thực ra cũng đã từng thích thích nhưng trẻ con lắm nên chẳng đâu vào đâu cả. - Tốt đấy! Tận dụng thời gian này mà tận hưởng cuộc sống đi. Mình còn trẻ vội vàng gì. Đừng có nhìn thấy chúng nó tay trong tay với người yêu, mà quắn hết lên kiếm bừa một thằng. - Cậu nói cứ như thật. Trải qua mấy mối tình rồi hả? Khai thử xem. - Chuyện đó thì có gì quan trọng. Mấy mối tình rồi mà vẫn thấy yêu đời là được chớ gì… Chuyện tình yêu của tớ cũng giống như hồi đi phát tờ rơi dưới phố thôi. Có người nhận lấy thì quăng ngay trước mặt mình, có người lịch sự hơn thì đi một đoạn ghé xọt rác vứt, có người kẹp mãi ở xe chẳng bao giờ ngó tới… Thôi, cậu về kí túc đi, trời lạnh quá rồi. Nếu vẫn ở đây lâu lâu thỉnh thoảng tớ sẽ ghé. Tớ phải trả xe cho bác bảo vệ rồi vào giúp bác đây. Học ngoan nhé! - Làm như con nít không bằng! – Tôi chun mũi đứng dậy, phủi phủi mông quần – Chắc chừng tháng nữa tớ về Hà Nội thôi. Rảnh thì lên nói chuyện nhé! À bấm số điện thoại vào đây, tớ còn biết đường mà liên lạc nhỏ to. - Được rồi. Nhớ mà, chỉ sợ làm cậu vướng víu thôi, chứ tớ lúc nào cũng sẵn sàng. Tớ đi nhé! Tôi giơ tay lên vẫy dù cậu đã quay lưng chạy thoăn thoắt xuống mấy bậc thang ngắn và ngồi lên xe nổ máy, sau khi bấm một dãy mười một số vào điện thoại của tôi. Tiếng máy ròn rã vang lên rồi phóng nhanh, chỉ để vương lại chút khói mờ và mùi xăng hơi nồng. Tôi không theo đạo, nhưng lúc đó lòng thầm cầu nguyện Chúa hãy bảo vệ Huy. Tâm hồn đó, con người đó và trái tim đó cần lắm sự hồn nhiên ấy, không vấy bẩn, không bị xô ngã, không bị vùi dập. Đút hai tay vào túi áo tôi cũng bước chậm rãi về khu kí túc. Sương đêm rơi xuống ướp mùi thơm của loài hoa lạ quyện với mùi nước gội đầu thoang thoảng rớt trên vai tôi. Ngay lúc này, khi về phòng tôi sẽ nói chuyện với Huyền mà không ngần ngại nữa, tôi sẽ hỏi thăm Cúc dù có thể cậu sẽ trốn tránh. Thời gian ở đây không còn nhiều cho những vụn vặt xa cách, cho sự ganh ghét hoặc né tránh nhau. Chỉ cần mình mở lòng trước, chắc chắn đối phương cũng sẵn sàng đón chào mình. Bảng nội quy kí túc đã được kê ra chính giữa cổng vào. Năm dòng chữ ngắn gọn trên nền xanh tỏa ra một thứ uy quyền chất ngất. Tiếng vặn ti vi nhỏ lại và tiếng lanh canh chìa khóa từ phòng cô quản lý làm tôi vừa đi vừa tưởng tượng dáng người nhỏ nhắn, môi bặm lại đang nhướn chân lên với chùm chìa khóa nhỏ treo trên móc cao, mà bật cười. Ai đó cố tình làm khó cô khi đóng chiếc đinh quá cao, mà với một người phụ nữ nguyên tắc như thế, hẳn cô chẳng bao giờ chọn lựa cách để chùm chìa khóa trong ngăn kéo bàn, túi áo hoặc trong tủ… Tiếng cọt kẹt rồi đóng cửa vọng lại phía sau khi tôi leo tới cầu thang tầng hai. Chà, cuộc nói chuyện với người bạn cũ khiến tôi về phòng khá muộn đây. Đã tới giờ “tuần tra” buổi tối để đảm bảo chắc chắn không ai vắng mặt mà chưa có xin phép và cũng không để lọt lưới cậu chàng nào định ngủ lại với bạn gái ở đây. Tôi nhấn bàn chân mạnh hơn khi bước tới phòng mình. Đèn bên trong đã tắt hết, đen kịt một màu. Mấy phòng cạnh đó cũng đã rục rịch tắt đèn dần. Phải là người gan lì lắm bạn mới không cảm thấy sợ hãi với khung cảnh xung quanh. Và cũng phải là người mạnh mẽ lắm bạn mới không cảm thấy cô đơn khi mọi người dường như đã quên mất mình. Rõ ràng không đâu được như ở nhà. Nếu đi chơi về muộn, mẹ có thể đợi cửa một chút, bố có thể vẫn để đèn trong phòng để biết chắc con đã về nhà, hoặc chỉ một ánh điện nơi cầu thang nhỏ vẫn đang sáng, cũng đủ minh chứng cho sự quan tâm thầm lặng của ba mẹ. Tiếng lanh canh chìa khóa tiến gần hơn phía cầu thang. Có lẽ giờ này cô quản lý đã bước vào tầng một để kiểm tra. Tôi hé mắt nhìn vào trong, cố gắng làm sao chuẩn bị tâm lý đi thật khẽ khàng để không làm ảnh hưởng tới mọi người, vừa thầm cầu khấn đủ thời gian để nằm lên giường đắp chăn ấm cho tới lúc cô quản lý bước qua. Nhưng cánh cửa không mở. Chính xác là nó đã bị khóa từ bên trong. Tôi càng cố gắng vừa khẽ xoay nắm cửa, vừa dùng sức đẩy vào thì nó càng trơ lì thách thức. Chỉ có ánh đèn vàng hành lang và đám quần áo phơi kín ban công thi thoảng tung bay theo gió là chứng kiến nghịch cảnh bi thương này. Cuối cùng cô quản lý cũng bước tới tầng ba. Nheo mắt nhìn về phía tôi đang đứng như kẻ trộm xoay xoay nắm cửa ngờ nghệch rồi tiến lại gần, bỏ qua một loạt phòng tắt điện tối om phía sau. Tôi tiến về phía cô, mặt gần như mếu “Cửa phòng cháu bị khóa bên trong, cháu không mở được”. Gãi nhẹ tai trái như một động tác quen thuộc, cô nhìn tôi ngờ vực: “Đi chơi về trễ quá đúng hôn?”, rồi bước về phía cánh cửa xanh chắc nịch. Tôi xoay nắm cửa, dùng hết sức để đẩy và suýt nữa ngã nhào vào bên trong. Mọi người vẫn đang nằm im trên giường, tiếng laptop ai để chế độ Power Saver (Tiết kiệm điện) vẫn phát ra âm thanh chạy ro ro. Phía màn ở giường chị Yến động đậy như vừa có ai bước vào nhanh lẹ. Tôi quay lại khép cửa khi cô quản lý lắc đầu bước đi, lủng lẳng chùm chìa khóa ở hai ngón tay tiếp tục hành trình bất tận. Đọc tiếp Găng tay xanh – phần 15
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương