Hoàng Tuyền (Thị Trấn Kì Lạ)

Chương 4



Chị Trang - tên của chị ấy - là người đề nghị tôi về chỗ bà lão ở tiệm tạp hóa, chỗ mà ban nãy bé Na đã nhắc tới, để trú qua đêm nay. Dù sao thì tôi cũng chẳng còn nơi nào để đi, chẳng còn lựa chọn nào khác. Trên đường về, chúng tôi có trò chuyện với nhau. Chị Trang là sinh viên năm cuối phải sống xa nhà đã nhiều năm để đi học. Chúng tôi rõ ràng có bắt đầu không hề giống nhau nhưng cuối cùng lại tụ họp lại ở cùng một nơi.

Có một điều mà trước khi biến mất bé Na không nói cho tôi biết chính là sau khi xuống chuyến xe buýt ấy thì bốn người họ đã đi cùng nhau vào thị trấn. Tuy nhiên, khi vừa vào thị trấn chưa đầy năm phút thì bà cụ ăn mặc sang trọng kia bảo rằng cái ngõ rẽ này trông quen quá nên bà quyết định đi theo đường đó, mọi người cũng đi theo. Rõ ràng là bà ấy bảo nơi này trông rất giống nơi mà bà từng sinh ra cách đây hơn sáu mươi năm. Những cung đường họ đi qua, những con xóm, những ngã rẽ,… tuy rằng quan cảnh hẳn là không giống nhưng theo trí nhớ của bà thì chúng ở ngay những vị trí đó. Những ngôi nhà lớn là những nhà giàu nhất thời ấy vẫn ở nguyên chỗ cũ.

Và họ tìm tới ngôi nhà mà trước đây bà ấy được sinh ra. Nằm ở một con hẻm gần cuối thị trấn Hoàng Tuyền. Theo những gì Trang kể thì đó là lúc bà ấy “biến mất”. Giống hệt như với bé Na ban nãy, người bà ấy phát ra một ánh sáng trước khi tan vào không khí như thể chưa bao giờ từng tồn tại. Cả chị, người đàn ông kia và bé Na cũng nhìn thấy cảnh tượng đó. Khi nghe tôi đó, tôi dường như đã biết được tại sao bé Na không hề sợ hãi gì.

Có lẽ em đã biết trước điều đó sẽ xảy đến với mình. Chính là cái cảm giác như biết được cái chết sắp cận kề.

-Chúng ta cũng sẽ giống như vậy sao? - Trang hỏi khi chúng tôi rẽ sang một lối khác, chuyển từ con đường trải nhựa sang một đoạn đường lát sỏi.

-Câu hỏi quan trọng hơn là tại sao. Tại sao họ, và có thể sẽ là cả chúng ta, lại biến mất như thế?

-Đáng lẽ ra chúng ta phải “chết” chứ không phải là “biến mất”. Đây là Hoàng Tuyền mà, đúng không? - Trong câu hỏi của chị ấy có chút gì đó châm biếm.

-Chuyện này thật là, cứ như là trong tiểu thuyết ấy! - Sức nặng của túi cam trên tay tôi dường như chẳng còn là bao nữa khi mà tay tôi đã lạnh cóng trong làn tuyết rơi.

Đến tận khi về được tới tiệm tạp hóa kia thì chủ đề của chúng tôi cũng chẳng đi được tới đâu bởi vì xét cho cùng thì chúng tôi cũng giống nhau mà thôi. Tiệm tạp hóa trước mặt tôi lúc này cũng chẳng lớn lắm, chỉ là một ngôi nhà cấp bốn mà mặt tiền để sử dụng cho việc buôn bán những món hàng linh tinh nhỏ lẻ. Ở phía trước, có một người đàn ông đang nằm ngủ dưới mái hiên.

-Ông ấy nhất quyết không chịu vào cho dù bà cụ có nài nỉ. - Chị ấy nói trước khi đẩy mở cánh cửa để vào trong nhà.

Đó là người đàn ông đã đi cùng họ. Bốn người nhưng giờ thì chỉ còn có hai.

Chúng tôi đi vòng qua những kệ để đồ tạp hóa đủ các thứ nhu yếu phẩm khác nhau: thực phẩm khô, xà phòng, những phong bánh được xếp cẩn thận, cái loại trái cây được làm khô thì cất trong những hũ thủy tinh cao,... Phía sau đó là một căn bếp được chiếu rọi bởi ánh đèn vàng ấm áp.

-Cháu về rồi đây ạ! - Chị Trang nói như thể chị đã ở đây cả phần đời trước đó của mình.

-Sao rồi? Có tìm được con bé không? - Một bà lão ngồi trên một trong số những chiếc ghế quanh bàn ăn hỏi chị.

Bà chuyển ánh mắt sang tôi ngay khi tôi vừa kịp bước qua ngưỡng cửa bếp. Đó là một người phụ nữ già còm cõi, đôi mắt trũng sâu vào trong hốc khiến cho cái nhìn ban đầu của bà trở nên thật đáng sợ. Bên dưới lớp áo giữ ấm là một bàn tay xương xẩu như thể mọi thớ thịt trên người bà đã bị rút mất hết. Mái tóc bạc đến chân của bà lão thưa thớt đến mức có thể nhìn thấy cả mảng da đầu lộ ra.

Tôi vừa định mở lời thì chị Trang đứng bên cạnh đã lên tiếng trước khi cả lão bà kịp hỏi.

-Cậu ấy cũng đi cùng bọn cháu ạ! Cậu ấy tên là Nhật Minh.

-Thế à? - Bà nhìn tôi từ đầu tới chân, không hẳn là một cái nhìn soi mói nhưng nó lại khiến tôi rợn người. - Cậu xem cậu ướt cả rồi kìa, cháu cũng vậy nữa! Cứ để như vậy thì không hay đâu. - Rồi bà lại tạm thời nhìn sang chị ấy như né tránh tôi, mà thực chất là tôi cũng muốn né tránh bà ấy. - Cháu nên đi lau khô mình đi, hãy bảo cậu ấy đi tắm luôn.

-Vâng ạ! Cháu biết rồi!

Và rồi chị ấy kéo tay tôi đi qua một cánh cửa khác nằm ngay hông nhà bếp. Nó dẫn sang một hành lang dài có thiết bị sưởi ấm. Hành lang mù mịt trước mắt tôi cũng được chiếu sáng bằng ánh đèn vàng mờ ảo, ngay cả khi vừa mới bước từ ngoài trời tuyết vào tôi vẫn cảm thấy được cái nóng bức bối đến khó chịu. Chị Trang đi phía trước, vẫn kéo lấy khuỷu tay tôi rồi lẩm nhẩm điều gì đó. Trong thoáng chốc, tôi như chẳng nghe được gì. Có lẽ là do sự chênh lệch nhiệt độ một cách đột ngột đã khiến cơ thể tôi phản ứng.

Tình hình còn tệ hơn khi tới tận lúc đó tôi mới nhận ra là tuyết tan đã khiến tôi ướt như chuột lột. Ở những chỗ tôi đi qua đều lưu lại dấu chân đầy nước và cái âm thanh tiếng bước chân của tôi nghe cứ như tiếng bước chân của thủy quái, lạch bà lạch bạch. Người tôi nặng như chì và túi cam trên tay cũng vậy. Trong tai tôi còn nghe được tiếng vọng bước chân của một ai đó nữa giữa những âm thanh bì bõm do chính mình tạo ra, không phải là tiếng bước chân của chị Trang. Nó cảm lúc càng gần hơn. Mỗi lúc một gần hơn.

Cho tới khi có cái gì đó đâm vào người tôi với tốc độ cao khiến cho túi cam bật khỏi tay và lăn lông lốc trên sàn nhà ướt sũng. Cả hai chúng tôi dừng lại nhìn cái bóng nhỏ như con thoi vừa nhảy bổ vào người tôi.

-Em không sao chứ? - Chị Trang giật mình đứng nép vào bức vách của hành lang hẹp, chỉ đủ cho một người đi qua, ánh mắt chị hướng vào cái vật thể vừa tạo ra cú va chạm kia.

Đó là một thằng nhóc nhỏ xíu với gương mặt gầy trơ xương, cả cơ thể của nó cũng vậy. Ánh mắt lơ đãng bất thường của nó chú mục vào tôi như thể tôi mới chính là vật thể lạ chứ không phải là nó. Mà như vậy hẳn không sai. Tôi đã chờ đợi một màn chào hỏi linh đình hay một kiểu chào ít thiện cảm hơn, trẻ con ở xóm tôi ở luôn chào hỏi bằng cách khá bạo lực như ném đá vào người ta hay là lăng mạ sỉ nhục mặc dù chúng bé tí, hoặc thông thường thì một đứa bé quá nhỏ như vậy sẽ co rúm lại vì sợ người lạ. Thế nhưng, điều tôi nhận được chỉ là một phớt lờ một cách không cố tình khi thằng bé phát hiện ra những trái cam đang lăn trên sàn nhà. Nó nhanh chóng rời bỏ cái mục tiêu tạm thời của mình là tôi để đuổi theo một trái cam trong số ấy. Sau khi chộp được rồi, gương mặt nó tỏ vẻ thỏa mãn mà tôi thể là cái vẻ thỏa mãn đó không phải là biểu cảm của một đứa trẻ con.

-Đó là cháu của bà chủ đấy! - Chị Trang giải thích khi nhận ra tôi như bị thằng bé ấy bắt mất hồn, tôi cứ mải nhìn đứa trẻ mân mê quả cam trên tay.
Chương trước Chương tiếp
Loading...