Vị Bắc Xuân Thiên Thụ
Chương 24: Thành Túc Châu
Xuân Thiên đã ra hiệu buôn mua thảm lông và thức ăn từ sớm, rồi lại thuê xe la và phu xe đi Túc Châu. Phần lớn đàn bà con gái Hà Tây ra ngoài đều mặc Hồ phục, họ cực kỳ yêu thích phục sức của dân tộc Hồi Hột. Vậy nên Xuân Thiên cũng thay bộ quần áo của người Hồ, búi tóc kiểu nam giới, chỉnh trang lại mặt mũi một phen, sau đó bảo xe la chở ra Cam Châu.Xuân sang mọi việc bộn bề, cổng thành tấp nập người ra vào, có rất nhiều thương đội dẫn đàn lạc đà chở thồ hàng đi tới đi lui. Xuân Thiên hòa vào dòng người đông đúc ra khỏi thành, đi về hướng Túc Châu. Phu xe là một ông già câm, mặt đầy nếp nhăn rúm ró, hai bàn tay thô ráp như vỏ cây vung roi, ú ớ dùng tay ra dấu hỏi nàng đi đường nào. Nàng không dám lặp lại chuyện như ở Hồng Nhai Câu lần trước, bèn chọn con đường lớn nhiều người đi đường nhất, giấu thanh chủy thủ dưới tay áo, theo phu xe khởi hành. Cam Châu cách Túc Châu ước chừng bốn trăm dặm, bình thường ngựa lừa phải đi sáu bảy ngày mới tới nơi, thương khách hành nhân men theo chân núi Kỳ Liên quanh co khúc khuỷu. Bấy giờ chính vào lúc xuân đương độ căng tràn, thời tiết Hà Tây ấm lên, trời xanh thăm thẳm, đỉnh núi tuyết đọng trong vắt. Có thể trông thấy cả mảng xanh tươi tốt phía trong núi, hoa hạnh hoa lê và hoa liễu dần hé nụ, ong mật béo tròn giương cánh vo ve đuổi theo hương thơm nồng nàn. Đồng cỏ dưới chân núi hệt tấm thảm khổng lồ, trong bụi cỏ thi thoảng có tiếng chin chít, có con chim trĩ hay thỏ hoang lao ra. Vó ngựa làm bụi đất trên đường bay tán loạn, muỗi vằn ruồi trâu vờn bay chung quanh, la ngựa lạc đà bực hết cả mình, hất chiếc đuôi lông dài quét một phát. Lộ trình khi nào cũng dài và nhàm chán, phu xe câm tạt qua quán trọ nhỏ cho khách đi đường nghỉ chân tạm thời, gọi ít rượu trắng, mặt mũi lấm tấm cát vàng. Một văn tiền một hũ, phu xe ê a chỉ vào bầu rượu khoa tay múa chân với Xuân Thiên, Xuân Thiên gật gật đầu, lâu lâu ông ấy lại lôi ra uống một hớp, rồi sau đó nhắm mắt đánh giấc ngủ ngắn. Ngựa già thuộc đường, không cần người đuổi, gục đầu kéo xe đi không nhanh không chậm, đói bụng thì tự dừng lại gặm cỏ mọc ven đường, trời tối thì tự giác chui vào quán trọ. Cứ lững thững đi như thế, mắt thấy tuấn mã cao lớn bên cạnh đã khuất xa, cuộc hành trình bị chậm hơn người khác hơn nửa. Trên đường có vị hòa thượng gầy còm đi dép rơm khoác áo tơi, vui vẻ cưỡi con lừa vằn nhỏ. Lâu lâu con lừa lại chạy nước kiệu, lâu lâu lê từng bước rề rà theo sau hành nhân, đi hay dừng thì phải xem tâm trạng của nó thế nào, hòa thượng híp mắt mặc kệ chẳng buồn lên tiếng. Mỗi ngày Xuân Thiên sẽ gặp được ông ấy một hai lần, hòa thượng cười tủm tỉm, mặt mũi hiền lành. Tuy trông áo quần rách rưới, nhưng Xuân Thiên lại thấy ông ấy ăn thịt với mấy món mặn, gần đây có khi còn niệm A Di Đà Phật với phu xe câm, xin miếng rượu uống. Xuân Thiên chắp tay chào hòa thượng: "Xin hỏi đức hiệu của sư phụ là gì? Chủ trì ở chùa nào?" Hòa thường cười phớ lớ: "Lão tăng tên Viết Ngã, hiệu Ngã Ngã Tăng, pháp tự tu thiền, nhân gian tu Phật." Xuân Thiên khó hiểu, hỏi lại: "Đại sư đến từ nơi nào, muốn đi về đâu?" "Từ cõi thực đến, đang muốn đi đến chốn hư vô." Nàng không hiểu là ý gì, hòa thượng cười ha hả chỉ vào đường lớn: "Từ con đường phía sau kia đến, muốn đi tới trước." Có lẽ là một lão hòa thượng điên điên khùng khùng, chẳng đợi Xuân Thiên lên tiếng thì đã vung roi đuổi lừa rồi cười bỏ đi xa. Xe la thô sơ, bốn vách thủng lỗ chỗ, không thể chắn gió tránh mưa, một ngày chỉ tốn một trăm văn tiền. Dọc đường có bốn con ngựa kéo theo chiếc xe lộng lẫy khí thế ngang qua, cũng có những người dân làng chân đất vượt gió sương bước đi trong đội thồ hàng. Xuân Thiên thấy có người phụ nữ trẻ tuổi gài trâm gỗ, mặc bộ quần áo mộc mạc dắt một đứa bé trai đang tập tễnh đi theo sau xe la, nàng vươn tay vẫy gọi, dẫn hai người lên xe la. Xuân Thiên đội mũ trùm đầu, chỉ để lộ hai con mắt ra ngoài. Người phụ nữ nhìn cách ăn mặc của Xuân Thiên, tưởng nàng là con trai, nét mặt hiện lên đôi phần câu nệ ngượng ngùng. Cho đến khi nghe Xuân Thiên mở miệng nói chuyện, mới biết là nữ làng, thần sắc cũng buông lỏng hẳn. "Ôi, cảm ơn cảm ơn." Người phụ nữ nhận túi nước từ tay Xuân Thiên, "Hóa ra là nữ lang." "Vâng." Xuân Thiên cởi mũ trùm đầu cầm trong tay, mỉm cười nói: "Thế này ra ngoài tiện hơn." "Chí phải." Người phụ nữ nom Xuân Thiên chỉ nhỏ hơn mình vài tuổi, khuôn mặt lại đẹp như tranh, tướng ngồi đoan trang nho nhã, hơi xấu hổ sờ bùi tóc rối tung trên đầu mình, "Trên đường này người nhiều mắt nhiều... một mình ra ngoài đúng khá phiền phức..." Đứa nhỏ trong lòng người phụ nữ có khuôn mặt nhỏ nhắn bụ bẫm, bàn tay bé xíu mập mạp cầm túi nước uống nước ừng ực. Nó ngửa đầu tò mò nhìn Xuân Thiên chằm chằm, Xuân Thiên lấy từ trong bao quần áo ra mấy viên kẹo, cúi người đưa cho bé con: "Cho em này." "Kẹo." Bé con nói vẫn chưa sõi lắm, hai nắm tay béo mầm nhào vào lòng Xuân Thiên, xúc cảm mềm mại làm Xuân Thiên thoải mái bật cười, "Kẹo kẹo." "Bao Tử." Người phụ nữ ôm đứa nhỏ lại, lấy đi viên kẹo nó đang nắm chặt trong tay, đỏ mặt nói với Xuân Thiên: "Ôi trời, ông nhõi ham ăn nhà tôi này, để cô nương chê cười rồi..." Xuân Thiên cười tít mắt: "Thằng bé đáng yêu quá, chị may mắn lắm đấy ạ." Thế rồi hai bên trở nên thân thiết hơn hẳn. Người phụ nữ tên Lan Chi, là người trấn Cao Đài ở Túc Châu, nghe bảo là do mẫu thân trong nhà bị bệnh, đàn ông lại đi vắng, trong thôn cũng chẳng có con la con lừa để mướn, vậy nên cô ấy quyết định bế con mình về nhà mẹ đẻ. Khi biết một mình Xuân Thiên muốn đến quận Túc Châu, cô ấy dặn dò mãi không ngơi nghỉ: "Đường sá ở huyện Tửu Tuyền toàn là binh sĩ nghỉ tuần* đến uống rượu, em gặp thì phải tránh xa một chút." Cô ấy hạ giọng, "Đặc biệt là đám binh ngoại biên kia, cả đám ấy là người Hồ ban đầu quy thuận, dã man lắm, đụng chạm người ta là lại đòi người ta lấy bạc ra đền, ngay cả nha môn cũng chả dám chọc nữa là." (*Tuần ở đây tính là mười ngày) Cô ấy nói tiếp: "Còn có người Hồ mở hàng buôn bán ở Tây thành, hơn nửa là hắc điếm, chuyện xấu xa gì cũng làm. Em muốn mướn trọ nghỉ chân thì đi về phía Đông thành, tôi có người anh em mở quán trọ kiếm sống ở đó..." Xuân Thiên khắc ghi từng lời trong lòng, gật đầu liên tục, đang muốn hỏi gì đó thì bỗng có tiếng vó ngựa lộc cộc của mấy con ngựa cao to từ xa truyền đến, lao vun vút như chớp điện, chẳng mấy chốc đã chạy tới trước mặt. Vó ngựa tung lên cao làm bụi khô bay hết vào mũi, người qua