Vị Bắc Xuân Thiên Thụ
Chương 25: Lại Ngọc Môn
Nàng tìm được một quán trọ của người Hồ, phu xe câm kéo nàng lại, gương mặt hiện lên vẻ bất bình thường, ú a ú ớ chỉ về phía Đông thành. Xuân Thiên trả kha khá tiền cho phu xe, gật đầu trấn an ông ấy, nói: "Cháu biết ạ, cháu sẽ cẩn thận." Chủ trọ là người Nguyệt Thị mũi cao tóc bện, chỉ có vợ chồng hai người ở trong quán, phòng trọ vừa bé vừa thủng chỗ này nứt chỗ kia, rất hiếm khi có khách lại thuê. Trông thấy Xuân Thiên đứng ngoài cửa, chủ trọ đã nhanh chóng phủi lớp bụi bặm trên bàn từ trước, rảo bước ra đón với nụ cười trên môi: "Vị tiểu lang quân này, mời vào trong." Nàng dùng tay ra hiệu với phu xe, rồi sau đó theo chủ trọ bước chậm rãi vào bên trong. Đến khoảng trưa trưa, bà chủ cắt một tảng thịt dê luộc to đặt vào chậu đưa tới, cùng một đĩa muối thô nhỏ, ăn kèm với bát canh thịt dê. Xuân Thiên từng ăn thịt dê thế này rồi. Lúc ở Cam Châu, Lý Vị đưa nàng với Trường Lưu và Tiên Tiên ra ngoài sắm sửa đồ Tết, trong quán ăn của người Hồ nọ, Lý Vị dùng tay xé thịt, rắc lên trên lớp muối thô, lấy thêm cho nàng củ kiệu, rau mùi. Khi đó nàng còn đang ngẩn ngơ, nhận lấy miếng thịt dê từ ngón tay mỡ bóng nhoáng của hắn, cau mày đưa tới miệng cắn một miếng, len lén nhìn hàng mi đen che khuất mắt hắn, khóe miệng nàng thầm nhếch lên, để lộ nụ cười không thể nhận ra, bỗng chốc tự thấy xấu hổ vô cùng. Hiện giờ một thân một mình, lại phải thể hiện ra "hào khí hiên ngang", rồi thì phải cởi mở can trường, nên khó tránh khỏi sinh ra cảm giác hơi hơi bức bối. Nàng cố ăn cho xong bữa, tính thuê gian phòng trọ hướng ra đường cái, đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng rằng sẽ bị chủ trọ đòi giá cao, tính ra chỉ đắt hơn mấy nhà trọ khác năm mươi văn tiền mà thôi. Nàng cầm lòng không đặng buông tiếng thở dài ngao ngán. Ở cái đất biên thùy đây, năm mươi văn tiền cũng đủ cho một người một ngày ăn uống ấm no. Hơn năm mươi văn tiền là biến thành hắc điếm. Ở Trường An, thưởng năm mươi văn tiền cho hầu gái chạy vặt là lại đổi được một cái liếc bằng nửa con mắt. Trên đời này, tất cả mọi chuyện, muốn người ta lịch sự hòa nhã với mình, thì lúc nào cũng cần đến đồng tiền. Chủ quán trọ thu tiền, trông vui vẻ ra mắt, đích thân đưa nước trà và điểm tâm lên lầu. Xuân Thiên hỏi các loại đồ dùng cho chuyến hành Tây nên tới hàng nào chọn mua, chủ trọ nhìn nàng từ trên xuống dưới, nói: "Tiểu lang quân... muốn đi đâu thế?" "Tôi muốn đến Bắc Đình." Sau khi đường Y Ngô được khai thông, rất nhiều người lui tới Tây Châu Bắc Đình. Nhưng trường hợp đi một mình, mà lại còn là nữ tử trẻ tuổi thì không nhiều lắm. "Ông chủ chớ nghi, tôi muốn đến Bắc Đình tìm người họ hàng..." Nàng thản nhiên trả lời, "Cải trang thế này, chính là để tiện đi đường thôi, không có lý do khác." "Đồ dùng thiết yếu thì có lương khô, nước suối, ngựa, bánh chấm đường, ra chợ hàng là mua được hết." Chủ trọ chỉ từng món một, mùa này thì nên chuẩn bị đồ dùng gì, nên chuẩn bị bao nhiêu, tất tần tật mọi thứ đều nói rất cặn kẽ. Nàng quyết định đi theo chủ trọ ra chợ hàng cùng xem. Những gì nàng nghe được trên đường không hề giả, ngựa tốt ở Hà Tây rất hút hàng, giá ngựa trong chợ hàng cũng tăng kha khá. Ban đầu một quan tiền là có thể mua được con la hay con ngựa bình thường, còn giờ thì đã đôn lên tận hai quan, một con ngựa khỏe vùng thảo nguyên phải bán từ hơn mười quan tiền trở lên. Lại nghe nói trạm kiểm soát Ngọc Môn vô cùng nghiêm ngặt, có đôi lần thương khách oán than rằng một số lương thực và hành khách của đội thồ hàng lớn bị từ chối cho xuất quan, mắc kẹt trong Ngọc Môn quan. Lòng Xuân Thiên lo lắng, song cũng chỉ đành chịu. Tuy nhiên nàng ở quán trọ sáu bảy ngày mà vẫn chưa gặp chợ ma gì đó, tất nhiên cũng chưa tìm được người dẫn đường gì đó nốt. Nàng hao hết sức lực để qua kiểm tra, kết quả giấy thông hành và hành lý đều đã thất lạc ở Hồng Nhai Câu. Nếu vì vậy mà không có cách ra khỏi Ngọc Môn... có lẽ, nàng sẽ mãi mãi ở lại đây chờ đợi... — Tục mai táng ở miền Bắc đơn giản, ngoài gia đình phú hào hương thân, thì chẳng đâu có lập đàn cầu khấn trăm ngày trong bầu không khí rầm rộ nữa. Mấy ngày sau khi Xuân Thiên đi, linh đường Lý nương tử được dọn dẹp, nhà chỉ thắp ngọn đèn chong, cửa sổ của căn phòng chính sáng lóa. Lý Vị và Triệu đại nương đang soát lại rương hòm trong nhà, phần lớn là quần áo trang sức, đồ dùng hằng ngày của Lý nương tử, còn cả đồ lót áo khoác hồi bé của Trường Lưu. Trường Lưu ngả vào người Lý Vị, theo dõi Triệu đại nương mang xiêm y cũ của mẹ mình ra thiêu cháy, khắp mọi ngóc ngách trong lòng trào lên nỗi khó chịu, Lý Vị kéo tay cậu, bảo: "Con muốn giữ lại đồ gì, tự đi lấy đi." Hai mắt Trường Lưu đẫm lệ: "Giữ hết lại cho mẹ đi cha." "Con phải nhớ mẹ con, nhưng không thể nhớ ngày ngày đêm đêm được." Hắn nói, "Người phải sống vì người sống, đừng sống vì người đã mất." Hai ngày sau, Lý Vị xoa tóc Trường Lưu: "Cha đi tìm chị Xuân Thiên của con về." Hắn đưa Trường Lưu sang nhà Lục Minh Nguyệt ở tạm, chỉ nói ngắn gọn: "Chờ tôi về đón thằng bé." Có lẽ, chính hắn cũng không ngờ rằng mình sẽ đi lâu như vậy, lâu đến mức đã làm thay đổi cuộc tao ngộ cả đời của hắn. Lục Minh Nguyệt nắm tay hai đứa trẻ: "Chú đừng lo, tôi coi Trường Lưu như con trai mình sinh ra, nhất định sẽ không bạc đãi thằng bé đâu." Trường Lưu ngước cắp mắt tròn xoe nhìn cha cậu lên ngựa: "Cha, cha về sớm nhé." "Được." Hắn vỗ vào đầu con ngựa của mình, "Đợi về cha sẽ đưa con đến thư viện bái sư." Hách Liên Quảng đứng ở ngoài cửa, quăng bọc hành lý da màu xanh cho hắn, Lý Vị đi qua đó, vỗ vỗ vai Hách Liên Quảng, cười nói: "Cả nhà này giao cho anh hết đấy." "Anh yên tâm." Đôi con ngươi Hách Liên Quảng đen nhạt, bên má có vết xước do móng tay cào, lầm lầm lừ lừ đáp, "Cả nhà toàn ông bà trẻ, tôi sẽ hầu hạ đến nơi đến chốn." "Đừng có bắt nạt người quá đáng đấy." Lý Vị bật cười sang sảng, "Là của anh, trước sau gì rồi chẳng về trong tay anh." — Từ cửa hàng đồ may, Xuân Thiên thay một bộ trang phục nam giới của dân tộc Hồi Hột bước ra ngoài. Trong quán trọ, hồ cơ đeo ngọc bội kêu lách cách leng keng để lộ vòng eo tuyết trắng nhìn nàng cười khúc khích, đầu ngón tay với kiểu móng đỏ chót nhẹ nhàng chọc một cái xuống khuôn ngực mềm mại của nàng, một chiếc khăn trắng muốt phất vào khuôn mặt với hai lúm đồng tiền đo đỏ trên má nàng: "Không bó ngực à, vẫn nhìn ra được là con gái." Xuân Thiên ở Lý gia mấy tháng, chỉ cảm giác vóc người mình hơi cao lên thôi, bị hồ cơ chọc thế cũng có phần hậu tri hậu giác, ngượng ngùng đưa tay che ngực lại. Dân tộc Hồi Hột ưa trang phục đậm màu, vui thì mặc hồng xanh, màu sắc diễm lệ, vạt áo cân đối, tay áo hẹp, quần dài giày cao, tiện bề cưỡi ngựa. Hồ cơ giúp Xuân Thiên cải trang thành chàng thiếu niên, nhìn trên nhìn dưới một lượt, rất ra dáng thiếu niên tuấn tú khôi ngô, tư thế oai hùng hừng hực, hồ cơ cười nói: "Này trông mới đẹp này, đi đường cũng tiện hơn. Ban ngày sa mạc oi nóng, mang theo mũ trùm đầu che nắng, ban đêm gió lớn rét lạnh, bọc người bằng áo nỉ lông là được." Xuân Thiên liên tục nói cảm ơn, mua sắm thêm mấy món đồ dùng và quần áo ấm áp. Ngoài quán trọ bấy giờ ồn ào hẳn lên, hóa ra là chỗ cửa thành có hai người dân thường bị đánh chết, có người nói hung thủ là phạm nhân bỏ trốn, cũng có người bảo là người Đột Quyệt giả dạng làm dân chúng. Nhất thời cả thành nhận lệnh giới nghiêm, mọi người đều gặp rủi ro. Cho tới ngày thứ mười Xuân Thiên ở quán trọ, thấy nàng đã chuẩn bị đầy đủ yên ngựa lương thực nhưng lại chưa có ý định khởi hành, vào chuồng cho ngựa ăn cỏ khô xong, vườn sau thanh tịnh không người, chủ trọ bèn bước tới trước mặt nàng, cười hỏi: "Có phải tiểu lang quân phải ra khỏi Ngọc Môn quan không?" "Vâng." "Vậy... muốn đi đường bộ hay qua sông?" Hai mắt nàng tức thì bừng sáng, hỏi: "Đi đường bộ kiểu gì? Qua sông kiểu gì?" "Khà khà, cái này ấy hả..." Chủ trọ đè thấp giọng, giơ tay ra dấu, "Đường bộ thì tự đi, còn qua sông... đương nhiên là có người giúp bắc cầu..." Xuân Thiên hiểu rõ, nói chậm rãi: "Ông chủ... có thể giúp tôi qua sông không?" "Không không không... Bổn phận của tiểu nhân là người làm ăn, suốt ngày chỉ biết trông quán đón khách..." Ông ta vờ đứng lên định quay đi, Xuân Thiên lấy từ trong ngực ra một quan tiền, nhét vào tay ông ta: "Mong ông chủ chỉ cho tôi một lối đi." Đó là một người đàn ông trung niên mặt vàng nom xốc vác và gầy loắt choắt, ăn mặc theo kiểu thương nhân. Chủ trọ chỉ chỉ Xuân Thiên ngồi ở vườn sau, người nọ gật đầu, rồi lại lắc đầu tính bỏ đi, chợt bị chủ trọ níu chặt. Hai người nói một thôi một hồi, người đàn ông trung niên đi đến, nói một câu đặc khẩu âm Quan Trung: "Muốn xuất quan?" Xuân Thiên gật đầu. "Một trăm lượng, ta chỉ chịu trách nhiệm đưa cô lên đường, có thuận lợi xuất quan được hay không, vậy phải coi vận may của cô đấy." Toàn bộ trên người nàng cũng chỉ dư bao nhiêu đó tiền. Xuân Thiên hít sâu một hơi, chưa kịp mở miệng nhận lời, chủ trọ sợ nàng ngại đắt, vội hỏi: "Ngọc Môn quan hiện tại không còn lỏng lẻo như trước kia nữa rồi, kiểm tra gắt gao lắm. Làm nghề này chả khác nào trò phiêu lưu mạo hiểm đầu rơi máu chảy, giá một trăm lượng là phải chăng quá rồi ấy chứ." Xuân Thiên đồng ý, thanh toán tiền đặt cọc, lại thanh toán công giới thiệu cho chủ trọ. Cách nhật, chủ trọ dẫn Xuân Thiên ra khỏi cổng thành, người đàn ông trung niên đã chờ sẵn ngoài thành, có cô gái bước xuống xe, dáng dấp trộm vía na ná Xuân Thiên, cô ấy ăn mặc như tỳ nữ, cởi quần áo của mình đổi với Xuân Thiên. Người đàn ông trung niên hóa ra là người Quan Trung bán đồ sơn mài rong, một mình dẫn theo mấy con lạc đà, một tên đầy tớ cùng hai tỳ nữ đi đến Bắc Đình. Xuân Thiên ngồi trên xe ngựa thay bộ quần áo cũ của tỳ nữ, hành lý giấu tất trong xe. Ngồi chung là cô tỳ nữ trông nhỉnh tuổi hơn Xuân Thiên, sắc mặt cô ấy lạnh như băng, nói với nàng: "Dọc đường đi có gặp quan binh kiểm tra, phải giữ im lặng, thả lỏng sắc mặt, đừng quá căng thẳng." Nàng gật đầu đáp "vâng", tỳ nữ thấy da nàng trắng quá thể đáng, bèn lấy son phấn trát lên cho vàng vàng, cố gắng sao cho càng không thu hút sự chú ý càng tốt. Ngựa kéo đi một đường về hướng Tây, cảnh vật ven đường càng lúc càng hoang vắng. Đập vào mắt là khoảng không mênh mang, xa xa chẳng nhìn thấy chút ít xanh biếc, đám cỏ lác và cỏ sa ánh lên một màu xám xịt, rặng núi cao cao cô đơn đứng lặng. Gió quét ào ào qua mặt đất, gào thét lên những thanh âm bén nhọn cứa tai. Ngang qua thành Phương Bàn tạm nghỉ chân một đêm, tỳ nữ chung xe có lẽ là thị thiếp của người chủ, không ngủ cùng Xuân Thiên. Phòng ở trong quán trọ đều được xây bằng đất nện, cửa sổ nửa đêm bị gió thổi kêu kẽo cà kẽo kẹt. Nàng nghe gió lùa suốt đêm, ngày kế lên xe, bất an trong lòng cứ bành trướng dần, chỉ mong mau chóng ra khỏi Ngọc Môn, sớm ngày đến Y Ngô. Đi được hơn nửa ngày, từ đằng xa đã trông thấy có tòa thành dựng từ đất nện vươn cao sừng sững giữa khoảng đồng hoang dã bát ngát thênh thang, những ngôi lầu nối liền nhau ngăn cách chỗ này với chỗ kia. Chỗ này là xuân hạ thu đông, bên kia là đao kiếm gió tuyết. Số lượng xe ngựa lạc đà tăng dần, người cũng đông hơn hẳn. Những khuôn mặt và tiếng nói đủ các kiểu lẫn lộn vào với nhau, khung cảnh huyên náo, bốn phía là kỵ mã mang theo cây giáo, binh sĩ lớn tiếng quát tháo. Trạm kiểm soát kiểm tra cực kỳ chậm, đội ngũ phía trước di chuyển từng tí một, tỳ nữ bên cạnh vẫn thấp giọng nói chuyện với nàng, chỉ nàng cái gì nên làm cái gì không nên làm. Nàng ngồi trong xe, tưởng như có đôi cánh mọc ra từ trong lòng, theo luồng gió thổi chui ra khỏi cánh cổng quan nho nhỏ sáng ngời kia. Đợi rất lâu rất lâu, xe ngựa dừng rồi lại đi, đi rồi lại dừng, từ Trường An đi đi dừng dừng, tính ra nàng đã đi ba nghìn dặm đường rồi đấy. Lúc đi tới chỗ cổng quan, tâm nguyện bao năm cuối cùng cũng có thể vươn tay chạm đến được rồi. Xuân Thiên hơi cúi đầu, nhìn thẳng vào ván giậm cũ nát trên xe ngựa, con ngựa quất đuôi đuổi con muỗi đậu trên người đi. Binh sĩ trông thành thong thả đặt câu hỏi, đi mấy người, tới từ nơi nào, muốn đi đâu, có bao nhiêu hàng. Mọi cái đều được thông qua, binh sĩ phất tay cho đội hàng ra cổng quan. Xe ngựa tiếp tục lắc lư chạy về trước, gió ải Bắc tràn vào từ cổng quan, khoang mũi ngập tràn mùi vị của gió và bụi. Nàng thở phào nhẹ nhõm, đầu ngẩng lên, chỉ thấy trời chiều như máu, vô biên vô tận, Mạc Bắc chạy dài tựa bức họa cuộn tròn, như thể đang trải ra ngay trước mắt nàng. Vừa lên đường chưa bao lâu, nỗi hoảng hốt bao trùm nàng như chim sợ cành cong. Vậy mà có đâu ngờ, cứ cắn răng nuốt lệ đi như thế, lại khiến nàng bị cuốn vào trận cửu tử nhất sinh trong hành trình tới Hà Tây, nàng chưa từng nghĩ mình sẽ đi xa đến vậy. Sau xe ngựa có tiếng bước chân, người đàn ông bước nhanh lại, bất thình lình có bàn tay to chụp lấy bả vai nàng, thuận thế kéo cả người nàng từ trên xe ngựa xuống dưới đất. Xuân Thiên đang đắm chìm trong giả tưởng vô bờ, bất ngờ bị kéo giật một cái như thế, nàng hét lên một tiếng, hai mắt hoa hoa đứng trên mặt đất bằng phẳng. Tim nàng như muốn vọt ra khỏi lồng ngực, cay đắng ngọt bùi trong lòng bị người đàn ông cắt đứt, nhất thời không rõ là cảm xúc gì. Khi đứng vững lại thì thấy, người đàn ông kéo nàng mặc bộ áo xám, tà dương rực đỏ chiếu vào sườn mặt hắn, làm nổi lên nét mày như mực, đồng tử như sao. Nàng biết người này. (còn tiếp)
Bạn có thể dùng phím mũi tên
hoặc WASD để
lùi/sang chương