Lời Nguyền Của Lửa

Chương 34: Bát Nhã Cư



Dọc theo những hành lang cửu khúc vắng lặng, Yên Vũ tìm thấy Diệu dưới một gốc hòe cổ thụ.

Diệu đã đứng ở đó rất lâu, lâu đến độ ánh nắng xuyên qua tầng tầng mây mù, ánh nắng xuyên qua tầng tầng lầu các, ánh nắng xuyên qua tầng tầng cây cối cuối cùng cũng đổ xuống người ngài. Cả người Diệu trong biển nắng sớm lại toát ra một thứ khí tức thần thánh khó tả. Làn da kì lạ lấp lánh kim quang, cộng thêm khuôn mặt hoàn hảo đến yêu mị khiến khung cảnh mơ hồ có chút không thực, khiến người ta khó lòng nắm bắt nhưng lại không dám rời mắt, như thể chỉ cần quay lưng lại thôi, con người mang vẻ đẹp thần thánh kia sẽ lập tức tan đi trong nắng sớm.

Khung cảnh đó thật đẹp đẽ nhưng cũng thật cô tịch, so với sự náo nhiệt trong điện Ngọc Dịch như một thế giới khác, thế giới chỉ có con người đó và những hồi ức xa xăm của chính mình. Đôi mắt đen thẫm vẫn không rời khỏi mảnh đất trống trước mặt, không có bi lụy, cũng không có đau thương, chỉ là một cảm giác trống rỗng đến mờ mịt nhưng so với bi lụy hay đau thương còn tuyệt vọng hơn gấp trăm lần, thống khổ hơn gấp trăm lần.

Rốt cuộc thì chuyện gì đã xảy ra?

Là loại chuyện gì có thể khiến một người lớn lên trong phong quang vô tận phải trầm luân trong cõi địa ngục suốt bao nhiêu năm trời?

Yên Vũ nhìn Diệu rồi lại nhìn mảnh đất trống trước mặt. Đó chỉ là một mảnh đất trống khô cằn, bình thường như bao nơi hoang vu khác. Nhưng giữa một Chu Cung bốn bề cây cối rợp trời lại có một mảnh đất chết thế này thì thật vô cùng kì lạ, thậm chí trông còn khá chướng mắt nữa.

- Nơi này đã từng là Bát Nhã Cư.

Có tiếng thì thầm vang lên từ phía sau, người đầy tớ già không biết đã đứng đó tự bao giờ. Lời nói ra không chỉ chua xót mà còn khiến người ta hoang mang đến cực độ.

Đông có Thiên Hồ Sơn với đào lâm vạn dặm.

Tây có Bát Nhã Cư với trúc viên ngàn năm.

Hai nơi này đều là nhân gian tuyệt cảnh nổi danh thiên hạ.

Tuy so về quy mô hay số lượng đều không thể sánh với vạn dặm rừng đào hoa mãn thiên của Thiên Hồ Sơn, nhưng Bát Nhã Cư có thể xếp ngang hàng đương nhiên cũng có đạo lý riêng của nó.

Trúc Bát Nhã của Bát Nhã Cư được xếp vào hàng ngũ đại linh bảo, thân trúc xanh bóng, trong veo như ngọc, nhẹ như mây nhưng lại cứng như thiết cương, cho dù làm thành đàn hay sáo, âm vực đều có thể nâng lên đến độ thượng thừa, chính là mơ ước cả đời của các nhạc gia sư phụ. Hơn nữa tuổi trúc càng lớn thì màu sắc lại càng đẹp, hoa văn lại càng tinh mỹ, thân trúc lại càng cứng rắn, giá trị thì khỏi cần phải bàn.

Tương truyền lão nhân gia của Đệ Nhất Kiếm Trang vì thỉnh cầu Tiên Vương một đoạn trúc để đúc kiếm mà lặn lội ngàn dặm đến hang Vô Tích lấy cho được nước trời tinh khiết làm quà tạ lễ. Tiên Vương vì cảm động trước tấm lòng thành đã tặng ông một đoạn trúc trăm năm quý báu. Cuối cùng trong năm đó, Bát Nhã Kiếm trong suốt mỹ lệ, nhẹ tựa lông hồng, chém sắt như bùn nhanh chóng danh chấn giang hồ, trở thành trấn sơn chi bảo của Đệ Nhất Kiếm Trang cho đến mấy trăm năm sau.

Chỉ một đoạn trúc trăm năm đã quý giá như vậy, đằng này Bát Nhã Cư chính là một rừng trúc Bát Nhã ngàn năm tuổi, là tạo vật kì diệu nhất của thần linh. Bốn mùa xanh mướt, thân trúc lấp lánh như lưu ly, chỉ cần một tia sáng lọt qua, cả rừng trúc sẽ trở thành ngàn vạn điểm sáng như ngân hà, có thể biến đêm thành ngày, có thể biến trời thành đất, rực rỡ mà mỹ lệ vô cùng.

Những danh nhân nhã khách từng thưởng ngoạn tại nơi này, trong hương trúc Bát Nhã say lòng người đều đồng ý với câu:

- Nhân gian tuyệt cảnh chỉ có thể dùng hai chữ "tinh diệu" để hình dung.

Nhưng năm tháng bể dâu, ai có thể ngờ được sự đời thay đổi khó lường. Lão nhân giương đôi mắt đã mờ đục nhìn bóng người vẫn đứng yên trong nắng sớm.

Vẫn là nơi đó nhưng nhân gian tuyệt cảnh năm nào chỉ còn lại một mảnh đất trống khô cằn...

Vẫn là người xưa nhưng nụ cười tỏa nắng của vị tiểu chủ nay còn đâu...

- Trúc Bát Nhã năm đó đã nở hoa. - tiếng thì thào của lão nhân vang lên như từ cõi mộng.

- Trúc mà cũng nở hoa sao?

Thẩm lão nhìn nàng mỉm cười, vẫn kiên nhẫn giảng giải:

- So với những loại thực vật khác, tre trúc cần đến năm năm để nảy mầm nhưng chỉ trong một tuần sau đó liền có thể thành hình, còn muốn nở hoa e phải mất cả trăm năm, đời người chưa chắc có thể nhìn thấy được.

Yên Vũ thì thầm cảm khái:

- Giống như quân tử vậy, thật muốn nhìn thấy một lần.

- ... nhưng hoa trúc là điềm đại hung, bởi tre trúc sau khi nở hoa sẽ đều tàn lụi mà chết cũng như báo trước thiên tai nhân họa.

Yên Vũ thấy tim mình như thắt lại, có một nỗi bất an như sóng triều đang dâng lên, nàng do dự rất lâu mới dám hỏi:

- Thế còn... trúc Bát Nhã?
Chương trước Chương tiếp
Loading...