đường không kịp tránh bị người trên ngựa vung roi quất vào lề đường, ngã lăn quay xuống đất kêu gào oai oái. Có xe ngựa của thương nhân kia bị giật mình, chúi đầu đâm thẳng vào đàn la, nhất thời súc vật la ó, hiện trường hỗn loạn không thể tả. Con la bị tiếng động làm hoảng sợ, cất vó chạy như phóng lao, thùng xe cũng theo đó mà rung lắc dữ dội. Bao Tử đang bi bô gọi kẹo, thằng bé ngả nghiêng sắp đụng vào cạnh xe, Xuân Thiên nhanh tay nhanh mắt nhào về trước giữ lấy thằng bé. Hai mắt nàng tối sầm, trán va một cú vào cửa. Đến khi mọi người phục hồi tinh thần thì đám người ngựa kia đã đi khuất dạng. Người phụ nữ vừa dỗ con vừa đỡ Xuân Thiên dậy, thấy thái dương nàng u cục lên, đỏ ửng một mảng lớn, cô ấy lo lắng vô cùng, áy náy hỏi: "Tiểu nương tử, đau không em, đau không em?" "Không sao đâu ạ." Nàng trấn định sờ vào chỗ bị va, chỉ hơi sưng lên mà thôi. Người đi đường bị xô ngã ra đất phủi phủi bụi cát trên đầu gối, cất tiếng than khổ: "Người ở đâu mà chạy loạn hết cả lên vậy, cho dù là người giao văn thư cho triều đình cũng đâu phi ngựa ngang ngược như thế." "Hình như là kỵ mã trong quân..." Có người nói, "Hồi này rất hay có kỵ mã lui tới, sợ là trong quân có chuyện gì rồi..." "Chả phải nghe nói trong quân sắp tước binh à?" Có người thầm thì nói nhỏ, "Mấy năm nay thiên hạ thái bình, còn hơn mười vạn binh mã đóng ở Hà Tây, nghe bảo chi phí lương thảo bổng lộc quá lớn, triều đình có ý thu lại..." "Thế những tướng lĩnh trong quân chịu ư?" "Tước binh, sao có thể tước binh, nghe nói lần này phủ Lương Châu huấn luyện tinh binh, ti mục* của Cam Châu đang theo dõi chinh mã trong dân..." (*Ti mục: một chức quan) "Sao lại thế chứ, lẽ nào lại muốn chiến tranh à... Mấy năm gần đây đường phố yên bình lắm..." "Dạo này khâu kiểm tra của Ngọc Môn quan cũng nghiêm ngặt hơn hẳn, giấy thông hành phải kiểm tra thật kỹ lưỡng, nếu người, hàng hóa, gia súc có một tí bất ổn thôi là cũng sẽ bị đưa đến quân thẩm vấn..." Xuân Thiên bất chấp cơn đau, ngồi xuống nghe người bên ngoài nói chuyện, lẽ nào đúng y như lời Lý Vị nói, Bắc Đình sắp đánh chiến? Phía Đông quận Túc Châu giáp với tuyến phòng thủ Kỳ Liên, phía Tây thì có Qua Châu. Trong quận có quân Tửu Tuyền đóng giữ, phủ quận tọa lạc tại huyện Phúc Lộc. Đi vào quận dần dần sẽ hiện ra làng mạc và những ngôi nhà, những người phụ nữ mang quần áo ra sông giặt, đàn cừu thong dong ăn cỏ. Đứa con nít lanh lợi bện tóc hai chỏm ôm cái giỏ trúc chào hàng với những người lái buôn qua đường, cười tươi rói cầm bảo bối trong giỏ, nhiều là thảo dược và trái cây. Đàn chim không biết tên, nước sông trong núi trút xuống hòn đá ngọc xinh đẹp. Thậm chí còn có bán cả hoa yên chi đỏ, giã hoa nhuyễn ra rồi trát lên lọ gốm sứ, sắc đỏ chói ấy có thể làm sơn móng tay, cũng có thể son môi. Lan Chi bế Bao Tử, được nửa đường thì xuống xe la, vẫy tay nói với Xuân Thiên: "Em gái, nhớ rõ lời tôi đấy, đi đường cẩn thận." Xuân Thiên gật gật đầu. Túc Châu là một trong bốn quận của Hà Tây, nhưng mặt quân sự và chính trị không bằng Lương Châu, không giàu có và đông đúc bằng Cam Châu, nền văn hóa không hưng thịnh như Sa Châu, nơi này vốn là đất cũ của Ô Tôn, Nguyệt Thị, dân tộc Hung Nô. Vào thời nhà Hán, Hoắc Khứ Bệnh đã đánh bại Hung Nô tại đây, cuối cùng đưa Kỳ Liên vào bản đồ Trung Nguyên. Cũng chính tại đây, dũng tướng thích chí phong nhã hào hoa được phong hầu, đổ rượu ngon Hán Vũ đế ban vào nước suối, cùng quân sĩ đánh chén. Có lẽ trong lòng mỗi một binh lính hay tướng lĩnh đều có một tòa thành như vậy, tư thế hào hùng, chiến trường điểm binh, giải quyết xong việc quân vương, rồi sau đó rượu nho sóng sánh chén dạ quang, ngàn dặm tìm đường phong hầu. Xuân Thiên nhớ năm đó lúc cha đi chính là như thế, ông nói với mẹ, chờ ta công thành danh toại, áo gấm về làng, thành Trường An sẽ có một vị tướng quân tên Xuân Việt, nàng sẽ nở mày nở mặt trở thành phu nhân tướng quân. Thực ra áo gấm về làng đã ít lại càng ít, mà nhiều hơn cả là xương trắng vùi chôn bên bờ Vô Định, chôn ở ngoài Ngọc Môn quan nơi gió xuân chẳng thổi tới, không người biết, không người nhớ. Thành Túc Châu nằm dưới chân Kỳ Liên Sơn, sắc xanh um bên đường thưa dần, sức sống không căng tràn bằng Cam Châu. Núi đá Thanh Hắc đè nặng trịch đáy mắt, đá sỏi đầy đất lăn long lóc theo gió, một bụi gai lạc đà và cỏ lác khép lại với nhau thành vòng tròn, Đông một bụi Tây một bụi. Lạc đà từ xa xa ngẩng đầu nhìn người qua đường, rồi lại cần cù chăm chỉ cúi đầu nhai cỏ khô. Đi tiếp về phía Tây của Túc Châu, dần dần ngập tràn trong mắt đều là sa mạc sỏi và sa mạc hoang liêu, cát vàng trải dài vô tận, vắng vẻ tiêu điều, đi nửa ngày trời mới có ốc đảo suối trong. Bên ngoài Ngọc Môn quan màu xanh ảm đạm, lưỡi dao sáng như tuyết. Thành Túc Châu không lớn, cũng không uy nghiêm và phồn vinh tráng lệ, đường phố nhà cửa bụi bặm hơi cũ nát, khắp nơi toát ra hơi thở thô kệch và khô khan. Liếc mắt là thấy ngay mấy con đường ngang dọc trong thành, thức ăn chủ yếu là bánh canh thịt dê, nấu rất xoàng xĩnh. Trong thành có rất nhiều cửa hàng bán rượu, nhà nào cũng bán một loại rượu trắng là Hán Vũ Ngự, thơm, tinh khiết, và tương đối nhẹ, nghe nói đó là loại ngự tửu mà Hán Vũ đã ban cho tướng quân Hoắc Khứ Bệnh. Ngoài ra trái cây rất ngọt, rượu nho lành lạnh có hương vị tuyệt vời. Có nhiều binh sĩ mặc khôi mang giáp lui tới kéo theo cả thùng to đến mua rượu, cũng có gã đàn ông say khướt nằm vật ra vệ đường ngủ ngon lành. Khắp thiên hạ này có lẽ chẳng có nơi nào mà việc uống rượu lại trở nên "đúng lý hợp tình" như ở Tửu Tuyền. Xuân Thiên ngẫm nghĩ, bảo phu xe câm ghé vào quán trọ ở phía Tây thành. Nhà cửa ở Tây thành tạp nham, mặt đất lênh láng nước thải, là nơi cư trú của dân nghèo người Hồ và người bán hàng rong, có chợ hàng chuyên bán những món dùng cho chuyến xuất hành như la ngựa lạc đà, giá đỡ hàng, lương thảo,... Nàng từng lật xem một cuốn tàng thư vốn thuộc về ông ngoại trong thư các của cậu, đó là ghi chép của một vị thương nhân hành Tây từ vài chục năm trước. Viết rằng trong chợ hàng Túc Châu có một loại chợ gọi là chợ ma, người thiện vượt qua sa mạc sẽ thu lại quần áo vũ khí của người chết trong sa mạc, tiền bạc bội sức tùy thân, hoặc là hàng hóa súc vật vô chủ. Cũng có mua bán kiểu làm giấy tờ đi đường, ví dụ như phạm nhân bị quan nha truy nã, hay thương nhân không giấy thông hành xuất quan, thì sẽ được người dẫn đường lén đưa ra khỏi trạm gác bên cạnh. (còn tiếp)
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương